Người phụ nữ nghèo và 30 năm nhớ vị Tết cố hương

14/02/2016 - 07:44

PNO - Rời quê vì mang trong mình căn bệnh lạ, 30 mùa xuân trôi qua cũng là thời gian người phụ nữ trung niên nghẹn ngào nhớ cố hương.

Năm hết Tết đến, nhìn mọi người tất bật gói gém đồ đạc chuẩn bị về cố hương sum vầy, đón Tết, lòng người phụ nữ miền trung lam lũ lại nghẹn ngào, bịn rịn. Bởi đã 30 mùa xuân đến rồi đi, bà chưa một lần được hưởng cái hương vị đầm ấm, sum họp trong không khí đón xuân ở cố hương.

Rời quê vì căn bệnh quái ác

Với người phụ nữ trung niên có dáng vẻ lam lũ Trần Thị Ruộng (50 tuổi, trú tại ấp Thới Tây Môn, xã Tân Hiệp, huyện Hóc Môn), vẫn cầm trên tay sấp vé số tiến tới từng người chào mua. Nhìn người phụ nữ lam lũ này, khó ai có thể ngờ rằng bà đã hơn 30 năm chưa một lần dám trở về quê hương đón Tết. Bà vẫn sống cô quạnh nơi đất khách, phồn hoa mà không kém phần bạc bẽo này.

Nguoi phu nu ngheo va 30 nam nho vi Tet co huong
Đã 30 mùa xuân đến rồi đi, bà Ruộng vẫn nghẹn ngào, bịn rịn nỗi nhớ cố hương mỗi khi năm hết, Tết đến.

Sinh ra trong một gia đình có hai anh em ở một vùng quê nghèo thuộc tỉnh Quảng Ngãi, ngay từ nhỏ bà Ruộng đã không được đến trường để biết cái chữ như chúng bạn đồng trang lứa. Ngỡ rằng cái nghèo, cái đói rồi sẽ qua đi khi bản thân cần gắng chăm chỉ làm ăn. Thế nhưng, nó mới chỉ là điểm khởi đầu cho chuỗi bất hạnh trong cuộc đời của người đàn bà có dáng vẻ lam lũ này.

Trong một lần đi làm thuê xa nhà, cha mẹ gặp tai nạn giao thông, cùng một lúc, bà mất đi 2 người thân thích nhất. Nén nỗi đau, bà Ruộng cùng anh trai đành phải nương tựa vào nhau mà sống. Thế nhưng, tạo hóa như vẫn còn muốn thử thách người phụ nữ khốn khó này.

Ở cái tuổi thiếu nữ, tràn đầy sức sống, chỉ sau một cơn sốt, đã làm thay đổi cuộc sống của bà Ruộng. “Sau đợt bị ốm, hai mu bàn tay tôi bất ngờ nổi lên những mụn nhỏ li ti. Lúc đầu, tôi chỉ nghĩ mình bị phát ban. Nào ngờ chúng mãi không biến mất, mấy năm sau đám mụn lan rộng ra, dày đặc khắp người. Dân trong xóm thấy thì sợ lắm, người nói tôi mắc bệnh quái dị, người lại đồn bị ma ám”, bà Ruộng đau đớn cho hay.

Không chịu được miệng lưỡi thế gian, người thiếu nữ trẻ tuổi Trần Thị Ruộng đành ngậm ngùi rời bỏ quê hương, chạy trốn những lời nói thị phi ấy.

30 năm nhớ vị Tết cố hương

“Những ngày đầu mới vào Sài Gòn của tôi cơ cự lắm. Đêm đến thì ngủ ở vỉa hè ngay trung tâm quận 1. Lúc đói, thì lục lọi ở bãi rác ngoài công viên kiếm cái gì lót dạ. Nhiều lúc gặp người tốt, họ thương cho được cái gì chỉ biết ngấu nghiến cho đầy cái dạ dày” – bà Ruộng bộc bạch.

Chán nản, đã hơn 1 lần, người phụ nữ khốn khổ tìm đến cái chết. May mắn, trong lúc cận kề cái chết, bà Ruộng được đôi vợ chồng tốt bụng ở quận Gò Vấp đi ngang đã nhanh tay ngăn cản. Rồi sau đó nhận bà vào làm giúp việc cho gia đình. Cũng nhờ có sự đồng cảm, chia sẻ của đôi vợ chồng ân nhân tốt bụng mà bà Ruộng dần xóa đi được nỗi mặc cảm về bệnh tật của mình.

Vượt qua những sóng gió, gian truân rồi những niềm vui, niềm hạnh phúc dần tìm tới với người phụ nữ khổ cực này. Vào năm 30 tuổi, lần đầu tiên bà Ruộng biết cảm giác trái tim rung động. Một người đàn ông vì mến sự hiền lành, chịu khó của người con gái miền trung lam lũ, đã đem lòng yêu thương.

Rồi chỉ vài tháng sau đó, một đám cưới nghèo được tổ chức, họ chính thức trở thành vợ chồng và cùng nhau chào đón 2 người con kháu khỉnh, lành lặn ra đời.

Nguoi phu nu ngheo va 30 nam nho vi Tet co huong
Bà Ruộng bên cậu con trai nhỏ của mình tại trường mẫu giáo.

Sau bao nỗi nhọc nhằn, vất vả hiện nay, cô con gái lớn của bà Ruộng đã và đang theo học tại một trường đại học, cậu con út của bà gửi đi mẫu giáo mỗi ngày. Nhưng cũng rất lâu rồi, trong căn nhà thuê tạm bợ, chỉ có 3 người họ đón Tết bên nhau.

“Mỗi khi Tết đến, xuân về nhìn cảnh người ta sum vầy, nội ngoại đủ bề, bản thân người mẹ như tôi xót xa lắm. Ngày Tết, đáng ra phải vui, háo hức, vậy mà chứng kiến 2 con lủi thủi chơi với nhau, không bạn bè, người thân thích, lòng tôi lại nghẹn ngào”, bà Ruộng Tâm sự.

Mỗi lúc nói chuyện, bà lại tránh nhắc về mảnh đất “chôn rau cắt rốn” với con mình. Nhiều lần hai con gặng hỏi, bà không biết trả lời ra sao, chỉ biết ôm con mà khóc, cả căn nhà vang tiếng khóc, ngày Tết ứa tràn nước mắt của những số phận tha hương.

Đối với bà Ruộng, cái Tết năm nào cũng mang nhiều nỗi sợ hãi, lo toan. Động lực giúp bà mạnh mẽ phần nào được bù đắp khi chứng kiến hai con dần trưởng thành, biết học cách chấp nhận và vươn lên số phận.

Linh Linh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI