Một năm đậm dấu son của văn hóa nghệ thuật Việt

31/12/2019 - 19:45

PNO - Những dấu son bất ngờ, độc đáo từ các mảng điện ảnh, truyền hình, âm nhạc, thời trang, sân khấu, văn học, xuất bản… năm 2019 đã mang lại cho văn hóa nghệ thuật Việt Nan một năm nhiều thú vị với những thành tích đáng tự hào.

Điện ảnh 2019: Nhân tố mới tạo cú hích cho điện ảnh Việt 

Với 43 phim ra rạp trong năm qua, điện ảnh Việt đã khép lại một năm với rất nhiều “hỷ - nộ - ái - ố”, khi mà xen lẫn những phim đạt doanh thu cả trăm tỷ là những phim lợi nhuận chưa đến một tỷ, có những phim chất lượng khá nhưng bán vé trầy trật và ngược lại…

Nếu như coi thành tích phòng vé là căn cứ cho sự thành công, thì điện ảnh Việt đã có một năm “số đỏ”, bởi số lượng phim đạt cột mốc trăm tỷ tăng hẳn so với các năm trước (Cua lại vợ bầu, Hai Phượng, Trạng Quỳnh, Lật mặt 4: Nhà có khách, Mắt biếc), thế nhưng dấu son lớn nhất mà phim Việt để lại trong năm qua là sự xuất hiện của những nhân tố mới gây bất ngờ về mặt chuyên môn.

Đầu năm, khi bộ phim Chị trợ lý của anh ra rạp, người xem không chỉ ngạc nhiên với diễn xuất tiến bộ của nữ ca sĩ Mỹ Tâm, mà còn bất ngờ khi biết đạo diễn của phim Mira Dương cũng chính là Mỹ Tâm. Lần đầu tiên thử sức ở vai trò “vua trường quay”, cô đã thể hiện một cách kể rất có duyên về một câu chuyện tình mang màu sắc vừa hài hước vừa lãng mạn, giúp phim thu hơn 70 tỷ đồng - một con số trong mơ với những đạo diễn “tay ngang”.

Trailer Chị trợ lý của anh:

 

Không chỉ vậy, “con mắt” đạo diễn của Mỹ Tâm còn khá tài tình, khi đem đến một phát hiện mới về diễn xuất: Quang Trung. Lần đầu đóng phim điện ảnh, chàng diễn viên hài này đã tạo nên một hiệu ứng vai phụ trên màn ảnh bởi lối diễn duyên dáng, dí dỏm. 

Trong khi đó, bộ phim Hai Phượng góp phần “lăng xê” một gương mặt “đả nữ” mới: Thanh Hoa - người thủ vai Thanh Sói. Làng phim lâu nay vốn “khát” những nữ diễn viên vừa biết diễn vừa biết võ, nên sự xuất hiện của Thanh Hoa - một phụ nữ đang mưu sinh bằng công việc bán cá ở chợ, và thỉnh thoảng tham gia vài phim với vai trò cascadeur - trong Hai Phượng trở thành một bất ngờ lớn của điện ảnh Việt năm qua.

Nét diễn có hồn, cùng nền tảng thể lực sẵn có, chính là thứ mà không phải diễn viên nữ nào đóng phim hành động cũng làm được. Thanh Sói của Thanh Hoa tạo ấn tượng mạnh đến nỗi, nhà sản xuất phim Hai Phượng đã lên kế hoạch thực hiện một bộ phim riêng về nhân vật này vào năm 2020. 

Tay ngang đóng phim nhưng làm nên chuyện trong năm qua còn có Lãnh Thanh, Minh Tú - hai gương mặt đến từ làng thời trang. Lãnh Thanh vừa sở hữu ngoại hình chuẩn, vừa có khả năng hóa thân đa dạng, dù đó là một chàng trai đồng tính mang nội tâm phức tạp trong Thưa mẹ con đi, hay một người đàn ông nhiều mưu mô toan tính trong Chị chị em em.

Mot nam dam dau son cua van hoa nghe thuat Viet
Chi Pu trong Chị chị em em

Cũng lần đầu đảm nhận vai chính như Lãnh Thanh, siêu mẫu Minh Tú là một ẩn số bất ngờ thú vị của màn ảnh trong năm với phim Hoa hậu giang hồ. Với lối diễn linh hoạt, thể hiện đâu ra đấy hai tính cách trái ngược của nhân vật Mây và Lá, Minh Tú khiến khán giả vừa khóc vừa cười với câu chuyện cảm động về ước muốn thi hoa hậu để đổi đời của hai chị em sinh đôi Mây - Lá. 

Những gì mới mẻ luôn tạo nên sự bất ngờ thú vị và đó đích thực là những gì mà các nhân tố kể trên mang lại cho điện ảnh Việt 2019.

Sân khấu 2019: Nỗ lực làm mới và tiếp cận công chúng

Sau cột mốc 100 năm cải lương hình thành và phát triển, cùng với sự trỗi dậy của những nhóm cải lương xã hội hóa, sân khấu cải lương còn có thêm những nhà đầu tư mới. Không chỉ đóng góp để sàn diễn cải lương thêm sôi động, một số đơn vị xã hội hóa còn mong muốn đưa cải lương tiếp cận công chúng bằng những dấu ấn sáng tạo mới. 

Hai trong số những dấu ấn đẹp nhất của cải lương 2019 là Cải lương - Trăm năm nguồn cội (Công ty Green Horizon) và Chuyện tình Khau Vai (Công ty Đại Việt). Cải lương - Trăm năm nguồn cội chinh phục cả những khán giả khó tính nhất với lối kể đầy cảm xúc về hành trình 100 năm của sân khấu cải lương.

Chuyện tình Khau Vai đánh dấu sự hợp lực đầu tiên của nghệ sĩ hai miền Nam Bắc, để lại nhiều dấu ấn sáng tạo mới từ chất liệu âm nhạc, thiết kế sân khấu đến thủ pháp dàn dựng. Đây cũng là vở cải lương hiếm hoi ở phía Nam thử nghiệm đưa nghệ thuật đương đại kết hợp cải lương. Vở diễn được xem là một trong những chuẩn mực của cải lương xã hội hóa hiện nay với sự chỉn chu trong khâu dàn dựng, tập luyện và tính chuyên nghiệp trong công tác quảng bá hình ảnh, giới thiệu tác phẩm đến với công chúng. 

Mot nam dam dau son cua van hoa nghe thuat Viet
Sanh vi tướng, tử vi thần - dấu son của Nhà hát Nghệ thuật hát bội TP.HCM 2019. Ảnh: Thúy Bình

Dấu son của sân khấu truyền thống thành phố năm 2019 còn là sự “trở mình” của Nhà hát Nghệ thuật hát bội với vở diễn mang nhiều tính thử nghiệm Sanh vi tướng, tử vi thần. Không sử dụng lời thoại, bài ca, “ngôn ngữ” chính của Sanh vi tướng, tử vi thần chỉ là âm nhạc, vũ đạo và hiệu ứng ánh sáng, tất cả được khéo léo kết hợp để kể lại câu chuyện về những anh hùng hào kiệt của Việt Nam trong lịch sử chống giặc ngoại xâm. Thành công của thử nghiệm độc đáo này hứa hẹn sẽ thổi một luồng gió mới cho sân khấu hát bội trong năm 2020.

Văn học 2019: Đậm dấu đề tài chiến tranh cách mạng

Hầu hết các tác phẩm được vinh danh tại Giải thưởng Văn học nghệ thuật TP.HCM 5 năm lần thứ hai (giai đoạn 2012-2017, lễ trao giải diễn ra tháng 4/2019, vừa ra mắt loạt sách tái bản mới đây) đều khai thác đề tài chiến tranh cách mạng.

Nhà văn Văn Lê (tiểu thuyết Phượng Hoàng, giải Nhì) chia sẻ có rất nhiều đêm ông không ngủ được, hoặc không thể ngủ sâu vì cứ nhắm mắt là nghe tiếng trực thăng, tiếng đạn bắn trên đầu và hình ảnh của những đồng đội mình.

Cũng như ông, các nhà văn Nguyễn Thành Nhân, Đoàn Tuấn, Nguyễn Vũ Điền đều đã và sẽ còn viết tiếp về ký ức không quên. Và bộ sách 40 năm biên giới với các tựa: Mùa xa nhà, Mùa chinh chiến ấy, Mùa linh cảmRừng khộp mùa thay lá cũng đã trở thành một trong 12 tựa/bộ sách ấn tượng nhất năm 2019 của nhà xuất bản Trẻ. 

Mot nam dam dau son cua van hoa nghe thuat Viet

Nhà thơ Phạm Sỹ Sáu bao lâu nay ở cương vị quản lý (ông hiện là Phó chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM), nhưng những sáng tác ông viết về đồng đội, về chiến trường đầy sức rung cảm. Tập trường ca Giữa ngày và đêm của ông được trao giải khuyến khích giải thưởng Văn học nghệ thuật TP.HCM, cùng với tiểu thuyết Hoa hướng dương (cũng đề tài chiến tranh của tác giả Đồng Đen).

Trong khi đó, Truyện ký ở R - chuyện kể 50 năm (giải nhất, di cảo của cố nhà văn Lê Văn Thảo) cho người đọc những câu chuyện chân thực, khốc liệt, ám ảnh mà cũng tràn đầy tình yêu, sự hy sinh, giá trị nhân văn. 

Dấu son xuất bản 2019 là đã phát hành được hai tác phẩm quan trọng: Hùng binh (tiểu thuyết của nhà văn Đặng Ngọc Hưng, nhà xuất bản Trẻ, vừa được trao giải B giải thưởng Sách Quốc Gia lần 2 - 2019) và Hoàng Sa - Trường Sa nghiên cứu từ sử liệu Trung Quốc (nhà nghiên cứu Phạm Hoàng Quân, nhà xuất bản Văn hóa Văn nghệ, giải Sách Hay 2019). Cả hai tác phẩm đều khẳng định chủ quyền biển đảo bằng những sự thật lịch sử không thể chối cãi.

Nhà văn Trần Văn Tuấn - Chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM - nhận định: “Văn học Việt Nam và văn học TP.HCM nói riêng có sự phát triển nhanh về số lượng. Người viết văn nhiều hơn, số lượng sản phẩm văn học tăng mạnh, đôi khi tăng đến chóng mặt”. Tuy nhiên, ông cũng phải thừa nhận rằng “nhiều nhà văn thành công và ít nhiều tạo được “thương hiệu” về các đề tài lịch sử, chiến tranh cách mạng. Sự nổi trội của dòng văn học đề tài chiến tranh cách mạng trong năm qua, một cách gián tiếp đã nói lên rằng, đang có sự chênh lệch và thiếu hụt nghiêm trọng các tác phẩm mang dấu ấn của đời sống đương đại. 

Phim truyền hình phía Nam lấy lại vị thế

Năm qua, phải nhìn nhận rằng phim truyền hình phía Nam đã lấy lại được “phong độ”. Đơn cử là thành công vang dội của bộ phim Tiếng sét trong mưa (đạo diễn Phương Điền, Mega GS sản xuất), đạt kỷ lục rating 26.0, xếp thứ tư trong top tìm kiếm trên Google Việt Nam (sau phim Về nhà đi con, Về nhà đi con ngoại truyện Mối tình đầu của tôi).

Mot nam dam dau son cua van hoa nghe thuat Viet
Nhật Kim Anh và Cao Minh Đạt lấy nước mắt khán giả qua Tiếng sét trong mưa

So với tình trạng èo uột của những năm trước, phim truyền hình phía Nam xem như là được “tạo lại đà” để tiếp tục phát triển. Sự trở lại của hãng phim TFS cũng mang đến cho khán giả màn ảnh nhỏ những bộ phim hay, đáng xem: Mùa cúc Susi (diễn viên Xuân Văn vai Susi trong phim này vừa được trao giải Nữ diễn viên xuất sắc tại giải Ngôi sao xanh 2019), Đảo khát (huy chương vàng Liên hoan Truyền hình toàn quốc lần thứ 39), Sóng ngầm, Ráng chiều ấm áp

Ngoài ra, trong danh sách top 10 phim truyền hình Việt có xu hướng tìm kiếm nổi bật nhất năm 2019 (do Google công bố) còn có các phim Gạo nếp gạo tẻ (HTV2), Trà táo đỏ (Đài THVL)… Có thể nói, 2019 là một năm “trỗi dậy” của truyền hình phía Nam. Đa dạng thể loại, có sức lan tỏa, thuyết phục và để lại nhiều thông điệp giá trị là điều mà phim truyền hình năm qua đã làm được. 

Thảo Vân - Hương Nhu - Lục Diệp

NSND Đặng Hùng: Cần có một hội đồng thẩm định tác phẩm văn học nghệ thuật đặc biệt

Gọi là đặc biệt vì hội đồng chỉ thẩm định những tác phẩm, công trình, ý tưởng, hoạt động văn học nghệ thuật theo kịp thời đại, tương xứng với sự phát triển của thành phố. Hội đồng gồm những nhà chuyên môn giỏi, chuyên gia, có trình độ uyên bác chuyên ngành và tổng hợp, mở rào cản từ khâu tổ chức chuyên môn. Hội đồng thẩm định đặc biệt từ khâu kịch bản, ý tưởng, công trình, đề cương hoạt động văn học nghệ thuật, sáng tạo mới, ngôn ngữ, tương tác với loại hình nghệ thuật nào khác… Rồi đề nghị cấp có thẩm quyền đặt hàng, kêu gọi tài trợ hoặc đơn vị cơ sở nhận vào kế hoạch hằng năm. 

Hội đồng này có ưu điểm: phát hiện được những sáng tạo mới, nâng cao giá trị nghệ thuật theo quy chuẩn đẳng cấp, tránh được tác phẩm tốt mà “chết oan”, sàng lọc được những nhận thức không chuyên như không phải chuyên gia múa mà thẩm định múa, không phải chuyên gia nhạc mà thẩm định nhạc…

Bà Phạm Phương Thảo - Nguyên Phó bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch Hội đồng nhân dân TP.HCM: Cần tổ chức “đối thoại văn hóa”

Cơ sở vật chất cho hoạt động văn học nghệ thuật của thành phố cần được tăng cường rà soát, địa điểm nào cần nâng cấp, dự án nào cần xây mới để xem xét đưa vào danh mục đầu tư; tạo điều kiện để có thêm nhà hát, nơi biểu diễn, phim trường, không gian trưng bày, sinh hoạt văn hóa… Rất cần thiết tổ chức “đối thoại văn hóa” thường xuyên, có sự tham gia của lãnh đạo nhằm lắng nghe những ý kiến đóng góp, đề xuất, hiến kế của văn nghệ sĩ, nhà nghiên cứu - phê bình, nhà quản lý, những người hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa… và ý kiến của người dân, để qua đó tiếp nhận và có hướng xử lý, tháo gỡ kịp thời.

NSƯT Lê Nguyên Đạt: Gắn cải lương với phát triển du lịch

Hành trình của hầu hết các tour du lịch, nhất là dành cho khách nước ngoài không thể thiếu phần thưởng thức nghệ thuật. Chúng ta nên hướng tới xây dựng chương trình phục vụ khách du lịch sao cho thật hiệu quả. Điều cần thiết bây giờ là các cơ quan chức năng cần hỗ trợ cho nhà hát, đơn vị nghệ thuật trong việc thu hút khách đến xem nghệ thuật truyền thống.

Để bạn bè năm châu biết Việt Nam có một nền văn hóa phong phú đậm bản sắc thì con đường làm sân khấu du lịch là một giải pháp hay. Dùng những sản phẩm đặc biệt này phục vụ cho du lịch và lấy nguồn thu đó để tái sản xuất, bảo tồn và phát huy chính các loại hình nghệ thuật của dân tộc là điều hoàn toàn đúng và mang lại nhiều lợi ích.

Song Giang 

(ghi từ hội thảo “Xu hướng vận động của văn học, nghệ thuật tại TP.HCM hiện nay và định hướng phát triển”, do Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM tổ chức sáng 27/12) 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI