Nghề thủ công, truyền thống: Chất liệu “vàng” cho phim

09/03/2023 - 07:32

PNO - Trong thời buổi phim truyền hình na ná nhau về mô típ, quanh quẩn vài chủ đề thì việc gắn nhân vật, câu chuyện vào một nghề thủ công hoặc nghề truyền thống đang là hướng khai thác đúng đắn. Đặc thù của từng công việc này giúp mỗi phim có không gian câu chuyện mới lạ, tạo ra sự riêng biệt.

Hấp dẫn vì khác biệt

Sau các phim Mắt lụa, Tơ duyên, Vương tơ, nghề dệt lụa lại được các nhà làm phim truyền hình nhắc đến trong bộ phim Lụa (31 tập, HTV7 phát lúc 19g30 thứ Hai, Ba, Tư từ ngày 6/3). Lấy đề tài về thời trang, nghề dệt lụa truyền thống của dân tộc, phim hướng đến những giá trị thẩm mỹ đáng quý của người Việt thông qua câu chuyện tình yêu giữa những bạn trẻ đang làm trong lĩnh vực thời trang.

Khác với Mắt lụaTơ duyên nói về lụa Tân Châu (An Giang) và lãnh Mỹ A, Vương tơ lấy bối cảnh làng lụa Vạn Phúc (Hà Nội), phim Lụa tái hiện làng nghề dệt vải tơ lụa Mã Châu (Quảng Nam). Cùng với lụa, dệt chiếu cũng là nghề thủ công được nhiều phim khai thác. Chỉ riêng di sản quốc gia 100 năm tuổi của Đồng Tháp là làng chiếu Định Yên (Lấp Vò, Đồng Tháp) đã trở thành bối cảnh cho câu chuyện trong phim truyền hình Thiên đường ở bên ta, Khi lác tỏa hương.

Phim Màu cát đang phát trên SCTV14 khai thác nghề làm tranh cát
Phim Màu cát đang phát trên SCTV14 khai thác nghề làm tranh cát

Giữa dòng chảy của những bộ phim hiện đại, việc xuất hiện những tác phẩm gắn với yếu tố ngành nghề thủ công, nghề truyền thống thường thu hút nhiều sự chú ý hơn. Người xem không chỉ bị mê hoặc bởi những khung hình đẹp đẽ yên bình của các làng nghề mà còn thấy háo hức khi được khám phá những công đoạn tạo ra sản phẩm mà lâu nay họ chưa biết. Nước ta có nhiều nghề thủ công, truyền thống nên đây càng là nguồn chất liệu vàng để các nhà làm phim Việt khai thác.

Màn ảnh nhỏ đã có các phim làm về nghề thủ công như làm gốm (Miền đất phúc), sơn mài (Sóng gió làng nghề), vẽ tranh cát (Màu cát) hay các nghề truyền thống khác như đóng ghe xuồng (Hương phù sa), trồng hoa (Chuyện tình làng hoa, Tình thắm duyên xuân, Hoa vàng nơi ấy), làm nước mắm truyền thống (Ngũ hợi tấn hỷ), làm kẹo dừa và hàng thủ công mỹ nghệ từ dừa (Chuyện xứ dừa), làm muối (Mặn hơn muối), nuôi cá bè (Chuyện làng bè), múa lân sư rồng (Vũ điệu ngày xuân)… 

Đạo diễn Nhâm Minh Hiền (đã làm phim Mặn hơn muối, Màu cát và sắp làm Đánh cắp hạnh phúc về nghề tranh thêu 2 mặt) cho biết: “Mỗi nghề có đặc thù, chứa đề tài câu chuyện lý thú riêng nên khi lên phim sẽ tạo ra màu sắc khác biệt cho bối cảnh, nhân vật của từng tác phẩm. Các làng nghề cũng đem lại cho phim ưu thế về mặt hình ảnh. Chỉ có phim về nghề và cuộc sống mới đem tới sự chân thật trong cảm nhận khi xem và được lưu giữ vì có giá trị để phát sóng lại hoài vẫn không chán so với phim hành động hay phim cứ dựa trên ân oán hận thù câu khách”. 

Trailer phim Mắt lụa: 

 

Giữ gìn tôn vinh nét đẹp Việt

Làng nghề truyền thống và nghề thủ công trên màn ảnh nhỏ hiện nay thường chỉ được khai thác ở khía cạnh dùng làm bối cảnh nền để câu chuyện diễn tiến, thông qua đó cài cắm thông điệp nâng niu, gìn giữ những giá trị truyền thống hơn là phản ánh trực tiếp về nghề. Cách làm này phù hợp với tính chất của một bộ phim truyện và điều kiện sản xuất, ghi hình. Nhưng dù không khắc họa quá sâu, những bộ phim làm về ngành nghề truyền thống, thủ công cũng đòi hỏi kỳ công nhiều hơn các phim khác.

Biên kịch Đỗ Minh Viên (phim Lụa) cho biết: “Khi viết kịch bản Lụa, tôi dành mấy ngày đi đến làng lụa ở Hội An để gặp gỡ những người làm nghề. Cái khó khi viết kịch bản phim về làng nghề là phải đào sâu, tìm hiểu góc nhìn đa chiều về thế giới đó rồi mới đặt câu chuyện vào. Tôi vốn yêu thích văn hóa bản địa, biết chữ Nho nên rất hứng thú và có nhiều cảm xúc khi viết về các nghề truyền thống. Sau Lụa, tôi đang ấp ủ kịch bản phim về nghề thuốc nam”.

Bù lại khó khăn đó là thuận lợi khi đoàn phim tiếp cận người dân làm nghề để ghi hình. Đạo diễn Nhâm Minh Hiền chia sẻ: “Khi làm phim về nghề truyền thống, tôi luôn được người dân địa phương đón tiếp thân tình, sẵn sàng tư vấn giúp cho những cảnh quay về chuyên môn; bởi họ mong mỏi bộ phim sẽ nói thay họ những trăn trở, nỗi niềm trong nghề. Sau phim Mặn hơn muối, có lần về lại Phan Rang gặp các diêm dân, tôi nghe bà con hồ hởi cho biết nhờ phim mà chính quyền địa phương có những chính sách thuận lợi hơn cho nghề làm muối. Đây là niềm vui rất lớn với người làm phim”. 

phim Mặn hơn muối
phim Mặn hơn muối

Nhiều làng nghề truyền thống, nghề thủ công ngày nay đã dần mai một. Các bộ phim tôn vinh chúng đã và đang giúp lan tỏa đến người xem niềm tự hào về bề dày văn hóa cùng những nét đẹp truyền thống của làng quê Việt Nam. Yếu tố bản sắc Việt từ đặc thù mỗi ngành nghề cũng là điều mà phim ảnh Việt cần hướng tới nếu muốn tiến ra hội nhập với phim ảnh thế giới.

Với sự phong phú của các ngành nghề, khả năng tạo thành một dòng phim riêng về các nghề truyền thống, thủ công Việt là hoàn toàn có thể. Muốn đi đường dài, cần nhất phải xây dựng chiến lược đầu tư và nếu như có sự bắt tay giữa các nhà làm phim và người làm nghề, chính quyền địa phương có lẽ ước mơ về dòng phim này không còn xa. 

Hương Nhu

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI