Nghề dành cho những trái tim nhân ái ở thủy cung

17/10/2021 - 05:44

PNO - Thú vị, kỳ lạ và cũng đầy tính nhân văn, công việc chăm sóc động vật tại khu thủy cung lớn nhất nước Ý chứa đựng không ít trải nghiệm đáng suy ngẫm.

Những bể nuôi cá đầu tiên trong lịch sử nhân loại xuất hiện khoảng năm 4500 trước Công nguyên, ở vương quốc Sumer cổ thuộc phía nam Lưỡng Hà. Cách đây 2.000 năm, người La Mã nảy ý tưởng dẫn nước biển vào hồ nhân tạo để nuôi sinh vật sống. Nhiều loài động vật không chỉ được giữ trong bể để làm thức ăn mà còn kích thích mong mỏi khám phá thiên nhiên của con người. Vào thời Đường (Trung Quốc, năm 618 - 907), nghề nuôi và lai giống cá chép kiểng ra đời. Năm 1611, cá kiểng lần đầu được nhập khẩu từ châu Á sang châu Âu.

Lợn biển tại thủy cung Genoa tiêu thụ hơn 40kg rau củ tươi mỗi ngày,  chủ yếu từ các nông trại địa phương
Lợn biển tại thủy cung Genoa tiêu thụ hơn 40kg rau củ tươi mỗi ngày, chủ yếu từ các nông trại địa phương

Đến thế kỷ XVIII, khái niệm nuôi giữ động thực vật thủy sinh nhằm mục đích giáo dục và nghiên cứu, ở một không gian công cộng có tên gọi thủy cung bắt đầu hình thành. Thủy cung đầu tiên trên thế giới mở cửa năm 1853, trong khuôn viên Vườn thú London (Anh). Dự án do nhà động vật học người Anh Philip H. Gosse khởi xướng. Cũng chính Gosse đã nghĩ ra danh từ thủy cung (aquarium), được ghép từ hai từ gốc Latin: aquarius (chứa nước) và vivarium (bể nuôi).

Thủy cung giờ đã trở thành địa chỉ tham quan phổ biến toàn cầu với nét đặc trưng, quy mô ngày càng đa dạng, phong phú. Để cảm nhận rõ hơn sức hút của điểm đến độc đáo này, hãy thử tìm hiểu về trải nghiệm công việc khác lạ bên trong thủy cung Genoa, tọa lạc ở thành phố cảng Genova (miền Bắc nước Ý). Đội ngũ nhân viên nhiệt huyết tại đây gồm những nhà sinh vật học, giám tuyển viên, kỹ thuật viên đang chăm sóc cho khoảng 12.000 cá thể sinh vật biển. Niềm đam mê khoa học cùng tình yêu động vật đã giúp họ tạo nên nhiều dấu ấn khó quên trong khu thủy cung lớn nhất nước Ý.

Kiên trì tạo dựng lòng tin

Thủy cung Genoa rộng hơn 3.000m2 (do kiến trúc sư bậc thầy người Ý Renzo Piano thiết kế), hoạt động từ năm 1992. Nơi đây hiện nuôi giữ trên 600 loài thủy sinh, bao gồm một số loài đặc biệt cuốn hút công chúng như: lợn biển, cá bọ cạp, piranha, sứa “tầm ma biển”... Chịu trách nhiệm nuôi dưỡng, chăm sóc, nghiên cứu đời sống các cư dân nơi đây là đội ngũ gần 100 nhân viên. Mang tấm lòng tận tâm của nhà khoa học lẫn người yêu động vật, họ đảm đương đủ mọi nhiệm vụ, từ cho thú ăn, dọn vệ sinh đến kiểm tra y tế. Phần lớn công việc diễn ra thầm lặng, đòi hỏi tinh thần nhẫn nại cao độ, cùng với đó là vô số trải nghiệm lý thú khác biệt.  

 

Bác sĩ thú y chuẩn bị siêu âm cho một chú sư tử biển
Bác sĩ thú y chuẩn bị siêu âm cho một chú sư tử biển

Theo giám sát viên Erika Esposti, làm việc tại khu vực Động vật biển có vú, lòng kiên nhẫn là “yếu tố tiên quyết”. “Ví dụ như loài lợn biển Tây Ấn. Môi trường sống tự nhiên của chúng là quanh vùng vịnh Mexico và Đại Tây Dương, nơi nguồn thức ăn chính gồm tảo biển, cây thủy sinh. Chúng tôi cố gắng tái tạo một chế độ dinh dưỡng càng tương đồng càng tốt. Chúng tôi thử cho chúng ăn các loại rau củ bản địa để tìm ra thứ chúng thích nhất. Cuối cùng, nhóm xây dựng được thực đơn ưa thích của lợn biển gồm rau diếp, thì là, củ dền, thỉnh thoảng bổ sung chuối” - Esposti chia sẻ. 

Lợn biển được cho ăn thường nhật nhưng cá mập thì không. “Chúng ta thường nghĩ cá mập là “sát thủ” đại dương với nhu cầu săn mồi thường xuyên nhưng thực tế chúng chỉ cần ăn ba lần mỗi tuần” - Laura Castellano, chuyên viên công tác tại khu vực Động vật Địa Trung Hải, tiết lộ. Ngược lại, cá heo ăn đến ba cữ mỗi ngày. 

Esposti cho biết: “Với cá heo, bạn cần tinh ý hơn. Chúng hay chơi đùa và dễ cảm thấy chán nếu bị buộc tuân theo giờ giấc cố định. Vì thế, chúng tôi thường thay đổi ngẫu nhiên thời gian cho ăn. Cá heo cũng thích được tương tác, kể cả trong giờ ăn. Bạn phải học cách vui đùa, hòa đồng cùng bầy cá”. 

Không chỉ nhằm đảm bảo dinh dưỡng, ngay cả hoạt động kiểm tra sức khỏe động vật tại thủy cung cũng đòi hỏi sự kiên nhẫn và tiếp cận tinh tế của đội ngũ nhân viên. Một minh chứng thú vị là loài sư tử biển. “Thuộc nhóm động vật có vú, sư tử biển rất nhạy cảm về cấu trúc xã hội. Từng con chỉ cảm thấy thật sự thoải mái để ra khỏi mặt nước khi có được vị trí ổn định trong bầy. Nếu sư tử biển bị căng thẳng vì lý do nào đó, công đoạn kiểm tra sức khỏe cho chúng sẽ rất vất vả” - Esposti lý giải. 

Bên trong một “vườn trẻ” dành cho sứa tại thủy cung, nơi các cá thể non đang được nuôi
Bên trong một “vườn trẻ” dành cho sứa tại thủy cung, nơi các cá thể non đang được nuôi

Nữ giám sát viên cùng nhóm đồng nghiệp đã dành nhiều giờ quan sát, ghi chép thói quen hoạt động nhằm thấu hiểu tâm lý, tính cách từng con sư tử biển. “Muốn lấy mẫu máu một thành viên mới trong bầy để theo dõi sức khỏe, có khi chúng tôi phải mất hàng tháng liền làm quen, tạo niềm tin với con vật”.  

Quan sát và học hỏi

Kỹ năng quan sát, điều chỉnh cũng quan trọng không kém trong việc xây dựng môi trường sống khỏe mạnh cho mỗi loài. Silvia Lavorano, giám tuyển viên tại khu vực Cá nhiệt đới, bày tỏ: “Vấn đề không đơn thuần là tái tạo một không gian trông giống thiên nhiên bên ngoài mà chúng tôi còn phải đảm bảo thành phần hóa học trong nước cũng như sự tồn tại song hành của những loài động thực vật ở bể nuôi mô phỏng đúng theo môi trường sống tự nhiên. Mọi thứ cần được giữ cân bằng”.

Sau buổi kiểm tra sức khỏe, một chú rùa biển  được nhóm nhân viên y tế đưa trở về bể nuôi
Sau buổi kiểm tra sức khỏe, một chú rùa biển được nhóm nhân viên y tế đưa trở về bể nuôi

Khi làm việc, mỗi nhân viên cố gắng không gây xáo trộn nhịp sinh hoạt của từng loài bên trong thủy cung. Tuy nhiên, họ không chỉ chú tâm hoàn tất công việc được giao. “Chúng tôi thường nhìn ngắm, để mắt xem liệu có gì bất ổn không. Chẳng hạn ở một bể cá, nếu một cá thể bất chợt thay đổi cách bơi, thở, màu sắc trên vảy hay đột ngột tự cách ly khỏi bầy… thì những điều đó có thể báo hiệu cho một vấn đề sức khỏe. Việc thường xuyên quan sát các loài động vật giúp tôi học được nhiều điều thú vị” - Lavorano nói. 

Việc rèn luyện thói quen quan sát suốt nhiều năm cũng giúp Lavorano “đọc vị” cả những loài nổi tiếng bí ẩn như sứa Thái Bình Dương, với biệt danh ấn tượng: “cây tầm ma biển”. Cô phân tích: “Khi đói, sứa thường di chuyển rối rắm, xúc tu của chúng đôi khi còn bị quấn vào nhau. Khi no và có thể trạng tốt, sứa bơi nhịp nhàng, thanh thoát hơn”. 

Bằng phương thức quan sát, đánh giá để đưa ra hỗ trợ kịp thời, nhóm khoa học gia của Lavorano đang giúp thủy cung Genoa nhân giống sứa biển và hàng chuỗi quần thể san hô tuyệt đẹp. “Thoạt nhìn, đám sứa nổi bồng bềnh trong nước hay một cụm san hô trông như những sinh vật tĩnh lặng. Thế nhưng càng nhìn ngắm, càng nghiên cứu, tôi dần hiểu rằng chúng có lối sống biến động, phức tạp hơn hình dung ban đầu rất nhiều. Đến nay, mọi người vẫn biết rất ít về chúng” - nữ giám tuyển viên này cho biết.  

Laura Castellano tiếp lời đồng nghiệp: “Tôi yêu các sinh vật biển vì chúng không giống loài người chúng ta. Chúng không thể biểu đạt mong muốn cá nhân qua gương mặt hay giọng nói. Việc chúng thiếu đi nhiều nét tương đồng về mặt sinh học có lẽ là lý do khiến chúng tôi dành cho mỗi con vật một nỗi cảm thông kỳ lạ”. Chính nhờ sự đồng cảm ấy, công việc tại thủy cung mới được vận hành trơn tru. Song song đó, bằng cách nỗ lực thấu hiểu và “nhìn thế giới từ góc nhìn của các loài động vật”, như Esposti chia sẻ, chúng ta có thể nhận lại không ít bài học giá trị.

Như Ý (theo Atlas Obscura) - Ảnh: ATLAS OBSCURA

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI