Phía sau giá thuốc

11/07/2022 - 06:26

PNO - Khi được chào mua một loại stent giá rẻ của Thái Lan, bác sĩ T. hỏi lại nhà phân phối: “Nếu bạn vào đây điều trị và tôi đặt loại stent này cho bạn thay vì stent tốt, giá cao thì bạn có chịu không?”. Nghe thế, nhà phân phối liền bỏ đi.

Bác sĩ T. là trưởng khoa tim mạch can thiệp của một bệnh viện lớn ở TPHCM. Ông nhiều lần kể câu chuyện này và luôn băn khoăn về cách đấu thầu thuốc, trang thiết bị vật tư y tế ở nước ta hiện nay: sản phẩm trúng thầu phải là sản phẩm… có giá rẻ nhất.

Ông nói: “Stent chính hãng của các nước tiên tiến có giá cao bởi họ đầu tư nhiều chi phí cho nghiên cứu, công nghệ sản xuất và ngược lại. Do vậy, bác sĩ không thể yên tâm về chất lượng của stent giá rẻ khi dùng cho bệnh nhân”.  

Những ngày qua, các bất cập trong cung ứng, đấu thầu thuốc, trang thiết bị y tế lại được nói đến nhiều và được cho là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc thiếu thuốc, thiếu vật tư y tế ở nhiều bệnh viện công lập hiện nay. 

Trong buổi tọa đàm “Bài toán ngành y” mới đây trên VTV, phó giáo sư - tiến sĩ - dược sĩ Phạm Khánh Phong Lan, Phó chủ tịch Hội Dược học Việt Nam, nói: “Về khách quan, đại dịch COVID-19 đã làm đình trệ, đứt gãy nhiều chuỗi cung ứng hàng nhập khẩu lẫn hàng sản xuất trong nước. Nhưng về chủ quan, chính quy định đấu thầu dựa vào giá (phải rẻ) đã khiến các bệnh viện không tìm được nhà thầu và dẫn đến thiếu thuốc”. 

Những bất cập trên từng được giới chuyên môn mổ xẻ nhiều lần. Nhưng qua nhiều năm, nó vẫn tồn tại và tiếp tục gây khó cho công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe người dân. 

Thật ra, nếu xem xét tổng thể, người ta cũng phải thông cảm cho ngành bảo hiểm xã hội trong việc đưa ra quy trình đấu thầu thuốc kiểu trên. Không chỉ ở nước ta mà ở mọi quốc gia, bảo hiểm y tế (BHYT) - bên giữ tiền - luôn “đối trọng” với bệnh viện - bên xài tiền. Với trách nhiệm nghề nghiệp của mình, giới bác sĩ sẽ chọn những giải pháp điều trị tốt nhất cho bệnh nhân và điều này dễ dẫn đến “vung tay quá trán”. Nếu BHYT không kiểm soát chi tiêu tốt, quỹ bảo hiểm có thể bị thiếu hụt và ảnh hưởng đến chính sách an sinh quốc gia.

Nhưng việc bảo vệ quỹ BHYT bằng giải pháp “giá rẻ” dường như cũng không còn phù hợp. Nếu cứ quy định “giá rẻ nhất trúng thầu” thì qua từng năm, giá trúng thầu thuốc men, vật tư và trang thiết bị y tế cứ thấp dần và mặt hàng trúng thầu chỉ toàn kém chất lượng. Bệnh nhân chắc chắn sẽ gánh chịu hệ lụy này. Họ phải tự bỏ tiền túi ra mua thuốc tốt để có cơ hội chữa lành bệnh. 

Quy định về đấu thầu dựa vào giá rẻ còn làm khổ các bệnh viện. Để mua sắm thuốc theo gói thầu rộng rãi, phải mất 3-6 tháng. Thậm chí, theo dược sĩ Phong Lan, “chỉ cần sai một lỗi chính tả là BHYT từ chối thanh toán”.  

Đã từng có ý kiến đề xuất BHYT bỏ đấu thầu và thay bằng việc chi trả định suất cho bệnh viện công dựa trên số lượng bệnh nhân, số thuốc men, vật tư y tế cần dùng hằng năm. Điều này giúp bệnh viện chủ động, linh hoạt mua được những sản phẩm phù hợp, cần thiết. Nếu bệnh viện “vung tay quá trán”, số tiền khoán của BHYT sẽ bị thâm hụt; còn nếu chạy theo “thuốc giá rẻ”, chất lượng điều trị giảm sút thì bệnh viện mất uy tín, bệnh nhân sẽ chọn bệnh viện khác. 

Giải pháp này cũng làm gia tăng niềm tin của người dân vào BHYT, khiến họ tham gia BHYT nhiều hơn. Theo thống kê của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, đến năm 2020, số người tham gia BHYT cả nước đạt xấp xỉ 91% dân số, vượt gần 11% chỉ tiêu mà nghị quyết của Quốc hội đã đề ra. 

Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus từng nói: “Sẽ không bao giờ có được sự bao phủ BHYT toàn dân nếu không có các dịch vụ chăm sóc sức khỏe đạt chất lượng”. 

Nói cho cùng thì chẳng ai vui với việc “đấu thầu dựa trên giá rẻ”. Người thụ hưởng (bệnh nhân) dịch vụ chắc chắn không vui bởi không được điều trị bằng phương tiện tốt. Người cung cấp dịch vụ (bác sĩ) không vui bởi không thể điều trị tốt cho người bệnh. Còn bên quản lý là BHYT cũng không thể vui khi nhìn thấy khách hàng buồn lòng và hiệu quả quản lý không như mong muốn. 

Bởi vậy, câu nói ngắn gọn của phó giáo sư - tiến sĩ - dược sĩ Phạm Khánh Phong Lan thật đáng suy ngẫm: “Bỏ đấu thầu, sẽ hết thiếu thuốc”. Mặt khác, cũng cần có đội ngũ quản trị các bệnh viện thật chuyên nghiệp để các bác sĩ tập trung vào chuyên môn - điều trị cho bệnh nhân chứ không phải đau đầu lo mua từng viên thuốc. 

Châu Giang
 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI