Nguy cơ 'chảy máu' cổ vật vì... thủ tục hành chính

30/08/2017 - 20:39

PNO - Trong cả năm 2016, không một bảo tàng nào ở TP.HCM mua được cổ vật bổ sung vào bộ sưu tập hiện vật chỉ vì thành phố không lập được Hội đồng thẩm định (HĐTĐ).

Năm 2017, đề án mua cổ vật đã được 5 bảo tàng nộp từ đầu năm, nhưng đến giờ vẫn phải chờ. Những bức bối ấy đã được đặt ra trong buổi làm việc giữa Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP.HCM và Bảo tàng Lịch sử TP.HCM sáng 29/8.

Nguy co 'chay mau'  co vat vi... thu tuc hanh chinh

Bức tượng Phật ở chùa Khải Tường (chợ Đũi, Gia Định) - di vật còn sót lại khi ngôi chùa bị phá hủy vào năm 1859, đang được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử TP.HCM

Theo thông tư 11/2013 của Bộ VH-TT-DL, việc mua hiện vật cho bảo tàng công lập phải qua nhiều bước như: lập danh sách hiện vật, lập dự án trình cấp thẩm quyền phê duyệt, trình hội đồng khoa học hoặc HĐTĐ xác định giá mua…Thủ tục nhiêu khê này từng khiến các bảo tàng “vuột” nhiều cổ vật quý; bởi không nhà sưu tập cổ vật nào đủ kiên nhẫn chờ đợi khi nhiều nhà sưu tập tư nhân luôn sẵn sàng trả giá rất cao.

Nhắc chuyện mua cổ vật, bà Mã Thanh Cao - Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM chưa hết bức xúc với lần mua “hụt” tác phẩm hội họa quý vào năm 2015. Mất gần hai năm kiên trì thuyết phục người nhà của một họa sĩ nổi tiếng - người được xếp hàng đầu trong bộ tứ hội họa Việt Nam hiện đại, mang bức tranh của ông tại Bỉ về Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM. Chờ thêm nửa năm, thủ tục mua hiện vật vẫn chưa xong. Chủ tranh đã kiên quyết mang tranh về. Khi có quyết định cho phép mua tác phẩm thì không thể thuyết phục gia đình mang tranh trở lại.

Nguy co 'chay mau'  co vat vi... thu tuc hanh chinh
Cổ vật văn hoá Chăm Pa được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử TP.HCM

Trước đây, quy định cho phép giám đốc bảo tàng được tự quyết khi mua cổ vật giá dưới 100 triệu đồng, sau khi thông qua hội đồng khoa học mở rộng. Nhưng từ 2015, quyền tự quyết đã không còn - muốn mua cổ vật, dù chỉ vài triệu đồng, cũng phải làm hồ sơ chờ duyệt. “Có những cổ vật giá chỉ chừng vài triệu đồng nhưng cần thiết bổ sung vào các bộ sưu tập đã có. Nói người bán chờ vài tháng xin phép liệu có được không? Dù họ chấp nhận chờ, có khi số tiền để lập HĐTĐ còn cao hơn giá trị của hiện vật!” - ông Hoàng Anh Tuấn - Giám đốc Bảo tàng Lịch sử TP.HCM chia sẻ.

Thủ tục nhiêu khê, kéo dài đang khiến nỗi lo “chảy máu” cổ vật của các nhà quản lý bảo tàng lớn hơn bao giờ hết. Luật sửa đổi bổ sung về danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật Đầu tư có hiệu lực năm 2017 đã cho phép mua bán, đấu giá cổ vật, di vật, bảo vật quốc gia. Chờ có văn bản hướng dẫn thi hành thì e rằng cơ hội sở hữu cổ vật quý hiếm của bảo tàng chẳng còn được mấy.

Nguy co 'chay mau'  co vat vi... thu tuc hanh chinh
Khách tham quan các bảo tàng hiện nay chủ yếu vẫn là khách nước ngoài

Ở các phiên đấu giá, cổ vật được “lộ sáng”, việc cạnh tranh quyền sở hữu cổ vật càng gay gắt. Liệu chủ cổ vật sẽ chờ cả năm để bán một cổ vật giá trị hay sẽ trao tay ngay sau tiếng “gõ búa” cuối cùng? “Nếu không sớm thay đổi, "chảy máu" cổ vật ra nước ngoài là điều khó tránh” - ông Hoàng Anh Tuấn khẳng định. 

Thảo Vân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI