10 năm ngày mất nhà văn Trần Hoài Dương: Những trang viết nghiêng về phía yêu thương

06/05/2021 - 12:36

PNO - Nhà văn Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam nói rằng tác phẩm của Trần Hoài Dương đã dựng lên một “miền xanh thẳm” cho rất nhiều người.

Sáng ngày 6/5, Hội Nhà văn TPHCM tổ chức buổi tọa đàm tưởng nhớ cố nhà văn Trần Hoài Dương: Con người và tác phẩm, nhân dịp kỷ niệm 10 năm ngày mất của cố nhà văn. 

Đúng ngày này vào 10 năm trước, nhà văn Trần Hoài Dương đột ngột qua đời tại nhà riêng vì nhồi máu cơ tim. Ông sống một mình trong ngôi nhà trên đường Thích Quảng Đức (quận Phú Nhuận, TPHCM) nên khi qua đời, phải đến 2 ngày sau mới được phát hiện. Khi ấy, con trai ông - nhạc sĩ Trần Lê Quỳnh, hiện sống và làm việc tại Anh - gọi điện về cho bố không liên lạc được, mới nhờ người đến kiểm tra và phát hiện nhà văn đã lặng lẽ qua đời.

Đó là một ký ức buồn trong lòng bạn bè thân quen của cố nhà văn Trần Hoài Dương. Nhà thơ Cao Xuân Sơn, Giám đốc Nhà xuất bản Kim Đồng, chi nhánh TPHCM nhớ lại, vào lúc anh được báo tin dữ về nhà văn Trần Hoài Dương, nhà xuất bản Kim Đồng đang chuẩn bị kỷ niệm 35 năm ngày thành lập.

Cố nhà văn Trần Hoài Dương. Ảnh tư liệu
Cố nhà văn Trần Hoài Dương - Ảnh tư liệu

“Bản thảo đầu tiên mà anh Trần Hoài Dương gửi đến Nhà xuất bản Kim Đồng là Em bé và bông hồng, in năm 1963. Và tác phẩm cuối cùng Kim Đồng in cho anh là di cảo Huyền thoại về loài chim cánh cụt. Ngoài một số tác phẩm in ở các đơn vị xuất bản khác, có thể nói toàn bộ sự nghiệp của nhà văn Trần Hoài Dương là ở NXB Kim Đồng.

Tôi gọi thế hệ các nhà văn này là “mỏ vàng ròng” của văn học thiếu nhi Việt Nam. Những tựa sách của anh không có gì đao to búa lớn cả, chỉ là những cái tên đơn giản: Cây lá đỏ, Đến những nơi xa, Cuộc phiêu lưu của những con chữ, Nhớ một mùa hoa thạch thảo, Nàng công chúa biển… Nhưng những trang viết ấy nghiêng về phía dịu dàng yêu thương, trong vắt và chan chứa tình yêu thương con người” - nhà thơ Cao Xuân Sơn chia sẻ.

Cả cuộc đời cố nhà văn để lại cho đời 24 tác phẩm gồm truyện ngắn, đồng thoại, truyện dài. Ngoài ra ông còn viết kịch bản phim hoạt hình và kịch bản múa rối cho thiếu nhi, trong đó có 5 kịch bản được dựng thành phim. Nhà thơ Cao Xuân Sơn nói rằng, nhà văn Trần Hoài Dương là một cái cây mà “khi sống người ta không thấy bóng tỏa, nhưng khi cây ngã xuống thì có một khoảng trống lớn mà nó để lại”.

Nhà thơ Cao Xuân Sơn chia sẻ kỷ niệm về cố nhà văn Trần Hoài Dương
Nhà thơ Cao Xuân Sơn chia sẻ kỷ niệm về cố nhà văn Trần Hoài Dương

Không về Việt Nam tham dự được buổi tọa đàm, nhạc sĩ Trần Lê Quỳnh cũng đã gửi về một đoạn chia sẻ xúc động về người bố kính yêu. “Bố mất đã nhiều năm, nhưng đến bây giờ gia đình, bạn bè vẫn luôn nhắc đến bố với nhiều câu chuyện, những ký ức vui.

Không chỉ được yêu mến qua tác phẩm văn chương mà bố còn được nhiều người yêu quý bởi sự chân thành, chu đáo trong cách đối đãi với tất cả mọi người. Gia đình rất vui vì tọa đàm được tổ chức tại TPHCM - thành phố mà bố đã gắn bó suốt 30 năm, sống và sáng tác, cho đến phút cuối đời” - tâm sự của nhạc sĩ Trần Lê Quỳnh.

Ca khúc Những ô cửa xanh của anh chính là viết dành tặng bố anh, những ca từ xúc động: “Bầy chim trắng vẫn thường qua những vụn bánh cha thả trên sân/Từng chậu hoa như bạn thân, yên lắng cùng cha bên mùa xuân/Từng trang sách cha lật qua đưa con chạm đến bao vương quốc xa/Những câu chuyện theo con suốt đời kể những giấc mơ bắt đầu từ ô cửa xanh…”

 Một trong những tác phẩm của Trần Hoài Dương được nhà văn Trương Huỳnh Như Trân đọc và gìn giữ từ khi chị mới lên 6 tuổi
Một trong những tác phẩm của Trần Hoài Dương được nhà văn Trương Huỳnh Như Trân đọc và gìn giữ từ khi chị mới lên 6 tuổi

Rất nhiều tác phẩm của cố nhà văn Trần Hoài Dương đã được đưa vào sách giáo khoa, trong đó có thể kể đến: Mưa cuối mùa, Bộ lông của chim thiên đường, Cây xấu hổ… “Tác phẩm Trần Hoài Dương giàu tính giáo dục, dạy trẻ ý thức bảo vệ môi trường, bảo vệ của công, quý trọng tình cảm gia đình… Những thông điệp ông gửi gắm qua tác phẩm cho thiếu nhi rất giản dị nhưng đầy ý nghĩa. Ông có thế mạnh miêu tả bậc thầy. Nếu nhà văn Tô Hoài có thế mạnh về miêu tả loài vật, thì Trần Hoài Dương có thế mạnh miêu tả về cảnh vật” - TS Bùi Thanh Truyền lý giải vì sao sáng tác của nhà văn Trần Hoài Dương luôn được yêu thích và lựa chọn vào sách giáo khoa.

Nhà văn Trương Huỳnh Như Trân, người đã đọc Trần Hoài Dương từ khi còn rất nhỏ nói rằng đọc những câu chuyện của ông cảm nhận cứ như một “ông chú lớn” thủ thỉ kể chuyện cho trẻ con nghe, những câu chuyện rất trong trẻo và rất hay, gần gũi. Ông tạo nên một thế giới mà trẻ con đọc, có thể xem những nhân vật loài vật đều là những người bạn của mình. Nhà văn Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, tác phẩm của Trần Hoài Dương đã dựng lên một “miền xanh thẳm” cho rất nhiều người, ông đã xem việc viết văn cho tuổi thơ như một thứ đạo của đời mình.

Nhà văn Trần Hoài Dương tên thật là Trần Bắc Quỳ, sinh ngày 8/11/1943 tại Hải Dương. Ông từng công tác tại Tạp chí Học tập (Tạp chí Cộng Sản), báo Văn Nghệ Hội Nhà văn, Nhà xuất bản Măng Non, Nhà xuất bản Trẻ. Từ năm 1992 ông là nhà văn tự do, chuyên sáng tác cho thiếu nhi.

Nhà văn Trần Hoài Dương được trao giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam và Ủy ban Thiếu niên Nhi đồng Trung ương năm 1968 với tác phẩm Cuộc phiêu lưu của những con chữ. Sau đó ông được trao nhiều giải thưởng văn học và kịch bản phim khác. Năm 2001, tác phẩm Miền xanh thẳm của ông được trao giải B Cuộc vận động sáng tác truyện và tranh truyện cho thiếu nhi năm 1999-2000 của NXB Kim Đồng (không có giải A). Ông qua đời vào ngày 6/5/2011.

Lục Diệp

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI