Đừng để giáo viên phải thu tiền, chịu những chỉ trích không đáng có

17/11/2022 - 19:05

PNO - Không để giáo viên phải thu tiền, giảm bớt hành chính, mức lương hợp lý... là những đề xuất được đưa ra tại tọa đàm về nghề giáo tổ chức chiều 17/11.

Cụ bà Trần Thị Rồng (96 tuổi) nhận giải Nhất với bài viết Nỗi nhớ thầy, cô khắc sâu như tạc
Cụ bà Trần Thị Rồng (96 tuổi) nhận giải nhất với bài viết "Nỗi nhớ thầy, cô khắc sâu như tạc"

Chiều 17/11, Báo Người Lao Động tổ chức lễ trao giải cuộc thi viết "Người thầy kính yêu" nhằm chào mừng kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam. 

Ông Tô Đình Tuân - Tổng biên tập - cho biết, đầu tháng 8/2022, Báo Người Lao Động phát động cuộc thi viết "Người thầy kính yêu". Chỉ trong hơn 3 tháng, Ban tổ chức đã tiếp nhận gần 400 bài dự thi của các tác giả chuyên và không chuyên ở mọi miền đất nước cũng như kiều bào đang sinh sống, học tập ở nước ngoài gửi về. Có tác giả tuổi đời mới 13, đang học lớp 8; có tác giả 96 tuổi, viết bản thảo bằng bút mực, rồi nhờ con gái đánh máy, chuyển đến tòa soạn.

Các tác giả đều có điểm chung là hồi tưởng về thầy, cô của mình trong quá khứ hoặc kể chuyện về những "người đưa đò" đương thời bằng sự kính trọng, bằng những kỷ niệm, câu chuyện, hành động chân thực, sâu sắc. Qua đó làm toát lên tấm gương những nhà giáo mẫu mực về nhân cách, yêu nghề và giỏi nghề, tận tụy với sự nghiệp trồng người.

Cụ bà Trần Thị Rồng là tác giả cao tuổi nhất, 96 tuổi và cũng là người giành giải thưởng cao nhất của cuộc thi. Sáng 17/11, cụ vượt hơn 200km từ Long Xuyên (tỉnh An Giang) lên TPHCM để dự lễ trao giải. Bài viết dự thi của cụ Rồng - Nỗi nhớ thầy, cô khắc sâu như tạc là bản viết tay và được con gái cụ đánh máy lại, gởi cho tòa soạn.

Báo Người Lao Động tiếp tục phát động cuộc thi viết "Người thầy kính yêu" lần 2, bắt đầu nhận bài từ ngày 17/11 và dự kiến trao giải vào dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam năm 2023.

Trong khuôn khổ lễ trao giải, Báo Người Lao Động tổ chức tọa đàm với chủ đề "Tiếp nối truyền thống tôn sư trọng đạo". Giáo sư, nhà giáo Huỳnh Như Phương chia sẻ: “Tôi từng viết bài Những áp lực trên vai nhà giáo, nay có lẽ đổi thành Những áp lực trong tim nhà giáo. Hiện nay, thầy, cô giáo phải trở thành người cha, mẹ thứ hai nên không khi nào hết áp lực. Để giảm bớt áp lực cho giáo viên, tôi có 3 đề nghị: Thứ nhất, cần giảm bớt sổ sách cho thầy cô. Thứ hai, làm thế nào để giáo viên không phải thu tiền, việc thu tiền của là của các bộ phận khác. Thứ ba, làm sao để xây dựng mô hình trường học đề cao sự tôn trọng giáo viên, tôn trọng học sinh.

Để làm được điều này, vai trò của người quản lý rất quan trọng. Chúng ta cần bớt hành chính hóa, để giáo viên làm việc toàn tâm toàn ý, đừng để giáo viên phải chịu sự chỉ trích nào”.

Tiến sĩ Bùi Trần Quỳnh Ngọc - Phó hiệu trưởng Trường đại học Sư phạm TPHCM - cho rằng, lương của giáo viên ra trường vẫn là bài toán đặt ra cho toàn xã hội. Chính phủ đã có chính sách miễn học phí cho sinh viên sư phạm, kết quả cho thấy điểm chuẩn thi vào ngành sư phạm rất cao, hiệu quả của chính sách là không thể phủ nhận. Tuy vậy, đây mới là điều kiện cần, để đáp ứng đủ phải kết hợp thêm các chính sách ở nhiều ngành khác. 

Ông Lê Thắng Lợi - Phó giám đốc Trung tâm Phát triển giáo dục và đào tạo phía Nam (Bộ Giáo dục và Đào tạo) - cho biết sẽ ghi nhận những ý kiến tâm huyết của các thầy cô giáo trong buổi tọa đàm và đề xuất đến Bộ trưởng để từng bước tháo gỡ khó khăn cho nhà giáo.

P.Thanh

 

news_is_not_ads=

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEtuyensinhvi /strCate=tuyensinh

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEsukienvandevi /strCate=sukienvande
TIN MỚI

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEgiaoducvi /strCate=giaoduc