Nghệ nhân Nhân dân Trần Thị Phụng: Ai rồi cũng “đi”, chỉ quan họ ở lại

06/05/2021 - 17:32

PNO - Nghệ nhân nhân dân Trần Thị Phụng được xem là một trong những “báu vật sống” của quan họ. Dù đã 98 tuổi nhưng bà vẫn còn nhớ được khoảng 400 bài (hay còn gọi là câu) quan họ cổ như: "Vốn liếng em có 30 đồng", "Mời nước mời trầu", "Ngồi tựa song đào"…

Vẫn mê hát như thuở 15

Bước qua cổng làng Viêm Xá (còn gọi là làng Diềm, xã Hòa Long, TP.Bắc Ninh), hỏi nhà nghệ nhân Trần Thị Phụng hầu như ai cũng biết. Men theo con đường nhỏ uốn lượn, căn nhà với rất nhiều vết hằn thời gian hiện lên trước mắt. 
Bà Phụng đón khách trong chiếc áo nâu, khăn đen đội đầu như ôm vào mình sự mộc mạc của quê hương quan họ. Lưng còng, tóc bạc, mắt nhòe, gương mặt phủ đầy nếp nhăn và những vết đồi mồi, nhưng chất giọng của bà vẫn còn rất khỏe và vang. Nếu chỉ nghe thanh âm phát ra, hẳn nhiều người vẫn lầm tưởng người đàn bà này chỉ mới bước qua nửa con dốc cuộc đời. 

Nữ nghệ nhân và vị khách lạ khác nhau về độ tuổi, chất giọng và ngôn ngữ vùng miền… nhưng câu chuyện về quan họ khiến mọi thứ khác biệt đó trở nên bình thường. Không trà, không trầu, cuộc gặp gỡ được mở đầu với những câu hát mùi mẫn: “Khách đến i đến chơi hự hừ nhà là, chơi hự hừ nhà/ Đốt than ớ ơ dầu mà quạt nước mấy pha trà mời người xơi là chén có a trà này…”. 

Nghệ nhân nhân dân Trần Thị Phụng - báu vật của quan họ Bắc Ninh
Nghệ nhân nhân dân Trần Thị Phụng - báu vật của quan họ Bắc Ninh

Từng lời, từng câu uyển chuyển, ngọt ngào khiến không khí oi ả bên ngoài như dịu xuống. Thời gian có lẽ đã bỏ quên giọng hát của bà. 

Mười tuổi, bà Phụng đã bắt đầu cắp nón theo các liền chị học hát quan họ. Ban đầu, bà chỉ thấy vui, chẳng ngờ lại là cái duyên đeo đẳng cả cuộc đời. 15 tuổi, các liền anh, liền chị đến tận nhà xin cho bà được đi hát. 

Khi đó phụ nữ vẫn còn chịu nhiều định kiến, nhưng cha mẹ bà không cấm cản, lại còn cho tiền để đi chơi. Ngày ngày, cứ xong việc đồng áng, bà lại đốt đuốc băng qua con đường tắt trải dài theo những cánh đồng lúa, bãi mía, nương ngô để đến nơi mọi người cùng tụ họp về hát quan họ ở Khắc Niệm. 

Người quan họ không gọi là hát, mà là chơi. Bởi quan họ truyền thống không có khán giả, người trình diễn đồng thời cũng là người thưởng thức. Tất cả đều hát “chay” (không nhạc đệm), nhưng mỗi ca từ đều có nhạc, bởi nhạc ở trong lòng, trong dạ mà ra.

Đời bà, niềm vui chỉ quanh quẩn với quan họ. Lục lọi trong chiếc rương sắt hơn trăm năm, bà giới thiệu một loạt “báu vật”. Những chiếc thắt lưng có tuổi đời trên dưới 80 năm được bà cất giữ rất kỹ. Mỗi tháng đi làm thuê được trả năm hào, phải mất đến vài tháng bà mới đủ tiền mua một chiếc. Người chủ đi buôn bán ở xa, hỏi muốn mua quà gì, bà cũng chỉ mong có áo the mùi, áo lót để đi chơi quan họ.

Ngay khi đã thành gia lập thất, gánh nặng chồng chất, bà vẫn giữ thói quen chơi quan họ. Chồng bà không mê, nhưng vẫn cho phép vợ thoải mái đi chơi. Lý giải điều này, bà bảo: “Người quan họ lấy câu hát làm vui, chứ không nảy sinh tình cảm hay lấy nhau được. Vì thế, chẳng có gì để gia đình phải lo ngại”. Thời gian chiến tranh loạn lạc, trong chiếc tay nải chạy giặc của bà vẫn luôn có chỗ cho những món đồ dùng để chơi quan họ. 

Sáu năm sau ngày đất nước thống nhất, chồng qua đời, bà ở vậy cho đến nay. Cuộc sống đơn chiếc không khiến bà buồn phiền, bởi khi ngoảnh lại bà vẫn còn quan họ, như một chiếc bóng không thể tách rời. 

Nghệ nhân Trần Thị Phụng và chiếc thắt lưng được bà mua từ năm 1945
Nghệ nhân Trần Thị Phụng và chiếc thắt lưng được bà mua từ năm 1945

98 tuổi, việc đi đứng có phần khó khăn, sức khỏe cũng giảm sút ít nhiều, nhưng hễ có ai đến nhà rước đi chơi quan họ, bà đều gật đầu dẫu xa đến mấy. “Tôi vẫn hát, vẫn chơi như ngày mười tám đôi mươi. Tôi sẽ hát, sẽ chơi cho đến khi nào không được nữa thì thôi”, bà bảo.

Là ai cũng được

83 năm sống cùng quan họ, ngoảnh lại như một cái chớp mắt. Bà Phụng không nhớ rõ đã bắt đầu truyền nghề từ bao giờ, cũng không nhớ được đã dạy bao nhiêu người, chỉ biết con số đó rất nhiều. “Khi chưa học thấy gì cũng khó, nhưng biết rồi thì lại rất dễ. Học hành bao giờ cũng cần phải kiên trì”, bà nói.

Ai muốn học hát quan họ cứ đến tìm gặp, bà sẵn sàng dạy, bất kể ngày giờ, không đòi hỏi trả công hay đền đáp. Ngay tại làng Diềm có không ít người đã từng là học trò của bà Phụng. Trong đó, có người đã trở thành liền chị nổi tiếng, nhưng cũng có người chỉ học hát để tìm niềm vui. NSND Thúy Cải, NSND Thúy Hường… cũng từng tìm đến bà để tầm sư học đạo. 

Nữ nghệ nhân cũng được nhiều trường đào tạo nghệ thuật mời đến giảng dạy, trao đổi với sinh viên. Có trường còn tạo điều kiện cho sinh viên về nhà bà để được chỉ dẫn thêm. Mỗi khi nhìn thấy người trẻ tìm hiểu, học về quan họ, niềm vui rất lớn lại nảy nở trong lòng bà. Bởi khi đó, bà biết quan họ đã có thêm một tia hy vọng để tồn tại và phát triển. 
“Ai rồi cũng chết đi, cũng chẳng thể mang theo gì. Vì thế, những gì về quan họ, tôi cho đi tất cả. Khi cho đi cũng là khi mạch nguồn sống của quan họ được kéo dài”, bà nói.

Nữ nghệ nhân và chiếc rương đựng báu vật là trang phục biểu diễn
Nữ nghệ nhân và chiếc rương đựng "báu vật" là trang phục biểu diễn

Quan họ nay khác xưa nhiều, bởi có thêm nhạc đệm, yếu tố biểu diễn, minh họa, hoặc hát lời mới. Cứ ngỡ sự khác biệt thế hệ sẽ khiến nữ nghệ nhân khó lòng chấp nhận việc cải biên này, nhưng không, bà cho rằng thời nào cũng có cái hay riêng. Ăn theo thuở, ở theo thời. Việc hát như thế nào là lựa chọn của mỗi người. Nhưng tận sâu trong tâm hồn, bà vẫn yêu quan họ cổ, bởi vẻ đẹp mộc mạc, chất phác như chính những người con Kinh Bắc bước ra từ đồng ruộng, làng mạc yên bình. “Dẫu có đổi mới thế nào xin đừng làm mất màu quan họ, đừng làm gì khiến người ta ghét bỏ quan họ là được”, bà tâm tình.

Có tiếng ai đó vọng từ ngoài vào, báo rằng chỉ ít ngày nữa sẽ có một buổi ghi hình để quảng bá cho quan họ làng Diềm. Đôi mắt bà sáng lên, còn đôi tay thì thoăn thoắt soạn sẵn áo dài, thắt lưng, khăn mỏ quạ để chờ đến ngày đi hát. Thời gian có thể khiến mọi thứ thay đổi, nhưng tình yêu của nữ nghệ nhân với quan họ thì không. Dù đôi mươi hay ở chặng cuối của cuộc đời, tình yêu ấy vẫn nồng nàn, da diết.

Thành Lâm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI