Mọi món đồ đều xứng đáng có... hơn một cuộc đời

20/11/2022 - 06:09

PNO - Đại dịch COVID-19 dẫn đến những rắc rối trong chuỗi cung ứng và nguy cơ rớt giá tiền mặt do lạm phát, đồ nội thất tái chế đã trở thành sự lựa chọn của nhiều người, góp phần đem lại lợi ích cho không gian sống và môi trường.

 

Những vật dụng cũ được tái sinh nhờ mạng lưới cộng đồng trao đổi việc tốt guilde
Những vật dụng cũ được tái sinh nhờ mạng lưới cộng đồng trao đổi việc tốt guilde

Làm sống lại kỹ năng… sửa chữa

Tại Hà Lan, việc tìm một người có thể sửa chữa đồ đạc bị hư, vá quần áo hoặc phục hồi những vật dụng kỷ niệm của gia đình đã trở nên dễ dàng hơn nhờ nền tảng trực tuyến guilder. Đây là một nền tảng trao đổi sửa chữa, cho phép sửa chữa miễn phí đồ vật bị hỏng. Nhiều chiếc ghế, bình trà, xe đạp, ba lô… đã được sửa kể từ khi guilder hoạt động (đầu năm 2022).

Anh Ollee Means - ở Eindhoven, Hà Lan - đã tạo ra nền tảng này như một cách để xử lý rác thải bởi anh tin rằng "mọi đồ vật đều đáng được sửa chữa".

Theo anh, các kỹ năng để sửa chữa cũng vô cùng cần thiết trong việc định hình một nền kinh tế tái sử dụng. Anh nói: “Có thể sửa chữa và sửa chữa mọi thứ là một kỹ năng quý giá mà nhiều cộng đồng trên thế giới đang dần đánh mất. Mọi người sẵn sàng chi nhiều tiền hơn để mua một món đồ mới hơn là tìm cách sửa cái hiện có. Điều này tạo ra sự lãng phí đồng thời ảnh hưởng xấu đến môi trường”.

Guilder cho phép người dùng trao đổi những việc làm tốt với nhau. Một người có thể nhờ người khác sửa giúp chiếc chân ghế và đáp lại bằng cách vá quần áo hoặc việc sửa máy hút bụi được trao đổi với việc cắt tóc.

Cách đây không lâu, việc tự sửa đồ vật trong nhà khá phổ biến - từ quần áo đến đồ đạc, thậm chí ô tô. Ngoài ra, hầu hết các khu dân cư đều có thợ sửa giày, các cửa hàng chuyên sửa ti vi, máy hút bụi... Ngày nay, nhiều nhà sản xuất làm cho sản phẩm không thể thay thế được. Động cơ ô tô được đóng kín nên bạn không thể sửa chữa chúng, hàng hóa điện tử được dán kín khiến chúng khó tháo lắp.

Trước tình hình đó, Liên minh châu Âu đã bỏ phiếu ủng hộ Quyền sửa chữa, với những cải cách đầu tiên được đưa ra vào năm 2020 như một phần trong các bước quan trọng để đạt được một nền kinh tế tuần hoàn. Với luật mới, các sản phẩm sẽ được thiết kế để có thể sửa chữa, giúp kéo dài tuổi thọ của chúng.

Gìn giữ nét cổ điển và bảo vệ môi trường

Những đồ nội thất cổ điển của Đan Mạch được Lars Noah Balderskilde chuyển đến Mỹ, chờ được hồi sinh
Những đồ nội thất cổ điển của Đan Mạch được Lars Noah Balderskilde chuyển đến Mỹ, chờ được hồi sinh

Cách sông Hudson chưa đầy 1,6km, khu phức hợp công nghiệp hoành tráng ở thành phố Jersey, bang New Jersey (Mỹ) ẩn chứa một kho đồ nội thất cổ điển của Đan Mạch. Bước vào trong, khách được chào đón bằng một tấm biển đề “Xưởng thiết kế Lanoba”. Đây là sản phẩm trí tuệ của doanh nhân Đan Mạch Lars Noah Balderskilde và đối tác kinh doanh của anh - David Singh.

Hằng năm, kể từ năm 2016, Balderskilde đều bay về Đan Mạch để săn lùng đồ nội thất cũ. Anh tìm đến các chợ trời, gõ cửa nhiều căn nhà và đến các bãi rác để tìm đồ đạc bỏ đi, sau đó đóng gói chúng và chuyển đến Mỹ, cùng Singh tân trang rồi bán.

Trong 5 năm, Balderskilde đã tìm thấy hơn 10.000 vật dụng. Nếu thùng rác của người này có thể là kho báu của người khác thì Lanoba Design hoàn toàn làm chủ được nghệ thuật săn tìm kho báu. Trong một thế giới mà người Mỹ thải ra hơn 12 triệu tấn đồ nội thất mỗi năm, xưởng thiết kế Lanoba là một chiến binh của nền kinh tế tuần hoàn, đem sức sống đến cho những món nội thất Đan Mạch tưởng chừng bỏ đi và tạo cho mình một chỗ đứng vững chắc giữa thị trường đồ nội thất bão hòa.

Sáng kiến của Ollee Means giúp tránh lãng phí, giảm ô nhiễm và gắn kết mọi người
Sáng kiến của Ollee Means giúp tránh lãng phí, giảm ô nhiễm và gắn kết mọi người

Balderskilde đam mê đồ nội thất cổ điển từ khi còn nhỏ. Thay vì đến công viên giải trí, cậu bé ngày đó chọn đến chợ trời. Anh trai đã dạy Balderskilde rất nhiều kỹ năng tân trang đồ nội thất.

Dù vậy, phải đến nhiều năm sau, khi Balderskilde và Singh cùng chuyển đến Chicago lập nghiệp và nhận thấy những món đồ nội thất Đan Mạch được bán nhiều tại các chợ trời, họ mới nhận ra đây có thể là một cơ hội kinh doanh tốt. Nhà kho ở New Jersey chứa bàn làm việc, tủ đầu giường, bàn, ghế, tủ quần áo và vô số sản phẩm gỗ gia dụng khác của Đan Mạch. Một số được tân trang và trưng bày. Một số khác nằm yên ở góc nhà kho, chờ ngày tái sinh. Khách hàng có thể mua vật dụng cũ hoặc trả thêm khoảng 20% để chúng được tân trang như mới. 

Balderskilde cho biết, có thể mất từ ba giờ đến hai ngày để tân trang một món đồ. Đối với anh, việc khôi phục một món đồ nội thất giống như bảo tồn một phần lịch sử thiết kế của Đan Mạch. Singh nói thêm: “Có một số vật dụng mang tính kỷ niệm. Chẳng hạn chiếc kệ từ nhà bà Matilda là món quà cưới của bà ấy, được bà giữ gìn suốt 60 năm tại nơi đẹp nhất trong phòng khách”.

Tuy nhiên, hầu hết các vật dụng do Balderskilde tìm thấy nằm trong tầng hầm, gác xép hoặc nhà xe của mọi người. Lanoba được xem như phản đề của xu hướng đồ nội thất “nhanh”. Bằng cách thổi sức sống mới vào các món nội thất cũ, các nhà thiết kế đang cắt giảm tác động môi trường liên quan đến việc chế tạo mới đồ nội thất. 

Tận dụng sức mạnh của mạng xã hội

Một nhân viên của Lanoba đang tỉ mỉ sơn lại ngăn tủ cũ
Một nhân viên của Lanoba đang tỉ mỉ sơn lại ngăn tủ cũ

Tháng 7/2019, Elle Woodworth tất bật nuôi ba đứa con cùng chồng ở Fort Myers, bang Florida (Mỹ). Bất chợt, cô nảy ra một ý tưởng kiếm thêm thu nhập mà sau này đã thay đổi hoàn toàn cuộc đời họ. Căn nhà gia đình Woodworth đang sống khá chật chội, chồng cô phải làm việc 60 giờ mỗi tuần để trang trải chi phí.

Bà nội trợ 36 tuổi cho biết: “Một ngày nọ, tôi cùng các con dọn dẹp nhà xe và nhìn thấy những chiếc ghế xếp chồng tôi nhặt ở ven đường vài tháng trước. Tôi đăng hình chụp những chiếc ghế cũ trên Facebook Marketplace”. Cô đưa ra mức giá 35 USD cho bộ ghế và chúng được mua ngay hôm đó.

Ba năm sau, Elle Woodworth là người đồng sáng lập Elle Woodworthy, một công ty kinh doanh đồ cũ với doanh thu hàng trăm ngàn USD mỗi năm - đủ để gia đình cô chuyển đến một ngôi nhà lớn hơn. Việc hồi sinh đồ nội thất cũ bằng cách tân trang hoàn toàn hoặc chỉ làm sạch bên ngoài không những tránh được các vấn đề về chuỗi cung ứng mà còn khá thu hút sự quan tâm từ một số người. Điều đó thể hiện qua lượt theo dõi trực tuyến và lợi nhuận những công ty như Elle Woodworthy đạt được.

Theo Lisa Revelli - người phát ngôn của Công ty Meta - danh sách đồ nội thất trên Facebook Marketplace ở Mỹ đã tăng hơn 40% vào nửa đầu năm 2022 so với cùng thời điểm năm 2021. Tương tự trong cùng khoảng thời gian, từ khóa #furnitureflip có số người theo dõi trên Instagram tăng 29%, cùng hơn 18.000 video và gần 225 triệu lượt xem trên TikTok ở Mỹ.

Nhờ các món đồ cũ, Elle Woodworth đã có một công việc ổn định
Nhờ các món đồ cũ, Elle Woodworth đã có một công việc ổn định

Christina Clericuzio - nhân viên bán hàng cho một công ty công nghệ ở Trumbull, bang Connecticut (Mỹ) - đã tải TikTok về điện thoại vào năm 2020 vì nghĩ rằng nó sẽ giúp cô giải trí giữa lúc cách ly cùng cha mẹ. Christina cho rằng cô có thể thử tham gia trào lưu “biến cũ thành mới” vì gia đình cô sở hữu rất nhiều vật dụng cũ ở tầng hầm. Christina chia sẻ: “Tôi tự học bằng cách xem các video trên YouTube”.

Christina thường bắt đầu làm mới các món đồ cũ vào tối thứ Năm, sau đó tải lên đoạn hướng dẫn hoàn chỉnh vào Chủ nhật. Hàng chục ngàn người theo dõi Instagram và TikTok của cô, chờ chúng xuất hiện. Sau đó, cô bán những món đồ cũ đã được tân trang thông qua Facebook.

Christina giải thích: “Nhiều người không đủ khả năng chi hàng ngàn USD cho đồ nội thất và những món đồ đó cũng không bền như những thứ được làm trong quá khứ. Vì vậy, thật vui khi tôi có thể cho mọi người thấy rằng họ có thể tân trang vật dụng cũ với chi phí thấp hơn nhiều”. 

Ngọc Hạ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI