Ngăn hàng cấm lọt qua dịch vụ giao hàng nhanh

19/04/2021 - 06:25

PNO - Tội phạm ma túy sử dụng dịch vụ giao hàng nhanh để chuyển hàng cấm trong khi việc kiểm tra hàng hóa trước khi vận chuyển lại khá sơ sài.

Dịch vụ giao hàng nhanh đang phát triển mạnh, nhất là khi dịch COVID-19 bùng phát. Tội phạm ma túy cũng sử dụng dịch vụ này để chuyển hàng cấm trong khi việc kiểm tra hàng hóa trước khi vận chuyển lại khá sơ sài.

Ma túy qua “cửa” giao hàng nhanh

Ngày 14/4, qua một ứng dụng giao hàng nhanh trên điện thoại, chúng tôi thử đặt giao một gói hàng từ Q.8 đến Q.3 (TP.HCM). Ứng dụng chỉ yêu cầu kê khai danh mục hàng hóa bao gồm: thực phẩm, quần áo, đồ điện tử, đồ dễ vỡ và trọng lượng ước tính của gói hàng. Khi đến nhận hàng để vận chuyển, shipper (người giao hàng) cũng chỉ nhìn lướt qua, nhận phí rồi chuyển gói hàng đến điểm giao hàng mà chúng tôi đã đặt trước đó. 

Các hãng dịch vụ giao hàng nhanh có yêu cầu kiểm tra hàng hóa nhưng thực tế các shipper ít khi thực hiện đúng yêu cầu này
Các hãng dịch vụ giao hàng nhanh có yêu cầu kiểm tra hàng hóa nhưng thực tế các shipper ít khi thực hiện đúng yêu cầu này

Khi được hỏi về quy định kiểm tra hàng hóa, nam shipper nói: “Anh đã kê khai mặt hàng trong ứng dụng khi đặt hàng rồi. Nếu là hàng cấm, người gửi chịu trách nhiệm chứ tụi em chỉ chuyển theo dịch vụ, không chịu trách nhiệm. Nếu kiện hàng nào cũng mở ra kiểm tra, sẽ rất mất thời gian và làm phiền khách hàng, ai mà đặt bên em nữa”.

Theo khảo sát của chúng tôi, hiện có rất nhiều đơn vị kinh doanh dịch vụ giao hàng nhanh với quy trình kiểm tra hàng hóa vận chuyển như đã nêu trên. Tại một chung cư ở Q.Bình Tân, TP.HCM, mỗi ngày, có đến vài chục lượt shipper đến giao, nhận hàng hóa từ những người bán hàng livestream (phát trực tiếp) qua mạng xã hội. Vào khoảng 12g trưa hằng ngày, người bán hàng sẽ mang một thùng hàng lớn chứa nhiều kiện nhỏ xuống sảnh chung cư để shipper dán tem và giao theo địa chỉ ghi trên kiện hàng. Tất cả shipper đều nhận hàng theo cách thức như vậy. Shipper tên Đ. cho hay: “Mỗi ngày, em nhận khoảng trên 100 kiện hàng, nếu kiện nào cũng mở ra kiểm tra rồi gói lại sẽ mất hết thời gian, không giao kịp hàng trong ngày”.

Mới đây, tại TP.Hà Nội, cơ quan chức năng đã phát hiện một vụ tội phạm gửi ma túy qua ứng dụng Grab. Theo đó, khoảng 20g25 ngày 9/3, anh N.Đ.B. - sinh năm 1997, trú tại Q.Thanh Xuân, là tài xế giao hàng qua ứng dụng Grab - đến giao nộp cho Công an P.Khương Trung, Q.Thanh Xuân một thùng xốp, bên trong có hai túi ni-lông chứa tổng cộng 1.003 viên nén màu tím. Qua giám định sơ bộ, công an xác định đó là ma túy tổng hợp loại MDMA, tổng trọng lượng 440,63g. Theo tường trình của anh B., trước đó, anh nhận được một đơn hàng giao đến địa điểm ở Q.Long Biên cho một người đàn ông, nhưng khi đến điểm hẹn, anh không liên lạc được với người nhận và cả người gửi hàng. 

Một cán bộ của Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (C04) Bộ Công an cho biết, thủ đoạn vận chuyển ma túy qua dịch vụ giao hàng nhanh xuất hiện khá nhiều trong thời gian gần đây. Cơ quan công an đã triệt phá nhiều vụ án với thủ đoạn tương tự, thậm chí ma mãnh hơn. Cuối năm 2020, cơ quan công an đã triệt phá đường dây mua bán ma túy của Đặng Minh Hoàng ở tỉnh Đồng Nai. Hoàng khai nhận, từ tháng 4/2020, đã gửi hàng qua xe khách và xe ôm Grab để nhờ giao đến một số tỉnh, thành khác. 

Phải chặt chẽ trong khâu kiểm hàng

Ông Ngô Thế Vinh - Giám đốc tiếp thị AhaMove (dịch vụ giao hàng nhanh tại TP.HCM và Hà Nội) - cho biết, công ty quy định, trước khi nhận hàng để vận chuyển, tài xế có quyền xem hàng hóa bên trong gói hàng có đúng như thông tin mà người dùng cung cấp hay không. Tài xế có quyền từ chối vận chuyển nếu nghi ngờ là hàng cấm hoặc khách không cho kiểm tra hàng. “Tài xế không kiểm tra đơn hàng mà vẫn vận chuyển, nếu phát hiện bên trong là hàng cấm thì công ty không chịu trách nhiệm” - ông Vinh nói.

Còn theo đại diện Gojek, trên ứng dụng của hãng, có dịch vụ giao hàng GoSend. Ứng dụng có tính năng “chia sẻ hình ảnh” để khách hàng và tài xế trao đổi hình ảnh hàng hóa khi nhận và giao, giúp người nhận và người gửi nắm tình trạng của mặt hàng từ khi giao đến lúc nhận. Đồng thời, tính năng “chia sẻ hành trình” sẽ giúp người gửi và người nhận có thể theo dõi lộ trình di chuyển của tài xế đang vận chuyển đơn hàng. Gojek cũng quy định, khách gửi hàng cần ghi đúng và đủ nội dung hàng hóa; khi nhận hàng, tài xế có thể yêu cầu khách mở để kiểm tra bên trong kiện hàng, nhằm đảm bảo hàng hóa giống như mô tả của khách hàng khi đặt trên ứng dụng. Nếu khách hàng từ chối mở gói hàng hoặc nếu nghi ngờ đây là hành vi vi phạm tiêu chuẩn dịch vụ hay vi phạm pháp luật, tài xế có quyền từ chối vận chuyển.

Đại diện Grab cho biết, các tài xế khi đăng ký dịch vụ GrabExpress (cũng như tất cả các dịch vụ khác) đều được đào tạo, hướng dẫn kỹ càng về quy trình giao, nhận hàng, kiểm tra hàng hóa, các loại hàng hóa không được nhận và báo cáo về tổng đài hoặc cơ quan chức năng ngay khi phát hiện có dấu hiệu nghi ngờ đối với hàng hóa được giao gửi. Các tài xế cũng thường xuyên được khuyến cáo tuân thủ các hướng dẫn này trong quá trình hoạt động.

“Với người dùng, chúng tôi cũng thường xuyên cập nhật danh mục hàng hóa bị hạn chế hoặc cấm gửi thông qua dịch vụ GrabExpress. Nếu vi phạm các quy định này, người dùng có thể bị tạm ngừng quyền truy cập ứng dụng, thông tin hàng hóa và người dùng có thể bị chuyển cho cơ quan chức năng để điều tra, xử lý” - đại diện Grab nói.

Theo luật sư Nguyễn Tri Đức (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho biết, những điều khoản mà các đơn vị kinh doanh dịch vụ giao hàng nhanh đưa ra có vẻ rất chặt chẽ nhưng chúng có thể không được thực hiện tốt trong thực tế. Điều này khiến ma túy có thể lọt qua “cửa” dịch vụ này. Do vậy, cần luật hóa các quy định về vận chuyển hàng hóa, đặc biệt là quy định kiểm tra hàng hóa trước khi vận chuyển đối với dịch vụ giao hàng nhanh.

“Các đơn vị kinh doanh dịch vụ giao hàng nhanh cần tích hợp chức năng chụp hình đơn hàng trên ứng dụng để làm căn cứ khi có tranh chấp cũng như loại trừ việc tội phạm lợi dụng để vận chuyển hàng cấm. Cơ quan chức năng cần yêu cầu các đơn vị vận tải có quy định về kiểm tra hàng hóa khi nhận vận chuyển. Đối với những thùng hàng cần cấp đông hoặc niêm phong thì chủ hàng phải xuất trình giấy tờ tùy thân và cam kết vào chứng từ gửi hàng” - luật sư Đức đề xuất. 

Shipper có chịu trách nhiệm?

Nếu phát hiện có ma túy trong hàng hóa của dịch vụ giao hàng, cơ quan công an sẽ làm rõ tài xế có liên quan, đồng phạm hay không. Nếu xác định tài xế hoàn toàn không biết trong gói hàng có ma túy thì cơ quan tố tụng có thể không truy tố tài xế. Tại TP.Hà Nội, từng có trường hợp một tài xế Grab vận chuyển 39 bánh ma túy với trọng lượng lên đến 14kg; các đối tượng trong vụ này bị tuyên mức án tử hình và chung thân, nhưng tài xế Grab được tuyên vô tội và được trả lại chiếc xe máy do không liên quan đến đường dây vận chuyển ma túy. 

Luật sư Nguyễn Tri Đức (Đoàn Luật sư TP.HCM)

Cần làm gì để tránh bị lợi dụng?

Chuyển hàng cấm qua khâu trung gian là một trong những phương thức phổ biến của tội phạm ma túy. Trước đây, tội phạm thường chuyển hàng qua bưu điện, đường hàng không, bây giờ chuyển qua dịch vụ giao hàng nhanh.

Để tránh bị lợi dụng, các tài xế cần quan sát kỹ đối tượng khi giao, nhận hàng, tính chất của hàng hóa, địa điểm giao, nhận và phải kiểm tra thông tin cả người giao lẫn người nhận, gồm số điện thoại, địa chỉ, tên và lộ trình di chuyển. Nên nhận hàng ở công ty, nhà riêng, tránh giao nhận ở nơi công cộng, không có địa chỉ rõ ràng vì sau này rất khó truy vết. Trên thực tế, đã có trường hợp đối tượng đưa lộ trình giao hàng phức tạp và tổ chức đánh cướp ma túy trong quá trình thuê vận chuyển hàng hóa, nhằm ẩn danh người nhận. 

Người giao hàng cần phải kiểm tra kỹ hàng hóa khi có nghi ngờ. Với hàng đóng gói, đóng thùng, có niêm phong, chủ hàng lấy lý do không cho mở, người giao hàng có thể từ chối vận chuyển hoặc phải có biên bản giao, nhận, ghi rõ loại hàng hóa gì, có các bên ký nhận. Đặc biệt, khi thấy nghi ngờ, phải tố giác và cung cấp thông tin cho cơ quan điều tra.

Đại tá - phó giáo sư - tiến sĩ Đỗ Cảnh Thìn (chuyên gia tội phạm học)

Sơn Vinh - Quốc Thái

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI