Cuốn sách của Lê Văn Nghĩa và lời phi lộ cho nhiệm kỳ mới của Hội Nhà văn Việt Nam

04/12/2020 - 17:08

PNO - Không phải ngẫu nhiên mà nhà thơ Phan Hoàng cho rằng, "Văn học Sài Gòn 1954-1975 - Những chuyện bên lề" của nhà văn Lê Văn Nghĩa do Nhà xuất bản Tổng hợp TP.HCM phát hành là “cuốn sách đáng đọc nhất trong năm 2020”.

Một “hiện tượng” bên lề 
Đọc cuốn sách, nếu để ý, sẽ nhận ra, nhà văn Lê Văn Nghĩa đã viết tới hai lời phi lộ cho cuốn sách đặc biệt của mình. Một lời, tên là Lời nói đầu; lời còn lại là Cùng “đứng chung” trên một tạp chí. Tuy hai nhưng thực ra là một. Ở khía cạnh nào đó, đã giúp độc giả tham dự vào một thời kỳ văn chương sôi nổi của Sài Gòn thời kỳ 1954-1975 dù tác giả tự nhận ông không có tham vọng ghi tên mình vào dòng sách nghiên cứu văn học một cách chính thống. Và ở một khía cạnh khác, Lê Văn Nghĩa đã “thực hành” hòa hợp dân tộc bằng cuốn sách đầy tinh thần “hàn gắn” của mình.

Trong bài viết Cùng “đứng chung” trên một tạp chí, tác giả dẫn lại một sự kiện báo chí - văn chương cách đây vài năm: Lần đầu tiên và mở ra một hứa hẹn, tạp chí Nhà văn và tác phẩm (Hội Nhà văn Việt Nam) số 25 (9/10/2017) đã ra một số báo “đặc biệt” nhân cuộc gặp mặt lần thứ nhất Nhà văn với sứ mệnh đại đoàn kết dân tộc. Lần đầu tiên, 20 tác giả trong nước và 20 tác giả văn học Sài Gòn thời kỳ 1954-1975 có bài trên cùng một tạp chí. 

Đại hội Hội Nhà văn Việt Nam khóa X, nhiệm kỳ 2020 - 2025 và cuốn sách Văn học Sài Gòn 1954-1975 - Những chuyện bên lề của nhà văn, nhà báo Lê Văn Nghĩa
Đại hội Hội Nhà văn Việt Nam khóa X, nhiệm kỳ 2020 - 2025 và cuốn sách Văn học Sài Gòn 1954-1975 - Những chuyện bên lề của nhà văn, nhà báo Lê Văn Nghĩa

Mở đầu, tạp chí viết: “Miền Nam là máu của máu Việt Nam, là thịt của thịt Việt Nam - chân lý ấy dẫn chúng ta đến hệ quả: Văn chương miền Nam trước năm 1975 là văn chương Việt Nam, dẫu có nhiều khác biệt thì hôm nay đọc lại, chúng ta càng nhận ra diện mạo chung: Nền văn học Việt Nam thống nhất trong đa dạng, bổ sung, làm đầy nhau trên cùng một dòng chảy tìm về bến đỗ của nhân bản, yêu thương - nơi mà văn chương thuộc về”. 
Báo Văn nghệ của Hội Nhà văn Việt Nam số 42 (21/10/2017), trước ngày khai mạc đã đăng thơ Nguyên Sa, Phạm Thiên  Thư, 

Nguyễn Đức Sơn, Thanh Tâm Tuyền, truyện Võ Hồng, bài Du Tử Lê, Nguyễn Bắc Sơn, Nguyễn Xuân Thiệp, bài Khuất Bình Nguyên nói về Tô Thùy Yên. Trong diễn văn khai mạc, nhà thơ Hữu Thỉnh - lúc đó còn là chủ tịch hội, đã nói: “Bảo tàng Văn học Việt Nam đã dành một phòng lưu giữ và trưng bày các tác phẩm của miền Nam đã xuất bản trước năm 1975 thu hút sự quan tâm của nhiều khách thăm”. “Họ bỗng hiểu ra rằng, những bước đi của sự hàn gắn, hòa hợp đã được Hội Nhà văn Việt Nam chủ động khởi hành từ lâu rồi” (Văn nghệ, số 43, tháng 10/2017).

Bằng cách dẫn lại câu chuyện văn học hòa hợp dân tộc mà Hội Nhà văn Việt Nam là đơn vị dẫn đầu ở vị trí mở đầu cuốn Văn học Sài Gòn 1954-1975 - Những chuyện bên lề, cùng với 141 câu chuyện “tầm chương trích cú” chọn lọc, có thể nói, nhà văn Lê Văn Nghĩa đã xác lập luôn quan điểm của mình khi làm công việc biên soạn này. Đó là khơi lại “mỏ quặng” văn học Sài Gòn một thời - nằm trong, thuộc về và là một bộ phận của di sản văn học Việt Nam, của văn hóa Việt Nam - lâu nay vì nhiều lý do chưa được nhìn nhận đầy đủ hoặc còn nhiều định kiến. 

Nhiệm vụ ở thì hiện tại hoàn thành tiếp diễn

Tại Đại hội Hội Nhà văn Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2020 - 2025 diễn ra tại Hà Nội mới đây, một trong những nhiệm vụ trong nhiệm kỳ mới mà đồng chí Võ Văn Thưởng - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương - nhấn mạnh là hội nhà văn Việt Nam phải tiếp tục “thúc đẩy hòa hợp dân tộc; xây dựng đại đoàn kết toàn dân tộc; thông qua văn học, thúc đẩy một đời sống dân chủ lành mạnh, tiếp tục bảo vệ những giá trị văn hóa truyền thống và tạo dựng những giá trị nhân văn mới cho xã hội; đồng thời tiếp tục tạo dựng hình ảnh đất nước, con người Việt Nam trên thế giới thông qua văn học”.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - trước khi trở thành Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam trong nhiệm kỳ mới - cũng đã nhiều lần trả lời trên báo chí cũng như ở một số tọa đàm, hội thảo: “Hòa hợp không chỉ được nói trên các văn bản mà cần được hiện thực hóa bằng cách là tác phẩm của các tác giả hải ngoại phải được hiện diện ở Việt Nam. Bởi khi tác phẩm của họ được xuất bản cũng là con người họ hiện diện ở Việt Nam”; “Một dân tộc biết hòa hợp tất cả công dân của mình từ nhiều nền văn hóa khác nhau trên thế giới sẽ tạo ra sức mạnh nội tại của đất nước”... 

Nhiệm kỳ 2020 - 2025 cũng là nhiệm kỳ tổng kết văn học Việt Nam 50 năm sau thống nhất đất nước, một tổng kết lớn, mở ra những vấn đề mới như: đường lối chính sách của Đảng và hòa hợp dân tộc thông qua văn chương, văn học. Tân chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam nói: “Nhiệm vụ hòa hợp dân tộc thông qua văn chương đã được nhiệm kỳ trước khởi động, nhưng trong nhiệm kỳ tới sẽ được làm quyết liệt hơn”.

Tất nhiên, không phải gần đây, nhiệm vụ hòa hợp dân tộc mới được đặt ra. Năm 1972, khi non sông chưa về một dải thống nhất, đồng chí Lê Duẩn đã nói rằng: “Vấn đề lớn nhất sau chiến tranh cần phải làm là hòa hợp dân tộc”. Và tất nhiên, cuốn sách do nhà văn Lê Văn Nghĩa biên soạn, cũng không phải là cuốn sách đầu tiên “hé mở” vấn đề này.

Đặt hai câu chuyện diễn ra gần thời điểm ở cạnh nhau: Văn học Sài Gòn 1954-1975 - Những chuyện bên lề và sự kiện Đại hội Hội Nhà văn Việt Nam vừa qua, người viết muốn nói, cái nhiệm vụ quan trọng ấy, tới nay, vẫn là một “nhiệm vụ ở thì hiện tại hoàn thành tiếp diễn…”. Chặng đường phía trước vẫn còn nhiều việc phải làm, không chỉ với Hội Nhà văn Việt Nam, mà còn cả lĩnh vực văn hóa - tư tưởng ở ta. 

Đậu Dung

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI