Nghệ sĩ Chí Tâm: Đam mê cải lương trong huyết quản

23/07/2015 - 09:41

PNO - PN - Nghệ sĩ (NS) Chí Tâm trông trẻ hơn khá nhiều so với tuổi 63 của mình. Ông càng trẻ hơn khi nói về nghề hát, về những vai diễn và về khát khao được trở lại sàn diễn.

Nghe si Chi Tam:  Dam me cai luong trong huyet quan

Được tổ nghề chọn

Gần 40 năm qua, ông rất hiếm khi xuất hiện trên sân khấu trong nước. Mỗi khi có ai đó nhắc đến Chuyện tình Lan và Điệp đều nhớ đó là vở cải lương làm nên tên tuổi NS Chí Tâm và NSƯT Thanh Kim Huệ vào năm 1972.

Cho đến nay, dường như khó ai có thể thay thế được NS Chí Tâm khi hóa thân vào vai Điệp. Chất giọng hơi khàn, nghe nghèn nghẹn như nỗi khổ của Điệp mà NS Chí Tâm cất lên đã góp phần mang lại một bản diễn đẹp rất riêng, rất khác biệt. Trước đó, nghệ danh Chí Tâm đã dần trở nên quen thuộc với khán giả yêu cải lương trên sân khấu đoàn Tinh Hoa của bà bầu Mười Cơ.

Khi đó, cậu bé Chí Tâm mới 15 tuổi. Vốn là học trò cưng của soạn giả Yên Sơn, Chí Tâm được thầy “đo ni đóng giày” cho rất nhiều vai diễn: Na Tra (Na Tra lóc thịt), Kim Đồng (Công chúa thủy tề), Mã Chí Tâm (Người ăn cắp bánh mì)… và các bài tân cổ giao duyên do hãng Continental thu âm: Em bé đánh giày, Em bé bán báo, Con quạ con chồn… Đường tương lai tưởng thênh thang phía trước đột ngột khép lại chỉ vì Chí Tâm bị bể giọng. Gác ước mơ thành kép hát, Chí Tâm trở về quê Trà Ôn (tỉnh Vĩnh Long) phụ cha mẹ buôn bán, rồi lên Cần Thơ học nghề nhiếp ảnh.

Nhắc lại chuyện xưa, NS Chí Tâm nói: “Tôi tin một khi đã được tổ nghề chọn lựa thì những cánh cửa không bao giờ đóng với mình, chỉ là con đường mình đi có thể sẽ dài hơn, quanh co, khúc khuỷu hơn. Nếu có quyết tâm và có đủ tình yêu, mình sẽ đến đích”.

Cha mẹ NS Chí Tâm là người gốc Hoa nhưng rất mê âm nhạc tài tử. Tiếng đàn của cha chính là ngọn lửa đầu tiên thắp sáng tình yêu dành cho sân khấu cải lương ở NS Chí Tâm. Khi bạn bè đồng trang lứa vẫn còn ham thích những trò đuổi bắt trên đồng thì cậu bé Chí Tâm chỉ mê được cha cho đi học ca tài tử với thầy miệt vườn.

Ngày được cha cho lên Sài Gòn học ca, Chí Tâm tranh thủ học thêm đàn guitar phím lõm. Lúc về đoàn Tinh Hoa, Chí Tâm lại mê thêm tiếng đàn sến. Lúc tưởng mình không còn duyên theo nghề hát, hàng ngày đi học nghề và làm ở tiệm ảnh, cuối tuần Chí Tâm lại vô chùa để được thả hồn với tiếng đàn bầu. Tưởng chỉ dừng lại ở đó, đâu dè, lúc quay lại với sân khấu cải lương ở đoàn Kim Chung, NS Chí Tâm lại tiếp tục đặt ra mục tiêu phải thông thạo cả đàn kìm.

Ông nói có lẽ nhờ thông thạo các loại đàn mà con đường trở lại với nghề hát của ông có nhiều thuận lợi hơn. Ông tự đàn để luyện giọng cho mình. Bắt đầu từ tông thấp, ông luyện từng chút, từng chút một. Từ một diễn viên không mấy tên tuổi ở đoàn Dạ Quang Châu vào khoảng năm 1971, chỉ hơn một năm sau khi về đầu quân cho đoàn Kim Chung, tên tuổi NS Chí Tâm bắt đầu tỏa sáng với một loạt vai diễn như Lữ An Tùng (Nhạn về xóm liễu), Thái tử lưng gù (Băng Tuyền nữ chúa)... Một trong những cột mốc đáng nhớ của NS Chí Tâm là lúc ông được đoàn tin tưởng giao đóng kép chính thay cho Vương Bình khi NS này rời Kim Chung để lập đoàn hát riêng.

Không lâu sau đó, Chí Tâm chính thức định danh kép chính trong mắt khán giả với thành công của vai Điệp trong vở Chuyện tình Lan và Điệp. Trong mắt nhiều khán giả và nhận định của người làm nghề, Lan của NSƯT Thanh Kim Huệ và Điệp của Chí Tâm là một trong những bản diễn có sức lay động, để lại nhiều cảm xúc nhất từ trước đến nay. Điều đó còn được thể hiện qua việc bản thu âm Chuyện tình Lan và Điệp của Chí Tâm và Thanh Kim Huệ phát hành năm 1974 đã tạo nên cơn sốt ở Sài Gòn và được xem là phiên bản mẫu mực của vở diễn này.

Nghe si Chi Tam:  Dam me cai luong trong huyet quan

Khán giả ái mộ NS Chí Tâm còn nhớ nhiều cột mốc khác trong sự nghiệp của ông. Đó là những vở diễn tạo nên tên tuổi cho cặp đào kép chính Chí Tâm - Hương Lan trên sân khấu đoàn Kim Chung: Hán đế biệt Chiêu Quân, Cây sầu riêng trổ bông, Nắng thu về ngõ trúc… Khán giả cải lương thập niên 1970 của thế kỷ trước khó có thể quên những suất hát luôn đầy kín chỗ của vở Nắng thu về ngõ trúc, với sự góp mặt của cặp đôi Chí Tâm - Hương Lan. Những chuyện tình trên sân khấu của đôi đào kép chính Chí Tâm - Hương Lan kết thúc đẹp bằng tình yêu và đám cưới trong đời thường vào cuối năm 1975. Tiếc rằng họ phải chia tay sau bảy năm chung sống khi đã có với nhau hai cậu con trai.

Ngã rẽ vẫn là… cải lương

“Thay vì cố tìm kiếm để phân định rạch ròi phần lỗi thuộc về ai khi hôn nhân đổ vỡ, sao không nhìn nó ở hướng nhẹ nhàng hơn, rằng có lẽ vợ chồng đã hết duyên, hết nợ. Hôn nhân bền vững ngoài tình yêu còn phụ thuộc rất nhiều yếu tố khác mà có lẽ khi ấy do cả hai còn quá trẻ nên giữa chúng tôi thiếu sự thấu hiểu lẫn nhau để cùng nhau đi hết cuộc đời”. Nói về cuộc hôn nhân cũ, giọng NS Chí Tâm nghe đã nhẹ tênh, nhưng ở thời điểm cách đây hơn ba mươi năm, mọi chuyện lại không dễ dàng. Nhất là khi quyết định theo gia đình vợ sang Pháp, NS Chí Tâm đã phải từ bỏ tất cả: sự nổi tiếng, niềm đam mê và cả cha mẹ, anh chị em…

“Tôi may mắn còn một niềm tin để sống và vượt qua những biến cố trong cuộc đời, đó là nghề hát, là lời ca tiếng nhạc. Nhiều lúc tôi không hình dung nổi mình sẽ ra sao khi chỉ có một mình trên đất Pháp với nỗi khắc khoải nhớ quê hương, gia đình và ánh đèn sân khấu…”, NS Chí Tâm bộc bạch.

Đoàn cải lương Năm Châu của NS Chí Tâm ra đời sau cú sốc ly hôn, quy tụ một số NS đang sinh sống tại Pháp lúc bấy giờ: Minh Tâm, Tài Lương, Mỹ Hòa… Những vở diễn nổi tiếng một thời như Máu nhuộm sân chùa, Đường gươm Nguyên Bá, Tâm sự loài chim biển… đã được dàn dựng để phục vụ khán giả Việt Nam tại Pháp và một số nước châu Âu. Diễn không nhiều, nhưng mỗi suất lại mang đến cho ông thêm niềm vui và hạnh phúc vì được sống lại với đam mê. Như cá về với nước, khát vọng được học nhiều, biết nhiều để mở mang nghề nghiệp ở ông lại trỗi dậy. Ngoài giờ làm, ông tranh thủ học thêm tân nhạc, về cách hòa âm, phối khí… với lý do đơn giản: “Ở Pháp, tân nhạc là phổ biến, tôi muốn học để biết và so sánh sự tương đồng giữa các nốt đồ rê mi với hò xự xang xê cống của cổ nhạc Việt Nam”.

Nghe si Chi Tam:  Dam me cai luong trong huyet quan

Gia đình hiện nay của nghệ sĩ Chí Tâm

Một ngã rẽ khác bất ngờ đã đến với NS Chí Tâm. Ông mở phòng thu, sáng tác nhạc ở Pháp rồi chuyển hẳn sang Mỹ sinh sống để thuận lợi hơn cho việc phát triển nghề nghiệp mới của mình. Phòng thu Chí Tâm ở California nhiều năm nay là một trong những điểm hẹn tin cậy của các NS ở Mỹ. Nhiều ca sĩ chọn phòng thu Chí Tâm để thực hiện album vì họ tin tưởng vào khả năng hòa âm của ông chủ phòng thu - người đang biên tập rất nhiều chương trình của một trung tâm ca nhạc nổi tiếng.

Bất ngờ hơn, anh kép Chí Tâm giờ còn là tác giả của không ít tác phẩm tân nhạc lẫn cổ nhạc, thường được sử dụng trong các buổi biểu diễn phục vụ cộng đồng người Việt tại Mỹ: Hoa bất diệt, Nấu bánh đêm xuân, Chiếc bánh bông lan… Có một bí mật mà nay NS Chí Tâm mới “tiết lộ”, rất nhiều bài cổ nhạc được thực hiện ở phòng thu Chí Tâm với cả một dàn đàn guitar phím lõm, kìm, bầu, tranh, thực ra chỉ do một mình ông phụ trách. Ông đàn từng loại nhạc cụ và lần lượt hòa âm bằng chính những kinh nghiệm phòng thu mà mình mày mò tự học.

Cuộc sống của NS Chí Tâm ổn định với thu nhập từ phòng thu, viết nhạc, hòa âm. Nhưng niềm đam mê với sân khấu cải lương, với cổ nhạc vẫn chảy không ngừng trong ông. Ông mở lớp dạy ca cổ, dạy đờn cho những bạn trẻ ở Mỹ. Lớp thường xuyên có ít nhất 20 học viên theo học. Tưởng chừng tiếng đàn, tiếng ca giúp NS Chí Tâm nguôi ngoai phần nào nỗi nhớ nghề, nhưng chính từ mỗi lần lên lớp, ông lại càng khát khao được trở lại với ánh đèn sân khấu, được gặp gỡ khán giả và sống lại với không khí của những đêm diễn thời trai trẻ.

Về nước lần này, NS Chí Tâm tất bật cho liveshow kỷ niệm hơn nửa thế kỷ được ăn cơm tổ nghiệp của mình. Ông nói: “Ở tuổi này, có lẽ người NS vốn rất nhạy cảm nên thường nghĩ đến sự vô thường của cuộc đời. Tổ chức chương trình lần này, tôi không có khát vọng gì lớn lao hơn ngoài việc được gặp gỡ tri ân khán giả và có cơ hội lưu giữ lại những kỷ niệm đẹp của mình với sân khấu, với các đồng nghiệp”.

THẢO VÂN

Chương trình liveshow NS Chí Tâm diễn ra một đêm duy nhất lúc 20g ngày 31/7 tại Nhà hát Bến Thành, Q.1. Chương trình giới thiệu lại những trích đoạn đã gắn liền với tên tuổi NS Chí Tâm: Chuyện tình Lan và Điệp, Đường gươm Nguyên Bá, Cao Tiệm Ly tiễn biệt Kinh Kha, Sự tích trầu cau, Tây Thi… Đêm diễn có sự góp mặt của các NS: NSND Lệ Thủy, NSƯT Minh Vương, NSƯT Thanh Kim Huệ, NSƯT Trọng Phúc, NSƯT Cẩm Tiên, NSƯT Thanh Tuấn, Lê Tứ, Hà Như…
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI