Mỹ: Cháy rừng làm tăng nguy cơ lây nhiễm và tử vong COVID-19

14/08/2021 - 09:39

PNO - Báo cáo khoa học mới công bố cho biết khói và bồ hóng từ các đám cháy rừng có thể gây ra nhiều ca nhiễm và tử vong hơn đối với COVID-19.

Một nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Science Advances cho thấy sự gia tăng các hạt bụi mịn từ khói cháy rừng năm 2020 đã làm tăng các ca nhiễm và tử vong do COVID-19 ở các tiểu bang California, Oregon và Washington.

Những cơn gió khô thổi mạnh qua San Francisco (California) trong mùa cháy rừng năm 2020 làm tăng nguy cơ hỏa hoạn ở một khu vực vốn nhiều nắng nóng và chất lượng không khí kém - Ảnh: CNN
Những cơn gió khô thổi mạnh qua San Francisco (California) trong những vụ cháy rừng năm 2020 làm tăng nguy cơ hỏa hoạn ở một khu vực vốn nhiều nắng nóng và chất lượng không khí kém - Ảnh: CNN

“Ô nhiễm không khí do các hạt bụi mịn có thể là tác nhân góp phần phát tán virus nhanh hơn”, bà Francesca Dominici, đồng tác giả của nghiên cứu và là giáo sư thống kê sinh học, dân số và khoa học dữ liệu tại Trường Y tế công cộng T.H. Chan của Đại học Harvard, cho biết.

Bà Dominici nói với phóng viên CNN rằng “rất đáng lo ngại khi hậu quả của cháy rừng có thể làm gia tăng nguy cơ lây nhiễm biến thể Delta”.

Vật chất dạng hạt mịn, hay bụi mịn PM 2.5, là một trong những chất gây ô nhiễm nhỏ nhất nhưng cũng nguy hiểm nhất. Khi hít phải bụi mịn, nó sẽ đi sâu vào mô phổi, từ đó thâm nhập vào máu.

Bụi mịn PM2.5 có nguồn gốc từ các nhà máy nhiên liệu hóa thạch, khói động cơ ô tô, nông nghiệp và có liên quan đến một số biến chứng về sức khỏe: hen suyễn, bệnh tim, viêm phế quản mãn tính và các bệnh hô hấp khác - đây là các bệnh nền khiến các ca nhiễm COVID-19 dễ chuyển nặng.

Tiến sĩ Albert Rizzo, Giám đốc y tế Hiệp hội Phổi Hoa Kỳ (ALA), cho rằng ô nhiễm không khí do khói cháy rừng có khả năng gây viêm phổi, đồng thời cho biết “bụi mịn là thứ khiến đường hô hấp trở thành mảnh đất màu mỡ cho những loại virus không mời như SARS-CoV-2 xâm nhập vào đường thở”.

Năm 2020 là năm Mỹ xảy ra nhiều vụ cháy rừng lịch sử. Trong khi số người chết trực tiếp do các đám cháy ít nhất là 43 người, các nhà nghiên cứu Đại học Stanford (Mỹ) hồi tháng 9/2020 ước tính có thêm 1.200 đến 3.000 trường hợp tử vong “vượt mức” ở California do hít phải khói cháy rừng, hoặc bụi mịn PM 2.5.

Ảnh hưởng của các vụ cháy rừng ở miền Tây năm 2021 đã trở nên sâu rộng đến mức không chỉ khói bay lơ lửng và tận New York cũng có thể nhìn thấy, mà các đám cháy còn mang tính cực đoan, chẳng hạn như các đám cháy biến đổi liên tục, hoặc tạo ra những đám mây hiếm thấy có hình tháp cao chót vót.

Bầu trời California chuyển sang màu cam do khói cháy rừng - Ảnh: CNN
Bầu trời California chuyển sang màu cam do khói cháy rừng - Ảnh: CNN

Nghiên cứu của Harvard đã phân tích dữ liệu 92 hạt ở California, Oregon và Washington bị ảnh hưởng bởi cháy rừng năm 2020. Sử dụng hình ảnh vệ tinh về đám cháy và dữ liệu công khai về các ca nhiễm và tử vong do COVID-19 ở ba tiểu bang miền Tây, các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng ở phần lớn các địa phương họ nghiên cứu đều có bằng chứng chắc chắn rằng khói và muội than càng nhiều thì càng có nhiều ca nhiễm và tử vong do COVID-19. Nếu mức PM 2.5 ở mức cao hơn trong 28 ngày liên tiếp, số ca mắc bệnh tăng gần 12% và số ca tử vong hơn 8%.

Giáo sư sức khỏe môi trường Đại học Emory (Mỹ), ông Donghai Liang, khẳng định khi khủng hoảng khí hậu gia tăng, các rủi ro sức khỏe cộng đồng liên quan đến cháy rừng sẽ càng trở nên tồi tệ hơn. Theo báo cáo mang tính bước ngoặt của Liên Hợp Quốc được công bố hôm 9/8, hạn hán và nắng nóng do biến đổi khí hậu khiến cho các mùa cháy rừng kéo dài hơn và dẫn đến nhiều đám cháy có sức tàn phá hơn.

Tiến sĩ Rizzo, Giám đốc y tế Hiệp hội Phổi Hoa Kỳ kết luận: “Ngay cả khi không có COVID-19, chúng ta vẫn lo ngại rằng biến đổi khí hậu dẫn đến môi trường nóng và hạn hán dễ gây cháy rừng, nay cháy rừng bổ sung thêm tro và bồ hóng vào không khí, khiến cho các vấn đề về hô hấp càng nhiều khả năng xảy ra”.

Thanh Vân (theo CNN)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI