Người nghèo khổ sở vì giá thuốc tăng

14/07/2022 - 06:17

PNO - Lạm phát toàn cầu không chỉ khiến giá lương thực gia tăng mà còn cả dịch vụ chăm sóc y tế và thuốc men. Rất nhiều người nghèo đang chật vật xoay xở trước áp lực chi phí thuốc, dịch vụ y tế ngày càng cao.

Giá thuốc điều trị tăng cao

Cư dân New York (Mỹ) Lynn Scarfuto đã dành vài năm làm công việc y tá, giúp nhiều bệnh nhân ung thư vượt qua bệnh tật trước khi chính bà trở thành bệnh nhân ung thư. Người phụ nữ 72 tuổi được chẩn đoán mắc bệnh bạch cầu vào năm 2012 và khoảng sáu năm sau đó được chẩn đoán mắc bệnh ung thư phổi. Gánh nặng tài chính đi kèm với việc điều trị bệnh là không hề dễ dàng.

Imbruvica - một loại thuốc điều trị ung thư do bác sĩ kê đơn - có giá bán khoảng 16.000 USD cho một tháng điều trị. Bà Scarfuto tham gia Medicare (chương trình chăm sóc sức khỏe quốc gia) nhưng không đủ điều kiện nhận trợ cấp đối với người có thu nhập thấp. Để ngăn bệnh ung thư tiến triển, bà phải bỏ ra 12.000 USD mỗi năm từ tiền tiết kiệm hưu trí của mình. “Tôi không biết xoay xở thế nào để sống”, bà Scarfuto thổ lộ.

Việc bà Scarfuto chật vật điều trị căn bệnh đe dọa tính mạng của mình không phải là điều bất thường ở Mỹ, nơi giá thuốc kê đơn thường cao hơn nhiều so với các quốc gia phát triển khác. Theo một nghiên cứu gần đây trên tạp chí Health Affairs, 1/3 người Mỹ không thuộc diện nhận trợ cấp thu nhập thấp nhưng lại không thể mua thuốc điều trị ung thư.

Một nghiên cứu mới công bố trên tạp chí Hiệp hội Y khoa Mỹ cho biết, từ năm 2008 đến năm 2021, giá thuốc đưa ra thị trường đã tăng 20% hằng năm. Chi phí cho một năm sử dụng các loại thuốc mới đưa ra thị trường trung bình từ 2.115 USD lên hơn 180.000 USD. Riêng giai đoạn 2020-2021, gần một nửa (47%) các loại thuốc mới được đưa ra thị trường có giá trên 150.000 USD cho một năm điều trị.

Các nhà nghiên cứu gọi gánh nặng kinh tế mà mọi người phải đối mặt sau một chẩn đoán sức khỏe đe dọa tính mạng là “nhiễm độc tài chính”, với những triệu chứng ảnh hưởng đến tâm lý - chán ghét bản thân - hay suy kiệt thể chất - đói - vì không còn đủ tiền để mua thức ăn.

Chi phí y tế tăng cao đang là nỗi lo của nhiều gia đình tại Mỹ, Ấn Độ… (trong ảnh: Một kỹ thuật viên dược chuẩn bị đơn thuốc ở Midvale, Utah, Mỹ) - ẢNH: GETTY IMAGES
Chi phí y tế tăng cao đang là nỗi lo của nhiều gia đình tại Mỹ, Ấn Độ… (trong ảnh: Một kỹ thuật viên dược chuẩn bị đơn thuốc ở Midvale, Utah, Mỹ) - Ảnh: GETTY IMAGES

Trong một số trường hợp, bệnh nhân cần phải bỏ ra gần một nửa tổng thu nhập để có thể đủ tiền mua thuốc. Giá thuốc kê đơn cao ngất ngưởng là lý do chính khiến các nhà lập pháp Mỹ hiện đang thúc đẩy một thỏa thuận cho phép chính phủ liên bang thương lượng các thỏa thuận giá thuốc thấp hơn. Những người ủng hộ nói rằng động thái này sẽ giảm chi phí của các loại thuốc đắt tiền nhất, bao gồm cả thuốc điều trị ung thư.

Ở cấp địa phương, Thống đốc bang California Gavin Newsom cho biết hôm 9/7 rằng tiểu bang sẽ dùng 50 triệu USD tài trợ cho một cơ sở sản xuất insulin ở California, trong khi 50 triệu USD khác sẽ trang trải chi phí phát triển loại thuốc quan trọng cho bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường type 1.

Trợ giá cho các loại thuốc thiết yếu

Ấn Độ là nhà sản xuất thuốc lớn thứ ba thế giới theo khối lượng và là một trong những quốc gia có chi phí sản xuất thuốc thấp nhất trên toàn cầu. Với mạng lưới mạnh mẽ gồm 3.000 công ty dược và khoảng 10.500 đơn vị sản xuất, ước tính 1/3 thuốc viên tiêu thụ ở Mỹ được sản xuất tại Ấn Độ. Dù vậy, người dân Ấn Độ vẫn đang gặp khó khăn trong việc chi trả dịch vụ chăm sóc sức khỏe.

Robin Singh - sống tại bang Uttar Pradesh - đã đến Viện Khoa học Y tế Ấn Độ ở Delhi mỗi ngày trong suốt tháng Năm để lo việc điều trị bệnh thận cho mẹ anh. Chi phí điều trị, bao gồm thuốc men và xét nghiệm tại các bệnh viện tư nhân khác nhau, đã khiến Singh tốn kém đến mức “bằng cả gia tài”. Và không chỉ có người nghèo, cả  tầng lớp trung lưu Ấn Độ cũng đã và đang cảm thấy sức ép của tình trạng lạm phát trong lĩnh vực y tế. 

Theo báo cáo Bảo hiểm Y tế Ấn Độ do công ty tài chính Motilal Oswal Financial Services Limited (trụ sở tại Mumbai) công bố năm 2021, quốc gia này ghi nhận tỷ lệ lạm phát y tế cao nhất trong số các nước châu Á với mức 14%, tiếp theo là Trung Quốc (12%), Indonesia (10%), Philippines (9%)...

Dược sĩ Sanjiv Jain ở Delhi, nhận định: giá thuốc tăng do vấn đề nhập khẩu nguyên liệu từ Trung Quốc, bên cạnh việc giá xăng và dầu diesel tăng ảnh hưởng đến quy trình sản xuất. Trong nhiều năm, Ấn Độ phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc trong việc cung cấp nguyên liệu thô, các thành phần phụ và đặc biệt là thành phần dược phẩm hoạt tính (API). Hội đồng Y khoa Ấn Độ vào năm 2017 đã yêu cầu các bác sĩ chỉ được kê đơn thuốc generic (bản sao rẻ hơn của thuốc biệt dược) cho bệnh nhân, nhưng hướng dẫn này hầu như không được tuân thủ. 

Trước tình hình đó, chính phủ cố gắng kiểm soát giá thuốc bằng cách ban hành danh mục các loại thuốc thiết yếu - được dùng điều trị các bệnh nội khoa thông thường với hiệu quả tức thì. Danh mục thuốc được kiểm soát giá đã tăng đều đặn từ 74 vào năm 1995 lên gần 860 loại vào năm 2019. Dù vậy, lạm phát liên tục khiến chính phủ đã phải nhượng bộ bằng cách cho phép tăng giá các loại thuốc thiết yếu theo công thức định giá riêng, vào khoảng 10,7% tính đến tháng 4/2022. 

Tấn Vĩ (theo NBC News, Yahoo, Outlook India)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI