Người PN 21 năm ‘ở vậy’ nuôi đứa con tật nguyền bị bỏ rơi

18/12/2014 - 14:34

PNO - PNO - 21 năm, chị bỏ qua biết bao lời “ngỏ ý thành thân”, chấp nhận sống một mình đơn chiếc chỉ để nuôi đứa con nhiễm chất độc da cam bị chính mẹ ruột bỏ rơi ngay từ khi mới lọt lòng.

edf40wrjww2tblPage:Content

Chị là chị Trần Thị Cúc, 58 tuổi, ở khu phố 3, thị trấn Cam Lộ, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị.

Nguoi PN 21 nam ‘o vay’ nuoi dua con tat nguyen bi bo roi

Nguyện sống đơn thân chăm con tật nguyền

Giữa cái rét lạnh đến cóng tay cóng chân của mùa đông, một người phụ nữ dáng gầy gò đang lụi cụi cuốc đất để trồng rau. Thấy có khách, chị liền dừng công việc để vào nhà tiếp chuyện. Sau ly nước chè nóng, chị bắt đầu kể về đoạn đời đã qua...

Lúc đó là năm 1993, tình cờ chị được người quen rủ đi tới một bệnh viện tư ở TP. Đông Hà để xin một đứa bé gái bị bỏ rơi về nuôi. Đến nơi, người quen của chị lắc đầu thất vọng bỏ về vì đứa trẻ có triệu chứng teo cơ, bại liệt. Còn chị Cúc thì đứng tần ngần nhìn chăm chăm đứa trẻ.

“Tôi định quay lưng bỏ đi, nhưng nhìn đứa trẻ còn đỏ hỏn, teo tóp, ánh mắt ngây thơ tội nghiệp cứ nhìn chăm chú vô tôi như đang muốn tôi bảo vệ. Khi đó, tôi nghĩ bụng, chắc có nhiều người đến xin nhận nuôi nó nhưng rồi tất cả họ đều bỏ về. Nếu tôi cũng bỏ đi như họ thì con bé sau này sẽ ra sao. Nghĩ đến đó, chân tôi không thể cất bước quay đi được. Tôi liền đem cháu về nuôi, lấy họ mình đặt tên cho bé là Trần Thị Phương Thảo ” - chị Cúc rưng rưng kể.

Vậy là “bỗng nhiên” chị làm mẹ. Thời điểm chị nhận đứa trẻ tật nguyền về nuôi, gia cảnh chị rất nghèo khó, bởi chị còn phải nuôi dưỡng người mẹ già.

Nguoi PN 21 nam ‘o vay’ nuoi dua con tat nguyen bi bo roi

Mọi sinh hoạt của Thảo đều phải dựa vào chị Cúc

Đến giờ, chị Cúc vẫn còn nhớ rõ những ngày đầu mới đưa bé Thảo về nuôi. Hai mẹ con chị Cúc rau cháo bên nhau trong túp lều so sài dựng cạnh bờ đê sông Hiếu. Không có sữa mẹ cho bé Thảo bú, chị Cúc phải bồng bé chạy khắp làng xin sữa. Những đêm bé Thảo đau ốm, lên cơn động kinh, chị phải thức trắng đêm để lo cho con.

Để có tiền nuôi đứa con tật nguyền, chị Cúc phải chạy đôn chạy đáo làm đủ việc. Sống được hơn một năm ngoài bờ đê sông Hiếu, hai mẹ con chị Cúc chuyển vào ở chung căn nhà với người mẹ già 78 tuổi.

Năm 1999, chị Cúc chạy vạy mượn tiền để đưa bé Thảo vào trại Hòa Bình (Huế) để phục hồi chức năng. Phục hồi cho bé Thảo được mấy tháng, không có tiền để tiếp tục điều trị cho bé, chị Cúc đành phải ôm bé Thảo về Quảng Trị. Đúng lúc này, mẹ chị Cúc lại ngã bệnh.

Nhà chị vốn đã ít người, chị gái lại đã vào miền Nam lập nghiệp. Một mình chị Cúc vừa phải chăm mẹ, vừa phải lo cho đứa con tật nguyền.

Nhiều người thương cảnh chị Cúc một mình đơn chiếc, đến ngỏ ý "thành gia thất" nhưng chị một mực từ chối, vì họ đều chỉ muốn lấy chị làm vợ chứ không muốn nhận bé Thảo làm con.

Vậy là chị chấp nhận cuộc sống thui thủi một mình để nuôi đứa con bất hạnh khôn lớn.

Nỗi lòng người mẹ…

Nguoi PN 21 nam ‘o vay’ nuoi dua con tat nguyen bi bo roi

Hai mẹ con chị Cúc nương tựa vào nhau sống trong căn nhà của đứa cháu trai

21 năm qua, một mình chị vất vả chăm lo cho đứa con tật nguyền, nhưng chị chưa một lần nào phàn nàn hay có ý định bỏ rơi con.

“Nuôi bé Thảo nhiều lúc khó khăn quá, tôi cũng nản chí lắm. Nhưng nhìn đứa con tật nguyền ú ớ gọi mẹ, lòng tôi lại chùng xuống, thương nó nhiều hơn. Nhiều người thấy tôi cực khổ quá, bảo tôi đem gửi bé Thảo vào cô nhi viện, nhưng tôi không làm. Với tôi, bé Thảo chẳng khác gì đứa con ruột của mình, cực khổ mấy tôi cũng không bỏ rơi con bé. Nó đã quá tội nghiệp lắm rồi. Chỉ vì di chứng chất độc da cam mà bé bị mẹ đẻ bỏ rơi khi còn nhỏ, giờ còn sống ngày nào, tôi sẽ yêu thương, chăm lo cho con bé ngày đó” - chị Cúc tâm sự.

Căn nhà của cha mẹ chị Cúc đã bị hư hỏng nghiêm trọng từ năm 2012. Không có tiền tu sửa lại nhà, chị Cúc phải sống tạm trong căn nhà của đứa cháu trai (con của chị gái). Khi chúng tôi hỏi, chị có sợ mai này đứa cháu trai về quê sinh sống, hai mẹ con chị không có nhà để ở không, chị Cúc lưỡng lự rồi cười nói “sợ chứ, nhưng thôi, cứ tới mô hay đến đó”…

Trước kia, có mẹ đẻ trông hộ bé Thảo, chị Cúc đi làm thuê làm mướn, cũng có đồng vào đồng ra. Giờ mẹ mất, chị Cúc đành phải ở nhà chăm sóc bé Thảo. Hàng ngày, chị quanh quẩn trồng ít rau màu trong vườn để kiếm thêm chút nguồn thu nhập nuôi hai mẹ con.

Chia tay chị Cúc khi màn đêm đã dần buông xuống. Tôi nhớ nhất câu nói của chị: “Nhỡ mai này tôi không còn, ai sẽ chăm sóc cho bé Thảo đây”…

PHƯƠNG NGỌC

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI