Văn hóa nghệ thuật việt trong vòng xoay xu hướng

Nhạc việt 2020: chuyển mình với nhiều xu hướng mới

13/02/2020 - 06:58

PNO - Nhạc Việt 2020 đang được kỳ vọng mở ra những trào lưu, xu hướng mới trong bức tranh nhiều màu sắc với những tên tuổi đình đám hoặc trẻ măng.

Văn học, văn hóa dân gian kết hợp với âm nhạc hiện đại: tiếp tục thăng hoa

Văn hóa dân gian từ hình ảnh đến âm nhạc là kho tàng gần như vô tận để các nghệ sĩ có thể khai thác, biến tấu và thỏa sức sáng tạo. Sự gần gũi, quen thuộc của các tác phẩm hoặc câu chuyện dân gian nếu được sử dụng sáng tạo, đúng lúc, đúng chỗ sẽ giúp các sản phẩm âm nhạc được đón nhận.

Về mặt tâm lý và cả tâm thức, người Việt nào cũng muốn được nhìn thấy những hình ảnh trong tưởng tượng “bước ra” đời thực. Sự thành công của MV Để Mị nói cho mà nghe và album Hoàng của ca sĩ Hoàng Thùy Linh chính là minh chứng cho sự biến hóa tài tình ấy. Năm 2019, xu hướng này chỉ mới dừng lại ở phần nổi, tức phần nhìn qua các MV. Trong năm 2020, chắc chắn các ca sĩ sẽ dụng công đầu tư hơn để những sản phẩm âm nhạc này thỏa mãn cả phần nghe.

bộ
Ba thành viên trong nhóm DTAP - góp phần làm nên thành công của ca sĩ Hoàng Thùy Linh trong năm 2019

Sự đổ bộ của những gương mặt trẻ

Đạt G, LyLy, Thịnh Suy, Amee… đã mang đến làn gió mới cho nhạc Việt 2019 với các bản nhạc chất lượng, có cá tính và cảm xúc trong từng ca khúc. Ngoại trừ bộ đôi ca nhạc sĩ gắn liền với nhau là Amee và LyLy (các ca khúc Nếu anh không phiền, Đen đá không đường, Anh nhà ở đâu thế…) thì Đạt G (các ca khúc Về, Khó vẽ nụ cười, Bánh mì không, Em chưa giấu anh điều gì, Anh ơi ở lại…) và Thịnh Suy (ca khúc Một đêm say) đều là các ca sĩ, nhạc sĩ tài năng, hứa hẹn nhiều bứt phá trong thời gian tới.

Sẽ thật thiếu sót nếu bỏ qua bộ đôi tài năng Thịnh Kainz - Kata Trần nhóm DTAP (cùng với Tùng Cedrus hòa âm, là ba thực tập sinh trong công ty của nhạc sĩ Nguyễn Hải Phong). Đây chính là bộ đôi đã viết nhạc và lời cho sáu ca khúc trong album Hoàng của ca sĩ Hoàng Thùy Linh. Không dừng lại ở đó, họ còn tham gia viết nhạc bộ phim Anh thầy ngôi sao. Âm nhạc của họ hiện đại, có chất riêng, thấm đẫm hồn Việt, và để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp.

Làm một so sánh nhỏ, các gương mặt tài năng trước đây như Mew Amazing, Vũ Cát Tường hay Bùi Lan Hương… đều được biết đến từ những chương trình truyền hình thực tế liên quan đến âm nhạc như Bài hát Việt, The Voice hay Sing My Song, thì những gương mặt vừa liệt kê ở trên hoặc lần đầu xuất hiện (Thịnh Kainz - Kata Trần), hoặc tiếp cận người yêu nhạc từ hình thức nhạc trực tuyến - dấu hiệu cho thấy những thế hệ âm nhạc mới đã hình thành tương tự quy luật trong dòng chảy của làng nhạc thế giới.

Độ tuổi của họ ngày càng trẻ hơn. Họ dần khẳng định được dấu ấn âm nhạc, tạo được lòng tin với công chúng, và dễ dàng nắm bắt thị hiếu và xu hướng công nghệ mới để đưa tác phẩm tiếp cận người nghe. 

MV vui nhộn: tiếp tục bùng nổ

Để Mị nói cho mà nghe (Hoàng Thùy Linh), Sáng mắt chưa (Trúc Nhân), Hãy trao cho anh (Sơn Tùng M-TP ft. Snoop Dogg), Diva (Thu Minh), Anh em ta là cái gì nào? (Isaac)… dù mô tả những vấn đề khác nhau, cũng đều là những MV vui nhộn, ấn tượng ngay từ lần đầu xem với âm nhạc bắt tai, hình ảnh trau chuốt, bắt mắt, chuyển tải được nhiều thông điệp.

 

 

 

  

Sự thành công của các MV này đã đặt ra một chuẩn mực mới cho các MV sau đó. Nhiều tiền thôi chưa đủ. Một MV muốn thu hút còn cần cả ý tưởng “độc nhất vô nhị”. Và thay vì chọn các MV cổ trang, tình cảm… các MV trong năm 2020 sẽ tiếp tục xu hướng vui nhộn, lầy lội, mang lại tiếng cười thư giãn cho người xem.

Album truyền thống: hứa hẹn sôi nổi

Nhạc Việt trong 5 năm trở lại đây bắt đầu có sự phân tầng mạnh mẽ. Mỗi dòng nhạc, mỗi thể loại đều sở hữu lượng người nghe nhất định. Các cuộc cãi vã giữa nhạc sang, nhạc sến dần trở nên ngớ ngẩn. Các ca sĩ thay vì quanh quẩn trong thị trường Việt Nam, đã bắt đầu nuôi tham vọng bước ra thế giới, và có những nỗ lực nhất định để chinh phục thị trường này. Cùng với sự trỗi dậy rầm rộ của các ca sĩ indie, khái niệm underground và mainstream cũng dần xóa nhòa khoảng cách.

Năm 2020 là cột mốc mới của thập niên, cũng là một năm đánh dấu đẹp cho các ca sĩ làm nghề lâu năm. Năm nay sẽ chứng kiến sự ra đời của nhiều album thú vị, độc đáo, ở nhiều thể loại khác nhau. Đó có thể là rapper Suboi, rapper Hà Lê, là ca sĩ Uyên Linh, Lân Nhã, Trúc Nhân… Với những tên tuổi này, album truyền thống sẽ có mùa bội thu. Đĩa vinyl cũng có thể tái xuất, dù không mạnh mẽ nhưng chắc chắn đây là dòng chảy bền bỉ.

Cũng đừng quên các live show, những lễ hội âm nhạc. Thiếu chúng, nền âm nhạc sẽ trở nên đìu hiu và loãng vị. Ngoài Hò dôMonsoon Music Festival hay chương trình âm nhạc trong nhà cực kỳ thành công mang tên Music Home, cùng chờ xem, những chương trình mới mẻ nào sẽ xuất hiện. 

Hò dô -
Hò dô - lễ hội âm nhạc quốc tế khá thành công của TPHCM năm 2019

 

 Công nghệ blockchain và podcast thay đổi ngành công nghiệp âm nhạc thế giới

1. Sự phát triển mạnh mẽ của các nền tảng trực tuyến đã, đang và sẽ tiếp tục làm thay đổi bộ mặt của ngành công nghiệp âm nhạc thế giới. Trước đây, nghệ sĩ trẻ phải phụ thuộc rất nhiều vào các hãng thu âm thì giờ đây, bên cạnh những nền tảng sẵn có như YouTube, các nền tảng mới dựa trên công nghệ blockchain sẽ giúp đỡ họ. Giải pháp này mang đến cho những người trẻ tài năng cơ hội giới thiệu sản phẩm âm nhạc mới, được làm việc với các chuyên gia, nghệ sĩ tên tuổi. Trên nền tảng này, người dùng có thể tìm đối tác, mở dự án và mua lại bất kỳ thành phần nào của một bài hát, từ nhạc, giai điệu cho tới lời bài hát, giọng ca… 

2. Streaming (hình thức nghe nhạc trực tuyến) lấn át hình thức nghe nhạc truyền thống ư? Đó là câu chuyện xưa rồi! Theo báo cáo của NPR (National Public Radio, Mỹ), hơn 4.000 công dân Mỹ tuổi trên mười ba, hiện đang nghe trung bình bốn giờ nội dung âm thanh mỗi ngày, qua radio, âm nhạc, podcast (các tập tin âm thanh hoặc video mà người dùng có thể tải về và nghe)  và audiobook (sách nói). Trong năm 2014, 80% số giờ nghe của dân Mỹ là dành cho âm nhạc. Năm 2019, với sự hiện diện của podcast, các chỉ số này đã thay đổi. Dịch vụ chia sẻ nhạc giảm xuống còn 76%, trong khi các dịch vụ có lời nói khác (spoken word) tăng lên 24%. Điều này có nghĩa thị phần âm nhạc giảm 5% (từ tỷ lệ phần trăm năm 2014 so với năm 2019), còn spoken word thì tăng 20%.

Đó là lý do trong năm 2019, hai “ông lớn” của làng nhạc trực tuyến là Apple Music và Spotify đã vung tiền vào podcast nhằm sở hữu các công ty phân phối nội dung cho podcast hoặc sở hữu các podcast độc quyền. 

 

Hoàng Linh Lan
 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI