Người đàn ông đơn độc trồng rừng, bảo vệ thế giới tự nhiên

21/10/2020 - 22:00

PNO - Đã 58 tuổi nhưng ông Sonam Phuntsho vẫn tiếp tục thực hiện sứ mệnh đơn độc là mang lại sự sống cho những ngọn đồi xung quanh thủ đô Thimphu, Bhutan.

Tại một ngôi làng nông thôn phía đông Bhutan, ông Sonam Phuntsho nhớ lại cây non đầu tiên mà bản thân đã nuôi dưỡng bên ngoài ngôi nhà của mình, từ những hạt giống ông lấy được trong khu rừng gần đó.

 ông Phuntsho được ví như chiến binh cây tại Bhutan.
Ông Phuntsho được ví như "chiến binh cây" tại Bhutan

“Khi trồng một cái cây và nhìn thấy nó lớn lên, điều đó khiến tôi cảm thấy mình đang sống và tất nhiên nó mang lại cho tôi niềm vui vô bờ bến. Tôi trồng nhiều cây xung quanh nhà, nhất là sau mỗi kỳ nghỉ đông” - ông Phuntsho nói.

Dù đã nghỉ hưu và bước sang tuổi 58 nhưng ông vẫn duy trì sứ mệnh đơn độc là mang lại sự sống cho những ngọn đồi quanh thủ đô Thimphu. Ông được mọi người ví như “chiến binh cây” ở Bhutan - đất nước có nhiều khu rừng được bảo tồn nhất trên thế giới. 

Bhutan từ lâu đã nổi tiếng quyết liệt trong vấn đề bảo vệ môi trường - hiến pháp của nước này quy định ít nhất 60% diện tích đất phải được bao phủ bởi rừng. Bhutan dễ dàng đạt được và tính đến thời điểm hiện tại đã vượt qua mục tiêu ban đầu đề ra. 

Hơn một nửa diện tích Bhutan được dùng làm vườn quốc gia, khu bảo tồn động vật và hành lang sinh học. Với hơn 800 triệu cây xanh giúp quốc gia Nam Á ít chịu ảnh hưởng tiêu cực từ khí thải carbon dioxide.

Nhưng khi tình hình biến đổi khí hậu bắt đầu gây ra áp lực lớn hơn đối với tài nguyên rừng và cân bằng sinh thái của đất nước, Phuntsho tin rằng việc thực hiện các hành động bảo vệ thế giới tự nhiên là nhiệm vụ cực kỳ quan trọng.

Sonam Phuntsho đi bộ mười km mỗi ngày để trồng cây trong những khu vực rừng bị suy thoái ở Thimphu.
Ông Phuntsho đi bộ 10km mỗi ngày để trồng cây trong những khu vực rừng bị suy thoái ở Thimphu

Mỗi ngày, ông rời nhà từ lúc 8 giờ sáng, mang theo hạt giống và cành giâm, tất bật cải tạo những mảnh đất trống trải, cằn cỗi do cháy rừng và điều kiện khí hậu khô hạn. 

Ông sẵn sàng đi bộ 10km để đến Kuensel Phodrang, những ngọn đồi rộng lớn nhìn ra thung lũng mù sương, thuộc thành phố Thimphu. Đây cũng là địa điểm tâm linh nổi tiếng, nơi có tượng Phật Dordenma khổng lồ.

Dù chỉ là một tình nguyện viên đơn lẻ nhưng ông luôn cảm thấy bản thân có nghĩa vụ phải tiếp tục thực hiện nhiệm vụ của mình - trồng cây mới và quản lý đất đai.

Ông nói: “Vì Bhutan đã thề sẽ giữ 60% diện tích đất của mình dưới sự che phủ của rừng, tôi cảm thấy phải đóng góp công sức để thực hiện lời hứa này. Tôi đã trồng hơn 100.000 cây. Sẽ mất nhiều năm nhưng tôi biết một ngày nào đó, ngọn đồi này sẽ trở nên tràn đầy sự sống của thế giới tự nhiên".

ông Sonam Phuntsho đã trồng hơn 100.000 cây.
Ông Phuntsho đã trồng hơn 100.000 cây

Thái độ và sự cống hiến của ông đã truyền lửa cho nhiều người dân Bhutan. Ông hy vọng những điều tích cực mình làm trên những vùng đất bạc màu sẽ để lại thành quả cho các thế hệ sau.

“Nếu một người có thể chăm sóc một cái cây, người đó chắc chắn đang chăm sóc cuộc sống của gia đình mình theo cách tự nhiên tốt nhất có thể. Tôi ý thức mỗi cây tôi trồng lớn lên, nó sẽ trở thành nguồn sống và thức ăn cho hàng trăm nghìn loài chim, côn trùng và động vật. Nếu một cây có thể làm được điều đó, hãy tưởng tượng hàng trăm nghìn cây mà bạn trồng chúng sẽ có ảnh hưởng lớn đến chừng nào” - ông Phuntsho nói với CNA.

Ông chia sẻ thêm: “Những gì tôi mặc, tôi ăn, tôi làm trong ngày thực sự có ảnh hưởng trực tiếp đến biến đổi khí hậu. Đối với các thế hệ sau, Bhutan chắc chắn vẫn sẽ ngăn chặn được những ảnh hưởng tiêu cực từ carbon dioxide và đó là một món quà nhỏ mà chúng tôi có thể tặng cho thế giới. Tôi rất vui vì tôi có thể làm điều này mỗi ngày trong đời. Tôi dự định sẽ tiếp tục trồng cây cho đến hơi thở cuối cùng”.

Chính phủ Bhutan đã cấm khai thác gỗ thương mại và yêu cầu người dân không được đánh bắt cá từ sông, giết động vật hoang dã hoặc đốt rừng phục vụ các mục đích nông nghiệp hoặc khai khẩn. 

Trong khi điều này cho phép cây cối sinh sôi nảy nở, thì một số nhà phê bình nói rằng rừng hiện đang được trồng quá nhiều, làm ảnh hưởng đến nguồn nước ngầm và tăng nguy cơ hỏa hoạn. 

Tuy nhiên, các quan chức vẫn kiên quyết rằng Bhutan đang đưa ra những quyết định đúng đắn, bất chấp những tác động kinh tế để bảo vệ rừng. 

“Nếu bạn không có quy định gắt gao về việc bảo vệ rừng trong hiến pháp, nhu cầu khai thác cho các mục đích thương mại sẽ luôn lớn hơn bất kỳ ưu tiên nào khác. Đó là thực tế" - Thư ký Ủy ban Môi trường Quốc gia, Sonam Wangdi cho biết.

Chung Thu Hương (theo CNA)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI