Người Mỹ mong Donald Trump hay Hillary Clinton sẽ trở thành Tổng thống?

12/10/2016 - 18:30

PNO - Cuộc đua vào Nhà Trắng đang trong giai đoạn nước rút. Không ai có thể biết trong thời gian gần 4 tuần lễ tranh cử sắp tới, sẽ còn có những chuyển biến ra sao và những điều bất ngờ gì có thể xảy ra.

Ai có thể đắc cử Tổng thống Mỹ?

Đó là câu hỏi đang được bàn luận sôi nổi khi chỉ còn gần 30 ngày nữa là đến ngày bầu cử. Không ai có thể biết sẽ còn có những chuyển biến ra sao và những điều bất ngờ gì có thể xảy ra. Nhưng chuyển biến được coi như có tầm ảnh hưởng quan trọng là 3 cuộc tranh luận giữa bà Hillary Clinton và ông Donald Trump vào các ngày 26-9, 9-10, và 19-10 sắp tới.

Tổng hợp 9 cuộc thăm dò toàn quốc mới nhất cho thấy bà Clinton dẫn trước ông Trump khoảng 2%. Nhưng giữa các thăm dò có khác biệt lớn: New York Times 43% - 41%, LA Times/USC Tracking 43% - 45%, Huffington Post 46% - 42%, NBC News/Wall Street Journal 48% - 41%.

Nguoi My mong Donald Trump hay Hillary Clinton se tro thanh Tong thong?
Người Mỹ mong Donald Trump hay Hillary Clinton sẽ trở thành Tổng thống?

FiveThirtyEight nghiên cứu kết quả từ tất cả các thăm dò đưa ra dự đoán bà Clinton chiếm 46.6%, ông Trump chiếm 44.4% phiếu cử tri toàn quốc. Nhưng như mọi người đều hiểu, yếu tố căn bản để đắc cử Tổng thống Mỹ không phải là thắng thăm dò dư luận, hay thắng phiếu cử tri toàn quốc, mà là thắng đa số cử tri đoàn 538 đại cử tri sao cho chiếm được con số tối thiểu là 270.

Cho đến bây giờ, các nhà phân tích đều nhìn nhận rằng cuộc bầu cử 2016 có nhiều điều bất ngờ không thể dự đoán trước. Bà Clinton dường như có khả năng tranh thắng ở những tiểu bang vốn vẫn được coi là thành trì của Cộng Hòa. Ngược lại, ông Trump có vẻ sẽ chiếm số đại cử tri ở những nơi mà Tổng thống Obama thắng trong cả hai cuộc bầu cử trước.

Hillary Clinton sẽ là “bà đầm thép” của nước Mỹ?

Với cử tri Mỹ, Hillary Clinton không phải là cái tên được ưa thích. Họ không thích một Hillary quá gần gũi với giới tài phiệt Wall Street, không thích một Hillary nhận 150.000 USD cho mỗi bài phát biểu, hàng triệu USD cho các hồi ký, các phi vụ bê bối bất động sản từ thời ông Clinton còn làm thống đốc Arkansas... Vợ chồng Clinton luôn bị coi là quá tham lam và khao khát quyền lực.

Vấn đề chính là Clinton lúc này thiếu ý tưởng lớn, hấp dẫn kiểu mới trong một năm mà cử tri cả hai đảng đều đang rất bất mãn với hiện tại. Thông điệp của Clinton thì không tạo ra những mới mẻ này: đó là thông điệp của sự tiếp nối nhiều hơn là thay đổi - tiếp tục các chính sách trung dung của phe Dân chủ mà chồng bà, Bill Clinton, và Tổng thống đương nhiệm Barack Obama theo đuổi về cải cách y tế, cải cách nhập cư, ủng hộ một số chương trình mang tính xã hội như giảm gánh nợ đại học cho sinh viên.

Nguoi My mong Donald Trump hay Hillary Clinton se tro thanh Tong thong?
Hillary Clinton sẽ là “bà đầm thép” của nước Mỹ?

Bà Clinton vẫn lập luận rằng các chính sách bảo hộ kiểu Trump và Sanders để cứu tầng lớp trung lưu Mỹ hoặc là không thực tế, hoặc là “không Mỹ” một chút nào. Nhưng bà vẫn chưa đưa ra sáng kiến nào đủ mới, đủ hấp dẫn để giải quyết những lo lắng mà phần nào đó là sản phẩm từ tiến trình toàn cầu hóa bắt đầu từ chồng bà, ông Bill Clinton, sau đó được Tổng thống Obama cổ súy.

Điểm khác biệt của bà Clinton là chính sách đối ngoại. Bà muốn mạnh tay với Hamas hơn nữa trong vấn đề Israel, khẳng định sẽ buộc Iran phải thực thi nghiêm túc thỏa thuận hạt nhân, gây thêm áp lực lên Nga về các vấn đề Syria và Ukraine, quyết ngăn chặn không để IS trở thành một nhà nước thật sự (bằng vũ lực nếu cần thiết), kiềm chế Trung Quốc ở Biển Đông và trong các vấn đề nhân quyền...

Theo Mark Lander của New York Times thì Hillary Clinton là nhân vật diều hâu thực sự duy nhất còn lại trong cuộc đua 2016. Tuy nhiên, Mark Lander thừa nhận chưa rõ bản tính diều hâu của bà Clinton sẽ phù hợp thế nào với tâm trạng của cử tri, những người đã mệt mỏi với chiến tranh và nghi ngờ các can dự trên toàn cầu. “Nhưng mặt khác các cuộc thăm dò lại cho thấy cử tri cũng không hài lòng với hình ảnh đất nước mình là một cường quốc già cỗi, đang cố kiểm soát sự suy vong giữa một loạt các cường quốc mới nổi như Trung Quốc, các đế chế đang trỗi dậy trở lại như nước Nga của Vladimir Putin hay lực lượng chết người mới như IS”. Và “Nếu cách tiếp cận tối giản của Obama là cần thiết sau giai đoạn hung hăng của người tiền nhiệm thì giờ có lẽ người Mỹ đang cần một giải pháp gì đó ở giữa - một kiểu thực dụng cứng rắn mà Clinton đã cả đời rèn luyện”.

Donald Trump sẽ là chủ nhân Phòng Bầu dục với những nhân tố chính trị hoàn toàn mới?

Vì khát khao thay đổi, cuộc bầu cử Mỹ năm nay đang chứng kiến những bất ngờ mà cách đây hơn một năm không ai nghĩ tới: ứng viên từng được nhiều báo chính thống Mỹ coi như trò đùa là Donald Trump. Trump là bất ngờ vì theo những tư duy thông thường, cử tri sẽ không bao giờ chấp nhận những ứng viên công kích công khai người nhập cư (gọi người Mễ), nhóm cử tri chính, sỉ nhục phụ nữ, và có chính sách hời hợt kiểu Trump.

Nhưng theo các chuyên gia, cử tri Mỹ lựa chọn ông Trump là có lý do của mình. Sự lựa chọn của họ dù khác biệt nhưng không phải là hoàn toàn vô nghĩa. Theo họ, có thể cử tri Mỹ cần một người dám hành động hoặc dám bày tỏ cảm xúc của mình một cách chân thực nhất.

Nguoi My mong Donald Trump hay Hillary Clinton se tro thanh Tong thong?
Donald Trump sẽ là chủ nhân Phòng Bầu dục với những nhân tố chính trị hoàn toàn mới?

Theo CNN quan sát, đại đa số những người ủng hộ Trump là người da trắng, giận dữ với vị tổng thống da màu đầu tiên của nước Mỹ. Họ lo sợ rằng mình sẽ phải nhường chỗ cho những người thiểu số và người di cư, đồng thời luyến tiếc về quá khứ vàng son của nước Mỹ. Trump đã nắm lấy nỗi sợ và sự bất an này của cử tri, và sử dụng nó trong một chiến dịch vận động tranh cử lạ thường.

Những người ủng hộ Donald Trump xuất thân từ đủ mọi tầng lớp, lứa tuổi, nghề nghiệp. Một cử tri nói rằng "thái độ của Trump cho thấy ông ấy dường như chẳng e ngại bất kỳ điều gì". Những phát biểu bài ngoại và quan điểm cứng rắn trước vấn đề người nhập cư của Trump là sự giải tỏa cho một bộ phận những người tin rằng người nhập cư "được nương nhẹ" khi phạm luật.

Có lẽ, điều quan trọng nhất làm nên sức hút của ông Trump là sự sẵn sàng phá vỡ mọi giới hạn thường thấy trong tranh cử. Ứng viên này có những bình luận đầy tính khiêu khích ngay từ những ngày đầu chiến dịch, và những người ủng hộ ông luôn chú ý lắng nghe. Theo một điều tra do hãng Monitor’s Patrik Jonsson tiến hành, nhiều cử tri Mỹ “cuồng” ông Trump cho biết, tỷ phú Mỹ đã “chạm đến những gì sâu thẳm trong lòng họ” những gì vượt xa cả những lý lẽ về chính trị thông thường.

Ngoài ra, có những yếu tố khác tiếp sức cho sự nhiệt huyết của những cử tri này: họ tin rằng người Mỹ đang không được an toàn và Trump sẽ bảo vệ họ. Những người này đánh giá cao cái nhìn đơn giản về thế giới, rạch ròi giữa người tốt và kẻ xấu mà Trump đưa ra. Họ còn ngưỡng mộ vị thế người nổi tiếng cùng thành quả kinh doanh của tỷ phú này. Và trên tất cả, đó là niềm tin rằng tỷ phú sẽ hồi sinh một nước Mỹ mà họ cảm thấy đã bị mất, cùng giấc mơ chứng kiến thời vàng son đó một lần nữa.

Ngoài ra, những người ủng hộ ông Trump không còn tin vào những đánh giá của các chuyên gia có uy tín về các ứng viên Tổng thống. Theo các nhà nghiên cứu về khoa học chính trị Eric Oliver tại Đại học Chicago và Wendy Rahn tại Đại học Minnesota, sự thiếu tin tưởng này của những người ủng hộ ông Trump xuất phát từ chủ nghĩa dân túy của tỷ phú Mỹ giúp ông vượt qua những đối thủ khác bất chấp những “tuyên bố gây sốc” của mình. Điều này dẫn đến việc, những người ủng hộ ông Trump sẽ tự cho rằng “mình có những lý lẽ riêng” trong các cuộc tranh luận chính trị, bất chấp sự phản đối từ phía Đảng Dân chủ và chính Tổng thống Obama.

Ngoài ra, sự giàu có của Donald Trump được tin là khiến tỷ phú không chịu ảnh hưởng bởi những nhà vận động hành lang và "không thể bị mua chuộc". Nếu tiền là vấn đề chính trong chính trị Mỹ, và thực tế đúng là như vậy, thì phải cần tới một người với hầu bao lớn như Trump để giải quyết.

Theo giới quan sát, dù là cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton hay tỉ phú địa ốc Donald Trump đắc cử trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng năm 2016, cử tri Mỹ sẽ đều khó hài lòng. Đúng là cả bà Hillary và ông Trump đều lập kỷ lục mới trong chính trị bầu cử Mỹ: Một ứng viên phá vỡ “trần chính trị cao nhất, cứng nhất”, trở thành nữ ứng viên Tổng thống chính đảng chủ chốt đầu tiên trong lịch sử Mỹ; một ứng viên giành được nhiều phiếu bầu nhất trong lịch sử cuộc bầu cử sơ bộ của đảng Cộng hòa, trở thành ứng viên Tổng thống chính đảng chủ chốt không có kinh nghiệm về đối ngoại đầu tiên trong hơn 50 năm qua. 

Mặt khác, cả hai người lập kỷ lục đáng nhẽ phải được hoan hô này lại đều bị cho là “ứng viên có khiếm khuyết”, khiến đa số cử tri cảm thấy bối rối thậm chí chán nản khi phải quyết định lá phiếu trong tay mình. 

Hồng Thủy

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI