Mũi 1 tiêm vắc xin Moderna, mũi 2 tiêm trộn Pfizer được không?

06/09/2021 - 22:09

PNO - Tính từ ngày 6-10/9, TPHCM cần tiêm nhắc mũi 2 cho hơn 2 triệu người, trong đó có hơn 400.000 người tiêm vắc xin Moderna mũi 1.

Những ngày qua, người dân TPHCM được tiêm mũi 1 là vắc xin Moderna đang "đứng ngồi không yên", nhiều người cho rằng thời gian tiêm mũi 2 của vắc xin Moderna là 4 tuần kể từ khi tiêm mũi 1 và họ đã quá thời hạn trên, tuy nhiên hiện tại vắc xin Moderna tạm thời đã hết.

Anh Nguyễn Văn Bình (46 tuổi, ở Thủ Đức) cho biết mẹ của anh đã 72 tuổi được tiêm vắc xin Moderna vào đầu tháng 8/2021, tính đến nay đã gần 5 tuần nhưng chưa nghe phường hay bệnh viện thông báo tiêm mũi 2. “Tôi hỏi tổ trưởng thì được trả lời khi nào nơi tiêm mũi 1 nhắn tin vào điện thoại, lúc đó mẹ tôi sẽ được tiêm. Tuy nhiên, lúc đó là lúc nào? Nếu như thời gian kéo dài thì hiệu quả bảo vệ liệu có còn không?”, anh Bình lo lắng.

Người trên 65 tuổi tiêm vắc xin Moderna tại Bệnh viện Lê Văn Thịnh (Bệnh viện quận 2 cũ)
Người trên 65 tuổi tiêm vắc xin Moderna tại Bệnh viện Lê Văn Thịnh (Bệnh viện quận 2 cũ)

PGS.TS.BS Lê Đình Thanh - Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất TPHCM - cho biết, tiêm đủ 2 mũi vắc xin thực sự quan trọng trong bối cảnh dịch COVID-19 phức tạp như hiện nay. Tuy nhiên, hoàn cảnh thực tế không phải lúc nào cũng đủ vắc xin để tiêm 2 mũi cho người dân. Vì vậy, trước mắt cần phải để tất cả mọi người đều được tiêm mũi 1. 

Bác sĩ Thanh nói: “Người đã tiêm mũi 1 là Moderna mà đến nay chưa được tiêm mũi 2 không nên quá lo lắng bởi theo khuyến cáo về loại vắc xin này là không nên tiêm mũi 2 trước 4 tuần và không có thời điểm cuối cùng, vì vậy sau 4 tuần thì tiêm mũi 2 lúc nào cũng được".

Tính đến nay, người tiêm mũi 1 là Moderna cũng đã được một thời gian để vắc xin sinh kháng thể. Hiện tại các nhà khoa học trên thế giới đã có nhiều nghiên cứu chứng minh người tiêm Moderna mũi 1 thì mũi 2 vẫn có thể tiêm trộn vắc xin khác. 

“Tuy nhiên tôi vẫn khuyến cáo, nếu tiêm mũi 1 là loại vắc xin nào thì mũi 2 nên tiêm loại vắc xin đó là tốt nhất. Tuy nhiên, các điểm tiêm ngừa vắc xin COVID-19 khi chưa có vắc xin tương thích để tiêm mũi 2 cho người tiêm mũi 1 là Moderna nên nhắn tin để bà con yên tâm”, bác sĩ Thanh nói.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh – chuyên gia dịch tễ, cố vấn Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM - cho biết, sau khi tiêm mũi 1 bằng vắc xin Moderna, chậm nhất là 4 tuần người đó phải được tiêm mũi 2 và khả năng trong thời gian chờ mũi 2 vẫn có thể bị lây nhiễm COVID-19.

Hiện nay một số nước trên thế giới trong tình huống thiếu vắc xin ngừa COVID-19 loại Moderna đã tiêm trộn với Pfizer, AstraZeneca tiêm trộn Pfizer hay Moderna. 

Một bác sĩ khác cho biết hiện tại Bộ Y tế và Sở Y tế TPHCM chưa có văn bản quy định, hướng dẫn tiêm trộn Moderna với loại vắc xin khác. Việt Nam chỉ mới cho phép mũi 1 tiêm AstraZeneca, mũi 2 được tiêm trộn Pfizer. Người dân tiêm mũi 1 Moderna vào tháng 8 đến nay khả năng cơ thể đã sinh kháng thể, miễn dịch đáng kể vì vậy không nên quá lo lắng, chỉ cần thực hiện tốt nguyên tắc 5K và Chỉ thị 16. 

Theo bác sĩ này, các nghiên cứu gần đây cho thấy người tiêm mũi 1 Moderna có thể tiêm trộn Pfizer ở mũi 2 hoặc ngược lại bởi 2 loại vắc xin này cùng dòng. Đây cũng có thể được xem là giải pháp hiện tại khi TPHCM tạm hết vắc xin Moderna. Về vắc xin AstraZeneca, nếu mũi 1 tiêm AstraZeneca mũi 2 có thể tiêm Pfizer hoặc Moderna, tuy nhiên mũi 1 tiêm Pfizer hay Moderna mũi 2 không được tiêm AstraZeneca bởi vắc xin này khác tầng.

Theo Sở Y tế TPHCM, Thành phố chưa nhận được vắc xin Moderna để tiêm mũi 2 cho người dân. Ngành y tế TPHCM đang tính các giải pháp thay thế, phù hợp nguyên tắc khoa học và chuyên môn để đảm bảo sức khỏe tốt nhất cho người dân. 

Trên thế giới đã tiêm trộn vắc xin Moderna mũi 1, Pfizer mũi 2 và ngược lại
Trên thế giới đã tiêm trộn vắc xin Moderna mũi 1, Pfizer mũi 2 và ngược lại

Hiện tại, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) cũng khuyến cáo mỗi cá nhân nên sử dụng cùng một nhãn hiệu vắc-xin trong tiêm chủng nếu có thể. Cơ quan viết: “Dữ liệu về tính an toàn và hiệu quả của tiêm kết hợp vắc-xin mRNA khác nguồn sản xuất chưa được đánh giá. Cả hai liều cho mỗi cá nhân nên được hoàn thành với cùng một sản phẩm“.

Dù vậy, trong các tình huống ngoại lệ mà sản phẩm vắc-xin mRNA được tiêm cho liều đầu tiên không thể xác định được hoặc không còn khả dụng, CDC khuyến nghị bất kỳ loại vắc-xin mRNA COVID-19 hiện có nào cũng có thể được sử dụng, để hoàn thành việc tiêm chủng, miễn dảm bảo khoảng cách 28 ngày giữa hai liều.

Đối với những người đã nhận đù liều vắc-xin COVID-19 của Pfizer-BioNTech hoặc Moderna, CDC khuyên họ nên sử dụng liều bổ sung thứ ba của cùng một loại vắc-xin mRNA. Dù vậy, nếu loại vắc-xin mRNA được tiêm cho hai liều đầu tiên không có sẵn hoặc không rõ, thì có thể dùng vắc-xin mRNA bất kỳ cho mũi bổ sung.

John Swartzberg - giáo sư lâm sàng danh dự tại bộ phận bệnh truyền nhiễm của Trường Y tế Công cộng UC Berkeley - nói rằng, không đủ dữ liệu để kết luận liệu trộn lẫn các loại vắc-xin COVID-19 khác nhau cho hai mũi tiêu chuẩn và mũi bổ sung có an toàn hay không.

Giáo sư Thomas Russo - trưởng khoa bệnh truyền nhiễm tại trường Y khoa và Y sinh Jacobs thuộc Đại học Buffalo – New York – chia sẻ, trong đợt triển khai vắc-xin mũi một, nhiều người đã nhầm lẫn và tiêm xen kẽ mũi tiêm từ Pfizer và Moderna nhưng không có bất kỳ sự cố nào xảy ra. Vì vậy, ông Russo dự đoán rằng sẽ không có bất kỳ vấn đề nào từ quan điểm an toàn hoặc quan điểm hiệu quả khi tiêm kết hợp hai loại vắc-xin mRNA.

Theo G.S Swartzberg, cho đến nay chưa có báo cáo về tác dụng phụ do phối trộn các nhãn hiệu vắc-xin mRNA cho liều đầu tiên và liều thứ hai.  Sự phối trộn này được cho là khả thi vì cả hai loại vắc-xin đều là vắc-xin RNA thông tin. Mặc dù cấu tạo của cả hai loại vắc-xin đều là độc quyền, nhưng G.S Russo gợi ý rằng sự khác biệt chỉ nằm ở thành phần cấu tạo hạt nano lipid — những quả bóng chất béo nhỏ ngăn không cho mRNA phân hủy. Ông Russo nói: “Có thể có sự khác biệt trong các chế phẩm dạng hạt nano lỏng giữa hai loại vắc-xin, nhưng cả hai đều có nguyên tắc cấu tạo giống nhau”.

Trên thực tế, tại Canada, điển hình như tỉnh Ontario, đã cho phép việc tiêm phối hợp vắc-xin COVID-19 của Pfizer và Moderna từ tháng 6/2021 và chưa ghi nhận bất kỳ sự cố nào. Ủy ban Tư vấn Quốc gia về Tiêm chủng của Canada (NACI) ghi chú: “Nếu sản phẩm cùng loại không có sẵn hoặc không rõ đã tiêm loại nào, vắc-xin mRNA có thể thay thế cho nhau".

Vừa qua, Sở Y tế TPHCM đã có văn bản khẩn gửi UBND các quận, huyện và TP Thủ Đức, các sở, ban, ngành và cơ sở y tế trên địa bàn về việc tổ chức tiêm vắc xin ngừa COVID-19 lộ trình từ ngày 1 đến ngày 15/9.

Sở Y tế đề nghị các đơn vị phối hợp triển khai tiêm vắc xin theo nguyên tắc chung là tiếp tục tiêm mũi 1 cho người dân từ 18 tuổi sinh sống trên địa bàn Thành phố chưa được tiêm để đảm bảo độ bao phủ vắc xin; tiêm mũi 2 cho những người đã được tiêm mũi 1 khi đủ thời gian theo từng loại vắc xin. Cụ thể:

- Những người đã tiêm mũi 1 bằng vắc xin AstraZeneca trong khoảng thời gian từ ngày 20/6 đến ngày 15/7 (8-12 tuần).

- Những người đã tiêm mũi 1 bằng vắc xin Moderna trong khoảng thời gian từ ngày 1 đến ngày 15/8 (4 tuần).

- Những người đã tiêm mũi 1 bằng vắc xin Pfizer trong khoảng thời gian từ ngày 11 đến ngày 25/8 (3 tuần).

- Những người đã tiêm mũi 1 bằng vắc xin Vero Cell trong khoảng thời gian từ ngày 13 đến ngày 25/8 (3-4 tuần).

Phạm An - Linh La

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI