Nhà thơ Pờ Sảo Mìn: 'Chỉ nhớ được hai từ Làm CON NGƯỜI viết hoa'

15/01/2020 - 11:50

PNO - Pờ Sảo Mìn còn đặc biệt bởi ông là người Pa Dí - cộng đồng chỉ khoảng hai ngàn người; cái chất Pa Dí khoáng đạt, mộc mạc, đa sắc… hiện lên rất rõ trong thơ ông.

 

Pờ Sảo Mìn là người đặc biệt. Từ một giám mã, ông được Nhà nước đưa đi học ở trời Tây, bảy năm ăn học và làm kỹ sư chế tạo máy, chuyên ngành động cơ đốt trong (gồm cả động cơ xe máy, ô tô, tàu thủy…). Pờ Sảo Mìn còn đặc biệt bởi ông là người Pa Dí - cộng đồng chỉ khoảng hai ngàn người; cái chất Pa Dí khoáng đạt, mộc mạc, đa sắc… hiện lên rất rõ trong thơ ông. 

Trách nhiệm với “tâm hồn Pa Dí”

Phóng viên: Nhiều người nói ông là một trong rất ít nhà thơ thể hiện được văn hóa và con người dân tộc mình trong thơ. Ông có thể giới thiệu về cộng đồng Pa Dí của mình, bằng thơ?

Nhà thơ Pờ Sảo Mìn: Dân tôi chỉ có hai ngàn người/ Như cái cây hai ngàn chiếc lá. Con trai cởi trần trong mặt trời nắng cháy/ Ép đá xanh thành rượu uống hàng ngày/ Con gái cũng vén tay khoe tài/ Tước vỏ cây thêu áo đẹp ngày mai/ Dân tộc chỉ có hai ngàn người/ Biết gọi gió gọi mưa gọi nắng/ Chắn suối ngăn sông nước ngược dòng… Con trai người Pa Dí/ Cha mẹ sinh ra trên đỉnh đá tai mèo/ Uống nước nguồn trong veo/ Mắt một mí, tóc đen, mũi tẹt da vàng/ Dáng ngang tàng vẻ quẫy đạp trần gian… Con trai người Pa Dí/ Đã lên yên không bao giờ ngã ngựa. Con trai người Pa Dí/ Không hận thù ghét bỏ với ai/ Đi chín phương là chín phương bè bạn/ Đến mười phương là mười miền thương nhớ. Con trai người Pa Dí… Đã yêu là yêu nhiều, yêu mãi/ Yêu cho hết tận cùng man dại…

Nhà thơ Pờ Sảo Mìn, người thể hiện rất rõ tiếng nói  của “tâm hồn Pa Dí”
Nhà thơ Pờ Sảo Mìn, người thể hiện rất rõ tiếng nói của “tâm hồn Pa Dí”

* Hơn ba mươi năm trước, nhờ Cây hai ngàn lá mà cái tên và cộng đồng người Pa Dí được biết đến rõ nét hơn. Trước khi Cây hai ngàn lá xuất hiện, có lẽ người Pa Dí vẫn “ủ trong mây”, phải không ông?

- Xưa kia người Pa Dí sống ở sau cổng trời, nơi chóp nhọn nhất của dãy Hoàng Liên Sơn, không có nguồn nước, không có nương rẫy. Người Pa Dí có thể nghe, hiểu được tiếng của các dân tộc Tày, Nùng, Bố Y… Nhưng không dân tộc nào có người hiểu được tiếng của người Pa Dí. Các phong tục, tập quán, ngôn ngữ, trang phục… của người Pa Dí hoàn toàn không lẫn được vào đâu.

Người Pa Dí chúng tôi có truyền thống nuôi ngựa giỏi. Khi đường sá, xe cộ chưa phát triển, người Pa Dí được tuyển chọn làm chăn ngựa cho nhà thổ ty, bang tá (quan lại cha truyền con nối xưa ở các vùng dân tộc thiểu số). Cho đến ngày cậu bé Pờ Sảo Mìn là tôi được cán bộ ta chọn làm người dắt ngựa phục vụ cách mạng, được cho đi học, trở thành một trong những người Pa Dí đầu tiên biết chữ. Tôi được Nhà nước đưa đi nước ngoài học tập, một “sự kiện” nhỏ vậy thôi, nhưng thậm chí đã trở thành cả một huyền thoại về cộng đồng hai ngàn người.

* Ăn cơm trời Tây đến bảy năm. Về Hà Nội, lẽ ra ông có thể là anh kỹ sư chế tạo máy “có số có má”. Nhưng ông lại đột ngột… rẽ ngang với bốn năm học đại học, về cái ngành chẳng hề liên quan - văn chương. Cú rẽ này nên hiểu sao cho đúng?

- Mọi công việc hay “lối rẽ” của tôi đều do Nhà nước phân công mà. Nói vui vậy thôi, tôi nghĩ đó là số phận. Với tôi, văn chương là cái nghiệp.

* Sống ở Tây, ở Tàu, phố thị sầm uất đủ cả. Nhưng thơ ông đẫm đầy tình yêu với mảnh đất phên giậu Mường Khương, với cộng đồng Pa Dí bé nhỏ. Pa Dí có những gì đặc biệt khiến ông nặng lòng đến vậy?

- Người con nào trên đất nước này, đi đâu cũng luôn nhớ về nguồn cội, về hồn cốt văn hóa tổ tiên, về nơi cái cuống rốn mình để lại. Với tôi, quãng bảy năm bên Tây hay bao năm ở phố, chỉ là tạm thời rời xa quê. Không gian khác, cộng đồng khác, nhưng bản thể Pa Dí trong tôi thì vẫn vậy. Tôi chọn về lại Mường Khương, sống trong cái thung lũng nhỏ năm nào. Tôi nghĩ đó là bổn phận, là trách nhiệm của mình với mảnh đất cha mẹ đã sinh ra, với dân tộc đã hun đúc, đã ban tặng cho mình một “tâm hồn Pa Dí”. Tôi có ba người con nhiều năm học phổ thông, học đại học ở Hà Nội. Ngoài con gái theo chồng, thì hai con trai đều về lại và làm việc ở Mường Khương.

Tác phẩm luôn nương nhờ văn hóa, dân ca

* Có vẻ như trong thơ ông, hồn cốt dân tộc hiện diện rõ ràng, không thể trộn lẫn, đọc thơ Pờ Sảo Mìn là thấy ngay chất Pa Dí…

- Có lẽ, đó là may mắn trời cho tôi, để tôi có thể đại diện cộng đồng mình, chuyển tải hồn cốt văn hóa, con người dân tộc mình qua câu chữ. Tôi nghĩ, một dân tộc dù lớn hay nhỏ, khi có người đại diện cho văn hóa của dân tộc mình, sẽ rất may mắn nếu đại diện đó là nhà thơ. Dân tộc ấy không cứ phải sinh ra những nhà lãnh đạo giỏi, hay những doanh nhân tài ba; mà sinh ra một nhà thơ để đại diện cho nền văn hóa của cộng đồng mình, thì theo tôi, dân tộc ấy là một dân tộc huyền diệu.

Cây đàn tròn trong đời sống cộng đồng Pa Dí
Cây đàn tròn trong đời sống cộng đồng Pa Dí

* Ông luôn bảo Mường Khương chính là mảnh đất cho ông nguồn năng lượng sáng tạo. Không chỉ vậy, hầu hết các tác phẩm của ông đều nương vào văn hóa dân tộc; chất liệu dân ca không chỉ là ngôn từ mà còn có sức mạnh nâng đỡ những tác phẩm của ông. Ngoài những hình ảnh trong thơ, cộng đồng Pa Dí còn những nét văn hóa đặc sắc nào, thưa ông?

- Dân vũ của người Pa Dí thì hầu như không có, thực sự nghèo nàn, nhưng dân ca của người Pa Dí lại rất đa dạng. Nên dân ca là một loại hình âm nhạc được người dân ưa chuộng và say mê. Ngoài những làn điệu ngợi ca tình yêu quê hương đất nước, tình cảm gia đình, tình yêu đôi lứa, người Pa Dí còn có từng bài dân ca riêng cho từng tháng, tháng Giêng hát về trồng ngô, tháng Hai hát về trồng đậu, tháng Ba hát về tết Thanh minh, tháng Tư hát về gieo mạ…

Mỗi dịp tết đến hoặc những lúc nông nhàn, chúng tôi hát lên những điệu nhạc đặc sắc nhất của các tháng: “Tháng Một nở hoa đào, tháng Hai nở hoa thơm, tháng Ba nở hoa cúc… tháng Năm cày ruộng trên, thả bừa xuống ruộng dưới… tháng Chín vàng bông lúa, tháng Mười hoa đá nở… tháng Mười hai đón khách về”. Dân ca Pa Dí còn là đàn nhạc giao duyên mà người con trai muốn hỏi cưới người con gái và ngược lại. “Linh hồn” của những khúc dân ca ấy là cây đàn tròn. Đây là nhạc cụ được chơi trong tiết mục biểu diễn dân ca của người Pa Dí.

Không như đàn tròn của nhiều dân tộc miền núi phía Bắc khác, người Pa Dí rất chú trọng đến việc trang trí nghệ thuật theo quy luật âm dương, trên cây đàn có cá đại diện cho con vật dưới nước, có chim đại diện cho con vật bay trên trời. Đầu cây đàn mang hình đầu rồng, biểu tượng cho sức mạnh của sự sống, cho may mắn và thịnh vượng, tượng trưng cho những gì cao quý, tốt đẹp nhất trong đời sống con người.

Gần giống tính tẩu (đàn tính), nhưng bề mặt đàn tròn lớn hơn nhiều, cán ngắn hơn và có bốn dây (đàn tính chỉ có hai hoặc ba dây). Khi còn công tác ở Phòng Văn hóa tỉnh Lào Cai, trong phòng làm việc của tôi lúc nào cũng có cây đàn tròn. Mỗi lần có dịp biểu diễn văn nghệ, là tôi lại đàn và hát những khúc dân ca của người Pa Dí. Tiếng đàn tròn lúc khoan, lúc nhặt, lúc tha thiết, khi dồn dập như tâm tình, lúc lại như hờn dỗi…

* Ông từng mua nhà ở Hà Nội, đưa các con về học phổ thông. Nhưng sau đó vì không xin chuyển công tác được cho vợ mà ông về lại Lào Cai. Tôi hỏi thật, với tay nghề kỹ sư chế tạo máy Tây học bấy giờ, có khi nào ông tiếc vì quyết định “về núi” đó không?

- (Pờ Sảo Mìn không trả lời, ông chỉ đọc mấy câu trong bài Nhớ quên): “Bảy năm học bên Tây/ Ba năm sống bên Tàu/ Bốn năm học ở ta/ Tuổi tác nay đã già/ Chữ nghĩa quên gần hết/ Chỉ nhớ được hai từ/ Làm CON NGƯỜI viết hoa”. 

Ngọc Minh Tâm (thực hiện)

 

 

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI