Mỹ thúc đẩy các doanh nghiệp rời Trung Quốc

20/05/2020 - 13:22

PNO - Các nhà lập pháp và quan chức Hoa Kỳ đang đưa ra đề xuất thúc đẩy các công ty Mỹ chuyển hoạt động của họ ra khỏi Trung Quốc, đồng thời tăng khả năng việc làm cho công dân nước này.

Theo Reuters, hàng chục quan chức chính phủ Mỹ hiện tại và trước đây cùng các thành viên Quốc hội đã có các cuộc thảo luận rộng rãi, đề xuất ý tưởng thành lập một quỹ đầu tư mạo hiểm, ước tính trị giá khoảng 25 tỷ USD - nhằm khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất hàng hóa thiết yếu của Mỹ thoát khỏi Trung Quốc. Đây được xem là cuộc cải tổ mạnh mẽ trong mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc về kinh tế.

Không phải chờ đến khi mối quan hệ với Trung Quốc căng thẳng như hiện tại do tranh cãi về nguồn gốc dịch COVID-19, từ tháng 11/2019, Tổng thống Donald Trump đã cam kết sẽ đưa các ngành sản xuất ở nước ngoài trở về Mỹ, tăng việc làm trong nước nên đây được xem là cơ hội hoàn hảo, thúc đẩy sự ủng hộ của Quốc hội đối với ý tưởng này của Nhà Trắng. Trước đó, các nhà lập pháp không mặn mà với ý kiến mà Tổng thống Donald Trump đề xuất.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Quan hệ giữa các quốc gia tương ứng đã xấu đi nhanh chóng trong những tháng gần đây
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình

Hiện, cả hai đảng Cộng hòa và Dân chủ đang nghiên cứu các dự luật nhằm giảm sự phụ thuộc của Mỹ vào các sản phẩm do Trung Quốc sản xuất, chiếm khoảng 18% tổng lượng hàng nhập khẩu của Mỹ trong năm 2019. Giảm thuế, các chính sách ưu đãi và trợ cấp nhà nước nếu các doanh nghiệp Mỹ di chuyển chuỗi cung ứng về nước là những giải pháp được chính phủ đề xuất hỗ trợ.

Ngày 14/5, Tổng thống Trump đã ký một sắc lệnh hành pháp dự kiến chi hàng trăm tỷ USD viện trợ tài chính liên bang cho các sản phẩm do Mỹ sản xuất. Lệnh này được đưa ra chỉ sau 10 ngày các báo cáo về việc ông Donald Trump tăng tốc, nỗ lực đẩy chuỗi cung ứng công nghiệp toàn cầu ra khỏi Trung Quốc. Mục tiêu của Tổng thống Trump nhắm đến là Mỹ có thể tự sản xuất tất cả sản phẩm cần thiết cung cấp cho thị trường nội địa và sau đó là xuất khẩu ra thế giới, bao gồm cả thuốc men.

Washington cũng đe dọa sẽ ban hành các sắc lệnh mới nhắm vào Bắc Kinh, đánh thuế lên tới 25% các sản phẩm Trung Quốc trị giá 370 tỷ USD hiện đang áp dụng. Trong bốn năm qua, thuế quan luôn là một vấn đề trọng tâm trong các chương trình nghị sự của Nhà Trắng, thảo luận về mối quan hệ thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, Mỹ - Trung Quốc. Nhiều doanh nghiệp nước này đã kêu gọi chính quyền Donald Trump giảm thuế nhập khẩu vì họ phải đối mặt với áp lực bảo toàn dòng tiền vào thời điểm các quỹ dự trữ ngày càng cạn kiệt, xuất phát từ việc đóng cửa một loạt cửa hàng và sự sụt giảm doanh số đáng kể.

Chính quyền Mỹ vẫn chưa thống nhất về cách tiến hành chính sách “thoát Trung” và vấn đề khó có thể được giải quyết trong gói kích thích tài khóa tiếp theo để bù đắp cho sự suy thoái từ đại dịch. Quốc hội đã bắt đầu xem xét một gói kích thích tài khóa khác trị giá 3 ngàn tỷ USD nhưng vẫn chưa rõ khi nào nó có thể được thông qua.

Xu hướng rút doanh nghiệp về nước có sự cộng hưởng đặc biệt trong năm bầu cử của Mỹ. Bên cạnh việc đối đầu Trung Quốc, chính quyền Mỹ còn hứa hẹn ưu đãi hoặc giảm thuế cho các công ty chuyển chuỗi cung ứng khỏi Trung Quốc vào thời điểm mà doanh nghiệp nhỏ khó hoạt động.

Chung Thu Hương - Linh La  (theo Reuters và Foot Wear News)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI