Nguồn lực đầu tư của TP.HCM: Cái bánh không thể chia ra quá nhỏ

03/07/2017 - 13:01

PNO - Hiện nay TP.HCM tập trung phân vốn theo các phân kỳ đầu tư để làm sao bảo đảm được các danh mục công trình đầu tư công của các cơ sở, sở ban ngành, quận huyện. Tuy nhiên, việc cân đối nguồn lực của TP có giới hạn.

Kỳ họp thứ 5 của HĐND TP.HCM khóa IX sẽ diễn ra từ ngày 4-6/7. Trong ba ngày làm việc, các đại biểu sẽ nghe UBND TP.HCM báo cáo tình hình kinh tế - văn hóa - xã hội, ngân sách, quốc phòng an ninh sáu tháng đầu năm, nhiệm vụ, giải pháp sáu tháng cuối năm và kết quả giải quyết kiến nghị cử tri. 

Nguon luc dau tu cua TP.HCM: Cai banh khong the chia ra qua nho
Đầu tư vào những công trình hạ tầng phải quyết liệt và hiệu quả để những vùng đất vàng như TP.HCM không là những “công trường” kéo ghì bao tiềm lực phát triển - Ảnh: Quốc Ngọc

Kỳ họp lần này dự kiến sẽ thông qua các tờ trình của UBND TP liên quan đến các vấn đề như quyết định đầu tư công, kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, bãi bỏ nội dung thu “lệ phí cấp bản sao trích lục hộ tịch”, chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình, miễn phí xe buýt cho người trên 70 tuổi, chỉ tiêu thực hiện BHYT toàn dân, chính sách thu hút giáo viên mầm non, điều chỉnh mức thu phí tham quan bảo tàng… 

Ngân sách và xã hội hóa phải song hành

Để đạt được các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, thực hiện bảy chương trình đột phá, tổng nhu cầu đầu tư từ vốn ngân sách của TP.HCM giai đoạn 2016-2020 là hơn 326.000 tỷ đồng. Căn cứ khả năng huy động nguồn thu của TP và thông báo của Bộ Kế hoạch - đầu tư, dự kiến nguồn vốn ngân sách cân đối chi cho kế hoạch đầu tư công trung hạn trên chỉ gần 172.000 tỷ đồng, đáp ứng 52% nhu cầu đầu tư.

Trao đổi với phóng viên báo Phụ Nữ, ông Trần Quang Thắng, Viện trưởng Viện Kinh tế và quản lý TP.HCM cho biết, Thủ tướng mới đồng ý cho TP giữ lại 67.000 tỷ đồng từ nguồn cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Nguồn vốn này còn khá thấp so với nhu cầu. Theo ông Thắng, hiện khoản dự phòng sau khi cân đối tất cả nguồn vốn của TP.HCM mỗi năm chỉ còn lại 16.000 tỷ đồng. “Chỉ cần làm chừng bốn dự án lớn là bay mất khoản dự phòng đó”. 

Trong khi đó, ông Cao Thanh Bình, Phó trưởng ban Kinh tế - ngân sách HĐND TP.HCM khẳng định, công trình đầu tư công của TP là cấp bách, rất cần vốn. Nguồn lực của TP không thể đáp ứng hết tất cả các công trình, do đó phải tập trung huy động mọi nguồn lực từ hợp tác công tư, xã hội hóa… để thực hiện. 

“Hiện nay TP.HCM tập trung phân vốn theo các phân kỳ đầu tư để làm sao bảo đảm được các danh mục công trình đầu tư công của các cơ sở, sở ban ngành, quận huyện. Tuy nhiên, việc cân đối nguồn lực của TP có giới hạn. Cái bánh không thể chia ra nhỏ lẻ đều được hết. 

Vì thế, TP sẽ sẵn sàng ưu tiên vốn đối ứng để thực hiện các dự án hợp tác công tư, vốn ODA, vốn xã hội hóa… Theo tôi, ngân sách đối ứng và nguồn xã hội hóa phải song hành với nhau. Bên cạnh đó, tập trung giải tỏa, thực hiện các khu đất sạch để kêu gọi, thu hút đầu tư, giảm tải tối đa nguồn vốn ngân sách bỏ ra, đồng thời, đáp ứng được nhu cầu hạ tầng” - ông Bình nói.

Đẩy mạnh đầu tư nông nghiệp công nghệ cao

Cần có nhiều giải pháp để sử dụng đất hiệu quả là một trong nhiều vấn đề quan trọng được đông đảo cử tri kỳ vọng vào kỳ họp này. Tại buổi làm việc với Phó thủ tướng Vương Đình Huệ giữa tháng Sáu vừa qua, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết, hiệu quả sử dụng đất của thành phố tính trên m2 gấp 36 lần cả nước. Tuy nhiên, đất nông nghiệp chiếm 56% nhưng chỉ đóng góp 1% vào GRDP của TP.HCM.

Tuy nhiên, theo ông Dương Hoa Xô, Phó giám đốc Sở NN-PTNT TP.HCM, trên giấy tờ, hiện đất nông nghiệp của thành phố có đến 56.000ha. Trong đó có đến xấp xỉ 38.000ha đất rừng phòng hộ, khu dự trữ sinh quyển. Vậy chỉ còn khoảng 18.000ha còn lại cho canh tác nông nghiệp.

“Đất nông nghiệp của TP.HCM tính đến năm 2016 có giá trị sản xuất quy ra 1ha đạt tới 410 triệu đồng/ha. Năm 2015 khoảng 365 triệu đồng/ha. Như thế, so với cả nước, TP.HCM đạt giá trị sản xuất nông nghiệp trên 1ha canh tác rất cao. Còn tất nhiên, so với công nghiệp hay dịch vụ thì tính ra giá trị 1ha thấp hơn rất nhiều”, ông Xô nói. Ông đưa ra ví dụ, một số mô hình trồng rau, hoa cây cảnh, tức các mô hình nông nghiệp công nghiệp cao của thành phố, đều phát triển, đạt hiệu quả cao. Hoa lan có thể đạt doanh thu 1-2 tỷ đồng/ha, dưa lưới đạt 2,5-3 tỷ đồng/ha.  Lợi nhuận đạt 25 đến 30% trên doanh số đó.

 “Nông nghiệp đô thị tập trung vào nông nghiệp công nghệ cao và đừng quên nó còn có giá trị phục vụ cho môi trường sinh thái. Do đó, hôm 30/6 vừa qua, TP đã thông qua phương án quy hoạch chuyển đổi cây con chủ lực (điều chỉnh quy hoạch đã thông qua từ 2009) và thông qua quy hoạch vùng ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao. Tức sắp tới đất nông nghiệp của TP còn lại sẽ chủ yếu tập trung cho nông nghiệp công nghiệp cao” - ông Xô cho biết. 

Mỗi ngày, phải thu ngân sách gần 1.000 tỷ đồng

Theo Cục thuế TP.HCM, năm 2016, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn thành phố đạt 203.236 tỷ đồng, vượt 3,8% dự toán pháp lệnh, tăng 10,48% so với cùng kỳ 2015. Thuế tiêu thụ đặc biệt là loại thu có tỷ lệ tăng cao nhất trong ba loại thuế chính của khu vực kinh tế, tăng 45,5% so với cùng kỳ. Năm 2017, nhiệm vụ thu ngân sách trên địa bàn TP.HCM được trung ương giao tăng lên 347.882 tỷ đồng.

Quốc Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI