Nghệ sĩ thị giác Nguyễn Trần Ưu Đàm: 'Rồng Rắn Lên' như một lời nhắc lưu tâm đến môi trường

20/04/2019 - 13:30

PNO - 'Chúng ta như những Thánh Gióng, hằng ngày lấy xe máy thay cho ngựa sắt và vũ khí chiến đấu là những chiếc laptop, smartphone thay cho bụi tre'- Ưu Đàm nói.

Rồng Rắn Lên (Serpents’ Tails) của nghệ sĩ thị giác Nguyễn Trần Ưu Đàm sẽ được triển lãm từ ngày 19/4 tại Galerie Quỳnh (118 Nguyễn Văn Thủ, Q.1, TP.HCM). Tác phẩm kể một câu chuyện hết sức gần gũi với người Việt, tái hiện hình ảnh con người ngày ngày mưu sinh cùng chiếc xe gắn máy, len lỏi trong dòng khói bụi.

Cảm hứng đến trong những lần Ưu Đàm dừng xe ở đèn đỏ, cảm giác như bị ngộp vì khí thải từ động cơ xe. Trong ẩn dụ của Ưu Đàm, những dòng khí thải này được “chụp” lại trong các sắp đặt điêu khắc thổi khí (sculpture blower); ngụp lặn trong đó, con người đang chật vật đấu tranh với những chế phẩm của một nền công nghiệp đang tàn phá và làm mất cân bằng hệ sinh thái tự nhiên.

Phóng viên: Rồng Rắn Lên sử dụng các loại túi ni-lông là chính. Như vậy chẳng phải chúng ta lại thải ra một đống rác nhựa nữa sau triển lãm sao?

Nghệ sĩ Ưu Đàm: Đây là điều khiến tôi trăn trở rất nhiều. Sau nhiều nghiên cứu và đấu tranh tư tưởng, tôi chấp nhận sử dụng loại vật liệu này với mong muốn, qua tác phẩm, mọi người được nhắc nhớ thêm một lần nữa, có thêm những ý tưởng, hành động sáng tạo và quyết liệt hơn để bảo vệ môi trường. Đây là tác phẩm nghệ thuật. Trong một số trường hợp, nghệ sĩ không phải là những người tạo ra ít rác thải nhất.

Nghe si thi giac Nguyen Tran Uu Dam: 'Rong Ran Len' nhu mot loi nhac luu tam den moi truong

* Môi trường khắp thế giới đều đang trong tình trạng báo động. Nhờ vậy mà tác phẩm của anh được công chúng quan tâm?

- Ngoài vấn đề môi trường, Rồng Rắn Lên thu hút vì nhiều yếu tố khác nữa. Những câu chuyện truyền thuyết thường có hình ảnh hiệp sĩ đấu với một con mãng xà. Rồng Rắn Lên chính là hình ảnh ẩn dụ về cuộc chiến chúng ta phải đối mặt mỗi ngày, khi phải chống lại con mãng xà độc ác, bò ra từ những chiếc xe gắn máy. Nó siết lấy chúng ta, len trong hơi thở, tràn vào từng ô nhỏ trong phổi, dần giết chết ta. Nếu chúng ta không sớm hành động, nó sẽ ngày càng mạnh.

Tôi hy vọng tàu điện sẽ hoàn thành hơn, để người dân có thêm lựa chọn đỡ hại sức khỏe và thuận tiện hơn, ngoài xe gắn máy. Chúng ta như những Thánh Gióng, hằng ngày lấy xe máy thay cho ngựa sắt và vũ khí chiến đấu là những chiếc laptop, smartphone thay cho bụi tre. Nhưng Thánh Gióng đánh trận nhàn hơn chúng ta - xong một trận rồi bay về trời, còn chúng ta thì mải miết, không biết đâu là trận cuối.

* Có lúc, để sống tiện nghi, con người quên nghĩ đến môi trường?

- Triển lãm này bao gồm nhiều không gian, lấp đầy 4 tầng lầu của Galerie Quỳnh. Trong đó, bạn sẽ thấy một căn phòng nhỏ có con voi rất to. Một con voi rất to lớn ở yên trong một căn phòng dường như không ai chú ý đến. Môi trường đang có những hiểm họa to lớn như những con voi và voi mẹ sẽ sinh ra voi con và lớn lên, sẽ chật chội, ngột ngạt, nhưng vẫn yên lặng trong căn phòng đó, rất ít người biết tới.

* Trong nghệ thuật đương đại, nghệ sĩ thường hướng đến sự tương tác giữa người xem với tác phẩm. Người thưởng thức sẽ tương tác với tác phẩm của anh thế nào?

- Tôi không trông đợi người xem tương tác với tác phẩm của mình theo kiểu sờ vào hay cầm nắm, vì hầu hết là chất liệu plastic mỏng. Nhưng người ta có thể thấy sự chuyển động của tác phẩm ở nhiều không gian khác nhau và thấy nó có ý nghĩa. Tôi nghĩ như vậy cũng đủ tốt rồi. Galerie Quỳnh có thiết kế kiểu nhà ống thường thấy ở Việt Nam. Vì vậy, lần này sẽ có những yếu tố mới như làm cả trong nhà và ngoài trời, “những lá phổi” được máy bơm thổi phồng lên xẹp xuống, những chiếc xe máy cũ nát...

Nghe si thi giac Nguyen Tran Uu Dam: 'Rong Ran Len' nhu mot loi nhac luu tam den moi truong
Nghệ sĩ Nguyễn Trần Ưu Đàm trong triển lãm Serpents’ Tails tại Singapore

* Nhiều nghệ sĩ nói, làm nghệ thuật đương đại ở Việt Nam khá khó khăn. Anh nghĩ sao?

- Làm nghệ thuật chưa bao giờ dễ dàng. Việt Nam hiện có nhiều vấn đề và bối cảnh mang lại cảm hứng cho tôi. Từ nhỏ, tôi đã có ý nghĩ, mình giống như một thầy tu lên núi, kiếm được cái gì hay thì đem xuống núi chia sẻ. Sau hơn 40 năm, suy nghĩ của tôi khá nhất quán - vẫn muốn làm cái gì đó ảnh hưởng đến mọi người và tốt cho xã hội. Tôi chưa bao giờ nghĩ tác phẩm này là của Việt Nam hay chỉ dành cho người Việt Nam. Có chăng là từ câu chuyện cụ thể có bối cảnh Việt Nam, tôi sẽ nói vấn đề của thế giới, vì tôi quan tâm nhiều thứ có tính chất toàn cầu.

Có một tác phẩm của tôi đang được triển lãm ở Mỹ, tên là Time Boomerang, đi từ câu chuyện về Trường Sa và Hoàng Sa, nói về chủ nghĩa thực dân, sự bành trướng. Tôi làm một bàn tay bằng đồng, đi 5 châu, thả xuống mỗi châu 1 đầu ngón tay. Hiện tôi đã làm được châu Á và châu Âu. Tháng Sáu này tôi đi Mỹ, sẽ làm châu thứ 3. Sau đó, tôi sẽ đi Châu Phi, Nam Cực… Tác phẩm này có 8 giai đoạn và đã hoàn thành gần một nửa. Hy vọng 5 năm nữa sẽ hoàn tất.

Tác phẩm của tôi hay có hình các châu lục. License 2 Draw cũng từ các châu khác nhau, dùng ứng dụng để vẽ, sử dụng tia laser. Tác phẩm này có tính liên kết mọi người, dù ở đâu cũng có thể làm được, bằng chiếc smartphone. Đây có thể gọi là tác phẩm crownsourcing đầu tiên trên thế giới và “Made in Vietnam”, điều này làm tôi tự hào.

Lam Hạnh (thực hiện)

 
 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI