Người thầy là trái tim của hệ thống giáo dục

21/11/2022 - 06:47

PNO - Ngày 20/11, Thành ủy TPHCM đã tổ chức chương trình Kỷ niệm 40 năm ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 - 20/11/2022), gặp gỡ cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên tiêu biểu thành phố và trao giải thưởng Võ Trường Toản (do Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM và Báo Sài Gòn Giải Phóng tổ chức) lần thứ 25 năm 2022.

Tại buổi lễ, lãnh đạo thành phố đã nhấn mạnh dù nền giáo dục tiên tiến và hiện đại đến đâu thì người thầy vẫn giữ vai trò quyết định. Nhiều thầy cô cũng đã đề xuất thành phố cần chăm lo hơn nữa đời sống vật chất, tinh thần của giáo viên để thu hút và giữ chân những người tài năng, tâm huyết với nghề.

Thầy cô đưa con thuyền giáo dục về đích trong đại dịch

Ông Nguyễn Văn Hiếu - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) TPHCM - chia sẻ: Ngày Nhà giáo Việt Nam là ngày cả xã hội hướng về nhà giáo, tôn vinh những người lái đò thầm lặng ươm mầm xanh cho đất nước. Nhà giáo chính là người biến mỗi ngôi trường thành cái nôi rèn luyện, giáo dục thế hệ trẻ thành người có ích, người chủ tương lai của đất nước. Những cống hiến thầm lặng, tình yêu thương, tri thức và sự sáng tạo đã tạo nên sự cao quý của nghề giáo.

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên và Phó bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND Nguyễn Thị Lệ trao bằng khen của UBND TPHCM cho các thầy cô đạt giải Võ Trường Toản - ẢNH: P.T.
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên và Phó bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND Nguyễn Thị Lệ trao bằng khen của UBND TPHCM cho các thầy cô đạt giải Võ Trường Toản - Ảnh: P.T.

“Chúng ta đã trải qua những ngày tháng khó khăn, nhiều thử thách của đại dịch COVID-19. Ngành giáo dục với sự tích cực, sáng tạo của các thầy cô đã đưa năm học 2021-2022 về đích an toàn và hiệu quả. Những thử thách trong thời gian tới đến từ sự thay đổi của chương trình giáo dục phổ thông, từ nhiệm vụ của ngành giáo dục giai đoạn mới là phải đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao, chất lượng quốc tế, phát huy vai trò trung tâm GD-ĐT của cả nước. Chính thầy cô giáo là những người trực tiếp thực hiện nhiệm vụ để tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, những công dân trẻ sống tốt, có ích, góp phần xây dựng và phát triển thành phố” - ông Nguyễn Văn Hiếu nhắn nhủ. 

Tại buổi lễ, bà Bùi Minh Tâm - Hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh (quận 1) - cho biết, xác định vai trò trung tâm của người thầy, nhà trường luôn quan tâm, chăm lo cho đời sống đội ngũ giáo viên. Trường đã kịp thời tuyên dương những tấm gương đóng góp thầm lặng, những hành động ý nghĩa của thầy cô giáo nhằm giúp đội ngũ sư phạm cảm thấy hạnh phúc và được tiếp thêm động lực sáng tạo, cống hiến. Hằng năm nhà trường trao học bổng Nguyễn Đức Cảnh cho con em giáo viên, công nhân viên. Các thầy cô giáo, công đoàn viên có đời sống khó khăn được quan tâm thăm hỏi, hỗ trợ thường xuyên. Trong thời điểm dịch COVID-19 bùng phát, ban lãnh đạo nhà trường đã tổ chức “Ngày cuối tuần vui vẻ” trao tận tay thầy cô những món quà nhỏ nhưng giàu tình nghĩa để tiếp thêm động lực. Qua đó, thầy cô giáo cảm nhận được tập thể sư phạm nhà trường là một gia đình luôn quan tâm, yêu thương và tương trợ lẫn nhau.

“Tuy vậy, thu nhập bình quân của giáo viên hiện nay không cao, nhiều giáo viên gặp khó khăn trong đời sống, đặc biệt là giáo viên trẻ với hệ số lương thấp. Bên cạnh đó, áp lực công việc và áp lực xã hội đang đè nặng lên đôi vai nhiều giáo viên. Mong rằng sẽ nhận được sự quan tâm, khích lệ từ các cấp lãnh đạo cũng như từ xã hội để tạo tâm thế tích cực cho thầy cô” - bà Bùi Minh Tâm nói. 

“Chúng ta còn nợ thầy cô...”

Phó giáo sư, tiến sĩ Lê Minh Triết (Trường đại học Sài Gòn) góp ý, thành phố cần có kế hoạch phát triển nguồn nhân lực hiệu quả, bền vững giữa đào tạo nhân tài với giáo dục nghề nghiệp, giáo dục phổ thông hướng nghiệp giúp học sinh chọn được hướng đi phù hợp với khả năng, nguyện vọng. Bên cạnh đó, quan tâm và tạo cơ chế để giảng viên, giáo viên trẻ phát huy năng lực, đóng góp cho sự phát triển chung của thành phố. Quan trọng nhất, cần có chính sách đãi ngộ cho giáo viên, đặc biệt là các giáo viên trẻ mới ra trường, bám trụ được với nghề giáo. 

Ông Phan Văn Mãi - Chủ tịch UBND TPHCM - nhận định: Đứng trước yêu cầu mục tiêu giáo dục phát triển toàn diện và nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực hiện nay, sứ mệnh của ngành giáo dục thành phố hết sức nặng nề, còn nhiều điều cần thay đổi để đáp ứng kỳ vọng của người dân và xã hội.

Chia sẻ về vai trò của người thầy trong thời đại mới, ông Phan Văn Mãi cho rằng thầy cô vừa là kỹ sư kiến tạo nền tảng tri thức, nhân cách; vừa là nghệ sĩ trên bục giảng truyền cảm hứng, niềm đam mê và hoàn thiện tâm hồn cho công dân trẻ. Một nền giáo dục tiên tiến và hiện đại đến đâu thì vai trò của thầy cô vẫn là quyết định, thầy cô là trái tim của hệ thống giáo dục. Một trong những vấn đề lãnh đạo thành phố luôn quan tâm và trăn trở là làm sao chăm lo cho các thầy cô.

Lãnh đạo thành phố đã giao ngành giáo dục nghiên cứu, đề xuất các cơ chế khả thi để đảm bảo đời sống vật chất, tinh thần cho đội ngũ nhà giáo, giúp các thầy cô giáo yên tâm công tác, gắn bó với nghề. Về vấn đề thu nhập của giáo viên, trong đó có giáo viên trẻ, các thầy cô có hoàn cảnh khó khăn, ở địa bàn khó khăn..., thành phố đã và sẽ xây dựng các cơ chế đặc thù về tăng thu nhập cho cán bộ, công chức, viên chức. Đặc biệt, sẽ chọn các đối tượng khó khăn để tập trung giải quyết trong thời gian sắp tới.

“Thành phố sẽ nghiêm túc giải quyết các bất cập và tồn đọng trong lĩnh vực giáo dục đào tạo, vấn đề biên chế, chính sách thu hút đãi ngộ với giáo viên. Còn rất nhiều vấn đề tồn đọng. Dường như lãnh đạo thành phố còn nợ các thầy cô nhiều vướng mắc đang chậm giải quyết. Ở một góc độ nào đó xã hội còn nợ sự thấu cảm và lòng tri ân đối với nhà giáo. Song, tôi có niềm tin thời gian tới, sự nghiệp giáo dục sẽ được vun đắp mạnh mẽ, đội ngũ thầy cô sẽ được chăm lo tốt hơn, từ đó nâng cao ý thức trách nhiệm, tình yêu nghề và tự hào với sứ mệnh của mình” - ông Phan Văn Mãi nói. 

80 cán bộ, giáo viên được vinh danh

Tại buổi lễ, 50 giáo viên, cán bộ quản lý ngành giáo dục TPHCM đã được trao giải thưởng Võ Trường Toản lần thứ 25 năm 2022. Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cũng đã quyết định tặng bằng khen cho 25 nhà giáo tiêu biểu được vinh danh giải thưởng Võ Trường Toản qua các thời kỳ. Thành phố cũng khen thưởng 5 nhà giáo được bổ nhiệm chức danh giáo sư năm 2022. Ngoài ra, Sở GD-ĐT TPHCM được nhận Cờ thi đua của Bộ GD-ĐT do có nhiều thành tích xuất sắc về đổi mới phương pháp dạy học, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo.

Thay mặt lãnh đạo thành phố, ông Phan Văn Mãi gửi đến thầy cô, cán bộ ngành giáo dục thành phố qua các thời kỳ lời tri ân sâu sắc. Lãnh đạo thành phố hoan nghênh sáng kiến của Báo Sài Gòn Giải Phóng và Sở GD-ĐT TPHCM tổ chức giải thưởng Võ Trường Toản để phát hiện, tôn vinh các gương thầy cô giáo, cán bộ quản lý tận tâm, cống hiến hết mình cho sự nghiệp trồng người. Bên cạnh đó, còn nhiều hơn nữa các thầy cô, cán bộ quản lý đã cống hiến, đóng góp thầm lặng cho sự nghiệp giáo dục. Sắp tới, giải thưởng cần tiếp tục tìm kiếm phát hiện những tấm gương thầy cô, cán bộ, để từ đó lan tỏa những giá trị tích cực, động viên các nhà giáo đóng góp vào sự phát triển thành phố.

Ông Phan Văn Mãi - Chủ tịch UBND TPHCM: Vai trò của hiệu trưởng, giáo viên chủ nhiệm đặc biệt quan trọng

Đánh giá cao vai trò của thầy cô, song tôi muốn nhấn mạnh vai trò của thầy cô hiệu trưởng, giáo viên chủ nhiệm trong việc xây dựng văn hóa học đường và nâng cao chất lượng toàn diện của giáo dục đào tạo. Ngành giáo dục cần có đánh giá, rà soát để chọn được những hiệu trưởng tâm huyết, có phương pháp quản lý để phát huy sức mạnh của tập thể sư phạm, để xây dựng ngôi trường thực sự là không gian văn hóa. Khi nói về văn hóa học đường, trong bối cảnh TPHCM đang xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh, thì đó là văn hóa học thật, học suốt đời, văn hóa trung thực, không bị bệnh thành tích, văn hóa yêu thương và lòng biết ơn, văn hóa năng động sáng tạo và tiên phong.

Bên cạnh đó, việc trang bị tâm thế cho người học, cho các thế hệ học sinh tương lai cũng rất quan trọng. Đó là tâm thế học thật, học suốt đời, cởi mở hợp tác, không chỉ trong nước mà quốc tế, sẵn sàng hội nhập quốc tế và nhận lãnh những nhiệm vụ có tính thách thức. Không chỉ làm tốt việc trang bị kiến thức, phương pháp cho học sinh, mà việc xây dựng tâm thế cho người học đòi hỏi giáo viên phải dày công hơn nữa.

Phương Thanh

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI