Họa sĩ Nguyễn Khắc Chinh: Lột những lớp mặt nạ trong thế giới ma-nơ-canh

09/02/2020 - 06:52

PNO - Những gương mặt đẹp, kiêu kỳ nhưng lạnh, khoảnh khắc Nguyễn Khắc Chinh “tóm” nhân vật của mình, tóm trạng thái của chính mình và đưa lên tranh, tôi cực kỳ tâm đắc với câu nhận xét của nhà phê bình Lý Khắc Sơn: “Sự khác biệt của anh là tạo ra sự bất động phi thời gian cho các nhân vật”.

Người đi tìm mình trong thế giới của ma-nơ-canh

Phóng viênThế giới của ma-nơ-canh có gì cuốn hút khiến cho một họa sĩ như anh chọn để làm nhân vật sáng tác của mình?

Họa sĩ Nguyễn Khắc Chinh: Thế giới của ma-nơ-canh luôn thu hút tôi. Ai cũng hỏi, đó là thế giới con người được thể hiện qua ma-nơ-canh phải không? Tôi thường không muốn giải thích quá nhiều hay nói nhiều quá. Sự thật đúng là tôi thường lấy chất liệu từ xã hội và mọi thứ xung quanh mình, đặc biệt, là những thứ mà tuy nhìn lúc đầu, bạn có thể thấy quá bình thường, nhưng chính chúng lại có tính điển hình. 

Nói là ma-nơ-canh nhưng đúng là chúng có cách tạo hình và biểu cảm mang nội tâm của con người.

Việc tạo cho nhân vật từ những tính cách hiện thực là một quy trình khá phức tạp. Nó chẳng cụ thể là ai, người nào, nhưng lại nhìn quen quen, giống nhiều người thực ngoài đời. Cách xây dựng nhân vật của tôi giống cách đại văn hào Victor Hugo khi ông xây dựng các nhân vật của mình. 

 

* Mở đầu rất ấn tượng bằng tác phẩm vẽ Cô Chín Thượng Thiên. Tác phẩm còn được chọn làm bìa cuốn sách. Điều gì khiến anh quan tâm và lựa chọn đề tài mang chất liệu dân gian và tâm linh?

- Tôi nghĩ nếu không nghiên cứu, không am hiểu, thậm chí, nếu không “thuộc về” thì khó có thể chạm vào thế giới đó. Tôi sinh ra, lớn lên ở một làng quê Bắc bộ, nên nhiều khi những thứ dân dã cứ ngấm dần vào người tôi, hoặc nói, đó là những chất liệu để nuôi tôi lớn lên cũng đúng. Còn sau này, khi tôi trưởng thành, tìm hiểu và quan tâm tới nghệ thuật dân gian, tâm linh, tôi cảm thấy đó là một thế giới phong phú gần gũi với chính mình. Bức Cô Chín Thượng Thiên, từ nhát cọ đầu tiên đến khi hoàn thiện là một quá trình dài, khi một tác phẩm hoàn thiện thì mọi thứ vừa đủ, không thừa không thiếu điều gì và tạo cảm giác thỏa mãn thể hiện được hết ý tưởng.

* Những bà và những mẹ, những nét văn hóa dân gian có ảnh hưởng thế nào trong tranh của anh?

- Bạn sẽ không thấy họ hiện hữu trong tranh của tôi, nhưng dường như ai cũng đọc được trong tranh có nét gì đó khá gần gũi. Có lẽ do những gì tôi thể hiện chăng? Tôi thường thích lang thang trong những ngôi làng đồng quê Bắc bộ, đi chùa, tham dự một khóa lễ, có lẽ những gì dân dã nhất cũng tồn tại trong người mình, nó tự nhiên như hơi thở. Thế nên, khi sáng tác, những chi tiết rất nhỏ, lại toát lên được tinh thần đó, cho dù nhiều khi có sự đối lập, nhưng không hề chênh nhau. Bên cạnh sự hiện đại hoặc cổ điển, lại có những nét khá dân dã và thuần Việt. 

* Phải chăng đó là sự kết hợp để hoàn thành tác phẩm nàng Mona Lisa Việt Nam?

- Tôi rất thích bức tranh này, cách tạo hình đưa nàng Mona Lisa Việt Nam, phía sau là tháp Rùa hồ Gươm, như một cách suy ngẫm và đưa các nét tiêu biểu, rõ là Mona Lisa mà rõ lại là cô gái Việt. Còn về cảm nhận thì tùy mỗi người.

Bữa tiệc hạnh phúc (tranh sơn dầu trên canvas)
Bữa tiệc hạnh phúc (tranh sơn dầu trên canvas)

Những khuôn mặt phi giới tính

* Những cô gái có gương mặt lạnh, kiêu kỳ, nhưng không che giấu được nỗi buồn hay sự trễ nải, nên nếu nói đây là những gương mặt vô hồn của ma-nơ-canh thì dường như không hẳn vậy? 

- Đúng rồi. Thế giới ma-nơ-canh, chỉ là cái để tạo hình. Những gương mặt ma-nơ-canh mà người ta thường nói, có cái đẹp vô hồn, nhưng ở đây, tôi muốn tạo những khung cảnh, những suy ngẫm nội tâm, để mỗi người nhìn vào đó, có thể hình dung ra những nhân vật sống động và có chiều sâu. Có thể là một cô gái sau buổi đi làm về mệt nhọc. Một cô gái ngả đầu trên sách, những cô gái ngồi tâm sự nhỏ to… Thế giới của cô là gì và dường như chính con người mới phải mang nhiều lớp mặt nạ chứ không phải các cô ma-nơ-canh.

* Vì sao anh lại nghĩ chính con người phải mang nhiều lớp mặt nạ chứ không phải ma-nơ-canh?

- Cuộc sống có quá nhiều thứ phải lo lắng, sống là một quá trình mang nhiều ý nghĩa, vui buồn giận dữ xen lẫn nhau. Họ phải tìm cho mình một vỏ ngoài để che giấu cảm xúc. Không biết lớp mặt nạ nào mới là gương mặt thật của mình. Dần quen, có khi họ quên luôn con người thật của mình và chạy theo những thứ ảo, chạy theo cái bên ngoài để làm vừa lòng người khác mà dần chối bỏ con người thật của mình.

* Trong tranh có những nhân vật dường như phi giới tính? Một số nhân vật trong tranh mang chính khuôn mặt của anh? Có lẽ đó là một dụng ý?

- Nếu trong tranh bạn cảm thấy như vậy, thì đó cũng chỉ là cái mà tôi muốn đưa ra cho công chúng. Trong mỗi người đều có tính nam và tính nữ. Sử dụng cách biểu hiện phi giới tính hoặc mang chính mình ra làm chân dung tự họa, đều nằm trong lộ trình sáng tác của tôi. Đôi khi, người nghệ sĩ chỉ làm việc mình đang làm, đó là sáng tác. Còn lại, trí tưởng tượng của người thưởng thức hay hơn rất nhiều, chúng thường rộng hơn, và vượt xa cả sự sáng tạo của họa sĩ.

Sử dụng cách biểu hiện phi giới tính hoặc mang chính mình ra làm chân dung tự họa đều nằm trong lộ trình sáng tác của họa sĩ Nguyễn Khắc Chinh
Sử dụng cách biểu hiện phi giới tính hoặc mang chính mình ra làm chân dung tự họa đều nằm trong lộ trình sáng tác của họa sĩ Nguyễn Khắc Chinh

* Anh rất hay sử dụng áo dài cho các nhân vật ma-nơ-canh của mình, vì sao vậy?

- Tôi rất yêu các bộ trang phục áo dài cổ truyền nên muốn để nhân vật trong tranh của mình mặc áo dài. Dường như sâu trong lớp áo truyền thống đó, có những sự nổi loạn của ngày hôm nay, của đời sống nhiều biến động. Cho dù trang phục của các cô có theo lối xưa, nhưng cái tinh thần lại khác, đó là đời sống đương đại. Có nhiều điều khác biệt, nỗi lo âu, niềm hạnh phúc, tình yêu, sự cô đơn, sự mất cân bằng trong vòng xoáy vật chất, tất cả được thể hiện sâu dưới lớp tranh, dưới gương mặt nhân vật. Tôi không phản ảnh hiện thực, nhưng từng người cảm nhận mà có thể đồng cảm hoặc có cảm giác thế nào tùy thuộc vào người xem. 

Ơn trời, tôi sống bằng nghề

* Tìm được một lối đi riêng cho mình có lẽ là một điều không mấy dễ dàng, anh đã trải qua những điều ấy như thế nào?

- Tôi đã có buổi trò chuyện sau cuộc triển lãm vừa rồi với các bạn trẻ để chia sẻ về lộ trình hay nôm na là công việc bếp núc của một họa sĩ. Từ cách nạp kiến thức, nghiên cứu, tìm đường đi riêng của mình, chủ đề sáng tác, tới cách sử dụng màu… Tôi không muốn giấu gì hết. Tôi muốn chia sẻ và công khai kinh nghiệm cho các bạn trẻ, mong quá trình tìm đường rất vất vả, trả giá hơi nhiều của tôi sẽ là bài học kinh nghiệm để các bạn đi đúng đường nhanh hơn.

Con đường tôi chọn quả thực là một cuộc vật lộn với chính bản thân, môi trường nghệ thuật thì khắc nghiệt. Lắng nghe mình, đó cũng là một hành trình khó khăn, gian nan nhưng đầy thú vị. 

Những trạng thái không phải vĩnh cửu bất biến, mà nó luôn thay đổi, nó tồn tại xen kẽ giữa những cơn bão và nắng đẹp, đau khổ và hạnh phúc, dục vọng và sự buông lơi… Tôi đã đi tìm và cảm nhận, thể hiện vào hội họa. Khao khát đi tìm sự "bình yên" trong âm u giông bão của tâm thức và cuộc đời - ẩn hiện đâu đó là những "khoảng bình yên" bé nhỏ nhưng quý giá giữa vô vàn sự vật, sự việc mà ta phải vô cùng tinh tế mới có thể phát hiện được.

* Người ta hay nhìn nghệ sĩ với một phong cách hơi khác thường, dị biệt, anh thì sao? 

- Tôi biết hai từ nghệ sĩ nghe thật dễ thương, thú vị và được xếp vào những ngành nghề đặc biệt mang những giá trị tinh thần nhiều hơn. Hơn nữa mọi người luôn nghĩ nghệ sĩ khác người thường vì có lối sống đôi khi lập dị, nhưng có lẽ cái gì thật với bản chất thì đó là thật. Tôi cứ sống với thế giới hội họa, bạn bè, gia đình, đi để học hỏi và thư giãn. Tôi nghĩ đủ thứ bận bịu đó rồi thì cũng không nên để tâm quá nhiều vào những chuyện vu vơ khác làm gì.

Những nền văn minh thế giới (tranh sơn dầu trên canvas)
Những nền văn minh thế giới (tranh sơn dầu trên canvas)

* Nghe nói các nhà sưu tập săn tranh của anh kha khá, còn người thích tranh nhưng… ít tiền thở dài ngắm tranh mà thôi?

- Tôi may mắn được các nhà sưu tập và nhiều người yêu thương, họ giúp tôi rất nhiều. Họ theo và hiểu quá trình sáng tác của tôi. Cho nên với việc giá tranh thế nào, hoàn toàn tùy thuộc vào họ. Ơn trời, tôi sống bằng nghề, đủ để duy trì công việc và cuộc sống. 

* Anh có làm gì thêm ngoài vẽ?

- Không, tôi dành hết thời gian cho vẽ.

* Sáng tạo thường hay cô đơn, anh nghĩ sao?

- Tôi nghĩ nghệ sĩ, họa sĩ, sáng tạo là công việc mang tính chất cá nhân rất cao. Đây không phải cô đơn, mà là công việc phải làm một mình.

* Có bao giờ anh thấy thất vọng hoặc bế tắc? 

- Bạn cũng biết đấy, không có con đường nào bằng phẳng và trải đầy hoa hồng cả, mà con đường hội họa nó mông lung không bờ không bến, được dệt lên bằng tác phẩm mang dấu ấn riêng của tác giả, vô cùng khó khăn... Tìm kiếm con đường trong hội họa dễ đi vào ngõ cụt là chuyện bình thường. Nhưng có điều đi vào ngõ cụt thì mình lại tìm đường khác. Khi bế tắc tôi thường dừng lại cố gắng xem xét mình tắc ở đâu rồi tạm xếp lại đi làm việc khác hay đi chơi, gặp gỡ bạn bè.

Tôi là người vẽ gần như liên tục nhưng thỉnh thoảng cũng cần có những khoảng thời gian để lấy lại cân bằng. Tôi là người bình thường, không phải là siêu nhân đâu!

* Cảm ơn anh đã chia sẻ. 

Codet Hanoi (thực hiện)
Ảnh: nhân vật cung cấp

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI