“Người bán nụ cười” Lê Văn Nghĩa đi xa, để lại hai cuốn sách dang dở trong nhà in

25/07/2021 - 22:52

PNO - Tin từ gia đình nhà văn Lê Văn Nghĩa cho biết, nhà văn của Sài Gòn vừa qua đời lúc 22g25 phút ngày hôm nay 25/7 hưởng thọ 69 tuổi.

Nhà văn Lê Văn Nghĩa sinh năm 1953 tại quận 6 (TPHCM), làm việc tại Báo Tuổi Trẻ từ năm 1975 cho tới lúc về hưu.

Ông là tác giả của nhiều cuốn tạp bút, truyện dài về Sài Gòn: Sài Gòn khâu lại mảnh thời gian (tạp bút, 2008), Tụi lớp nhứt trường Bình Tây, cây viết máy và con chó nhỏ (truyện dài, 2008), Mùa hè năm Petrus (truyện dài, 2012), Chú chiếu bóng, nhà ảo thuật, tay đánh bài và tụi con nít xóm nhỏ Sài Gòn năm ấy (truyện dài, 2014), Sài Gòn năm ấy (truyện dài, 2014), Sài Gòn dòng sông tuổi thơ (tạp bút, 2016),…

Nhà văn Lê Văn Nghĩa
Nhà văn Lê Văn Nghĩa

Năm ngoái, có ba cuốn sách của ông được ra mắt là Sài Gòn chuyện xưa mà chưa cũ (tạp bút), Văn học Sài Gòn 1954 – 1975 – Những chuyện bên lề, Mùa tiểu học cuối cùng (truyện dài). Mùa tiểu học cuối cùng cũng là cuốn sách thành hình cuối cùng trước khi nhà văn mất. Cuốn sách cũng vừa được Nhà xuất bản Kim Đồng tái bản tháng trước.

Bà Đinh Thanh Thủy, Giám đốc Nhà xuất bản Tổng hợp TP.HCM, cho biết, hai cuốn truyện trào phúng Điệp viên Không Không Thấy và Đại Văn Mỗ Điệp viên Không Không Thấy và nhà thơ Thần Giáng của nhà văn Lê Văn Nghĩa đang ở xưởng in cả tuần nay nhưng vì tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp nên đang gác lại.

“Chúng tôi đang ráng giục nhà in chạy giùm trước một cuốn, một cuốn thôi để kịp gửi theo anh Nghĩa”, bà Thủy cho biết.

“Người bán nụ cười” là cách mọi người gán cho nhà văn, nhà báo Lê Văn Nghĩa bởi phong cách viết trào phúng của ông đã định hình trong tâm trí bạn đọc Báo Tuổi Trẻ Cười với những cái tên nhân vật đạt độ điển hình: Hai Cù Nèo, Điệp viên Không Không Thấy, Đại Văn Mỗ, Hoa hậu phường Cây Mít… Còn với nhiều người, ông là nhà văn tình tự của dòng sông tuổi thơ Sài Gòn. Trong các cuốn sách về Sài Gòn của nhà văn, bên cạnh giọng hài hước, hóm hỉnh, duyên ngầm, thì chất giọng trữ tình trở thành giọng chủ đạo, xuyên suốt mạch văn, đời văn của ông. Ông gọi đó là “chút tơ lòng”. Trong các bìa gấp những cuốn sách của mình, ông giới thiệu mình một cách vắn tắt: Sinh năm 1953, tại quận 6 (Chợ Lớn).

Nhà văn Lê Văn Nghĩa là tác giả của nhiều cuốn sách viết về Sài Gòn
Nhà văn Lê Văn Nghĩa là tác giả của nhiều cuốn sách viết về Sài Gòn

Vì trữ lượng thông tin lớn nên dù không phải là chuyên gia hay nhà nghiên cứu nhưng ông vẫn được xem là một trong những “nhà Sài Gòn học”. Đọc các trang viết của ông, thấy lại cả một không gian văn hóa Sài Gòn xưa hiển hiện sống động với các địa danh xưa, ngôn ngữ xưa, người Sài Gòn xưa…

Trong tập tạp bút Sài Gòn dòng sông tuổi thơ, ông từng bộc bạch: "Tôi chẳng biết gốc gác Sài Gòn là gì, tự đâu mà có và tôi phải làm gì cho nó khi mà cứ hồn nhiên sống, đi học, làm việc và, vì thế, chẳng quan tâm đến Sài Gòn đẹp hay xấu mặc dầu năm học lớp nhất (lớp 5 bây giờ), tôi đã nghe câu hát “Sài Gòn đẹp lắm, Sài Gòn ơi”. Bởi, tự thân tôi đã sống trong "nó" (ý chỉ Sài Gòn - PV) và "nó" sống trong tôi như một dòng chảy ngầm bất biến".

Đậu Dung

Hai cuốn sách cuối cùng của nhà văn Lê Văn Nghĩa viết gì?

34 mẩu chuyện trong tập Điệp viên Không Không Thấy và Đại Văn Mỗ và 36 mẩu chuyện trong tập Điệp viên Không Không Thấy và nhà thơ Thần Giáng đều mang dáng dấp các “thói hư tật xấu” của một ai đó trong cuộc đời này.

Hai cuốn sách mới đang trong nhà in của nhà văn Lê Văn Nghĩa
Hai cuốn sách mới đang trong nhà in của nhà văn Lê Văn Nghĩa

Nếu như ở Điệp viên Không Không Thấy và Đại Văn Mỗ, ta bật cười và phì cười vì những tình huống “phá án” trong Đường dây phim sex, Nghiệp vụ ngửi mùi hương, Điệp vụ mò đường, Lộ tẩy, Nhà sưu tập tranh…, thì đến Điệp viên Không Không Thấy và nhà thơ Thần Giáng – ngòi bút trào phúng và duyên dáng của Lê Văn Nghĩa cho người đọc những màn “nhập đồng”, làm ra “thơ thẩn” chỉ toàn là trò lừa, chiêu đánh bóng bản thân qua Ai là nhân tài, Đấu giá chữ ký, Thần chú, Những người không thích đùa, Mê tốt mới

Mạch trào phúng của Lê Văn Nghĩa khắc dấu ấn mấy chục năm qua bằng sự ra đời, “phá án” của điệp viên Không Không Thấy. Nhân vật này lừng danh đến độ được chuyển thể, mượn tên thành nhân vật trong bộ phim do danh hài Mr Bean thủ diễn chiếu khắp các rạp tại Việt Nam mà “quên” xin phép cha đẻ của nó. Cũng may Lê Văn Nghĩa nói: “Thây kệ nó” bằng đúng giọng trào phúng và sự vị tha của cây bút làng cười. Với tính cách đó, văn phong đó, hóa ra, ông nhà văn có cái “mặt sầu” Lê Văn Nghĩa không chỉ là “người bán nụ cười”, mà ông còn “cho không nụ cười”.

(Nhà xuất bản Tổng hợp TP.HCM)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI