Nhà văn Phạm Thị Ngọc Liên: “Tôi không ghét mà lụy đàn ông…”

03/04/2023 - 06:23

PNO - Dừng viết 3-4 năm rồi lại “đẻ” liền tù tì mỗi năm một cuốn, “bà già xinh đẹp” Phạm Thị Ngọc Liên - chị bị “chết tên” theo tập Những bà già xinh đẹp - vừa ra mắt tập truyện mới: Người đàn ông có cái đuôi hình thuổng.

Vẫn là Phạm Thị Ngọc Liên với tất cả mối quan tâm về tình yêu, hôn nhân gia đình… nhưng mỗi câu chuyện đều mang một phong vị khác thường, trinh thám, huyền ảo, ma mị - những hình ảnh hư hư thật thật đầy ám ảnh và tưởng tượng mà nói theo nhà báo Nguyễn Thế Thanh, đây là “những câu chuyện về điều kỳ diệu của con người”...

“Trái tim yêu miệt mài" là ưu điểm mà cũng là khuyết điểm 

Phóng viên: Chúc mừng chị vừa có tác phẩm mới - Người đàn ông có cái đuôi hình thuổng. Giống như cuốn Những bà già xinh đẹp phát hành năm 2022, chị có cách đặt tựa sách rất gợi, khiến người đọc khá tò mò, muốn tìm đọc ngay. Nội dung cũng vậy, luôn đưa độc giả đến tột đỉnh cảm xúc. Trong tác phẩm của chị, thế giới quan về đàn ông, đàn bà dường như vô tận; tính cách của họ được khai thác đến cùng kiệt. Trong đó, đàn ông được khắc họa với các tính cách: vô tâm, thủ đoạn, thờ ơ, độc ác, tàn nhẫn, lạnh lùng... Xem ra cách nhìn đàn ông của chị khá khắc nghiệt. Chị ghét đàn ông lắm sao?

Nhà văn Phạm Thị Ngọc Liên: Ồ không. Con mắt nhìn của tôi về cả hai giới đàn ông, đàn bà rất công bằng và khách quan. Tôi có khá nhiều truyện ca ngợi nam giới và cũng kha khá truyện phơi bày thói xấu của nữ giới. Tuy là phụ nữ nhưng khi viết về phụ nữ, tôi không nương tay đâu. Một số nhân vật nữ của tôi cũng mang những tính xấu của đàn bà. Phụ nữ mà xấu xa thì còn ác hơn cả đàn ông ấy chứ. Có điều phụ nữ đa phần đều là nạn nhân của đàn ông. Họ vui vẻ, hạnh phúc hay buồn khổ, bất hạnh luôn tùy thuộc vào một người đàn ông. Đàn ông biết điều này và nếu có tính xấu, họ sẽ luôn lợi dụng nó để đạt được thứ họ muốn. Trong cuộc đời cầm bút của tôi, từ nghề báo đến nghề văn, tôi đã từng diện kiến vô số người như thế. Dân gian có câu “Thạch Sanh thì ít, Lý Thông thì nhiều” là chính xác đấy. Tôi ít viết về đàn ông tốt vì họ… chẳng có gì để viết. Còn nói tôi ghét đàn ông thì không phải đâu. Tôi lụy thì có. Thơ của tôi đã khai rõ thế rồi… (cười). 

* Phải nói chị là bậc thầy trong việc khắc họa tâm trạng hoang mang, đau khổ, chịu đựng, bùng vỡ… - nói chung là muôn mặt của tình yêu. Sao chị có thể giữ hoài một trái tim yêu miệt mài, yêu không mệt mỏi? Có phải vì điều ấy nên mới có “bà già xịn đẹp” khi mọi người nhắc đến Phạm Thị Ngọc Liên? Đẹp thì không còn bàn cãi nữa, xịn là ở tuổi này chị vẫn viết đều, vẫn đi, vẫn làm việc, vẫn sống đầy ắp mọi khoảnh khắc, có phải nhờ tình yêu hay còn có bí quyết nào khác?

- Chẳng có bí quyết gì đâu. Nếu có thì chắc do tôi sống rất hồn nhiên. Trong Những bà già xinh đẹp, tôi có đề cập đến tình trạng… già không đều. Ấy chính là tình trạng của tôi đấy. Tôi ít khi quan tâm đến tuổi của mình, nhất là những khi khỏe mạnh, không phải thuốc men. Chân tôi là chân đi nên cứ biết nơi nào đẹp là chỉ muốn xách va li lên và đi. Khi đi, tôi thu hoạch được rất nhiều điều cho bản thân. Trước nhất là niềm vui, sự hưng phấn, cảm giác mãn nguyện, thấy mình còn trẻ, khỏe. “Trái tim yêu miệt mài” mà bạn nói chắc được nuôi dưỡng nhờ những điều này. Nó cũng là khuyết điểm lớn của tôi. Tôi yêu nhiều thứ quá, không chỉ yêu người. Còn yêu không mệt mỏi à? Không đâu. Yêu mệt lắm, khổ lắm, nhiều lúc muốn ngất đi ấy chứ (cười to).

tác phẩm mới nhất của Phạm Thị Ngọc Liên
Tác phẩm mới nhất của Phạm Thị Ngọc Liên

* Hình như chị có thời gian buông bút, chán chữ? Nguyên nhân nào khiến chị lại viết?

- Đúng là tôi từng không muốn viết gì trong suốt 4 năm. Lý do thì nhiều. Thế nhưng, nghề viết giống như ngọn lửa âm ỉ. Khi đọc được một tác phẩm hay của người khác hoặc gặp một con người, một cảnh đời khiến mình băn khoăn, đầu tôi lại nảy ra vô vàn câu hỏi “vì sao”, “nếu là mình trong hoàn cảnh đó, mình sẽ làm gì?”…; tay tôi lại muốn gõ bàn phím để viết ra câu chuyện chất chứa trong đầu.

Nhiều khi viêt xong một truyện, cảm giác kiệt lực là có thật 

* Người đàn ông có cái đuôi hình thuổng đem lại cho độc giả những câu chuyện mang màu sắc huyền ảo, trinh thám, đòi hỏi người đọc phải suy luận và hồi hộp theo từng diễn biến, thật khác với phong cách viết nặng về khai thác tâm lý từ trước đến giờ của chị. Chị không viết thể loại tâm lý nữa và chọn cách viết này do tâm trạng thay đổi hay muốn lôi kéo sự tò mò của bạn đọc trẻ?

- Tôi không đổi mà là tôi viết được nhiều phong cách. Thật ra, tôi đã viết thể loại này từ khi còn rất trẻ. Tôi thích đọc văn học nước ngoài và đặc biệt thích truyện trinh thám, kinh dị, hình sự… vì nó luôn bắt ta phải suy luận, phỏng đoán, tưởng tượng xem câu chuyện sẽ diễn biến như thế nào. Hoạt động não kiểu này rất tốt. Nó khiến tôi không bị ù lì trong suy nghĩ và nhận định. Rồi tôi bắt tay viết thử xem mình có khả năng đó không. Sau này, tôi nghiêng qua viết truyện khai thác tâm lý nhiều hơn nhưng đôi khi vẫn đổi vị bằng cách viết các truyện mang tính chất hư cấu. Trong những cuốn sách đã in, thỉnh thoảng tôi cũng cho các truyện ấy vào chung, chỉ là không tập hợp hoàn toàn thể loại ấy vào một cuốn như Người đàn ông có cái đuôi hình thuổng.

* Trong một cuộc thăm dò nhỏ do chính người viết khảo sát, tác phẩm mới nhất được viết bởi “bà già U70” lại được giới 9X, thậm chí là thế hệ Z đón nhận, chị có bất ngờ không? Theo chị, đâu là yếu tố thu hút lứa bạn đọc đó?

- Tôi luôn đặt cảm xúc của mình theo nhân vật mình viết, sử dụng đúng ngôn ngữ của nhân vật, kể cả khi viết cho thiếu nhi. Cập nhật ngôn ngữ, thói quen, giao tiếp của từng độ tuổi trong xã hội giúp tôi tạo hình nhân vật không sai. Bên cạnh đó, tôi có 5 đứa cháu nội ngoại tuổi từ 10-22, đứa nào cũng gần gũi với bà vì bà “biết hết trơn” và có thể tư vấn cho chúng nhiều điều. Nhờ vậy, tôi không xa lạ gì cách suy nghĩ, hành xử của thế hệ Z và 9X. Cho bạn biết thêm điều này: Ở tuổi U70, bạn tôi có người được U50 gọi bằng u, bằng mẹ, bằng bà…, riêng tôi vẫn được gọi bằng… chị, kể cả bạn của các con tôi. Chúng hay trao đổi thông tin với nhau kiểu: “Chị Liên lại vừa ra sách mới à?”. Có thể vì các cô cậu U50 đó thấy tôi vẫn còn… nhí nhố chăng?

“Để làm ra một món ăn ngon, người đầu bếp phải nghiên cứu, tâm tư nhiều lắm. Cả quá trình từ đi chợ mua nguyên liệu đến khi chuẩn bị gia vị và bắt tay vào nấu đều thấm đẫm khao khát của người ấy về một “tác phẩm” hoàn hảo khi đưa tới thực khách. Sự tinh tế, cẩn thận khi nêm nếm, sự tỉ mỉ lẫn phóng khoáng, mỹ thuật khi trình bày là cả một công trình không nhỏ.

Niềm vui, hạnh phúc của người nấu là nhìn thấy nét hài lòng của thực khách, là món ăn được vét sạch và câu khen ngợi tuy đơn giản mà vô cùng giá trị: “Ngon quá!”. Vậy thì nó khác gì tâm trạng của nhà văn đối với tác phẩm của mình? Tôi luôn chắt chiu từng chữ, từng dấu chấm, phẩy trong tác phẩm; luôn hồi hộp chờ đợi phản hồi từ người đọc và vô cùng hạnh phúc khi “đứa con” của mình được đón nhận”.

Phạm Thị Ngọc Liên 

* Cá nhân tôi, thế hệ 7X, lại nhớ thời đọc truyện ngắn của Phạm Thị Ngọc Liên mà rớt nước mắt vì những cách phân tích, dẫn dắt, cách kể nhẹ tênh mà đứt ruột êm ru của chị. Nhưng, đến cuốn tản văn Những bà già xinh đẹp, chúng tôi lại rất bất ngờ vì cách viết dí dỏm, thân mật khiến người đọc cảm thấy được chia sẻ. Là một người viết, có khi nào chị phải cân nhắc tâm trạng bạn đọc của mình?

- Có chứ. Tôi luôn suy nghĩ, định dạng thành phần và tâm trạng bạn đọc của mình trước khi lựa chọn cách viết, không phải ngồi vào máy là gõ ào ạt theo cảm xúc, mặc tác phẩm muốn thành gì thì thành. Có những câu chuyện tôi sử dụng đại từ nhân xưng “tôi”; nhiều truyện khác lại đặt tên cho nhân vật là cũng do suy nghĩ, lựa chọn cách thể hiện. Thường các truyện xưng “tôi” đều đưa người đọc đến cảm giác gần gũi, đồng cảm với nhân vật. Bởi vì khi xưng tôi, bản thân tôi cũng hòa lẫn với nhân vật, vui niềm vui họ có, đau nỗi đau họ trải. Nhiều khi viết xong một truyện như vậy, cảm giác kiệt lực là có thật.

Tình yêu chỉ có một bản chất và ở thời đại nào cũng vậy 

 

Ở độ tuổi U70, nhà văn Phạm Thị Ngọc Liên vẫn thường được gọi bằng… chị nhờ sự trẻ trung từ phong thái đến tâm hồn
Ở độ tuổi U70, nhà văn Phạm Thị Ngọc Liên vẫn thường được gọi bằng… chị nhờ sự trẻ trung từ phong thái đến tâm hồn

* Trong xã hội, phụ nữ thường bị đem ra giễu nhại hoặc chê trách đủ điều. Cùng một lỗi nhưng đàn bà thường bị kết tội nặng nề hơn đàn ông. Tuy xã hội kêu gọi và tuyên bố nam nữ bình quyền nhưng thực tế chỉ một số ít phụ nữ may mắn có được điều đó. Trong gia đình lại càng không. Sách của chị đa phần đưa ra những mẫu nhân vật nữ rất đáng thương, có phải do chị cũng nhận ra điều này? Theo chị, phụ nữ nên hành xử thế nào cho đúng?

- Thật ra, tôi là người sống khá cũ kỹ, phong kiến. Tôi vẫn cho rằng với vị trí là người xây tổ ấm thì trong gia đình, phụ nữ nên là số 2. Việc cho phép đàn ông lấn lướt một chút, làm số 1 trong nhà hoàn toàn ổn vì anh ta ở vị trí anh và ta ở vị trí em. Vì anh ta là bóng tùng để che chở cho cánh hồng mong manh là ta nên nghe lời anh ta tốt chứ, nhất là khi anh ta nói đúng. Ngược lại, khi anh ta không còn là bóng tùng mà là bóng của hung thần, phụ nữ phải biết đường mà chạy trốn hoặc phản kháng. Phụ nữ trong truyện của tôi tiêu biểu cho người đàn bà biết thương mình, biết chấp nhận sự thật và rời đi khi mức chịu đựng đã đến đỉnh điểm.

* Một nhà thơ và cũng là một nhà hoạt động nữ quyền người Mỹ từng nói: “Cả nhân dạng của phụ nữ cũng được thể hiện qua tình yêu của họ”. Chị có đồng ý với điều này? Nếu vậy, nhân dạng của nhà thơ Phạm Thị Ngọc Liên được thể hiện như thế nào? 

- Sức mạnh của tình yêu kinh khủng lắm. Nó có thể biến một gương mặt bình thường trở nên tươi đẹp, sáng rỡ hoặc một gương mặt xinh đẹp trở nên héo úa - tùy thuộc vào tình yêu đang độ mãn khai hay đã lụi tàn. Phụ nữ đau khổ khi gặp trắc trở trong tình yêu thường bỏ ăn hoặc ăn rất nhiều nên nhân dạng biến đổi theo “con nước tình yêu” là có thật. Hồi xưa, tôi cũng không thoát cảnh này. Nhưng, béo hay gầy đa phần còn do tuổi tác, thể trạng, di truyền, bệnh lý… Tình yêu lúc ấy không giúp được gì, có khi còn làm stress hơn do… sợ người yêu chê bỏ. Trong trường hợp cả hai đã già thì không sao. Ông ấy mắt đã kèm nhèm, bụng đã phệ, răng đã rụng… thì nhân dạng ta có thế nào cũng cứ an tâm.

Tại buổi giao lưu và giới thiệu sách Những bà già xinh đẹp
Tại buổi giao lưu và giới thiệu sách Những bà già xinh đẹp

* Byron trong tác phẩm Don Juan cũng từng nói: “Tình yêu chỉ là một phần trong cuộc sống đối với đàn ông nhưng là cả sự tồn tại đối với phụ nữ”. Nhận định này liệu có còn phù hợp với thời điểm 2023? Nếu có khác thì khác như thế nào, thưa chị?

- Tôi nghĩ tình yêu chỉ có một bản chất và ở thời đại nào cũng vậy. Truyền thuyết cho rằng phụ nữ chỉ là một chiếc xương sườn của đàn ông, cho nên phụ nữ thế kỷ XXI dù mạnh mẽ cỡ nào, làm chủ cuộc sống đến mấy vẫn có thể bi lụy, khốn khổ vì gặp một người đàn ông không phải chủ thể của mình. Cũng theo truyền thuyết, tình yêu được thể hiện bằng hình ảnh một vị thần mù mang cung tên không phải không có lý do. Khi yêu, phụ nữ luôn mù quáng, yếu lòng. Tuy có những người dũng cảm chia tay với kẻ làm mình khổ, có những người khác vẫn ôm lấy cuộc tình đau khổ ấy, thà nhận lấy nỗi đau còn hơn mất tất cả. Chưa kể còn những mối quan hệ gia đình, con cái khiến họ không nỡ buông bỏ.

* Cảm ơn chị đã chia sẻ. 

Tác phẩm đã in:

- Những vầng trăng chỉ mọc một mình (tập thơ, NXB Trẻ, 1989).
- Biển đã mất (tập thơ, NXB Hội Nhà văn, 1990).
- Em muốn giang tay giữa trời mà hét (tập thơ, NXB Hội Nhà văn, 1992).
- Thức đến sáng và mơ (tập thơ, NXB Văn Nghệ, 2004).
- Có một nửa mặt trăng trong mặt trời (tập truyện ngắn, NXB Trẻ, 2000).
- Người đàn bà bí ẩn (tập truyện ngắn, NXB Trẻ và Tủ sách Tuổi trẻ, 2007).
- Đồi hoang (tập truyện ngắn, NXB Văn Nghệ, 2008).
- Nụ hôn buốt giá (tập truyện ngắn, NXB Trẻ, 2011, tái bản 2013).
- Và tháng ngày trôi đi (tập truyện ngắn, NXB Trẻ, 2015).
- Chiếc gối biết nói (tập truyện thiếu nhi, NXB Kim Đồng 2020).
- Những bà già xinh đẹp (tập truyện ngắn & tản văn, NXB Tổng hợp TPHCM, 2022).
- Người đàn ông có cái đuôi hình thuổng (tập truyện ngắn, NXB Tổng hợp TPHCM, 2023).

Giải thưởng

- Giải A thơ, tuần báo Văn nghệ TPHCM 1989.
- Giải A thơ 2 năm liền 1989-1990, tạp chí Văn nghệ Quân đội.
- Giải A truyện ngắn hay 1989-1990, tạp chí Văn nghệ Quân đội.
- Giải truyện ngắn hay 1998-2000 tuần báo Văn nghệ.
- Tặng thưởng văn học Hội Nhà văn Việt Nam 2005.
- Danh hiệu “Người phụ nữ tài năng” TPHCM 1991.
- Gương mặt văn học thành tựu 30 năm (1975-2005), TPHCM.

 Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam từ năm 1991. Hội viên Hội Nhà văn TPHCM.

Trần Lê Sơn Ý - Ảnh: Nhân vật cung cấp

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI