Miền Trung quy hoạch khu công nghiệp rồi... bỏ hoang

22/04/2022 - 06:31

PNO - Ở miền Trung, nhiều vùng đất màu mỡ bị thu hồi để làm khu công nghiệp nhưng sau đó bỏ hoang do quy hoạch và đầu tư nửa vời, nhà đầu tư quay lưng. Nhìn những vùng đất hoang hóa này, người dân lẫn chính quyền địa phương đều ngao ngán, xót xa...

10 năm, “khu công nghiệp” chỉ là... trảng cát

Theo bản quy hoạch từ năm 2013, khu công nghiệp (KCN) Quảng Vinh rộng 130ha, nằm ở xã Quảng Vinh và một phần xã Quảng Lợi, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế, được định hướng là KCN tổng hợp, ưu tiên phát triển các ngành chế biến nông sản, thủy sản, thức ăn chăn nuôi, công nghiệp nhẹ và công nghiệp sạch.

Tuy nhiên, sau gần mười năm xây dựng, ngoài hai tuyến đường cùng hệ thống điện chiếu sáng dẫn vào KCN, nơi đây gần như chưa có gì ngoài trảng cát lớn cùng một số cây cối, mồ mả chưa được giải tỏa. Tại khu vực B1, B2, từ năm 2018, UBND huyện Quảng Điền đã giải phóng mặt bằng với diện tích khoảng 14ha để chờ nhà đầu tư nhưng đến nay vẫn hoang hóa.

Nhiều khu công nghiệp ở miền Trung bỏ hoang trong khi người nông dân lại thiếu đất để canh tác ẢNH: NHÓM PHÓNG VIÊN
Nhiều khu công nghiệp ở miền Trung bỏ hoang trong khi người nông dân lại thiếu đất để canh tác - Ảnh: Nhóm phóng viên

Ông L.Đ.P. - nhà ở gần KCN Quảng Vinh - lắc đầu ngán ngẩm: “Đường sá ở đây khá đẹp, nối ra quốc lộ, tỉnh lộ nhưng chẳng thấy ai đến đầu tư xây nhà máy. Trong khi đó, nhiều hộ dân có trang trại nằm trong vùng quy hoạch KCN không dám đầu tư vì sợ bị thu hồi đất”.

Ông Nguyễn Dũng - ở thôn Phổ Lại, xã Quảng Vinh - cho biết cách đây mười năm, được chính quyền địa phương khuyến khích, gia đình ông ra rú cát cải tạo đất làm trang trại chăn nuôi gà vịt, gia súc. Sau đó không lâu, KCN Quảng Vinh được thành lập, khu đất do ông cải tạo bị đưa vào vùng quy hoạch nhưng đến nay vẫn chưa được đền bù. “Nhà cửa của tôi và nhiều hộ nằm trong vùng quy hoạch KCN nên không thể cơi nới, xây dựng. KCN cứ nằm không như thế này vừa lãng phí đất, vừa khiến dân không ổn định được cuộc sống” - ông nói.

Ông Phan Gia Phú - Phó trưởng phòng Kinh tế Hạ tầng huyện Quảng Điền - cho hay năm 2017, UBND huyện đã triển khai đầu tư giai đoạn 1, làm đường bê tông nhựa rộng 19,5m, dài 3km nối KCN với Quốc lộ 1A và làm đường nhựa rộng 10m nối KCN với Tỉnh lộ 11A, đồng thời làm hệ thống đèn chiếu sáng trên các trục đường này. Tuy nhiên, việc thiếu đường nội bộ, thiếu khu xử lý nước thải, hệ thống cây xanh khiến KCN này không thu hút được các nhà đầu tư.

Cũng theo ông Phan Gia Phú, từ năm 2015, Công ty TNHH MTV Cúc Gia Bảo đã xin đầu tư nhà máy sợi với quy mô 40.000 cọc sợi và lắp đặt 40-50 chuyền may trong KCN này nhưng sau đó “một đi không trở lại”. Một nhà đầu tư Hàn Quốc cũng đến xem xét để đầu tư, nhưng họ e ngại hệ thống cầu đường không chịu được tải trọng (từ Quốc lộ 1A vào KCN, hệ thống cầu chỉ chịu được 20-30 tấn trong khi dàn máy của họ nặng đến 80 tấn). Thêm nữa, Quảng Điền là vùng trũng, khu vực quy hoạch KCN khá cao nhưng hạ tầng bên ngoài đều thấp, ngập lụt hằng năm, vị trí KCN lại nằm xa cảng Chân Mây nên nhà đầu tư không ưng ý.

Tận thu đất đem bán rồi ngưng san lấp

Mười năm trở lại đây, UBND tỉnh Quảng Nam thành lập nhiều KCN, có nhiều chính sách ưu đãi đối với nhà đầu tư. Toàn tỉnh hiện có 13 KCN đang hoạt động, với 2.087,54ha đất công nghiệp, đã cho thuê 930,45ha, tỷ lệ lấp đầy đạt 42% và còn khoảng 334,78ha đất công nghiệp đã giải phóng mặt bằng, có hạ tầng đầy đủ để có thể cho thuê đất. Tuy nhiên, vẫn còn đó những dự án KCN “đắp chiếu”. 

Khu đất hơn 100ha đã được UBND tỉnh Quảng Ngãi giải phóng mặt bằng nhưng Công ty Hoàng Thịnh Đạt vẫn thi công ì ạch và chậm tiến độ nhiều năm - ẢNH: LÊ ĐÌNH DŨNG
Khu đất hơn 100ha đã được UBND tỉnh Quảng Ngãi giải phóng mặt bằng nhưng Công ty Hoàng Thịnh Đạt vẫn thi công ì ạch và chậm tiến độ nhiều năm - Ảnh: Lê Đình Dũng

Cụm công nghiệp Tam Mỹ Tây được UBND tỉnh Quảng Nam phê duyệt và dự toán kinh phí thực hiện từ năm 2011 với diện tích khoảng 20ha, giao cho UBND H.Núi Thành làm chủ đầu tư. Năm 2014, dự án được thông qua quy hoạch chi tiết với tổng kinh phí đầu tư hơn 66 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành vào năm 2018, ưu tiên cho các doanh nghiệp (DN) vừa và nhỏ đầu tư. UBND tỉnh Quảng Nam giao Công ty TNHH Đầu tư Xuân Vượng san lấp mặt bằng dự án và được phép tận thu nguồn đất đồi tại đây. Công ty Xuân Vượng đã ồ ạt khai thác đất đồi bán cho một số DN khác và từ năm 2019 thì dừng san lấp.

Ông Nguyễn Quang Thạnh - Giám đốc Ban Quản lý dự án, quỹ đất huyện Núi Thành, chủ đầu tư dự án cụm công nghiệp Tam Mỹ Tây - giải thích đất quy hoạch cụm công nghiệp là một quả đồi, sau khi san lấp tại chỗ thì thừa ra một lượng đất. DN san lấp mặt bằng được UBND tỉnh cho phép tận thu lượng đất này. Có nhiều tảng đá lớn lẫn trong đồi đất nên DN không tận thu được và phải dừng san lấp. UBND tỉnh cũng đã thu hồi giấy phép tận thu của công ty trên. Để phá đồi đá này, cần khoản chi phí rất lớn.

Dân và chính quyền địa phương bức xúc

Năm 2007, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi ký quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết KCN Phổ Phong nằm trên địa bàn hai xã Phổ Phong và Phổ Nhơn, huyện Đức Phổ, nay là thị xã Đức Phổ. KCN này cách Quốc lộ 1A 8km về hướng tây, cách cảng Dung Quất và sân bay Chu Lai hơn 70km. Các lĩnh vực được kêu gọi đầu tư vào KCN này gồm sản xuất vật liệu xây dựng, may mặc, công nghiệp phụ trợ, chế biến nông - lâm - thủy sản, công nghiệp nhẹ ít gây ô nhiễm môi trường. 

Gần mười năm kể từ khi được thành lập và quy hoạch chi tiết, đến nay, khu công nghiệp Quảng Vinh (Thừa Thiên - Huế) vẫn bỏ hoang do chưa có nhà đầu tư - ẢNH: THUẬN HÓA
Gần mười năm kể từ khi được thành lập và quy hoạch chi tiết, đến nay, khu công nghiệp Quảng Vinh (Thừa Thiên - Huế) vẫn bỏ hoang do chưa có nhà đầu tư - Ảnh: Thuận Hóa

Qua nhiều lần điều chỉnh quy hoạch, KCN này có tổng diện tích 157,382ha, trong đó đất công nghiệp để cho thuê là 104,04ha. Nhưng đến nay, tỷ lệ lấp đầy mặt bằng của KCN này là… 0%. Trong KCN, tiếc đất, người dân đã tận dụng để trồng dưa hấu. Ngoài hai cây cầu dẫn từ đường lớn vào, KCN nay vẫn chỉ là vùng đất bằng phẳng dài tít tắp và những cây cột điện nằm phơi mình dưới nắng mưa.

Bà Nguyễn Thị Hà - ở thôn Vạn Lý, xã Phổ Phong - cho biết: “Khu vực này là đất của Công ty cổ phần Nông lâm nghiệp 24/3 Quảng Ngãi. Trước giờ, người dân vẫn hợp đồng thuê đất ở đây để canh tác. Chúng tôi nghe nói có dự án làm KCN nhưng ngoài mấy cây cột điện thì không thấy gì thêm”. Hiện nay, bà Hà cùng nhiều nông dân khác vẫn ngày ngày canh tác trên khu đất này và mong những nhà máy mọc lên để con em có việc làm tại quê nhà thay vì tha hương.

Ông Phan Tiến Định - Chủ tịch UBND xã Phổ Phong - cho hay bên cạnh KCN bị bỏ hoang này, xã Phổ Phong còn có cụm công nghiệp do UBND huyện làm chủ đầu tư, nhà máy đã lấp đầy, cho thấy nhu cầu đầu tư của các DN rất lớn. Theo ông, nhu cầu việc làm của người dân ở đây rất lớn. Đơn cử, trong đợt bùng phát dịch COVID-19 vừa qua, xã có khoảng 1.000 người trở về tránh dịch; nếu có các nhà máy tại chỗ, bà con sẽ vào làm việc ngay.

Liên quan đến sự ì ạch của dự án KCN Phổ Phong, ông Đàm Văn Lễ - Phó trưởng Ban Quản lý khu kinh tế Dung Quất và các KCN tỉnh Quảng Ngãi - cho biết theo quy định, KCN phải hoàn thiện khu xử lý nước thải và hạ tầng giao thông nội bộ mới được kêu gọi đầu tư. Nhưng trong KCN Phổ Phong hiện chưa có gì hết, ngân sách chỉ đủ đầu tư mấy tuyến đường vào. “Cũng có DN xin đầu tư làm nhà máy trong KCN nhưng do hạ tầng KCN chưa hoàn thiện nên chưa thể cho vào được” - ông nói.

Cách KCN Phổ Phong khoảng 70km về phía bắc, giáp ranh với tỉnh Quảng Nam, có dự án Khu đô thị công nghiệp Dung Quất ở xã Bình Thạnh, H.Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, do Công ty cổ phần Hoàng Thịnh Đạt làm chủ đầu tư. Theo quy hoạch chi tiết xây dựng 1/500, khu này có diện tích 496ha. 

Tháng 8/2016, Ban Quản lý khu kinh tế Dung Quất và các KCN tỉnh Quảng Ngãi cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư giai đoạn 1 cho dự án, trong đó yêu cầu hoàn thành giai đoạn 1 vào quý II/2019. Tuy nhiên, sau nhiều năm, dự án vẫn ì ạch ở khâu giải phóng mặt bằng; hình ảnh một khu hạ tầng đô thị công nghiệp hiện đại bên tuyến đường ven biển dẫn ra sân bay Chu Lai, cạnh khu du lịch Thiên Đàng vẫn nằm trên giấy. 

Nhà ở bên cạnh con đường nham nhở dẫn vào dự án, ông Lê Nam - ở thôn Trung An, xã Bình Thạnh - ngao ngán: “Cả vùng này trước đây là những cánh đồng trồng hoa màu, rừng dương xanh ngút ngàn. Thế nhưng, sau hơn mười năm, cả vùng này biến thành đồng khô cỏ cháy. Khi Công ty Hoàng Thịnh Đạt động thổ, người dân từng di dời phục vụ dự án khấp khởi chờ sự đổi thay, con em sớm có việc làm nhưng rồi thất vọng tràn trề”.

Ông Huỳnh Tấn Dũng - Chủ tịch UBND xã Bình Thạnh - cho biết năm 2017, việc giải phóng mặt bằng tại dự án này cơ bản hoàn thiện, chỉ còn một số mồ mả chưa được di dời do dân chưa đồng ý với giá đền bù. Tuy nhiên, từ năm 2017 đến nay, dự án nằm im. Trong đợt mưa vừa rồi, do dự án đào lên để đó, không tạo đường mương thoát nước nên các thôn Hải Ninh, Vĩnh An đã bị ngập. “Sau đó, chúng tôi có làm việc với đại diện Công ty Hoàng Thịnh Đạt. Họ đã nạo vét kênh mương và đắp lại bờ, nhưng chúng tôi lo ngại rằng, trong mùa mưa tới, tình trạng ngập lụt sẽ tái diễn” - ông nói.

Theo ông Đàm Văn Lễ, UBND tỉnh đang làm thủ tục thu hồi giai đoạn 1B và giai đoạn 2 của dự án này. Đối với giai đoạn 1A, UBND tỉnh đã bàn giao hơn 100ha mặt bằng sạch nhưng Công ty Hoàng Thịnh Đạt vẫn chưa triển khai gì nhiều. Ông nói: “Họ chưa xây trạm xử lý nước thải mà cứ đổ thừa khâu giải phóng mặt bằng, chỉ vướng chút xíu là kêu. Hiện chúng tôi đang củng cố về mặt pháp lý để đề xuất xử lý nếu công ty tiếp tục chậm tiến độ”.

Ngoài khu đô thị công nghiệp Dung Quất dây dưa nhiều năm, KCN Sài Gòn - Dung Quất nằm ở xã Bình Thạnh cũng bắt đầu có nhiều đất bị hoang hóa. Ông Huỳnh Tấn Dũng cho biết, trong KCN này, có khoàng hơn 30 DN làm ăn thua lỗ, đóng cửa nhà máy. Ngoài ra, còn nhiều đất trống chưa có nhà máy. Do đó, UBND xã kiến nghị chính quyền cấp trên có chủ trương thu hồi các dự án bỏ không để thu hút dự án mới, tạo công ăn việc làm cho nhân dân địa phương. 

Dung Quất và các KCN tỉnh Quảng Ngãi hiện quản lý tám KCN và khu đô thị Vạn Tường. Trong đó, KCN Phổ Phong và khu đô thị công nghiệp Dung Quất vẫn chưa hoàn thiện hạ tầng, các KCN còn lại có tỷ lệ lấp đầy khá cao. 

Năm 2021, giá trị sản lượng công nghiệp, dịch vụ của các DN trong các KCN của tỉnh Quảng Ngãi đạt 180.210 tỷ đồng, vượt gần 22% so với kế hoạch năm, nộp ngân sách nhà nước 18.952 tỷ đồng, đạt 136,34% so với kế hoạch, kim ngạch xuất khẩu đạt 1.410 triệu USD, giải quyết việc làm mới cho gần 10.700 người, đạt 214% kế hoạch. 

Thuận Hóa - Nguyễn Dương - Đình Dũng

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI