Một trong những người “khai sơn phá thạch” văn hóa Phùng Nguyên qua đời

04/05/2020 - 13:36

PNO - PGS.TS.NGND Hán Văn Khẩn, một trong những người “khai sơn phá thạch” văn hóa Phùng Nguyên vừa qua đời lúc 4g20 sáng nay, 4/5, vì tuổi cao sức yếu, hưởng thọ 81 tuổi.

Thông tin được xác nhận bởi Đảng ủy, Ban giám hiệu, Ban chấp hành Công đoàn, Hội Cựu giáo chức, Trường Đại học KHXH&NV (Đại học Quốc gia Hà Nội) và gia đình, được đăng tải trên website của trường.

Lễ viếng diễn ra từ 15g ngày 4/5 đến 9g ngày 6/5 tại quê nhà của PGS.TS.NGND Hán Văn Khẩn ở xã Gia Thanh, huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ. Lễ truy điệu tổ chức vào lúc 9g ngày 6/5. Ông sẽ được hoả táng tại Đài hoá thân Hoàn Vũ Thiên Đức, Phú Thọ; an táng tại nghĩa trang quê nhà.

PGS.TS.NGND Hán Văn Khẩn sinh năm 1940 tại huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ. Sau khi tốt nghiệp đại học chuyên ngành Khảo cổ học tại khoa Lịch sử, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội vào năm 1966, ông tiếp tục theo học và nhận học vị tiến sĩ chuyên ngành Khảo cổ học tại Đại học Tổng hợp Sofia (Bulgaria) vào năm 1979.

Ông được công nhận chức danh Phó giáo sư vào năm 1991, được tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú vào năm 1997, danh hiệu Nhà giáo Nhân dân vào năm 2008. Ông là Phó chủ nhiệm khoa Lịch sử (1982-1984, 1985-1987), Chủ nhiệm bộ môn Khảo cổ học, khoa Lịch sử (1992-2009) của Trường Đại học KHXH&NV.

PGS.TS Hà Đình Đức nói, PGS.TS.NGND Hán Văn Khẩn là một trong những cây đại thụ của nền khảo cổ học Việt Nam.

PGS.TS.NGND Hán Văn Khẩn - Ảnh: FB Tien Dong Nguyen
PGS.TS.NGND Hán Văn Khẩn - Ảnh: FB Tien Dong Nguyen

Chia sẻ trên trang cá nhân, TS Nguyễn Tiến Đông, Trưởng phòng Khảo cổ học đô thị thuộc Viện Khảo cổ học Việt Nam cho biết: “NGND Hán Văn Khẩn ra đi là sự mất mát lớn cho ngành khảo cổ học Việt Nam, cho bộ môn Khảo cổ, Trường KHXH&NV, Đại học Quốc gia Hà Nội, cho bao thế hệ học trò khảo cổ trên cả nước”. Học trò của NGND Hán Văn Khẩn viết: “Vĩnh biệt ông, một con người đáng kính, một người thầy mực thước. Thầy yên nghỉ, thanh thản, vui, chân thật và hiền lành như thầy đã sống, thầy nhé”.

PGS.TS Bùi Văn Liêm, Phó chủ tịch Hội đồng khoa học Viện Khảo cổ học, học trò của PGS.TS.NGND Hán Văn Khẩn chia sẻ: “Vĩnh biệt người thầy kính yêu. Mong ước thầy mãi an bình trong thế giới người hiền!”.

Ngoài công tác giảng dạy, PGS.TS.NGND Hán Văn Khẩn còn tích cực tham gia nghiên cứu, điền dã và khai quật nhiều di chỉ khảo cổ ở nhiều vùng đất nước. Các công trình khoa học tiêu biểu của ông bao gồm: Văn hóa Phùng Nguyên (NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, 2005); Cơ sở khảo cổ học (chủ biên, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, 2008, 2011); Xóm Rền - Một di tích khảo cổ đặc biệt quan trọng của thời đại đồ đồng Việt Nam (NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, 2009)…

Ông từng đạt Giải thưởng Công trình khoa học tiêu biểu Đại học Quốc gia Hà Nội năm 2009 cho công trình Xóm Rền - Một di tích khảo cổ đặc biệt quan trọng của thời đại đồ đồng Việt Nam.

PGS.TS Hán Văn Khẩn trong một lần đi thực địa - Ảnh: FB Tien Dong Nguyen
PGS.TS Hán Văn Khẩn trong một lần đi thực địa - Ảnh: FB Tien Dong Nguyen

Trong cuốn Chân dung nhà giáo - nhà khoa học tiêu biểu 1945 - 2015 (Trường Đại học KHXH&NV), với văn hóa Phùng Nguyên, PGS.TS Hán Văn Khẩn được coi là “một trong những người “khai sơn phá thạch, mở lối đắp đường” cho quá trình nghiên cứu giai đoạn văn hóa đầu tiên của thời đại kim khí ở miền Bắc Việt Nam nói riêng, góp phần vào nghiên cứu thời kỳ Hùng Vương nói chung.

Trong những bài viết đăng trên Tạp chí Khảo cổ học những năm 1970 và 1980, ông đã đi sâu phân tích nhiều yếu tố trong đồ gốm văn hóa Phùng Nguyên như loại hình hoa văn, thực nghiệm tạo hoa văn, kỹ thuật chế tác, loại hình đồ gốm… trên cơ sở đó, tiến hành phân chia các giai đoạn văn hóa Phùng Nguyên.

40 năm sau đó, ông tập trung nghiên cứu giai đoạn văn hóa quan trọng ở vào buổi đầu thời kỳ xuất hiện kỹ nghệ luyện kim đồng này.

Cuốn sách Văn hóa Phùng Nguyên là công trình mà bất kỳ một nhà nghiên cứu văn hóa Phùng Nguyên trong và ngoài nước nào cũng cần tham khảo trước khi phác dựng ý tưởng nghiên cứu của mình.

Đậu Dung

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI