Người mẹ của đàn con... bốn chân

22/09/2017 - 14:11

PNO - Mỗi ngày, dì Quý lại ngồi nơi góc nhỏ quen thuộc ở chợ Đa Kao (Q.1, TP.HCM) tỉ mẩn tách từng chút thịt vụn ít ỏi ở đầu tôm, cá mang về cho “những đứa con của mình”

Sợ “các con” hóc xương, dì lọ mọ mất từ hai đến bốn giờ mỗi ngày cho việc gỡ thịt và nấu thức ăn.

Nguoi me cua dan con... bon chan
Dì Quý tỉ mẩn làm thức ăn cho "đàn con"

Ngôi nhà nhỏ chừng hơn 40m2 là nơi sinh hoạt hằng ngày của dì Quý và gần 30 chú chó, mèo, được dì cưu mang đã nhiều năm. Vừa nghe tiếng mở cửa, đàn mèo, chó đã nhao nhao inh ỏi, chạy loạn xạ, tiếng thau chậu loảng xoảng. Cánh cửa sắt kín mít, bên trong có tiếng chổi quét nhà, tiếng gom giấy báo sột soạt và lời dì Quý dặn “sắp nhỏ”: “Nhà có khách, phải ngoan nghen!”. 

Thấy tôi có vẻ “choáng” vì mùi tanh nồng của “căn nhà sở thú”, dì bảo tôi đứng ngoài. Nhưng muốn hiểu hơn về cuộc sống của dì, tôi thở thật nhẹ rồi rón rén bước vào. Đột nhiên chú chó đốm vàng giật mình nhảy dựng lên làm “tụi nhỏ” chạy tán loạn, kêu toáng khắp nhà. Tôi được một phen hú vía và “tụi nhỏ” cũng vậy. Dì Quý giải thích: “Tụi nó sợ người lạ đến bắt đi”.

Năm nay dì Quý 84 tuổi, sống đơn độc ở đất Sài Gòn hơn 60 năm và có hơn 50 năm nuôi chó, mèo nên dì xem “tụi nhỏ” như gia đình của mình. Đa số chúng đều có hoàn cảnh đáng thương. Có những con được dì nhặt trong thùng rác, ở xó chợ hoặc không ít trường hợp nhiều con đang nằm thoi thóp bên vệ đường vì bị chó vồ hoặc lả đi vì thiếu ăn nhiều ngày. Con lớn tuổi nhất được dì nuôi gần mười năm nay, đó là con mèo tam thể được dì phát hiện khi đang trôi nổi trên đám lục bình, dưới bờ Kênh Tẻ.

Có những con lúc về nhà chưa mở mắt, dì phải pha sữa, nghiền cơm rồi bón cho ăn đủ năm bữa/ngày hoặc hướng dẫn chúng bú nhờ mẹ khác trong đàn. Cũng có không ít con đã trưởng thành nhưng hay bệnh vặt, được dì chăm sóc riêng để tránh lây bệnh cho con khác. Có đứa vô cớ mất biệt, ngày về xác xơ lại đèo thêm cái bụng bầu, dì cũng tiếp tục ôm nuôi.

Từ những chú chó, mèo suy dinh dưỡng, dần dần nhờ bàn tay dì chăm sóc mà bụ bẫm, lớn tướng. “Con thấy dì ốm yếu như thế này mà nhìn tụi nó úc núc thấy cưng không?” - dì Quý nói vui. Dì chăm chúng quên ăn, quên ngủ, có khi nửa đêm còn trằn trọc vì một “thành viên” trong nhà đi chơi chưa về. Nhà đông "con", không tránh khỏi những lúc chúng cáu bẳn, cắn xé nhau đến sưng đầu rách mặt, dì phân xử xong vội đi thu dọn “chiến trường”.

Ở tuổi ngoài 80, niềm vui của dì là mỗi ngày ra chợ, bán tí mắm muối kiếm tiền mua thức ăn cho mình và sữa, đồ hộp cho “các con”. Số lượng thành viên ngày càng tăng vì dì không nỡ bỏ rơi “tụi nó”. Những chú mèo hoang, cơ nhỡ gợi dì nhớ về đứa con gái duy nhất của mình. Ngày xưa, dì từng có một gia đình hạnh phúc nhưng rồi hôn nhân đổ vỡ, người chồng lén bắt con gái đi biệt tăm từ đó.

Dì tìm con khắp Sài Gòn, nhiều năm sau, được thông tin của con, dì mới biết cô đã sang Mỹ từ nhỏ. Dì nén lòng, quay lại cuộc sống thường ngày bên “những đứa con”. Đôi lúc dì trăn trở nên hay không tìm một trung tâm bảo trợ thú cho chúng vì sức khỏe dì đã yếu dần. Rồi nghĩ lại, đã quen với sự hiện diện của chúng trong nhà hơn 50 năm qua, điều đó khiến dì không nỡ xa.

Thôi thì, giữ chúng ở lại, tuy cực nhưng dì có niềm vui tuổi già. Tụi mèo chó tưởng chỉ biết ăn ngủ, “làm xấu” nhưng dì Quý cũng nhận được tình thương của chúng. Khi dì Quý bệnh, có đứa lo lắng, chia sẻ, động viên bằng cách… bỏ ăn hoặc đến bên dì, dụi đầu, khều nhẹ, kêu “meo meo”.

Cưng nhất là có đứa nhõng nhẽo, “cành nanh”. Thấy dì đem con mới về, con cũ giận dỗi đổ lì, không thèm nũng nịu, không thèm ăn ngoan như mọi khi. Đợi lúc dì quan tâm, ưu ái lấy cái tô thật mới thật đẹp để đựng thức ăn, mới chịu xí xóa, bỏ qua… 

Kim Liên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI