Nghệ An: Khu tái định cư trở thành hoang phế

07/03/2023 - 06:45

PNO - Dù nhà cửa rất khang trang, nhưng lo sạt lở, đá lăn nên các hộ dân ở huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An đã rời nhà để phiêu bạt khắp nơi. Những khu tái định cư với hàng chục ngôi nhà giờ đã thành hoang phế.

Dân bỏ nhà cửa vì sợ núi lở, đá đè

Chỉ tay vào lỗ thủng trên tường nhà, chị Vi Thị Thắm - trú bản Khe Chóng, xã Yên Na, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An - kể hôm đó, mẹ chồng và các con đang chơi trong nhà thì một hòn đá lớn trên núi lăn xuống, làm thủng cả bức tường phía sau. May mắn là tảng đá chỉ làm hư nhà chứ không ai bị thương. Phía sau nhà, trên núi còn rất nhiều đá nên trời mưa là bà con lại nhấp nhổm.

Chị Thắm là một trong hàng chục hộ di dân đến khu tái định cư (TĐC) Khe Chóng để nhường đất cho thủy điện Bản Vẽ. Những tưởng khi về nơi ở mới được xây dựng khang trang, cuộc sống yên ổn hơn, nào ngờ bà con lại âu lo thấp thỏm bên sườn núi cao. 

Chị Vi Thị Thắm thấp thỏm nỗi lo sạt lở, đá lăn - ẢNH: PHAN NGỌC
Chị Vi Thị Thắm thấp thỏm nỗi lo sạt lở, đá lăn - Ảnh: Phan Ngọc

Anh Lương Văn Đông - Trưởng bản Khe Chóng - cho biết, đã có nhiều lần đá trên núi lăn xuống làm hư hỏng tài sản của dân. Sườn núi ở đây dốc, phía trên có nhiều đá mồ côi, nên khi mưa lớn hoặc trâu bò dẫm phải rất dễ tách khỏi đất và lăn xuống phía dưới.

Gần khu TĐC Khe Chóng, khu TĐC Khe Ò cũng rơi vào cảnh thê thảm. Đây là nơi ở mới của 46 hộ dân, nằm trên sườn núi, cách nhà máy thủy điện Bản Vẽ chừng 1km, nằm trong khu vực lòng hồ thủy điện. Năm 2010, sau trận mưa lớn, một tảng đá lăn từ sườn núi xuống thẳng nhà dân. Sau khi khảo sát, 7 hộ dân nằm sát vách núi, có nguy cơ cao bị sạt lở đã được chính quyền địa phương hỗ trợ di dời đến nơi ở mới. Không lâu sau đó, những hộ dân còn lại cũng lần lượt bỏ đi.

Vắng bóng người, khu TĐC Khe Ò dần trở thành một ngôi làng bị lãng quên. Những gì có thể tháo dỡ được như mái tôn, cửa sổ, nền gạch, dây điện, ổ cắm… người dân đã tháo dỡ. Những căn nhà kiên cố giờ chỉ còn lại những bức tường loang lổ chen với cỏ dại như những phế tích. Các công trình phụ trợ khác như đường sá, nước sạch, nhà văn hóa… cũng rơi vào tình trạng hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng. 

Ông Lương Văn Thắng - một cư dân còn bám trụ lại khu TĐC Khe Ò - cho biết, nơi đây được đầu tư 46 ngôi nhà, nhà văn hóa, trường mầm non khang trang kiên cố, nhưng vì sợ sạt lở, đá đè nên hầu hết dân đã bỏ đi, nhà cửa giờ trở nên hoang tàn mà chẳng ai đoái hoài. Chỉ một số ít người tận dụng làm nơi chăn thả gia súc, thỉnh thoảng đến thăm nom.

Ông Vi Thanh Tùng - Chủ tịch UBND xã Yên Na - cho hay, bà con ở đây đã nhiều lần kiến nghị, mong muốn được di dời đến nơi ở mới để an tâm sinh sống. Song để di dời cả bản thì cần nguồn kinh phí rất lớn, khó thực hiện.

Sống trái phép trong công trường thủy điện

Cũng theo Chủ tịch Vi Thanh Tùng, xã Yên Na có 3 khu TĐC di dân thủy điện Bản Vẽ với tổng cộng gần 200 hộ dân thì nay chỉ 2 khu có dân sinh sống, khu TĐC Khe Ò chỉ còn 2 hộ, số hộ khác bỏ đi tản mát khắp nơi, một số vào ở trái phép trong khu vực công trường thủy điện. 2 hộ còn ở lại khu TĐC Khe Ò cũng có ý định rời đi, nhưng vì kinh tế eo hẹp.

Được biết, để phục vụ việc xây dựng thủy điện Bản Vẽ, gần 3.000 hộ dân ở huyện Tương Dương đã phải di dời khỏi vùng lòng hồ đến nơi ở mới ở huyện Thanh Chương, cách nơi ở cũ 150km. Một cán bộ Công ty Thủy điện Bản Vẽ cho biết, sở dĩ đơn vị này cho xây dựng các khu TĐC ở xã Yên Na là để đáp ứng nguyện vọng muốn sống gần với quê cũ của gần 200 hộ dân trong lòng hồ. “Sau khi đến nơi ở mới vào năm 2005, các hộ dân đã được cấp sổ đỏ. Nay họ bỏ đi, cả khu TĐC bỏ hoang nhưng cũng chẳng còn cách nào khác” - vị cán bộ này nói.

Theo người dân địa phương, do việc đi lại khó khăn nên năm 2011, nhiều người bắt đầu rời bỏ khu TĐC để tìm đến khu vực trung tâm xã hoặc quay về ở trái phép tại khu công trường xây dựng thủy điện. Thời điểm này, khi công trình hoàn thành, nhiều nhà thầu xây dựng thủy điện Bản Vẽ đã bán lại các tài sản trên đất cho người dân. Sau khi mua lại, nhiều hộ dân chuyển vào ở trong các khu lán trại, một số hộ đã xây dựng nhà ở kiên cố dù không có giấy tờ hợp pháp. 

Anh Vi Văn Xay - trú xã Yên Na - cho biết, trước đây gia đình anh ở bản Khe Ò, nhưng vì lo sợ sạt lở nên gia đình tháo dỡ tài sản đi tìm nơi ở mới. Thấy nhiều người chuyển về khu lán trại xây dựng thủy điện ở, gia đình anh cũng thỏa thuận miệng mua lại khu nhà điều hành của một công ty với giá 10 triệu đồng.

Ông Vi Thanh Tùng cho biết, khu vực lán trại xây dựng thủy điện đã được quy hoạch trở thành khu thị tứ và hiện có khoảng 180 hộ dân đang sinh sống tại đây, phần lớn đều không có sổ đỏ. Trong số này có nhiều hộ dân ở khu TĐC Khe Ò. “Chúng tôi đang phối hợp với các cơ quan chức năng đo đạc lại để bàn giao mặt bằng. Sau đó sẽ trình lên tỉnh chủ trương để người dân ở cho hợp pháp” - ông Vi Thanh Tùng nói. 

Đại diện Công ty Thủy điện Bản Vẽ thì cho rằng, lỗi này thuộc về các nhà thầu thi công thủy điện đã tự ý bán tài sản trên đất cho nhiều người dân địa phương… “Nhiều hộ dân đã xây dựng nhà ở kiên cố rồi. Đối với những hộ dân này, chúng tôi cũng kiến nghị các cấp phương án có thể khoanh lại theo tiêu chuẩn 250m2 đất ở nông thôn, rồi trình UBND tỉnh có phương án giao đất, thu quyền sử dụng đất hoặc đấu giá. Số đất còn lại lấn chiếm thì phải trả lại” - đại diện Công ty Thủy điện Bản Vẽ nói. 

Phan Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI