Ngăn chặn người uống rượu bia lái xe, cách nào?

15/07/2022 - 06:34

PNO - Theo Công an TPHCM , trong 22.000 trường hợp vi phạm nồng độ cồn bị xử lý sáu tháng đầu năm 2022 có 21.912 trường hợp chạy xe máy.

Chỉ trong sáu tháng đầu năm 2022, lực lượng cảnh sát giao thông TPHCM đã xử lý hơn 22.000 trường hợp vi phạm nồng độ cồn. Trên thực tế, số trường hợp vi phạm còn nhiều hơn, bởi ở các quán nhậu, hầu hết khách đều tự lái xe về sau khi đã uống rượu, bia.

Nữ cảnh sát giao thông kiểm tra nồng độ cồn một người lưu thông trong đêm trên địa bàn Q.3
Nữ cảnh sát giao thông kiểm tra nồng độ cồn một người lưu thông trong đêm trên địa bàn Q.3

Nhậu say vẫn vô tư lái xe 

Hơn 23g, người đàn ông khoảng 50 tuổi chạy xe máy chệnh choạng trên Quốc lộ 13 đoạn qua TP.Thủ Đức. Tổ công tác của Đội Cảnh sát giao thông (CSGT) Hàng Xanh đã ra hiệu dừng xe để kiểm tra. Kết quả, người đàn ông tên N.M.T. có nồng độ cồn trên 0,6 miligam/lít khí thở. Trong lúc chờ lập biên bản, người đàn ông này liên tục phủ nhận việc đã nhậu say, cho rằng mình “chỉ uống một tí bia” và cự cãi với các cán bộ CSGT. 

Hôm nay, T.A.T. - 28 tuổi, công nhân, ở H.Bình Chánh - được đồng nghiệp mời ra quán trên Quốc lộ 50 nhậu mừng sinh nhật. Cuộc vui kéo dài từ 18g đến gần 21g. Sau khi đã uống hơn bảy chai bia, A.T. vẫn chạy xe máy chạy về nhà. Khi chạy qua ngã ba đường số 10 và Quốc lộ 50, A.T. bị tổ công tác của Trạm CSGT Đa Phước yêu cầu dừng xe, đo nồng độ cồn. Kết quả, A.T. có nồng độ cồn trên 0,605 miligam/lít khí thở, mức phạt từ 6-8 triệu đồng, bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 22-24 tháng. A.T. năn nỉ CSGT: “Em nghĩ quán nhậu chỉ cách nhà trọ nửa cây số, bỏ xe lại quán kỳ quá nên mới chạy về. Em thừa nhận em say, nhưng mong mấy anh bỏ qua vì đóng phạt 7 triệu đồng là em hết một tháng lương”.

Mặc dù phải đối diện mức phạt hành chính rất cao nhưng hành vi lái xe khi đã uống rượu, bia vẫn phổ biến. Ban ngày, buổi tối, các quán nhậu vẫn đông khách và sau khi nhậu say, nhiều người vẫn tự lái xe về nhà. Một lãnh đạo Trạm CSGT Đa Phước cho biết, trong sáu tháng đầu năm 2022, đơn vị đã lập biên bản gần 600 trường hợp vi phạm nồng độ cồn.

Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cho biết, khoảng 40% số vụ tai nạn giao thông và 11% số người chết do tai nạn giao thông trong sáu tháng đầu năm 2022 có liên quan đến rượu, bia.

Theo một khảo sát của Tổ chức Y tế Thế giới đối với các nạn nhân nhập viện do tai nạn giao thông, hơn 36% lái xe máy và gần 67% lái ô tô có nồng độ cồn trong máu vượt ngưỡng cho phép; trong 100 nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông có liên quan đến rượu, bia, gần 60% ở độ tuổi 15-29 và trên 90% là nam.

Đến quán nhậu tuyên truyền

Theo lãnh đạo Phòng CSGT đường bộ, đường sắt (PC08), Công an TPHCM , từ ngày 20/6 đến 20/9/2022, PC08 triển khai đợt cao điểm kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm luật giao thông, trong đó tập trung xử lý vi phạm về nồng độ cồn, chất kích thích khi điều khiển phương tiện giao thông.

Cảnh sát giao thông treo bảng tuyên truyền trước một quán nhậu ở Q.Tân Bình
Cảnh sát giao thông treo bảng tuyên truyền trước một quán nhậu ở Q.Tân Bình

CSGT cũng treo bảng tuyên truyền “Không lái xe sau khi uống rượu bia” ở các cơ sở kinh doanh ăn uống, quán ăn có phục vụ rượu, bia, đồng thời, đề nghị cơ sở kinh doanh ăn uống cam kết không để khách tự lái xe khi đã uống rượu, bia và thông báo cho lực lượng CSGT biết các trường hợp cố tình điều khiển phương tiện giao thông khi đã uống rượu, bia.

Cán bộ của Đội CSGT Chợ Lớn đã đến các quán nhậu, nhà hàng ở Q.5 để tuyên truyền về Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia; vận động các quán nhậu treo bảng “không lái xe sau khi uống rượu, bia” trong quán và bãi giữ xe của quán. Chủ quán 157 Nguyễn Tri Phương, Q.5 nói: “Tôi rất đồng tình với việc CSGT đến quán treo banner tuyên truyền về an toàn giao thông. Tôi sẽ dặn nhân viên trông xe khuyên khách đi xe ôm công nghệ hoặc đưa xe cho người không uống rượu, bia chở về”. 

Anh Phạm Tuân - quản lý nhà hàng Hàng Dương Quán, Q.1 - cho biết tấm biển “Vì an toàn của chính bạn, không lái xe sau khi đã uống rượu, bia” được Đội CSGT Công an Q.1 đến treo tại nhà hàng này vào ngày 8/7: “Tôi thấy cách làm này là tốt, nhằm bảo vệ tính mạng và tài sản của người dân. Đa phần thực khách của chúng tôi đến đây bằng taxi, xe công nghệ hoặc có tài xế riêng. Nếu khách hàng tự đi xe đến quán và uống rượu, bia, nhân viên nhà hàng sẽ gọi taxi cho khách về. Quán đã cam kết nên sẽ chấp hành nghiêm”.

Theo PC08, đơn vị không bắt buộc chủ quán nhậu báo tin cho công an nếu có khách lái xe rời quán sau khi đã uống rượu, bia nhưng CSGT sẽ có mặt nếu nhận được tin báo về các trường hợp say bí tỷ để ngăn chặn việc người này tự lái xe về. Đây là một trong những biện pháp ngăn chặn từ gốc nguyên nhân gây tai nạn giao thông do rượu, bia. Không có chuyện chủ quán báo tin để CSGT đến xử phạt. Ngoài ra, việc CSGT triển khai cho chủ hàng quán ký cam kết còn nhằm nâng cao trách nhiệm của họ đối với khách hàng của mình.

Cần thêm nhiều giải pháp

21g, tại nhà hàng Phong Cua (Q.Bình Thạnh), ông Lê Anh Tú ngà ngà say sau khi tiếp khách. Nhìn ra bên ngoài, ông thấy hai tấm biển ghi “Vì sức khỏe và an toàn của chính bạn, không lái xe sau khi uống rượu, bia”. Nhân viên của nhà hàng cũng đến khuyên ông bắt taxi về nhà. Tuy nhiên, ông cần đưa xe về nhà để sáng mai vợ ông đi tỉnh ký hợp đồng với đối tác. 

Cảnh sát giao thông vận động chủ các nhà hàng, quán nhậu ký cam kết không để khách tự lái xe khi đã uống rượu, bia
Cảnh sát giao thông vận động chủ các nhà hàng, quán nhậu ký cam kết không để khách tự lái xe khi đã uống rượu, bia

Lúc này, một người nhậu chung với ông Tú đã giới thiệu cho ông ứng dụng đưa người say về nhà. Khoảng 15 phút sau, một thanh niên đã đến, đưa ông Tú cùng chiếc ô tô bốn chỗ về tận nhà. Đổi lại, ông Tú phải trả 330.000 đồng cho quãng đường gần 10km. So với taxi, ứng dụng đưa người say rượu về nhà có giá cao hơn nhưng khách hàng được đưa cả người và xe về nhà. 

Thời gian gần đây, ngoài vận động khách hàng gửi xe lại quán, đón taxi hoặc xe “công nghệ” về nhà, nhiều quán nhậu còn giới thiệu cho khách dịch vụ đưa người say về nhà có tên “Bạn uống, tôi lái”. Chị Lê Thị Hương Quỳnh - quản lý một nhà hàng trên đường Vành Đai Trong, Q.Bình Tân - nói: “Nhà hàng của chúng tôi có dịch vụ giữ xe máy và ô tô qua đêm miễn phí cho khách. Ngoài ra, khi khách có nhu cầu, nhân viên sẽ liên hệ các hãng taxi uy tín đưa khách về nhà. Nếu khách muốn đưa cả xe và người về thì chúng tôi sẽ liên hệ ứng dụng “Bạn uống, tôi lái”.

Theo chị Hương Quỳnh, mức phí của dịch vụ đưa người say về tận nhà là rất rẻ nếu so với mức xử phạt vi phạm nồng độ cồn. Do đó, thời gian gần đây, có khá nhiều khách hàng dùng ứng dụng này để về nhà sau khi đã nhậu say. Chị nói: “Nếu khách gặp tai nạn hay chuyện gì không may thì phía nhà hàng cũng áy náy nên chúng tôi chủ trương không để khách say tự lái xe về nhà”.

Tiến sĩ Khương Kim Tạo - nguyên Phó chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia - nhận định việc chủ quán báo tin khách say xỉn cho lực lượng CSGT sẽ góp phần ngăn chặn nguy cơ tai nạn giao thông do rượu, bia: “Tôi nghĩ, không phải chủ quán báo tin cho CSGT về mọi đối tượng uống rượu, bia bởi điều này sẽ ảnh hưởng đến doanh thu. Tuy nhiên, nếu khách uống đến mức quá say mà vẫn đòi lái xe thì chủ quán nên báo CSGT để hỗ trợ giải quyết, đưa họ về nhà an toàn. Nếu biết chắc người nào đó say xỉn lái xe mà chủ quán không báo thì chủ quán có lỗi vì không có biện pháp ngăn chặn khi biết một người có thể bị nguy hiểm hoặc gây nguy hiểm cho người khác”.

Theo tiến sĩ Khương Kim Tạo, để ngăn chặn tìn trạng say xỉn lái xe gây tai nạn, lực lượng chức năng cần áp dụng việc tuyên truyền đồng bộ với nhiều giải pháp khác, như giám sát bằng camera, tiếp nhận hình ảnh do người dân quay, chụp để xử lý. Ông nói: “Cần có chính sách an toàn giao thông toàn dân, toàn diện, mọi người đều phải tham gia. Chúng ta nên học tập các nước châu Âu, đưa những người say xỉn vào danh sách những người nghiện rượu để không cho đi học lái xe. Nên có giải pháp để tăng cường quản lý với những người thường xuyên uống rượu, bia tới mức say xỉn”.

Luật sư Nguyễn Tri Đức (Đoàn Luật sư TPHCM ) cho rằng, việc yêu cầu chủ quán báo tin người say xỉn lái xe là nhằm tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân. Việc làm này là phù hợp trong bối cảnh có nhiều vụ tai nạn do người uống rượu, bia gây ra. Tuy nhiên, khó có chế tài đối với chủ quán, nhà hàng nếu họ không báo tin khách hàng uống rượu, bia rồi lái xe. 

Cảnh sát giao thông xử lý một trường hợp vi phạm nồng độ cồn ở Q.8
Cảnh sát giao thông xử lý một trường hợp vi phạm nồng độ cồn ở Q.8

“Tôi cho rằng, cùng với tuyên truyền, cần đa dạng hóa hình thức xử phạt như trừ điểm bằng lái, phạt lũy tiến, buộc học và thi lại bằng lái xe, buộc lao động công ích, tịch thu bằng lái, buộc lắp thiết bị kiểm soát nồng độ cồn trên xe… Đồng thời, cần lưu trữ hồ sơ vi phạm và xử phạt nặng đối với người tái phạm” - luật sư Nguyễn Tri Đức nói. 

Rượu, bia tác động lên người lái xe ra sao?

Theo các nghiên cứu ở Mỹ được đăng tải trên tạp chí sức khỏe Michigan Health, chỉ cần uống rượu, bia vào là phản ứng của người lái xe sẽ chậm đi rất nhiều, việc điều khiển tay lái theo đó cũng khó khăn hơn. Nồng độ cồn trong máu tăng sẽ làm giảm thời gian phản ứng của người điều khiển phương tiện giao thông. Thời gian phản ứng trung bình sẽ bị giảm 120.000 giây - chỉ hơn 1/10 giây so với mức nồng độ cồn cho phép tại Mỹ là 0,08% (tương đương 0,08g cồn trên 100ml máu). Vì vậy, khi điều khiển phương tiện giao thông với tốc độ 70 dặm một giờ, người lái xe say rượu sẽ theo quán tính trượt trên đường thêm 3,7m nữa mới phản ứng được nguy cơ tai nạn trước mắt. 

Nhưng người uống rượu, bia lại không nhận ra mức độ say của mình. Nhiều tài xế ngạc nhiên khi mình bị phạt vì điều khiển phương tiện khi trong người đã có rượu, bia vì cứ nghĩ uống ít thì không ảnh hưởng gì. Nhưng nồng độ cồn trong máu tăng cao, thì dù tài xế có cảm thấy “tỉnh táo” đến mức nào thì độ cồn đang tác động đến khả năng tập trung điều khiển tay lái mà họ không ngờ tới. Càng uống nhiều, họ càng khó đánh giá mức độ say của mình.

Những nghiên cứu khác ở Trung Quốc cũng cho thấy cảm nhận tốc độ của tài xế đã bị giảm đi khi nồng độ cồn trong máu cao nên dễ dẫn đến tai nạn giao thông. Khả năng điều khiển tay lái cũng giảm mạnh trước các vụ va quẹt. Tài xế càng say, phản ứng trước các nguy cơ càng giảm. Ở mức nồng độ cồn trong máu 0,06% là tài xế bắt đầu giảm tỉnh táo. Ngưỡng an toàn của họ là nồng độ cồn ở mức 0,035%. Hiệu suất thị giác càng giảm mạnh khi xe chuyển động cùng với các vật thể trên đường. Tài xế say xỉn phải đánh giá đối tượng chuyển động và quá trình thông tin khác nhau cùng một lúc sẽ kéo dài thời gian phản ứng của họ. Khả năng suy luận logic để đánh giá tình huống của họ vì vậy cũng chậm lại. 

Mỹ Huyền (theo Michigan Health và Hindawi)

Nhóm phóng viên

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI