Nhân danh những phụ nữ ngã xuống, thư viện mọc lên tại Afghanistan

28/02/2021 - 06:00

PNO - Khi các cuộc đàm phán đang tiến triển, chưa rõ liệu Afghanistan có thể đạt được hòa bình với Taliban trong khi vẫn duy trì những lợi ích về quyền và giáo dục của phụ nữ hay không. Do đó, gia đình những phụ nữ thiệt mạng do bom đã xây dựng các thư viện để tưởng nhớ người thân của mình.

Khi Najiba Hussaini, người vợ sắp cưới của Hussain Rezai, bị giết trong một vụ đánh bom liều chết của Taliban ở Kabul, Hussain Rezai không biết tưởng nhớ người phụ nữ của đời anh như thế nào. Anh Rezai (nhân viên chính phủ, 33 tuổi), nói: “Tôi đã mất tình yêu của mình nhưng tôi không được phép than khóc”. 

Hussain Rezai mất vị hôn thê tương lai trong một cuộc tấn công của Taliban vào năm 2017. Anh thổ lộ: “Tôi đã mất ba năm để biến nỗi đau buồn của mình thành một điều tích cực” và đó chính là thư viện mang tên Najiba Hussaini
Hussain Rezai mất vị hôn thê tương lai trong một cuộc tấn công của Taliban vào năm 2017. Anh thổ lộ: “Tôi đã mất ba năm để biến nỗi đau buồn của mình thành một điều tích cực” và đó chính là thư viện mang tên Najiba Hussaini

Câu chuyện bi thương trên diễn ra vào tháng 7/2017 khi một kẻ đánh bom Taliban cho nổ chiếc xe chở đầy chất nổ, giết chết ít nhất 24 người, bao gồm cả Najiba Hussaini (28 tuổi).

13 tháng sau, ở phía bên kia thành phố, 40 sinh viên khác thiệt mạng khi một chiến binh nhà nước Hồi giáo tự xưng kích nổ quả bom tại một trung tâm luyện thi đại học. Trong số những người thiệt mạng có Rahila Monji (17 tuổi) con út trong một gia đình có chín anh chị em.

Những phụ nữ này không hề quen biết nhau nhưng cuộc sống của họ đã bị cướp mất bởi cùng tình trạng bạo lực, giết chết hàng ngàn người và để lại những lỗ hổng trong cuộc sống của vô số người Afghanistan.

Giờ đây, khi các cuộc đàm phán giữa chính phủ Afghanistan và Taliban đang dần tiến triển ở Qatar, nhiều người lo lắng rằng một thỏa thuận hòa bình có thể đồng nghĩa với việc những tiến bộ mà phụ nữ Afghanistan đạt được trong hai thập kỷ qua sẽ mất đi. Đồng thời, khả năng Taliban trở lại nắm quyền là một lời nhắc nhở nghiệt ngã đối với gia đình của Hussaini và Monji rằng di sản mà họ tạo ra có thể sớm bị san phẳng.

Hamid Omer, anh trai của Monji, nói: “Tôi không bao giờ muốn hệ tư tưởng của Taliban cai trị người dân của mình một lần nữa. Ngôi làng nơi tôi sinh ra buộc phải đốt tất cả sách giáo khoa có sẵn trong trường. Tôi sợ chúng tôi sẽ lại gặp tình huống tương tự”.

Nỗ lực của người phụ nữ đam mê tri thức

Khi còn là sinh viên, Hussaini quyết tâm học tập đến mức cô đi bộ một tiếng rưỡi từ nhà đến trường, đồng thời dạy bán thời gian để có tiền đóng học phí.

Cô đã tỏa sáng rực rỡ, sở hữu một thành tích ấn tượng đối với đứa trẻ đến từ tỉnh nghèo nhất Afghanistan - Daikundi. Sau khi lấy bằng cử nhân ngành máy tính ứng dụng ở Ấn Độ, Hussaini đã hoàn thành bằng thạc sĩ tại Nhật Bản.

Trên con đường học vấn của Hussaini, gia đình cô từng phải đối mặt với mối đe dọa thường xuyên từ Taliban - những kẻ tìm cách đốt phá các trường học nữ sinh, đe dọa giết các học sinh nữ và tạt a-xít vào mặt họ.

Sinh thời, Hussaini luôn nói tỉnh Daikundi nên có một thư viện. Đây được xem là tham vọng táo bạo ở một đất nước có khoảng 38 triệu dân và chỉ có 100 thư viện công cộng. Vì thế, tháng 7/2019, anh Rezai đã mở Thư viện Tưởng niệm Najiba Hussaini ở Nili, thủ phủ của Daikundi.

Lúc đầu, toàn bộ thư viện chỉ bao gồm 400 quyển sách cũ của Hussaini. Hiện tại, nó có hơn 12.500 cuốn sách, tạp chí và báo cáo nghiên cứu. Hầu hết trong số đó được quyên góp. Thư viện phổ biến với những người trẻ tuổi, nhiều người trong số họ là sinh viên thường xuyên thiếu tài nguyên giáo dục, đặc biệt là sách.
Anh Rezai nói: “Najiba chưa chết, cô ấy vẫn sống cùng tất cả các cô gái và chàng trai đến thư viện học tập”.

Điều ước của em gái

Ở Kabul, Monji cũng có tham vọng tương tự Hussaini. Là người rất ham đọc, đặc biệt là những cuốn tiểu thuyết bằng tiếng Ba Tư và tiếng Anh, Monji luôn có đầy những ý tưởng kỳ lạ và mơ ước mạnh mẽ.

Thay vì tổ chức lễ tang truyền thống sau khi Rahila Monji bị giết, anh trai cô quyết định dành số tiền đó để mở một thư viện tại thủ đô
Thay vì tổ chức lễ tang truyền thống sau khi Rahila Monji bị giết, anh trai cô quyết định dành số tiền đó để mở một thư viện tại thủ đô

Khi Monji nói với anh trai của mình, Omer, rằng cô đã đứng thứ năm của lớp trong kỳ thi thực hành hằng năm, người anh trai hứa thưởng cho cô 1.000 USD nếu Monji vượt lên đứng đầu lớp và thống nhất rằng họ sẽ sử dụng số tiền đó để mở một thư viện miễn phí trong cộng đồng nơi gia đình sinh sống. 

Monji đã khiến anh trai ngạc nhiên với kết quả đứng đầu lớp và kiên quyết thực hiện mơ ước thành lập thư viện.

Nhưng Monji không thể nhìn thấy ước mơ của mình trở thành hiện thực. Ngay ngày hôm sau, tháng 8/2018, Học viện Mawoud, nơi cô gái đang theo học đã bị phá hủy bởi một kẻ đánh bom liều chết từ tổ chức nhà nước Hồi giáo tự xưng. Monji nằm trong số hàng chục người thiệt mạng đợt đó.

Sau khi đưa thi thể em gái về nhà, Omer đã tìm thấy cuốn nhật ký của Monji được xếp cùng sách vở trên bàn. Omer nói: “Nó chỉ chứa đầy những mong muốn đơn giản của con bé về hòa bình và một tương lai tốt đẹp hơn”.

Gia đình Monji chọn căn phòng ở tầng trên của một nhà thờ Hồi giáo trong khu phố của họ ở Kabul để làm thư viện và nhờ mạng xã hội, các khoản quyên góp sách liên tục đổ đến. Gia đình tiếp tục thành lập Quỹ Rahila, trao học bổng cho trẻ em nghèo vượt khó, tổ chức các chương trình đào tạo kỹ năng và phát triển cá nhân.

Anh Omer nói: “Bây giờ em gái tôi giúp đỡ cho cuộc sống của hàng trăm người khác. Linh hồn của con bé nằm trong mỗi người họ… Việc thành lập một thư viện là cú tát mạnh vào mặt tất cả các nhóm khủng bố ở Afghanistan".

Mong ước cho tương lai

Những người thân của Hussaini và Monji đã thực hiện cùng một ước mơ: xây dựng thư viện công cộng để tưởng nhớ những phụ nữ đã mất vì bom đạn.

Phòng nghiên cứu của Quỹ Rahila ở Kabul, Afghanistan, được đặt theo tên của một học sinh trẻ đầy triển vọng, bị giết trong cuộc tấn công của nhà nước Hồi giáo tự xưng IS
Phòng nghiên cứu của Quỹ Rahila ở Kabul, Afghanistan, được đặt theo tên của một học sinh trẻ đầy triển vọng, bị giết trong cuộc tấn công của nhà nước Hồi giáo tự xưng IS

Ngày nay, những thư viện đó - một ở thủ đô Kabul và một ở tỉnh Daikundi - là biểu tượng của tiến bộ đạt được đối với bình đẳng giới và tiếp cận giáo dục ở Afghanistan, nơi có tới 3,5 triệu trẻ em gái đang theo học tại trường - theo một báo cáo gần đây của cơ quan giám sát Mỹ - và tính đến năm 2018, 1/3 giáo viên trên toàn quốc là phụ nữ.

Thế nhưng những thành quả đó vẫn đang bị lu mờ bởi bạo lực. Theo Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF), nhiều trung tâm giáo dục thường xuyên là mục tiêu của các cuộc tấn công khủng bố và hơn 1.000 trường học đã phải đóng cửa trong những năm gần đây.

Các nhà đàm phán của Taliban ở Qatar cho biết họ ủng hộ quyền của phụ nữ nhưng chỉ theo cách giải thích của họ về luật Hồi giáo. Mặt khác, bất kỳ điều kiện cụ thể nào của thỏa thuận chia sẻ quyền lực giữa Afghanistan và Taliban cho đến nay đều không đề cập chi tiết đến quyền của phụ nữ Afghanistan.

Theo báo cáo của cơ quan giám sát, ngày càng có nhiều lời đồn đoán rằng, đất nước có thể “đánh đổi quyền của phụ nữ để lấy hòa bình”. Nhưng một số nhà hoạt động coi lệnh ngừng bắn vĩnh viễn là chất xúc tác để tăng cường quyền của phụ nữ.

Metra Mehran - một thành viên tổ chức Chiến dịch quan điểm nữ quyền, sáng kiến truyền thông xã hội ủng hộ quyền phụ nữ ở Afghanistan, cho biết: “Phụ nữ đã là những người tạo ra sự thay đổi, không chỉ vì sự hòa nhập của tiến trình hòa bình mà còn là người mở đường cho sự hòa giải ở cấp địa phương. Lệnh ngừng bắn sẽ tạo cho phụ nữ không gian để đấu tranh vì sự đại diện của mình trong quá trình này và đảm bảo quan điểm của họ được phản ánh trong các chính sách, quyết định của quốc gia". 

Ngọc Hạ (theo NY Times)

 


 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI