Người thầy cần mẫn "gieo chữ" trên cao nguyên đá Hà Giang

20/11/2022 - 12:52

PNO - Đến thăm bản Dày, xã Ngọc Long càng nể phục hơn về sự hy sinh lớn lao của giáo viên nơi đây.

 

Con đường đến trường của các thầy tại điểm trường bản Dày xã Ngọc Long
Con đường đến trường của các thầy tại điểm trường bản Dày, xã Ngọc Long

Ngọc Long là xã có địa giới hành chính, dân số đông nhất huyện Yên Minh (tỉnh Hà Giang) với 25 thôn, bản. Xã có tới 2.147 trẻ trong độ tuổi đến lớp.

Thế nhưng cơ sở hạ tầng, vật chất phục vụ công tác giáo dục nơi đây cực kỳ thiếu thốn và hạn chế. Hiện nay, xã chỉ có 3/25 điểm trường (bao gồm cả trường chính) là có phòng học kiên cố, còn lại học sinh phải học trong các nhà gỗ tạm bợ.

Cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, dụng cụ học tập ở trường chính cũng chưa đáp ứng được nhu cầu giảng dạy của giáo viên... Chính vì thế mà lâu nay chuyện học của học sinh bản Dày (xã Ngọc Long) là nỗi trăn trở lớn của chính quyền nơi đây.

Bản Dày cách trung tâm xã gần 20km, đường đi lại vô cùng khó khăn, muốn vào điểm trường giáo viên phải đi qua những cung đường ngoằn ngoèo, hiểm trở.

Điều đặc biệt là tại điểm trường của bản Dày hầu như chỉ có giáo viên nam và năm nay có 4 thầy giáo được phân công lên giảng dạy.

Cũng như các điểm trường khác, điều kiện đi lại quá khó khăn lại xa nhà nên giáo viên ở điểm trường bản Dày phải chọn cách ở lại, chiều thứ Sáu mới về nhà. 

Cơ sở vật chất phục vụ cho việc học còn thiếu thốn nên chỗ ở của các thầy cũng tạm bợ, là những gian nhà được ghép bởi những tấm gỗ cũ, nay xuống cấp nghiêm trọng.

Đặc trưng ở bản Dày là địa hình ở trên núi cao, những khi gió mùa đông bắc rít qua khe cửa thì cái rét thấm vào tận thớ thịt. Còn đến mùa mưa bão, căn nhà dột ướt hết mền gối, hầu như giáo viên không thể ngủ nổi và cùng nhau thức trắng chờ sáng.

Nhìn lớp học đơn sơ được ghép bằng những tấm gỗ thủng lỗ chỗ nhiều người không khỏi xót xa
Lớp học đơn sơ của trẻ vùng cao nguyên đá Hà Giang

Thầy giáo Nguyễn Thế Kỳ chia sẻ: "Tôi nhớ nhất có một lần mưa bão mà gió thổi bay cả mái nhà, mấy thầy giáo ở lại điểm trường như chúng tôi không biết làm gì ngoài những lời động viên nhau rằng ngày mai có nắng sẽ lợp lại mái. Sáng hôm sau các thầy nhờ bà con dân bản đến giúp lợp lại mái trường". 

Thầy Nguyễn Thế Kỳ cho biết, trước đây thầy cũng từng công tác ở điểm trường cơ sở vật chất cũng chẳng khá hơn ở bản Dày là mấy nên thầy đặc biệt rất thương những đứa trẻ nghèo vùng cao.

Có lẽ cũng vì chữ thương ấy mà khi được phân công lên bản Dày, thầy Kỳ đồng ý đi ngay. Và từ khi lên bản Dày đến nay, bàn chân của thầy đã chai sạn bởi những lần trèo đèo, lội suối đến các bản cheo leo, heo hút để vận động học sinh đến trường.

“Ở đây, những lần đi vận động học trò đến lớp, chứng kiến cảnh gia đình nhiều em cơm không đủ no, áo không đủ ấm nên tôi thương lắm. Mà đã có tình thương, thì sẽ cố gắng vượt qua khó khăn, vất vả để giúp các em đến trường", thầy Kỳ nói.

Có những gia đình nhất định không cho con đi học vì phải ở nhà làm nương, trông em, thầy Kỳ và những đồng nghiệp đến vận động họ còn đuổi về.

"Bụng bảo dạ phải kiên trì, và dù bị đuổi tôi vẫn tới và đến lần thứ 3 họ mới đồng ý cho con đến trường. Cậu bé đó tôi vẫn nhớ mãi, gương mặt rất thông minh, nhanh nhẹn và tiếp thu bài học nhanh nhất lớp, hiện tại con đã học lên bậc THCS.

Chúng tôi ở trên này cũng có lúc nhớ gia đình nhưng sẽ dồn tình thương ấy cho học sinh. Bởi, mình coi học sinh cũng như những đứa con của mình ở nhà để yêu thương, dạy dỗ”, thầy Kỳ kể.

Có lẽ với những giáo viên vùng cao như thầy Kỳ, am hiểu phong tục, tập quán của địa phương cũng như những suy nghĩ của đồng bào là một lợi thế trong việc giáo dục các em. "Học sinh vùng cao vốn rụt rè, sự tiếp thu bài cũng chậm hơn so với học sinh dưới xuôi nhiều, vì vậy phải có lòng kiên trì và tình yêu thương chân thành. Nếu hiểu hơn về phong tục thì mình dễ dàng hiểu các em hơn", thầy Nguyễn Thế Kỳ tâm sự.

Đại Minh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI