Myanmar phạt tù chung thân 153 người Trung Quốc khai thác gỗ lậu

23/07/2015 - 11:25

PNO - PN - Một tòa án ở miền Bắc Myanmar hôm 22/7 đã tuyên án tù chung thân 153 công dân Trung Quốc về tội khai thác gỗ bất hợp pháp, một vụ việc đang khiến cho quan hệ với Bắc Kinh trở nên căng thẳng.

Myanmar phat tu chung than 153 nguoi Trung Quoc khai thac go lau

Myanmar phat tu chung than 153 nguoi Trung Quoc khai thac go lau

Myanmar phat tu chung than 153 nguoi Trung Quoc khai thac go lau

Myanmar phat tu chung than 153 nguoi Trung Quoc khai thac go lau

Gỗ rừng của Myanmar không ngừng chảy về Trung Quốc - Ảnh: AP, AFP, Getty Images

Hai thiếu niên Trung Quốc cũng lãnh án tù 10 năm với cùng tội danh, trong khi đó một phụ nữ trong nhóm phải nhận bổ sung 15 năm tù do buôn bán ma túy. Ông Khin Maung, luật sư của các bị cáo cho biết như trên và giải thích án tù chung thân ở Myanmar nhìn chung được xử lý như án 20 năm tù theo hệ thống tư pháp của nước này.

Tháng Giêng vừa qua, quân đội Myanmar đã bắt một nhóm công dân Trung Quốc và Myanmar khai thác gỗ bất hợp pháp tại bang Kachin giáp với biên giới Trung Quốc. Nhà chức trách Myanmar cũng thu giữ 436 xe tải khai thác gỗ nhóm này sử dụng.

Những kẻ đốn cây gửi gỗ về Trung Quốc thậm chí qua con đường xuất khẩu gỗ vốn đã bị cấm từ năm 2014. Các nhà phân tích nói rằng gỗ xẻ có thể được xuất khẩu bởi vì dân khai thác gỗ có giao kèo với các lãnh chúa dân tộc thiểu số và ngay cả các sĩ quan quân đội Myanmar tại địa phương.

"Khi Trung Quốc vươn lên thành nhà nhập khẩu các sản phẩm gỗ lớn nhất thế giới, nước này cũng đồng thời trở thành điểm đến hàng đầu của gỗ lậu, đặc biệt là gỗ tròn và gỗ xẻ”, Cơ quan điều tra môi trường, một tổ chức nghiên cứu phi lợi nhuận của Anh, đã lưu ý trong báo cáo năm 2012 của mình. Cũng theo báo cáo này, số lượng gỗ xẻ được vận chuyển từ Myanmar sang Trung Quốc đã giảm trong những năm gần đây, nhưng nạn buôn lậu vẫn tiếp diễn và vẫn là một mối đe dọa đối với các khu rừng của Myanmar, một nước có nhiều rừng nhất ở Đông Nam Á.

Những kẻ khai thác gỗ lậu bị kết án theo luật năm 1963, theo đó chính quyền bỏ tù từ 10 năm đến chung thân bất cứ ai đánh cắp hay lạm dụng tài sản công. Luật sư Khin Maung nói một trong hai thẩm phán tại tòa án thành phố Myitkyina, thủ phủ bang Kachin, thông báo rằng hình phạt tối đa được áp dụng bởi vì "cần mang tính răn đe mạnh”. Luật sư này cho biết thân chủ của ông có 60 ngày để xem xét việc kháng cáo.

Phán quyết nhanh chóng thu hút sự chú ý ở Trung Quốc, nơi mà các bị cáo rất được quan tâm kể từ khi họ bị bắt. Đã xuất hiện những lời kêu gọi chính phủ Trung Quốc gây áp lực để phía Myanmar thả người.

Đại sứ quán Trung Quốc tại Myanmar nói với tờ Thời báo Bắc Kinh rằng họ phản đối các mức án quá nghiêm khắc và họ đã chính thức kháng nghị với nhà chức trách Myanmar về vấn đề này. ĐSQ Trung Quốc cũng cho biết các công nhân bị những kẻ tội phạm người Trung Quốc và Myanmar lừa gạt tham gia khai thác gỗ lậu.

Trung Quốc là đồng minh chính trị và kinh tế gần gũi nhất của Myanmar, nhưng giữa hai nước láng giềng đang tồn tại những căng thẳng đáng kể. Sự thâm nhập về kinh tế của Trung Quốc rất mạnh mẽ và thấy rõ ở miền Bắc Myanmar, và một số dự án cơ sở hạ tầng và khai thác mỏ lớn đã bị chỉ trích là thiếu quan tâm đến môi trường và các vấn đề của người dân địa phương. Trung Quốc cũng được xem như là quốc gia cung cấp nơi ẩn náu an toàn cho một số nhóm phiến quân bộ tộc của Myanmar mà chính phủ Myanmar đang muốn đạt được thỏa thuận ngừng bắn.

QUẾ LÂM
(Theo AP, Reuters)
 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI