Những “bông hồng 05” trên biên giới

Nách Chan Nên: Vầng trăng nhỏ ở biên cương

18/05/2021 - 05:58

PNO - Trong tiếng Khmer, Chan có nghĩa là vầng trăng, Nên là nhỏ. Chan Nên là vầng trăng nhỏ… như vài cách giải thích trìu mến của bà con Khmer vùng Tân Đông dành cho cô gái hết lòng vì cộng đồng này.

Sau 5 năm Báo Phụ Nữ TP.HCM kích hoạt dự án Biên cương xanh (khởi động từ ngày 19/5/2015) trên tuyến biên giới giáp Campuchia đi qua 10 tỉnh, chuyện vui buồn nhiều không kể xiết. Nhưng nếu phải chọn điều gì để kể sau “một nhiệm kỳ” dự án, tôi sẽ chọn những phụ nữ điển hình, tiêu biểu trong việc “học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” theo chỉ thị 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị (khóa XII). Họ là “những bông hồng 05” bình dị đầy sáng tạo, lung linh mà gần gũi. 

Ngày 22/4/2021, tôi nhận được bức ảnh chụp trong một lần ghé thăm nhà già làng Nách Chan, ở ấp Kà Ốt (xã Tân Đông, huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh).

Trong bức ảnh có già làng Nách Chan, có trưởng ấp, nguyên là thầy giáo dạy tiếng Khmer Cao Văn Xây, cô giáo Nách Chan Nên và tôi. Bức ảnh được chụp trước buổi cơm trưa tại nhà già làng vào ngày cuối tết cổ truyền dân tộc Khmer Chol Chnam Thmay hồi tháng 4/2018.

Lần đó, sau buổi cơm trưa, cô giáo Chan Nên lấy xe máy đèo tôi sang ấp Suối Dầm để dự lễ đắp Núi Cát, cầu cho mưa thuận gió hòa để người Khmer nơi đây có một vụ lúa bội thu… Buổi lễ qua nhanh, nhưng tình cảm của tôi với cộng đồng Khmer dày thêm.

Cô giáo Nách Chan Nên luôn là tấm gương sáng cho các em nhỏ trong phum học tập noi theo - Ảnh: Lê Quân
Cô giáo Nách Chan Nên luôn là tấm gương sáng cho các em nhỏ trong phum học tập noi theo - Ảnh: Lê Quân

Ở xã Tân Đông có ba ấp người Khmer, nằm ở ba vị trí cách trung tâm xã như ba góc của một tam giác đều: Kà Ốt - Tầm Phô - Suối Dầm. Việc hình thành và ra đời các ấp Khmer này nếu ví như chị em trong gia đình thì Suối Dầm là cô em út, còn Kà Ốt và Tầm Phô là hai cô chị sinh đôi. 

Hai cô chị song sinh nằm sát đường biên giới để che chắn cho cô em út nên có được chia một ít tài sản. Cụ thể, Kà Ốt thì có được ngôi chùa to nhất vùng - chùa Kiri Satray Meanchay, là nơi diễn ra các lễ hội truyền thống cho cộng đồng 2.000 người Khmer tại đây. 

Tầm Phô được sở hữu lối mở qua ngôi chùa lớn mang tên Uđông Mean chy Sre Ta Nuôl của phum Ta Nuôl (xã Chăn Muôl), trên đất bạn, ở bên kia biên giới.

Việc qua lại biên giới để thăm thân nhân của nhau thường được bà con ba ấp chọn đi từ lối mở này. Còn phần thưởng cho Suối Dầm chính là sự bình yên phía sau lưng hai cô chị. Đắp Núi Cát là một trong những nghi lễ quan trọng trong đời sống tinh thần của cộng đồng người Khmer và được thực hiện hằng năm. 

Điều tôi quan tâm và ngạc nhiên không phải là bức ảnh, mà chính là lời nhắn kèm theo: “Em vừa được giới thiệu ứng cử hội đồng nhân dân huyện rồi!”.  

Cô giáo Nách Chan Nên
Cô giáo Nách Chan Nên

Tôi biết cô giáo Chan Nên, trong 10 năm (từ năm 2011 đến nay) chuyện cô được ứng cử “bà hội đồng” của một huyện có gần 40.000 hộ dân với khoảng 70.000 cử tri sẽ đi bầu trong ngày 23/5 sắp tới quả là tin đặc biệt.

Nách Chan Nên là con gái thứ sáu trong gia đình có 12 người con của già làng Kà Ốt - Nách Chan. Ngay từ nhỏ, Chan Nên đã ý thức được việc học, nhưng cô học chỉ như là một cách báo hiếu. 

Mãi đến khi hết lớp 12 cô mới thực sự hiểu: vì ít học mà bà con trong phum làng cứ mãi theo nghiệp chăn trâu hoặc làm mướn với thu nhập chỉ đủ kiếm sống qua ngày. 

Vì vậy, cô chọn con đường trở thành cô giáo vì: “Ước mơ lớn nhất của tôi là mong sao đời sống của bà con được phát triển hơn, trẻ em trong phum sóc được học hành đàng hoàng, tới nơi tới chốn, để không phải vì quá tất bật với chén cơm, manh áo mà phải bỏ học giữa chừng, rồi sau này thua kém mọi người và chịu hối tiếc”. 

Năm 2011, khi tốt nghiệp Cao đẳng sư phạm Tây Ninh, Chan Nên xin quay về đúng ngôi trường ngày xưa mình từng học. Cô nghĩ tại đây cô sẽ có cơ hội nhiều hơn trong việc kèm cặp và động viên các em nhỏ trong làng.

Để giúp các em hứng thú đến trường, cô liên hệ với nhiều Mạnh Thường Quân xin kinh phí làm khu vui chơi thiếu nhi ngay cạnh trường học. Những trường hợp thật sự khó khăn, có nguy cơ bỏ học giữa chừng, cô vận động bạn bè người thân xin học bổng để nâng bước các em đến trường.

Hè đến, cô tập trung các em chưa đủ tuổi học cấp I để dạy tiếng Khmer, rồi dạy các điệu múa truyền thống dân tộc cho các em cấp II, phối hợp xã đoàn tổ chức những cuộc thi “Giao lưu tiếng Việt của chúng em” …  

Năm 2018, Chan Nên là một trong 63 giáo viên trong cả nước được bộ Giáo dục và Đào tạo vinh danh và tặng bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác giáo dục học sinh dân tộc thiểu số tại vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn năm học 2018-2019. 

Chan Nên còn được Trung ương Hội liên hiệp Thanh niên Việt Nam tặng bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong sự nghiệp bồi dưỡng thế hệ trẻ.

Tại Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số toàn quốc, Chan Nên cũng nhận bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong giảng dạy tại những lớp học thuộc các trường mầm non, tiểu học và trung học cơ sở ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn… 

Trước kỳ Đại hội Đảng bộ Tây Ninh nhiệm kỳ 2020-2025 hồi tháng Chín năm ngoái, tôi có dịp quay lại Kà Ốt thăm già làng Nách Chan, tình cờ gặp ông đang ngồi trò chuyện với Danh Ngất, bí thư ấp và cựu thầy giáo, trưởng ấp Kà Ốt - Cao Văn Xây. 

Thầy Xây phấn khởi khoe: số trẻ cấp I trong độ tuổi đến trường là 76 em đạt tỷ lệ 100%, cấp II và III có rơi rụng một ít, nhưng trong ấp hiện cũng đã có nhiều em học xong cao đẳng hoặc đại học, đã có việc làm hoặc đang chờ nhận việc.

Ông nhắc tới những cái tên như Sai Thiết, con trai Khuôn Sai tốt nghiệp khoa tiếng Anh, trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP.HCM, đã có việc làm và Sai Lôm con của Nach Sai, vừa tốt nghiệp khoa xét nghiệm trường cao đẳng Viễn Đông TP.HCM đang chờ nhận thử việc ở một bệnh viện lớn trong tỉnh. 

Ông Danh Ngất khẳng định: “Người truyền cảm hứng và tạo nên không khí xã hội học tập sôi động của cộng đồng người Khmer ở Kà Tum không ai khác hơn chính là cô giáo Nách Chan Nên.

Thầy giáo Xây - Trưởng ấp Kà Ốt còn cho biết thêm, do tình hình COVID-19 diễn biến phức tạp và có nguy cơ lây nhiễm rất cao tại khu vực biên giới, mới đây Chan Nên đã chủ động xin các nhà hảo tâm hỗ trợ kệ, bàn, sách vở, tranh ảnh, đồ chơi… thành lập thư viện mở 24/7 tại nhà mình. 

Thư viện Chan Nên
Thư viện Chan Nên

Sáng trưa chiều tối, bất kỳ lúc nào các em nhỏ trong phum làng cũng có thể ghé nhà cô Nên để ngồi bàn, nằm võng, thậm chí lăn cả xuống sàn nhà đọc sách. Mới đây, Chan Nên còn xuất hiện trên kênh TTV11 của đài phát thanh và truyền hình Tây Ninh với tư cách “phát thanh viên tiếng Khmer” thực hiện các bản tin liên quan đến COVID-19.  

Trong tiếng Khmer, Chan có nghĩa là vầng trăng, Nên là nhỏ. Chan Nên là vầng trăng nhỏ… như vài cách giải thích trìu mến của bà con Khmer vùng Tân Đông dành cho cô gái hết lòng vì cộng đồng này.

Tôi không biết, việc làm thêm ở đài Phát thanh và Truyền hình Tây Ninh có là duyên mới - nghề mới của Vầng Trăng Nhỏ hay không? Liệu, nghề dạy trẻ ở vùng biên xa xôi có còn sức hút như thuở ban đầu hay không?... Nhưng tôi luôn tin, dù làm việc gì, Nách Chan Nên cũng luôn làm hết mình, vì lợi ích cộng đồng. 

Nguyễn Thiện

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI