Món lẩu tài - sắc nhạt nhòa

18/06/2018 - 11:30

PNO - Gây tò mò cho công chúng về ý tưởng cuộc thi nhan sắc kết hợp cùng ca hát boléro, tuy nhiên, trải qua 10 tuần phát sóng, chương trình 'Duyên dáng bolero' đã không thật sự làm thỏa lòng người hâm mộ dòng nhạc này.

Là sân chơi truyền hình chỉ dành riêng cho các bạn nữ, ngoài việc tranh tài về khả năng ca hát của một cuộc thi âm nhạc chuyên nghiệp, thí sinh Duyên dáng boléro còn phải sở hữu ngoại hình đẹp, duyên dáng và ở mỗi vòng thi, ban tổ chức còn có phần thử thách về tự giới thiệu, dẫn dắt vào bài hát, diễn xuất và cách ứng biến của thí sinh.

Theo ban tổ chức, phần thi nhan sắc được thể hiện qua cách thí sinh xây dựng hình tượng, cách chọn lựa trang phục phù hợp với nội dung bài hát và kỹ năng biểu diễn, truyền tải thông điệp ca khúc. Thế nhưng, chính sự ôm đồm về format chương trình đã khiến Duyên dáng boléro trở thành một cuộc thi thố nửa vời, một “nồi lẩu thập cẩm” nhạt nhòa.

Mon lau tai - sac nhat nhoa
Thí sinh Duyên dáng boléro trình diễn catwalk tại buổi ra mắt chương trình

Thậm chí, không ít khán giả còn cảm thấy hoang mang vì không hiểu mục đích cuối cùng của nhà sản xuất là mong muốn tìm kiếm tài năng âm nhạc thực thụ hay người đẹp sở hữu nhan sắc hàng đầu hoặc... một nghệ sĩ đa tài ở nhiều lĩnh vực giải trí?

Ngay từ hai tập phát sóng đầu tiên, sự xuất hiện của 30 thí sinh được lựa chọn vào vòng bán kết, tham gia tranh tài để đi tiếp vào vòng chung kết đã khiến nhiều khán giả lắc đầu ngao ngán, bởi ngoài việc sở hữu ngoại hình đẹp thì đa phần thí sinh đều “thiếu giọng hát” hoặc chất giọng chỉ ở mức... nghe được chứ chưa hẳn là nhân tố tài năng mới của dòng nhạc boléro.

Mon lau tai - sac nhat nhoa
Thí sinh Lệ Nam bị giám khảo Mỹ Huyền nhận xét rằng cô có nhan sắc nhưng thiếu giọng hát

Điển hình, khi nhận xét về phần dự thi của Lệ Nam – chị gái Nam Em, giám khảo Mỹ Huyền đã thẳng thắn nói giọng hát Lệ Nam như "em nhỏ đang hát chơi ở nhà" chứ không phải trình diễn và cho biết thí sinh "có nhan sắc chỉ thiếu chất giọng".

Trong khi đó, dù tỏ ra tiếc nuối trước nhan sắc cùng hoàn cảnh của Nam Anh, đạo diễn - NSƯT Vũ Thành Vinh vẫn buộc phải loại cô khỏi cuộc thi vì "đây là cuộc thi hát, giọng hát vẫn quan trọng nhất” và anh phải chấm công bằng cho tất cả thí sinh. Kết quả sau vòng bán kết, ban tổ chức đã loại 20 gương mặt xinh xắn để dành phần bước tiếp vào chung kết cho 10 thí sinh may mắn hơn.

Dù theo lời giám khảo, đồng thời cũng là đại diện nhà sản xuất chương trình - NSƯT Vũ Thành Vinh - khẳng định, Duyên dáng boléro là cuộc thi hát và giọng hát vẫn là yếu tố quan trọng nhất. Tuy nhiên với tiêu chí "sân chơi nhan sắc kết hợp ca hát" thì tại vòng tuyển chọn thí sinh ban đầu, những tài năng âm nhạc có chất giọng tốt hơn nhưng không hội đủ yếu tố ngoại hình đã không được lựa chọn.

Mon lau tai - sac nhat nhoa
Đạo diễn, NSƯT Vũ Thành Vinh

Điều này phần nào hạn chế tính cạnh tranh trong chương trình khi một cuộc thi về âm nhạc nhưng nhân tài có khả năng ca hát lại chưa chắc được tham gia. Trong khi đó, những cô gái chỉ cần có vóc dáng phù hợp và giọng hát chưa phải là xuất sắc lại rộng cửa bước vào.

Thực tế, top 3 thí sinh còn lại trong chương trình sau 10 đêm thi hiện tại là những gương mặt không quá nổi trội cả về chất giọng lẫn sắc đẹp so với mặt bằng thí sinh của các cuộc thi khác thuần về chuyên môn.

Mặt khác, BTC còn đòi hỏi mỗi thí sinh phải biết dẫn chuyện truyền cảm vào bài hát sao cho chân thật, câu chuyện lôi cuốn... trong phần thể hiện ca khúc bên cạnh việc chinh phục khán giả bằng nhan sắc đẹp và chất giọng tốt.

Ngoài ra, thí sinh cũng cần phải có thể lực khỏe khoắn để thực hiện các động tác vũ đạo khớp với nhạc và bạn diễn, đồng thời phải biết diễn xuất để thể hiện nội dung của từng lớp kịch trên sân khấu. Với hàng loạt thử thách dành cho thí sinh đan xen ca hát trên đã cũng góp phần biến Duyên dáng boléro trở thành nồi lẩu thập cẩm không có điểm nhấn.

Mon lau tai - sac nhat nhoa
Thí sinh Trương Diễm trong đêm thi đòi hỏi yếu tố vũ đạo

Không thể phủ nhận khi boléro trở thành dòng nhạc thời thượng được nhiều thế hệ khán giả yêu thích, hàng loạt các chương trình truyền hình về boléro cũng đua nhau nở rộ ra đời, kéo theo áp lực cạnh tranh lẫn sự đổi mới nội dung giữa các gameshow boléro là rất lớn.

Nhất là khi những cuộc thi ca hát đơn thuần trở nên nhàm chán, nhà sản xuất đã nghĩ đến việc kết hợp boléro với một loại hình giải trí khác để tăng sự hấp dẫn cho công chúng như: Kịch cùng boléro; Duyên dáng boléro.

Mon lau tai - sac nhat nhoa
Thí sinh Duyên dáng boléro thể hiện khả năng diễn xuất trên sân khấu

Tuy nhiên, không phải sự kết hợp nào cũng mang lại hiệu quả tốt về chất lượng chuyên môn, thay vào đó là cuộc chạy đua theo thị trường ngày càng có xu hướng... tạp kỹ khiến khán giả bị bội thực, nhàm chán.

Duyên dáng boléro là một ví dụ điển hình cho sự thiếu nhất quán về định hướng chương trình, sự tham lam của ban tổ chức khi gom quá nhiều yếu tố, đòi hỏi thí sinh phải đáp ứng được trong một cuộc thi nhưng không thật sự chuyên sâu vào khía cạnh nào, tất cả đều nửa vời và không thuyết phục người xem.

Quang Hùng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI