“Người ta kháo nhau, báo cáo tác động môi trường nếu thuê cơ quan phê duyệt thì thông qua rất nhanh”

04/09/2020 - 13:34

PNO - Đây là phát biểu của ĐBQH Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) tại Hội nghị đại biểu quốc hội sáng 4/9.

 

ĐBQH Nguyễn Sỹ Cương bày tỏ sự lo ngại tiêu cực trong việc cấp ĐTM
ĐBQH Nguyễn Sỹ Cương bày tỏ sự lo ngại tiêu cực trong việc thông qua ĐTM

Sáng 4/9, Quốc hội tổ chức Hội nghị đại biểu Quốc hội (ĐBQH) hoạt động chuyên trách để thảo luận, cho ý kiến vào dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi).

Trình bày báo cáo tiếp thu, giải trình một số nội dung của dự thảo luật, Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng cho biết, trên cơ sở các ý kiến còn khác nhau của ĐBQH, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) trình 2 phương án liên quan giấy phép về môi trường. Cụ thể:

Phương án 1, chỉ dùng 1 loại giấy phép môi trường trong đó bao gồm cả nội dung cấp phép xả nước thải vào công trình thủy lợi, thay thế 7 loại giấy tờ thủ tục hành chính cấp phép về môi trường.

Phương án 2, vẫn có giấy phép “Xả nước thải vào công trình thủy lợi” như đã được quy định trong Luật Thủy lợi.

Ủng hộ lựa chọn phương án 1, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (đoàn Ninh Thuận) lý giải việc tích hợp các loại giấy tờ trên mang nhiều ý nghĩa trong bối cảnh Chính phủ đang quyết tâm thực hiện cải cách hành chính.

Điều này giúp giảm thủ tục hành chính, đảm bảo tính thống nhất, rõ trách nhiệm cũng như tuân thủ những nguyên tắc về một cơ quan chịu trách nhiệm chính về việc này. Mặt khác, quy định này cũng đảm bảo tiếp cận tổng hợp về việc cấp giấy phép xả thải môi trường.

Tuy nhiên, ĐBQH Nguyễn Sỹ Cương đề nghị, Luật cần minh bạch hoá việc lập và phê duyệt Báo cáo ĐTM, bởi các giấy phép xả thải vào nguồn nước và xả thải vào công trình thuỷ lợi đều dựa trên báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM)

“Tôi từng nghe các doanh nghiệp người ta kháo nhau rằng báo cáo đánh giá tác động môi trường nếu thuê chính cơ quan phê duyệt thì được thông qua rất nhanh. Do đó cần phải làm như thế nào để chống được tiêu cực trong việc này”, ĐBQH tỉnh Ninh Thuận nói.

Trong khi đó, cũng có những ý kiến đại biểu đề nghị cân nhắc kỹ vấn đề này, trong đó nhấn mạnh giấy phép “Xả nước thải vào công trình thủy lợi” có phạm vi rất rộng, tác động rất lớn đến nguồn nước nên cần giữ riêng và lựa chọn phương án 2.

Minh Quang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI