Nghệ sĩ Tuấn Lê: Muốn thực hiện giấc mơ thì phải... tỉnh giấc

09/06/2019 - 06:30

PNO - Tuấn Lê nói rằng, được diễn ở một trong những nhà hát danh giá nhất thế giới là do... may mắn. Nhưng làm gì có sự may mắn nào nếu vở diễn không đem lại cảm xúc cho khán giả.

Tuấn Lê là kiểu nghệ sĩ không thích làm việc một mình mà luôn dựa trên tư duy của tập thể. Anh thích kết nối các nghệ sĩ với nhau. Một sự kết nối quý báu là dự án Overseas đã được Tuấn Lê và nghệ sĩ Nguyên Lê bắt tay thực hiện gần 2 năm trước, vừa được diễn ở Việt Nam vào trung tuần tháng Năm trong khuôn khổ Ngày châu Âu.

Overseas gồm âm nhạc, xiếc, múa, beatbox… được nhiều thế hệ nghệ sĩ gốc Việt trình diễn. Một chương trình nghệ thuật đương đại để các nghệ sĩ có gốc gác Việt Nam trên thế giới gặp nhau, cùng cất lên tiếng nói của mình. Rất dễ nhận thấy niềm hạnh phúc trong ánh mắt, nụ cười của các nghệ sĩ, bởi ngoài làm việc cùng nhau, đứng trên sân khấu cùng nhau, họ còn tìm thấy một sự liên kết chung là gốc rễ Việt Nam.

Nghe si Tuan Le: Muon thuc hien giac mo thi phai... tinh giac

Các vở kịch xiếc gắn tên Tuấn Lê như Làng tôi, À ố show và Teh Dar liên tục sáng đèn tại 3 điểm diễn trong nước là Hà Nội, Hội An và TP.HCM. Ngoài ra, các tác phẩm ấy còn thường được mời lưu diễn tại các nhà hát, các liên hoan nghệ thuật trên thế giới. Ngày 12-15/6 À Ố show sẽ lưu diễn ở Sydney Opera House (Australia). Ngày 26/6, Overseas sẽ lưu diễn ở Berlin (Đức). Tuấn Lê nói rằng, được diễn ở một trong những nhà hát danh giá nhất thế giới là do... may mắn. Nhưng làm gì có sự may mắn nào nếu vở diễn không đem lại cảm xúc cho khán giả.

Một chiếc cầu nối

Phóng viên: Overseas là sự kết nối các nghệ sĩ gốc Việt. Tiếp xúc với nhiều thế hệ nghệ sĩ, anh nhận thấy suy tư chung của nghệ sĩ trẻ có gốc gác Việt Nam ở khắp nơi trên thế giới là gì? 

Nghệ sĩ Tuấn Lê: Họ đặt ra cho mình những câu hỏi: Việt Nam đối với họ là gì? Có bao nhiêu phần trăm trong con người họ là Việt Nam? Nghệ sĩ múa sinh năm 1990 Dennis Mac Dao đã run bần bật sau khi tôi dẫn đi xem Làng tôi ở Hà Nội vì không tin được ở Việt Nam có một tác phẩm như vậy. Tôi hiểu, vì ở Đức cậu không có điều kiện để tiếp xúc với những tác phẩm như vậy. Dennis nói nếu cậu về Việt Nam sớm hơn chút nữa thì có lẽ sẽ cống hiến nhiều hơn cho đất nước. Điều này khiến tôi rất xúc động. Đặc biệt với Overseas, các thế hệ nghệ sĩ có gốc gác Việt Nam lớn lên và sinh sống ở khắp nơi trên thế giới có môi trường để kể những câu chuyện của mình. Người Việt Nam khắp nơi trên thế giới tài giỏi lắm nhưng người ở góc này, người ở góc kia nên không có điều kiện gặp nhau để cất lên tiếng nói chung.

Ở chiều ngược lại, các nghệ sĩ Việt có điều kiện đi diễn ở nước ngoài thì tâm thế cũng khác, chẳng hạn như À Ố show hay Teh Dar sau các năm lưu diễn, nghệ sĩ tự đặt cho mình một tâm thế khác, không chỉ là cơm - áo - gạo - tiền mà từ môi trường nghệ thuật đang được sống, họ tự tin trình diễn tài năng của mình cho khán giả trên khắp thế giới. 

Nghe si Tuan Le: Muon thuc hien giac mo thi phai... tinh giac
Tuấn Lê (đứng, thứ ba từ phải qua) cùng các nghệ sĩ trong một chương trình của anh

* Vì sao anh muốn làm chiếc cầu nối giữa các nghệ sĩ gốc Việt và giữa các nghệ sĩ trẻ Việt Nam với khán giả thế giới?

- Vì nó thú vị. Hồi xưa, tôi đi diễn nhiều nơi trên thế giới và luôn mơ ước nghệ sĩ Việt Nam cũng đi như vậy, bây giờ các vở diễn của tôi ở Việt Nam đã được lưu diễn nhiều lần. Điều thuận lợi của tôi là sinh ra ở Việt Nam nhưng lớn lên ở châu Âu và đi làm việc khắp nơi nên gần như lúc nào cũng được tiếp cận với nhiều người từ các quốc gia khác nhau. Nhờ đó, tôi có những kinh nghiệm quý giá trong công việc của mình và cả kinh nghiệm sống, thấy nhiều và học được rất nhiều.

Khi gặp đạo diễn James Cameron, tôi chuẩn bị tinh thần giới thiệu mình thì ông đã nói: “Bạn là Tuấn Lê phải không? Tôi rất vui và hân hạnh được hợp tác với bạn”, tạo cảm giác rất thân thiện. Hoặc nghệ sĩ Laurence miệt mài với dự án dạy xiếc cho các cô gái bị lạm dụng tình dục ở Philippines. Một nghệ sĩ thực thụ thì có tâm hồn rất đẹp, họ không chỉ sống để kiếm tiền mà luôn có những kế hoạch đóng góp cho xã hội. Tư cách một nghệ sĩ là muốn đem lại cho khán giả cảm xúc đẹp và thấy rằng cuộc sống có nhiều điều thú vị chứ không phải muốn chứng minh mình giỏi. Tôi muốn làm chiếc cầu để những điều đẹp đẽ trong cuộc sống được gặp nhau.

Nghe si Tuan Le: Muon thuc hien giac mo thi phai... tinh giac
Nghệ sĩ Nguyên Lê, Ngô Hồng Quang và Toàn Lê biểu diễn trong chương trình Overseas tại Việt Nam

* Trong cuộc kết nối Overseas, bao nhiêu phần trăm vì anh có nhiều ý tưởng quá, cần có người cùng nhau thực hiện và bao nhiêu phần trăm vì nếu họ không về Việt Nam diễn thì khán giả Việt Nam quá thiệt thòi?

- (Cười) Chủ yếu là góp phần để khán giả Việt Nam có dịp xem những tác phẩm nghệ thuật chất lượng từ những nghệ sĩ gốc Việt tài năng. Rõ ràng, nếu khán giả có dịp xem Overseas sẽ thấy bổ ích mà, đúng không? Đặc biệt là nghệ sĩ Việt cần đi xem để phần nào hiểu đồng nghiệp của mình ở các nơi đang hoạt động như thế nào. 

* À Ố show được đón nhận nhiều nơi trên thế giới, phần nào trả lời cho câu hỏi: nghệ sĩ Việt là ai? Đó là một tác phẩm nghệ thuật được nói bằng ngôn ngữ đương đại xây dựng từ chất liệu Việt Nam. Phải chăng, muốn định danh nghệ sĩ Việt không có con đường nào khác ngoài cách bộc lộ được yếu tố Việt?

- Quá rõ ràng! Nghệ sĩ Nguyên Lê phần nào nhờ có yếu tố Việt Nam mà nổi danh như hôm nay. Bản thân anh Nguyên Lê cũng ý thức được việc này nên hơn 10 năm trước đã kết hợp với nghệ sĩ Hương Thanh làm nhạc. Với tôi, thật đáng tiếc vì thời điểm Nguyên Lê về nước là quá trễ, nếu về sớm 20 năm và có những dự án rõ ràng thì nay sẽ có một dòng nhạc ảnh hưởng rất lớn của Nguyên Lê.

Ngô Hồng Quang cũng vậy, dù âm nhạc của anh rất gần với âm nhạc thế giới và được đánh giá cao, nhưng rõ ràng khán giả nơi đâu cũng nhận ra chất Việt Nam trong ấy. Hoặc như nghệ sĩ đi dây căng người Canada Laurence Tremblay-Vu, tại một liên hoan xiếc ở Paris, khi diễn xong đã cầm hai lá cờ của Việt Nam và Canada chạy trên sân khấu. Gốc gác Việt là như vậy, dù ở đâu họ cũng muốn xây dựng và cất tiếng nói cho nghệ thuật Việt Nam. 

Nghe si Tuan Le: Muon thuc hien giac mo thi phai... tinh giac
Vở kịch xiếc Làng tôi - tác phẩm đầu tiên khi Tuấn Lê về Việt Nam

Việt Nam còn rất nhiều chất liệu để khai thác

* Lúc mới nghe về dự án À Ố show, tôi nghĩ trong đầu lại làng quê Việt Nam, lại mây tre, thúng mủng. Vậy, tiếp theo sẽ phải là gì khác đi chứ?

- Tôi bước đầu tìm hiểu nghệ thuật trúc chỉ, khai thác chất liệu này để xây dựng một chương trình nghệ thuật cho diễn viên múa thì thú vị và rất đương đại. Tôi tò mò về trúc chỉ nhưng chưa đủ thời gian để tìm hiểu sâu.

Tiềm năng của việt nam còn nhiều nhưng ít người chịu đi vào chi tiết. Tôi có cảm giác ở Việt Nam mọi người thích đi vào hình thức hơn, có gì lạ lạ thì đem đặt lên sân khấu chứ không khai thác sâu. Chỉ cần một chất liệu nếu đi sâu đã có thể làm nguyên một chương trình, như Làng tôi chỉ có mười mấy cây tre thôi. Thật kỳ lạ, tại sao Việt Nam luôn chờ đợi sự công nhận của thế giới, như UNESCO công nhận đờn ca tài tử, hát xoan, hầu đồng… thì mới biết giá trị của mình, trong khi chúng ta đã có từ xưa đến giờ mà ít ai thực sự quan tâm để khai tác tốt. 

* Việt Nam không thiếu chất liệu để làm nên một tác phẩm đương đại mang hơi thở Việt hay, nhưng ở góc nhìn của anh thì tại sao nhiều tác phẩm lại khó sống như vậy?

- Chất liệu chỉ là nền tảng của sự sáng tạo. Làm nghệ thuật không có sáng tạo thì khó sống lắm. Nghệ sĩ cũng vậy, khi không có sự sáng tạo thì cảm xúc thật sẽ bị cạn dần, một ngày nào đó họ đứng trên sân khấu như một cái máy. Cách chúng tôi làm việc với các nghệ sĩ trước khi dựng chương trình như sau: khai thác khả năng và bản năng của nghệ sĩ mà đôi khi bản thân họ không biết mình có điều đó, sau đó tập hợp nghệ sĩ lại bàn bạc, cùng nhau làm việc và chia sẻ, mỗi người sẽ có ý kiến riêng, sau đó thống nhất giải pháp. Ở Việt Nam, hầu như đạo diễn làm hết kịch bản, dựng bài sẵn và diễn viên sẽ làm theo như kiểu bước thẳng 3 bước, xoay 3 vòng, quẹo trái…

Không phải là không được, nhưng đối với tôi kiểu đó cổ lỗ sĩ rồi, một cái đầu làm sao bằng mười cái đầu. Với phương pháp làm việc chia sẻ, có thể tôi sẽ không lấy hết ý của nghệ sĩ nhưng chắc chắn tôi hiểu tâm tư của họ, hiểu vì sao họ nghĩ như vậy về một vấn đề nào đó. Tôi nghĩ nếu bỏ cách làm thường thấy như hiện nay thì nghệ thuật Việt Nam sẽ được biết đến nhiều hơn và đi được đường dài hơn.

Nghe si Tuan Le: Muon thuc hien giac mo thi phai... tinh giac
À Ố show - tác phẩm làm nên tên tuổi của Tuấn Lê - sau 7 năm vẫn thu hút khán giả trong và ngoài nước
"Tôi không theo kiểu ngăn nắp, trật tự cổ truyền như làm xong động tác phải đứng lên, giơ tay về khán giả. Nghệ sĩ họ có tự do khi giới thiệu mình là ai, tôi cố tình để những khoảng trống để họ làm chuyện đó".

* Khi mới về nước, anh nhìn thấy gì ở xiếc Việt Nam?

- Khi đó, tôi không nhận diện được xiếc Việt. Nó mang hình ảnh của xiếc Nga. Chính vì vậy, tôi mới dùng tre làm chất liệu. Múa rối nước rất thú vị nhưng ít ai đứng ra khai thác mạnh. Tôi vẫn ấp ủ một show rối nước diễn chung với người và màn hình video, cả ba hòa quyện với nhau. Tôi chưa tìm được những người tạo ra những con rối mới, nghệ nhân phải sáng tạo để có rối mới chứ không phải kiểu cũ.

* Khái niệm xiếc mà anh muốn đem lại cho khán giả là gì?

- Như một vở kịch, trong đó có kỹ thuật xiếc và tìm ra được những kỹ thuật mới như với cây tre. Nghệ sĩ không chỉ là người thực hiện kỹ thuật đó mà làm với tất cả tâm tư và cảm xúc của họ để chia sẻ với khán giả. Với những tác phẩm của chúng tôi, người thuần túy đi xem xiếc có thể thất vọng vì họ mong chờ những động tác như nhào lộn 3 vòng, tung hứng 8 cái cây… Đặc biệt, xiếc trong các tác phẩm của chúng tôi có những động tác phải làm được tập thể, đôi lúc nhìn tưởng lỏng lẻo, nguy hiểm, không có sự tổ chức nào nhưng thật ra là được tổ chức rất chặt chẽ. Bởi tôi không theo kiểu ngăn nắp, trật tự cổ truyền như làm xong động tác phải đứng lên, giơ tay về khán giả. Nghệ sĩ họ có tự do khi giới thiệu mình là ai, tôi cố tình để những khoảng trống để họ làm chuyện đó mà không sửa chữa gì. 

Nghe si Tuan Le: Muon thuc hien giac mo thi phai... tinh giac
Với những vở diễn gắn liền tên tuổi Tuấn Lê, khán giả thường được thưởng thức nhiều loại hình nghệ thuật kết hợp

* Còn múa, theo anh đặc trưng của múa Việt Nam là gì?

- Điều này quá khó nói vì nó bắt nguồn từ truyền thống tâm lý chung của người Việt Nam, rụt rè, e thẹn và làm gì cũng muốn cho đẹp cho hay chứ không tự nhiên, tự do. Nhiều nước có múa truyền thống, như người Nga nổi nhạc họ nhảy Kalinka là nhận ra ngay, người châu Phi cũng nhảy múa suốt ngày, vui buồn đều múa, châu Mỹ cũng vậy. Người Việt Nam nói: “Nhảy múa đi” thì không ai nhảy hoặc không biết nhảy gì. 

Múa dân gian thì chỉ vài thứ của ông bà truyền lại, múa nón sau này tự chế. Những người làm đương đại ở Việt Nam lại quá nặng về chuyển tải những cái riêng tư của họ. Môi trường đương đại của Việt Nam còn quá ít, chưa cập nhật và tạo nên cái riêng của mình. Ở nước ngoài, múa đương đại đi theo dòng thời đại, thể hiện hiện trạng xã hội, tạo nên tâm lý và tư duy cho những người làm nghệ thuật đương đại. Hy vọng 9x và đời sau nữa sẽ tạo ra một hình ảnh múa Việt Nam rõ ràng hơn mà ai cũng có thể dễ dàng nhận dạng.

* Xem các vở của anh tôi đều thấy đẹp. Có thể gọi anh là một nghệ sĩ duy mỹ?

- Một tác phẩm tôi chú ý đến 2 yếu tố: ngôn ngữ và thẩm mỹ. Ngôn ngữ không phải là nói như thế nào mà diễn tả như thế nào qua cơ thể và đạo cụ. Thẩm mỹ thì mỗi người nhìn cái đẹp khác nhau, tôi thích nhìn về thiên nhiên. Tôi thường có nhiều cảm xúc khi đi đến những vùng núi, vùng biển hay những đồng ruộng mênh mông. 

Nghe si Tuan Le: Muon thuc hien giac mo thi phai... tinh giac
Nghệ sĩ múa Dennis Mac Dao trình diễn tiết mục Vũ điệu lông vũ trong Overseas

Thị trường trắng cho nghệ thuật xiếc đương đại

* Nhìn lại con đường của mình nhiêu năm qua, từ chỗ một cậu bé rời Việt Nam khá sớm, trở thành một nghệ sĩ xiếc tung hứng cho tới khi là một biên đạo và “bầu show”, anh có gì ngạc nhiên không?

- Không ngạc nhiên nhưng tôi có những giấc mơ để chia sẻ. Tôi là người rất mơ mộng nhưng để thực hiện được những giấc mơ đó thì phải... tỉnh giấc. May mắn đúng thời điểm tôi muốn về Việt Nam làm thì thị trường nghệ thuật ở đây đang...trắng. Tôi và cộng sự đã gầy dựng được như ngày hôm nay. Nhưng thực tế là đến hôm nay vẫn còn là thị trường trắng. Có quá ít chương trình nghệ thuật chất lượng có thể tồn tại được lâu dài. Kế hoạch tiếp theo là tôi sẽ lùi về làm cố vấn và có những người trực tiếp thực hiện. Không phải tác phẩm nào cũng phải đứng tên mình thì mới tốt. Một người làm nhiều sẽ bị cũ kỹ vì lặp đi lặp lại, tôi không muốn điều đó.

* Mơ mộng và tỉnh giấc là...

- Làm nghệ thuật đúng nghĩa thì ai cũng mơ mộng. Và tỉnh giấc, là sau bao nhiêu thời gian mơ mộng phải xác định vận hành một dự án không dễ chút nào. Sau bao nhiêu năm, chúng tôi mới tạo được 3 điểm diễn và vẫn chưa có địa điểm riêng của mình, nên làm lịch diễn cho các tour du lịch gặp khó khăn. Chẳng hạn, họ cần đặt lịch trước một năm, nhưng đến khi đó nhà hát bảo cần làm chương trình thì chúng tôi đành nhường “sân”. Hy vọng ở những thành phố lớn sẽ có nhiều điểm diễn riêng của các đoàn nghệ thuật, không cần hoành tráng, chỉ cần 300 - 400 chỗ, được cho thuê ít nhất 10-20 năm, để chúng tôi đem những tác phẩm tốt đến với khán giả.

* Cảm ơn cuộc trò chuyện với anh.

Lam Hạnh (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI