Mỉm cười với tin đồn

16/06/2015 - 10:12

PNO - PN - Có nhà văn chỉ ra thói ra xấu của văn giới nước Việt, là hay sống, hay nghĩ bằng giai thoại về người khác. Trường hợp cụ thể nhất là thi sĩ Bùi Giáng.

edf40wrjww2tblPage:Content
Mim cuoi voi tin don

Những năm trước đây, khi tái bản tác phẩm Bùi Giáng và nhất là khi ông về cõi tiên, biết bao câu chuyện về ông đã được thêu dệt. Người viết, người kể lại còn coi mình là bạn hữu, tri âm với Bùi thi sĩ, được ông trao “y bát”, nên nói như thấy, như thật. Một người bình luận: ông Bùi Giáng gặp ai cũng chào là đại ca.

Tính ông hay cà rỡn nên khi phóng bút tặng thơ mừng bữa sơ ngộ, ông tiếc chi mà không cho người ta một chữ đại ca! Thiên hạ lấy đó làm sướng.

Thử hỏi, có ai sống, làm thơ và viết phê bình như ông không, thì làm sao hiểu được ông mà tung hô tứ tung lên? Nhưng biết làm sao, người kể lúc đó đang sống trong trạng thái "xuất thần", kể về người khác để thấy mình quan trọng, biết nhiều, khiến kẻ nghe phải trố mắt ngưỡng mộ. Thế nhưng, khi bị truy xét nguồn gốc thông tin, họ thản nhiên trả lời: thì nghe ông kia bà nọ kể. Chẳng chết ai!

Nhưng, có biết bao tin đồn đã làm khổ biết bao người, mà người kể thì cứ “hồn nhiên cô tiên”, không cần biết đối tượng bị tung tin đồn đang khốn đốn. Không cần ra chợ, cứ vào công sở, ra quán nhậu, là bể cả đầu với câu hỏi: Nghe chuyện đó chưa? Có biết chi chưa? Không cần người được hỏi trả lời là cần nghe hay không, máy bật lên và cứ vậy ra rả. Một thành trăm, trăm thành triệu, càng li kỳ hấp dẫn, càng trái ngang kinh dị càng tốt.

Chuyện trọng đại, người nổi tiếng, kẻ của công chúng được nhiều người biết đến bị “ăn” tin đồn đã đành, ngay như những chuyện vụn vặt áo cơm, xin cho con vào học, chữa bệnh thông thường cũng không thoát khỏi. Người nghe, nếu có dính líu trực tiếp và gián tiếp, nếu không bản lĩnh, chắc chắn sa vào ma trận, bấn loạn cả lên. Mà coi chừng, càng thanh minh càng bị thổi lên cao, ném đá, quy chụp. Khó mà thống kê ra đây biết bao câu chuyện như thế.

Một thói lạ là không hiểu sao dân ta hay sống bằng tin đồn. Gặp nhau, không có chuyện mới lạ, coi như không có quà tặng nhau. Mỗi người đều có cái đầu mà không hiểu sao lại phải nhờ vào miệng người khác khi nói và nghĩ, rồi ngay cả khi họ trực tiếp chứng kiến sự việc nhưng không chịu minh xét.

Heo mặt chó, trâu mặt heo, đến trẻ con cũng biết đó chẳng qua là những biến đổi sinh học, thế nhưng thiên hạ cứ ùn ùn kéo đến, rồi vẽ ra chuyện này có liên quan đến thánh thần, kẻ độc địa còn cho rằng mồ mả nhà gia chủ bị động! Có thời kỳ, mấy bà ở chợ đồn nhau cá biển được tàu đánh bắt ướp toàn phân u rê nên tươi lâu. Người viết kiểm chứng lại mấy chủ tàu lớn, họ phì cười: mua đá ướp đã tốn cả đống tiền, mắc mớ chi mua phân u rê đem đổ biển. Hệ thống ướp lạnh, giữ cá bây giờ hiện đại, tàu công suất lớn chạy về nhanh, tội chi đi làm bậy, thiên hạ biết thì mình chết.

Thế nhưng người ta vẫn rỉ tai: cá có phân u rê. Hỏi, thì nghe nói rứa, thôi né cho chắc ăn. Người ta sống bằng tin đồn, bởi chẳng ảnh hưởng chi đến tiền bạc, uy tín của họ, nên cứ nói cho sướng miệng, ai chết nấy chịu. Đó là một dạng của lối sống vô cảm, bởi nó khiến biết bao nhiêu người, bao nhiêu gia đình phải tan nát. Đáng sợ hơn, tin đồn còn hiển hiện thành tin thật trên các "xa lộ thông tin" dẫn đến bao cuộc đời bị oan ức, mà cơ hội minh oan xa lắc xa lơ, thậm chí không có, khi được gỡ oan rồi cũng “được vạ thì má đã sưng”.

Vẫn hay thấy người ta khuyên: khi tin đồn nổi lên, thì không cách nào khác là nói thật, bởi không thật là đổ thêm dầu vào lửa. Cao tay hơn nói là vừa nói vừa làm, kết quả sẽ là câu trả lời hay nhất. Cũng có người chọn cách im lặng, coi đám đông là... đinh rỉ, họ nói mỏi miệng, hết nói. Nhưng chắc chắn họ không bao giờ mỏi miệng, nếu như sau đó, bạn lại xuất hiện và câu hỏi ngày xưa sẽ quay về cùng những “tra tấn” riêng tư: hiện ông, bà đang làm gì, nghĩ gì, ở đâu?

Không hệ thống pháp luật nào đủ điều, mục chế tài những tin đồn. Có người lại khuyên: hãy mỉm cười với tin đồn nhưng không phải ai cũng đủ sức làm điều đó. Cách tốt nhất là đừng sống lấp lửng, tạo đất cho tin đồn ươm mầm.

TRUNG VIỆT

Bài vở tham gia trên trang Bạn đọc, vui lòng gửi về email bandocphunu@gmail.com.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI