Mỹ công bố thảm họa trên toàn quốc vẫn chưa đủ để ngăn chặn dịch COVID-19

13/04/2020 - 15:37

PNO - Tổng thống Trump ban hành tuyên bố thảm họa cho bang Wyoming vào thứ Bảy 11/4, nghĩa là hiện tại tất cả 50 tiểu bang tại Mỹ đều đang ở trong tình trạng khẩn cấp vì COVID-19.

Đây là lần đầu tiên một tổng thống từng tuyên bố thảm họa lớn ở tất cả 50 tiểu bang cùng một lúc, theo Phó thư ký báo chí Judd Deere.

Thống đốc bang Wyoming - Mark Gordon - chính thức yêu cầu động thái trên vào thứ Năm 9/4 trong một lá thư gửi tổng thống. Lúc đó bang đã ghi nhận hơn 200 trường hợp nhiễm COVID-19.

Tổng thống Donald Trump phê duyệt tuyên bố thảm họa đầu tiên đối với COVID-19 tại New York vào ngày 20/3, sau đó là Washington và California. New York đã trở thành tiểu bang bị ảnh hưởng nặng nề nhất.

1 tháng kể từ khi ban hành tình trạng khẩn cấp quốc gia, Mỹ vẫn chưa cải thiện được dịch bệnh COVID-19.
Một tháng kể từ khi ban hành tình trạng khẩn cấp quốc gia, Mỹ vẫn chưa cải thiện được dịch bệnh COVID-19

Quần đảo Virgin thuộc Mỹ, quần đảo Bắc Mariana, Washington, D.C., đảo Guam và Puerto Rico đều nhận được tuyên bố thảm họa lớn. Đảo Samoa thuộc Mỹ là lãnh thổ duy nhất chưa nhận được chỉ định thảm họa.

Tổng thống Trump ca ngợi những tuyên bố trong dòng trạng thái trên Twitter vào Chủ nhật 12/4, nói rằng: "Chúng ta đang chiến thắng, và sẽ chiến thắng, cuộc chiến chống lại kẻ thù vô hình!"

Tình trạng thảm họa là điều kiện để Mỹ mở cửa ngân sách liên bang cho các tiểu bang sử dụng để chống lại sự lây lan của virus. Chính quyền tiểu bang và địa phương vốn gặp nhiều khó khăn về nguồn cung cấp y tế trong bối cảnh đại dịch, với một số thống đốc cho biết các bang và chính phủ liên bang thậm chí còn có cuộc chiến về đấu thầu.

Trên thực tế, những hành động ứng phó dịch bệnh COVID-19 mà chính quyền Tổng thống Donald Trump thực hiện đến nay vẫn bị xem là thiếu hiệu quả.

Nguồn tin từ một số tờ báo như Times, New York Times, NBC tiết lộ cố vấn thương mại cho Nhà Trắng - Giáo sư Peter Navarro - đã cảnh báo cho Tổng thống Donald Trump về dịch bệnh có thể khiến 500.000 người Mỹ tử vong từ cuối tháng 1/2020.

Đến ngày 23/2, ông Navarro tiếp tục viết trong báo cáo gửi đến Tổng thống: "Đại dịch COVID-19 có thể lây nhiễm tới 100 triệu người Mỹ, khiến 1-2 triệu người thiệt mạng". Bất chấp những cảnh báo này, phải đến giữa tháng 3, Tổng thống Trump mới thực sự thừa nhận mức độ nghiêm trọng của tình hình.

Tổng thống Donald Trump đã ký sắc lệnh biện pháp khẩn cấp trị giá 8 tỷ USD vào ngày 6/3, khi số ca nhiễm toàn quốc vượt qua 100.000. Gói hỗ trợ cung cấp tài chính cho các nhà chức trách để ngăn chặn dịch bệnh và phân bổ 3 tỷ USD cho nghiên cứu vắc-xin.

Ngày 12/3, Cục Dự trữ liên bang (Fed) cho biết họ sẽ bơm hơn 1 ngàn tỷ USD vào hệ thống tài chính. Động thái này diễn ra trong bối cảnh lo ngại về thanh khoản, mặc dù một số nhà quan sát cảnh báo rằng con số vẫn chưa đủ.

Ngày 13/3, Tổng thống Trump đã cam kết một số khoản hỗ trợ cho sinh viên đang vay nợ, nói rằng tất cả tiền lãi cho các khoản vay của sinh viên liên bang sẽ được miễn trong suốt thời gian khẩn cấp. Đồng thời, ông Trump tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia.

Tổng thống ban đầu chống lại việc tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia đối với COVID-19, vì sợ động thái này sẽ gây ra khủng hoảng cho thị trường tài chính. Nhưng ngược lại, các chỉ số chính đã tăng điểm nhiều nhất của kể từ tháng 10/2008.

Động thái này giúp giải phóng tới 50 tỷ USD nguồn tài chính liên bang để hỗ trợ người Mỹ bị ảnh hưởng bởi vụ dịch. Bộ trưởng Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Alex Azar tuyên bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng trên toàn quốc.

Đến ngày 15/3, Fed cắt giảm lãi suất về 0, triển khai chương trình nới lỏng định lượng 700 tỷ USD. Sang 18/3, ông Trump ký kế hoạch mở rộng chế độ nghỉ phép có lương. Gói viện trợ thứ hai liên quan đến COVID-19 trị giá 100 tỷ USD bao gồm các điều khoản cho nghỉ phép được trả lương cho công nhân tại các doanh nghiệp lớn, bảo hiểm thất nghiệp mở rộng và xét nghiệm miễn phí.

Ngày 20/3, Tổng thống Trump viện dẫn Đạo luật Sản xuất Quốc phòng để huy động các nguồn lực kinh doanh tư nhân để chống lại dịch bệnh. Đạo luật này cho phép chính phủ buộc các doanh nghiệp sản xuất vật tư cần thiết trong một cuộc khủng hoảng, như khẩu trang y tế, máy thở, găng tay và tăm bông thử nghiệm.

Không chỉ chậm chân trong cuộc chiến với COVID-19, Mỹ đang gặp rắc rối trong mối quan hệ với các nước đồng minh châu Âu.
Không chỉ chậm chân trong cuộc chiến với COVID-19, Mỹ đang gặp rắc rối trong mối quan hệ với các nước đồng minh châu Âu

Dù vậy, đến hiện tại cuộc chiến chống COVID-19 tại Mỹ dường như vẫn chưa có dấu hiệu tích cực nào. Bên cạnh đó, mối quan hệ của Mỹ với các nước cũng xấu đi khá nhiều.

Người châu Âu cảm thấy bị xúc phạm khi Mỹ tìm cách giành quyền độc quyền đối với vắc-xin phòng COVID-19 đang được phát triển ở Đức. Lựa chọn mang lợi ích riêng quốc gia càng làm tăng sự tức giận trên toàn Liên minh châu Âu EU đối với lệnh cấm di chuyển của ông Donald Trump, được áp đặt vào tháng 3/2020 mà không có sự tham khảo ý kiến ​​hay biện minh khoa học từ bất kỳ quốc gia nào khác.

Trong khi công khai từ chối sự giúp đỡ của nước ngoài, Tổng thống Trump đã yêu cầu riêng các đồng minh châu Âu, châu Á viện trợ - chẳng hạn như Hàn Quốc, và tiếp tục chỉ trích Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thiếu minh bạch trong công bố dịch bệnh.

Đối với thế giới, sự thiếu vắng của một hệ thống chăm sóc sức khỏe công bằng, giá cả phải chăng tại Mỹ, cuộc đấu thầu giữa các tiểu bang về nguồn cung cấp y tế khan hiếm, số người chết không cân xứng giữa các dân tộc thiểu số, các quy tắc xã hội hỗn loạn và thiếu sự phối hợp tập trung tại quốc gia hùng mạnh nhất, có ảnh hưởng nhất quả là điều đáng xấu hổ.

Heiko Maas - Bộ trưởng Ngoại giao Đức - cho biết ông hy vọng cuộc khủng hoảng sẽ buộc Mỹ phải suy nghĩ lại về cơ bản về việc liệu mô hình “nước Mỹ hàng đầu” có thực sự hoạt động hay không. Phản ứng của chính quyền quá chậm và việc cắt đứt các liên hệ quốc tế đem đến cái giá quá đắt.

Tấn Vĩ (tổng hợp)

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
  • Phú Bình Yên 14-04-2020 11:49:17

    cầu mong hết dịch bệnh, tôi gét dịch covid-19, corona vì nó đã cướp đi rất nhiều sinh mạng của những người dân vô tội, cầu mong không có ai bị nhiễm dịch bệnh quái ác này nữa, hy vọng các y bác sĩ sẽ điều trị để mọi người được phục hồi sức khỏe, hy vọng thế giới sớm tìm ra vacxin để cứu tính mạng con người. cảm ơn những người đã vì cộng đồng chung tay đoàn kết chống dịch bệnh trong thời gian qua. Việt Nam sẽ sớm vượt qua cơn đại dịch thôi, hy vọng mọi điều tốt đẹp luôn đến với tất cả mọi người! i love vietnamese
    người viết
    phú bình yên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI