Nếu lơ là, dịch sẽ lại bùng phát

06/10/2021 - 06:29

PNO - Các chuyên gia cho rằng, hiện hầu hết ổ dịch ở TP.Hà Nội cơ bản được kiểm soát nhưng với sự lây lan nhanh của biến chủng virus SARS-CoV-2, sự cảnh giác, thận trọng là hết sức cần thiết.

Bệnh viện luôn có nguy cơ lây nhiễm cao

Rạng sáng 5/10, những chuyến xe cuối cùng đã chuyển hơn 1.000 bệnh nhân và thân nhân từ Bệnh viện (BV) Hữu nghị Việt Đức tới ba cơ sở y tế khác của TP.Hà Nội là BV Thanh Nhàn, BV Đa khoa Đức Giang, BV Đại học Y Hà Nội để giảm mật độ, giãn cách trong BV. Quyết định này được đưa ra năm ngày sau khi BV Hữu nghị Việt Đức ghi nhận ca dương tính đầu tiên và nơi đây trở thành một trong những ổ dịch phức tạp nhất ở TP.Hà Nội kể từ khi gỡ bỏ biện pháp giãn cách xã hội. 

Xét nghiệm COVID-19 cho người dân sống quanh Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Hà Nội ẢNH: BẢO KHANG
Xét nghiệm COVID-19 cho người dân sống quanh Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Hà Nội - Ảnh: Bảo Khang

Hiện có 42 ca mắc COVID-19 liên quan tới BV Hữu nghị Việt Đức, trong đó có 34 ca ở TP.Hà Nội và 17 ca từ các tỉnh Nam Đinh, Hà Tĩnh, Hưng Yên, Hải Dương. Để tiếp tục rà soát nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh, ngành y tế TP.Hà Nội đã xét nghiệm gần 18.000 người, gồm nhân viên y tế, người bệnh, người chăm sóc hiện đang ở trong BV, cư dân xung quanh BV, người về từ BV. 

Theo phó giáo sư - tiến sĩ Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, cho hay ổ dịch tại BV Hữu nghị Việt Đức có xu hướng thu gọn lại trong BV, chưa lây nhiễm ra cộng đồng: “Sau khi xét nghiệm, hầu hết các ca bệnh chỉ xuất hiện ở khu nhà ăn và tầng bảy, tầng tám tòa D của BV. Có thể yên tâm phần nào về kết quả này nhưng phải rất cẩn thận vì môi trường BV phức tạp, có thể lây từ khoa này sang khoa khác hoặc lây từ phòng ăn, khu sinh hoạt chung ra ngoài”.

Qua rà soát, từ ngày 15/9 tới nay, có gần 9.000 người từng khám, chữa bệnh tại BV Hữu nghị Việt Đức. Do đó, tiến sĩ Trần Đắc Phu khuyến cáo, các địa phương phải tăng cường giám sát, phát hiện kịp thời để sớm khoanh vùng nếu phát hiện ca dương tính; cần đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền để người dân sau khi khám, chữa bệnh ở BV từ ngày 15/9 khai báo y tế đầy đủ, theo dõi sức khỏe và tuân thủ hướng dẫn của ngành y tế khi về địa phương. 

Về mặt dịch tễ học, theo tiến sĩ Trần Đắc Phu, việc xảy ra các ca lây nhiễm như ở BV Hữu nghị Việt Đức vừa rồi đều nằm trong dự đoán, bởi BV là khối có nguy cơ cao. Dịch bệnh từng xảy ra ở nhiều BV lớn của TP.Hà Nội như BV K, BV Bạch Mai, BV Bệnh nhiệt đới Trung ương. Để đánh giá nguy cơ, nhiều cơ sở y tế ở TP.Hà Nội xét nghiệm định kỳ cho toàn bộ nhân viên y tế.

Tuy nhiên, theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) TP.Hà Nội, một nhân viên của BV Hữu nghị Việt Đức đã tiêm chủng đủ hai mũi vắc xin vẫn cho kết quả xét nghiệm dương tính. Do đó, dù đã tiêm đủ hai mũi vắc xin ngừa COVID-19, nhân viên y tế vẫn cần được xét nghiệm định kỳ từ 5-7 ngày/lần. 

Tiến sĩ Trần Đắc Phu nói: “Thực tế cho thấy, việc tiêm vắc xin ngừa COVID-19 chỉ giảm nguy cơ biến chứng nặng chứ không ngăn ngừa được việc lây nhiễm. Trong môi trường BV, nhân viên y tế là người tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân, trong đó có nhiều người nhiễm bệnh nền, thậm chí nhiều người chưa đủ điều kiện tiêm vắc xin ngừa COVID-19 nên có thể xảy ra lây nhiễm nếu không phát hiện sớm”.

Nới lỏng chứ không buông lỏng

Từ ngày 21/9 tới nay, sau nửa tháng nới lỏng biện pháp giãn cách xã hội, TP.Hà Nội từng bước trở lại trạng thái “bình thường mới”. Ngoài BV Hữu nghị Việt Đức, Hà Nội đã xuất hiện một số chùm ca và các ca bệnh lẻ tẻ ở các quận Long Biên, Nam Từ Liêm, Hà Đông…

Hà Nội đã xét nghiệm gần 18.000 người, gồm nhân viên y tế, người bệnh, người chăm sóc hiện đang ở trong BV, cư dân xung quanh BV, người về từ BV
Hà Nội đã xét nghiệm gần 18.000 người, gồm nhân viên y tế, người bệnh, người chăm sóc hiện đang ở trong BV, cư dân xung quanh BV, người về từ BV

Phó giáo sư - tiến sĩ Hoàng Đức Hạnh -  nguyên Phó giám đốc Sở Y tế TP.Hà Nội - cho rằng việc xuất hiện những ca này là không thể tránh khỏi; điều quan trọng là phải khoanh vùng nhanh chóng, xử lý kiên quyết, mạnh mẽ, giống như cách mà lực lượng chức năng đã ứng phó khi xảy ra dịch ở BV Hữu nghị Việt Đức.

Theo tiến sĩ Trần Đắc Phu, ý thức của người dân là yếu tố quyết định sự thành công của công tác phòng, chống dịch. Thời gian gần đây, ở một số nơi, có tình trạng người dân vô tư tụ tập uống trà đá vỉa hè, các xe bán hàng ăn bày la liệt trên vỉa hè, không đảm bảo quy tắc phòng, chống dịch cũng như vệ sinh an toàn thực phẩm.

Ông nói: “Nguy cơ bùng dịch, lây nhiễm luôn thường trực. Do đó, bên cạnh việc tự ý thức phòng tránh dịch, mỗi người phải tuân thủ quy định của UBND Thành phố (hiện nay, những dịch vụ như trên chưa được phép mở cửa). Đồng thời, lực lượng chức năng cũng phải tăng cường kiểm tra, xử lý triệt để những vi phạm này, không để trở thành các nguồn lây nhiễm dịch bệnh”.

Tiến sĩ Hoàng Đức Hạnh nêu thực tế, TP.Hà Nội vẫn chưa đạt tỷ lệ 70% dân số tiêm đủ hai mũi vắc xin ngừa COVID-19. Theo thống kê mới nhất của Sở Y tế TP.Hà Nội, đến hết ngày 4/10, có 97,1% dân số trên 18 tuổi (chiếm 70,4% tổng dân số) của TP.Hà Nội đã tiêm vắc xin mũi 1và 25,2% dân số trên 18 tuổi (chiếm 18,3% tổng dân số) của thành phố được tiêm mũi 2. 

“Để tạo miễn dịch cộng đồng, cần đạt 70% dân số tiêm đủ hai mũi. Sau khi đạt tỷ lệ này, người ta có thể vẫn nhiễm bệnh nhưng không nặng và hầu như không có ca tử vong. Do đó, khi chưa đạt 70% dân số tiêm đủ hai mũi, chỉ nên nới lỏng chứ không được buông lỏng các biện pháp giãn cách xã hội” - tiến sĩ Hoàng Đức Hạnh đề nghị. 

Huyền Anh

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

news_is_not_ads=

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEgocnhinvi /strCate=gocnhin

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEdungquenhovi /strCate=dungquenho
TIN MỚI

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEthoisuvi /strCate=thoisu