PNO - Sau vụ phát hiện gần 600 nhãn hiệu sữa giả, Báo Phụ nữ TPHCM đã phỏng vấn bà Phạm Khánh Phong Lan - Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TPHCM. Bà nói, điều nguy hiểm là trước khi bị phát hiện, thực phẩm và dược phẩm giả đã đi vào cơ thể của nhiều người tiêu dùng.
Phóng viên:Xin bà nêu vài phác thảo về thực trạng sản xuất thực phẩm và công tác quản lý để ngăn ngừa việc tuồn thực phẩm độc hại, kém chất lượng ra thị trường?
Bà Phạm Khánh Phong Lan: Chủ trương chung của cơ quan quản lý là chuyển dần từ tiền kiểm sang hậu kiểm, tức là tăng cường giám sát sau cấp phép thay vì kiểm duyệt quá sâu trước khi cấp phép. Điều này là nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) trong sản xuất, kinh doanh, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế cần sự năng động, linh hoạt.
Theo cơ chế hiện tại, khi DN hoàn tất hồ sơ công bố hoặc tự công bố sản phẩm, họ có thể được phép lưu hành sản phẩm trên thị trường. Khâu hậu kiểm của cơ quan quản lý đóng vai trò như “tấm lưới lọc” để phát hiện và xử lý sản phẩm vi phạm. Nhưng khâu này đang gặp nhiều trở ngại do nhân lực thanh tra, ngân sách chi cho việc kiểm nghiệm còn rất hạn chế. Việc lấy mẫu và kiểm nghiệm đòi hỏi kinh phí lớn, trong khi ngân sách phân bổ cho lĩnh vực này chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu thực tiễn. Thêm vào đó, đến nay, vẫn chưa có quy định thống nhất về quy trình và thời gian hậu kiểm. Có những trường hợp cơ sở chỉ bị kiểm tra 1 lần rồi không bị tái kiểm tra lần nào nên cơ sở có thể thay đổi công thức sản phẩm mà cơ quan quản lý không nắm. Đây là điều nguy hiểm trong quản lý chất lượng.
TPHCM đang có khoảng 300.000 sản phẩm tự công bố, phần lớn là thực phẩm bao gói sẵn, trong đó có cả sữa và thực phẩm chức năng. Ngoài ra, còn rất nhiều mặt hàng khác như nông sản, rau củ quả cũng cần được hậu kiểm chặt chẽ. Nhưng, quyền hạn của ngành quản lý an toàn thực phẩm khác với ngành công an. Chúng tôi không được tự ý khám xét, kiểm tra đột xuất mà phải dựa vào nguồn tin, phản ánh của người tiêu dùng nên khó xử lý vi phạm kịp thời trong mọi tình huống. Do đó, trong nhiều trường hợp, sản phẩm vi phạm vẫn được lưu hành trên thị trường không phải do chúng an toàn mà đơn giản là chưa bị kiểm tra.
Một yếu tố rất đáng lo ngại là đường đi của sản phẩm kém chất lượng. Những sản phẩm này thường không được bày bán công khai qua các kênh phân phối chính thức mà được phân phối qua mạng xã hội, hàng xách tay hoặc truyền miệng. Cá nhân, tổ chức bán hàng thường thuê người nổi tiếng quảng bá, tạo dựng lòng tin khiến người tiêu dùng khó phân biệt đâu là sản phẩm an toàn, đâu là hàng trôi nổi.
* Nhiều người mua sản phẩm theo lời quảng cáo của người nổi tiếng. Làm sao để người tiêu dùng có thể nhận biết được quảng cáo nào là đúng, là sai, thưa bà?
- Vụ việc gần 600 nhãn hiệu sữa giả được bán ra thị trường thời gian qua cho thấy, việc “hợp pháp hóa” sản phẩm là quá dễ dàng. Họ trưng ra hồ sơ công bố hoặc tự công bố sản phẩm, trong đó có phiếu kiểm nghiệm. Nhưng không ai kiểm chứng được những phiếu đó có phản ánh đúng chất lượng của sản phẩm lưu hành hay không. Phiếu kiểm nghiệm được DN chọn lọc kỹ càng nên thiếu tính khách quan. Những người nổi tiếng - thường được thuê để quảng bá sản phẩm - không có chuyên môn để phát hiện những điểm mờ như vậy. Họ chỉ thấy hồ sơ đầy đủ, giấy tờ hợp pháp nên tin tưởng và đồng ý tham gia quảng cáo.
Tôi cho rằng, các nghệ sĩ cần hết sức thận trọng, tối thiểu phải hiểu rõ sản phẩm mình đang quảng bá là gì, ảnh hưởng thế nào đến sức khỏe người dùng. Dự thảo Luật Quảng cáo (sửa đổi) yêu cầu người quảng cáo phải trực tiếp sử dụng sản phẩm để tự đánh giá công dụng trước khi quảng bá. Riêng tôi không đồng tình với quan điểm này bởi trải nghiệm cá nhân mang tính chủ quan, không thể thay thế cho đánh giá khoa học, khách quan từ cơ quan chuyên môn. Do đó, điều quan trọng là phải có một cơ chế bảo chứng, tức là cần có sự xác nhận chất lượng sản phẩm của cơ quan có thẩm quyền, đủ chuyên môn. Chỉ khi đó, người nổi tiếng mới yên tâm quảng bá sản phẩm.
Với các nhóm hàng như sữa, thực phẩm chức năng vốn ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng, lại càng phải cẩn trọng hơn. Cần nhớ rằng, nguyên tắc đạo đức nghề nghiệp trong ngành y tế là các bác sĩ, dược sĩ và chuyên gia dinh dưỡng tuyệt đối không được phép tham gia quảng cáo sản phẩm.
* Như bà nói ở trên, kênh bán hàng online đang là “đất sống” của thực phẩm chức năng kém chất lượng. Vậy, cơ quan chức năng có giải pháp nào để kiểm soát?
- Ngành công thương đang gấp rút xây dựng và hoàn thiện các quy định, chế tài liên quan đến hoạt động kinh doanh trực tuyến. Về nguyên tắc, các gian hàng online phải được quản lý như các cơ sở kinh doanh truyền thống. Tuy nhiên, nếu không có phản ánh hay khiếu nại cụ thể từ người tiêu dùng thì việc kiểm tra, xử lý vi phạm gần như là bất khả thi. Cơ quan chức năng có thể kiểm tra các gian hàng trực tuyến nhưng hiệu quả và tần suất không thể bằng với hệ thống cửa hàng cố định, nơi có địa chỉ rõ ràng và quy trình giám sát chặt chẽ hơn nhiều.
Thực tế, việc quản lý các nhà thuốc truyền thống cũng đang gặp nhiều khó khăn. Người dân thường có xu hướng mua thuốc không cần toa của bác sĩ. Nhà thuốc này không bán thì họ tìm đến nhà thuốc khác nên các nhà thuốc vẫn chiều lòng khách hàng dù biết rõ nguy cơ. Tỉ lệ thuốc và thực phẩm chức năng giả lưu hành qua kênh online ở các nước đang phát triển là rất cao và Việt Nam cũng không ngoại lệ. Đây là mối nguy lớn bởi nó trực tiếp đe dọa đến sức khỏe cộng đồng. Khi mua hàng online, người tiêu dùng đang chấp nhận “canh bạc” 5 ăn 5 thua. Điều quan trọng nhất cần đặt ra là, nếu có sự cố xảy ra, ai sẽ chịu trách nhiệm khi việc mua và bán không có hợp đồng rõ ràng, người bán hôm nay có thể hoạt động, ngày mai đã biến mất hoặc chuyển sang kênh khác, tài khoản khác?
Chúng tôi đã từng phát hiện và xử lý nhiều kho hàng phục vụ cho việc bán hàng online, phần lớn là hàng nhập lậu, hàng không có hóa đơn, chứng từ, thậm chí trốn thuế. Những sản phẩm này tiềm ẩn nguy cơ lớn hơn nhiều so với hàng được bán ở các cửa hàng trực tiếp, có quản lý. Do đó, trong khi chờ hoàn thiện pháp luật cho lĩnh vực thương mại điện tử, người tiêu dùng nên lựa chọn những địa chỉ mua sắm uy tín, có trải nghiệm thực tế, đã được cộng đồng kiểm chứng. Đó là cách tự bảo vệ mình thiết thực nhất trước khi có sự bảo vệ của pháp luật.
Tại đại hội, với tỉ lệ đồng thuận cao, cổ đông KienlongBank đã thông qua nhiều nội dung quan trọng liên quan đến chiến lược của ngân hàng trong thời gian tới.
Ngày 26/4/2025, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (Vietbank) đã tổ chức thành công Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2025 (“Đại hội”) bằng hình thức trực tuyến.