Người già Trung Quốc "sầu lẻ bóng" vì chính sách một con

02/10/2022 - 14:45

PNO - “Cái chết của một đứa trẻ là một sự mất mát khôn xiết đối với bất cứ bậc cha mẹ nào. Thế nhưng, với những người làm cha mẹ ở Trung Quốc thì việc mất đi đứa con duy nhất của mình có thể còn lớn hơn cả một bi kịch”.

Đây là kết luận của giáo sư nhân chủng học Lihong Shi tại Đại học Case Western Reserve (Mỹ) trong một dự án nghiên cứu về nỗi đau của cha mẹ mà bà đã thực hiện ở Trung Quốc từ năm 2016.

Người dân Trung Quốc hiện đại không muốn có nhiều con 

Kể từ năm 1980 đến năm 2015, chính phủ Trung Quốc thực thi chính sách các cặp vợ chồng chỉ được sinh một con. Cũng vào giai đoạn này, giáo sư Lihong đã phỏng vấn hơn 100 cặp vợ chồng Trung Quốc không may mất đi đứa con duy nhất của họ do nhiều nguyên nhân khác nhau, bao gồm: bệnh tật, tai nạn, tự tử hay bị sát hại. Điều dễ dàng nhận thấy, những cặp vợ chồng đã qua tuổi sinh sản vào thời điểm đứa con của họ qua đời hầu hết không thể sinh thêm con.

Các cặp vợ chồng hiện nay không mặn mà với việc sinh nhiều con - Ảnh: Reuters
Các cặp vợ chồng hiện nay không mặn mà với việc sinh nhiều con - Ảnh: Reuters

Năm 2015, chính phủ Trung Quốc đã nâng giới hạn sinh lên 2 con. Điều này được xem như một nỗ lực của quốc gia tỷ dân nhằm đảo ngược tỷ lệ sinh đang sụt giảm, cũng như cố gắng làm trẻ hóa tình trạng già hóa dân số. Đến tháng 5/2021, chính sách này tiếp tục được thay đổi với quy định: mỗi cặp vợ chồng giờ đây có thể sinh tối đa ba con.

Thế nhưng, theo tạp chí The Conservation, "chính sách ba con" của Trung Quốc lại nhận được phản ứng không mấy tích cực từ phía người dân. Nhiều cặp vợ chồng cho biết, giờ đây họ không muốn sinh nhiều con do chi phí nuôi nấng, chăm sóc và giáo dục tăng cao, làm giảm cơ hội phát triển nghề nghiệp của người phụ nữ, cũng như nhu cầu cần phải sinh con trai để nối dõi đang có xu hướng bị xem nhẹ.

Ở chiều ngược lại, những bậc cha mẹ không con mà giáo sư Lihong đã phỏng vấn như đề cập ở trên thì lại cho rằng, họ cảm thấy bị lãng quên khi chính phủ đã không có sự điều chỉnh kịp thời đối với chính sách kế hoạch hóa gia đình. Do đó, giờ đây họ phải chịu cảnh cô đơn, lẻ loi và bấp bênh ở một đất nước mà con cái được xem là tài sản, là chỗ dựa chính cho cha mẹ khi về già.

Những khắt khe của “chính sách một con” cách đây 42 năm

“Chính sách một con” từng được kỳ vọng là một dự án xã hội lớn được chính phủ Trung Quốc đưa ra nhằm mục đích làm chậm tốc độ tăng nhanh của dân số và hỗ trợ các nỗ lực phát triển kinh tế của nước này.

Chính phủ Trung Quốc từng Nhiều biện pháp khắt khe từng được c thực thi nhằm bảo vệ chính sách 1 con - Ảnh: Wang Zhao/AFP/Getty Images
Chính phủ Trung Quốc từng thực thi nhiều biện pháp khắt khe nhằm bảo vệ chính sách một con - Ảnh: Wang Zhao/AFP/Getty Images

Cho đến đầu những năm 1970, hầu như mỗi cặp vợ chồng ở Trung Quốc đều có ít nhất 5 con. Đến năm 1979, dân số Trung Quốc đã đạt gần 1 tỷ người - tăng từ 542 triệu người vào năm 1949. Chính vì vậy, chính phủ Trung Quốc tuyên bố rằng, chính sách hạn chế sinh con đã giúp làm giảm hơn 400 triệu ca sinh nở, góp phần vào mục tiêu đặt ra.

Để thực thi chính sách một con này, chính quyền từ trung ương đến địa phương đã thiết kế và thực thi hàng loạt quy định nghiêm ngặt khắt khe, bao gồm cả biện pháp tránh thai bắt buộc và nếu lỡ có thai thì người mẹ bị buộc phải phá thai.

Những người vi phạm chính sách sẽ bị phạt nặng bằng tiền, còn trẻ em sinh ra “trái phép” thường không được hưởng các quyền lợi như những đứa trẻ được sinh ra hợp pháp. Thậm chí, những cặp vợ chồng làm việc trong hệ thống nhà nước mà “vỡ kế hoạch” thì nguy cơ bị đuổi việc hoặc chịu các hình thức kỷ luật là rất cao.

“Một số người mẹ nói với tôi rằng, họ đã mang thai đứa con thứ hai hoặc thứ ba vào những năm 1980-1990 nhưng đã phải phá thai vì sợ mất việc làm”, giáo sư Lihong cho biết.

Người cao tuổi “sầu lẻ bóng” vì chính sách một con

Tuy nhiên, “chính sách một con” của Trung Quốc cũng tạo ra rủi ro cho các cặp vợ chồng với nguy cơ không có nơi nương tựa khi về già.

“Những gia đình chỉ có một con thường không khác gì đang đi trên một chiếc cầu gỗ đầy bấp bênh, bởi nếu mất đi đứa con duy nhất của mình thì cũng đồng nghĩa với việc họ đã mất đi tất cả mọi thứ”, một người mẹ mất đứa con trai 5 tuổi do tai nạn nói với giáo sư Lihong.

Khoảng 1 triệu người cao tuổi Trung Quốc chịu ảnh hưởng bởi chính sách một con khi về già - Ảnh: The Star
Khoảng 1 triệu người cao tuổi Trung Quốc chịu ảnh hưởng bởi chính sách một con khi về già - Ảnh: The Star

Ở Trung Quốc, nơi hệ thống hưu trí và chăm sóc sức khỏe gia đình của nhà nước đang còn nhiều bất cập thì con cái trưởng thành là chỗ dựa an toàn cả về tài chính lẫn tinh thần của nhiều bậc cha mẹ khi về già.

Người ta ước tính rằng,  chỉ trong năm 2010, có 1 triệu gia đình Trung Quốc đã mất đứa con duy nhất của mình. Những bậc cha mẹ không may mắn này hiện ở độ tuổi 50 và 60. Họ đang phải đối mặt với một tương lai không chắc chắn.

Theo truyền thống đạo hiếu lâu đời của Trung Quốc, con cái có nghĩa vụ chăm sóc phụng dưỡng cha mẹ khi về già. Đây cũng là trách nhiệm pháp lý của con cái được quy định trong Hiến pháp của Trung Quốc. Thế nhưng, điều tưởng như hiển nhiên này lại không thể tồn tại với những bậc cha mẹ bị mất đứa con duy nhất của mình mà không thể sinh thêm đứa thứ hai do bị ngăn cản bởi “chính sách một con” của chính phủ.

Trong suốt một thập kỷ qua, nhiều bậc cha mẹ bị mất con đã lên tiếng đòi hỏi chính quyền các cấp, yêu cầu hỗ trợ tài chính và khả năng tiếp cận các cơ sở chăm sóc người cao tuổi với giá cả phải chăng.

Theo những người mà giáo sư Lihong từng phỏng vấn, họ đã hoàn thành nghĩa vụ công dân bằng cách tuân thủ “chính sách một con”, vì vậy, chính phủ cần có trách nhiệm chăm sóc họ lúc về già, khi họ đã mất đi nơi nương tựa là con cái.

Sau nhiều trì hoãn, cuối cùng, kể từ năm 2013, chính phủ Trung Quốc đã khởi xướng một số chương trình hỗ trợ dành cho các bậc cha mẹ bị mất con, như: trợ cấp hàng tháng, bảo hiểm chăm sóc y tế tại bệnh viện và trợ cấp dịch vụ chăm sóc tại nhà dưỡng lão…

Thế nhưng, nhiều cặp vợ chồng cao tuổi vẫn cho rằng, những chương trình này không đủ để đáp ứng nhu cầu chăm sóc họ khi về già.

Chẳng hạn như: con cái trưởng thành thường chăm sóc cha mẹ khi nằm viện, tắm rửa vệ sinh và chuẩn bị thức ăn cho họ. Trong khi các bệnh viện hoặc cơ sở dưỡng lão có thể tính phí lên tới 46 USD/ngày (khoảng 1 triệu đồng) cho các dịch vụ cơ bản này. Đây là mức phí quá cao so với khoản trợ cấp mà họ nhận được.

Với những người khác thì sự hạn chế về cả số lượng và chất lượng dịch vụ của các viện dưỡng lão ở nhiều địa phương là vấn đề đáng lo ngại, trong bối cảnh hệ thống cơ sở chăm sóc người cao tuổi không thể đáp ứng nhu cầu của một tỷ lệ dân số già đang tăng cao, trong khi việc tiếp cận các cơ sở này lại không được bảo hiểm nhà nước chi trả.

Hệ thống các trung tâm dưỡng lão ở Trung Quốc hiện không đáp ứng được nhu cầu của người dân - Ảnh: EP
Hệ thống các trung tâm dưỡng lão ở Trung Quốc hiện không đáp ứng được nhu cầu của người dân - Ảnh: EP

Theo giáo sư Lihong, “chính sách một con” của Trung Quốc vẫn là đề tài gây nhiều tranh cãi, thế nhưng “di sản” của nó lại nặng nề với cả một thế hệ người dân, nhất là những bậc cha mẹ chỉ có thể sinh được một đứa con “độc đinh” nhưng không may để mất đi tài sản vô giá đó.

Họ không chỉ gánh chịu nỗi đau về tinh thần, mà còn phải gánh chịu cả những lo toan khi về già trong cảnh “sầu lẻ bóng”.

Nguyễn Thuận

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI