Đà Nẵng: Cuộc sống của dân “giậm chân” theo dự án treo

24/12/2021 - 06:56

PNO - Hàng loạt đồ án quy hoạch treo từ năm này sang năm khác khiến cuộc sống của người dân ở nhiều phường, xã tại TP.Đà Nẵng gặp khốn đốn kéo dài.

Hơn 15 năm đội đơn và… chờ

Hàng loạt đồ án quy hoạch các dự án ở H.Hòa Vang, TP.Đà Nẵng, vừa được chính quyền huyện này đề nghị hủy quy hoạch với lý do: chậm triển khai, gây ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân.

Người dân xã Hòa Bắc gặp khó khăn cả chục năm nay do sự trì trệ của dự án Thủy điện Sông Nam - Sông Bắc
Người dân xã Hòa Bắc gặp khó khăn cả chục năm nay do sự trì trệ của dự án Thủy điện Sông Nam - Sông Bắc

Tại xã Hòa Bắc, cụm công trình Thủy điện Sông Nam - Sông Bắc là nỗi ám ảnh của bao người dân suốt chục năm qua. Dự án có quy mô 3.117ha, do Công ty cổ phần Thủy điện Geruco Sông Côn (thuộc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam) đề xuất, được phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 từ năm 2010. Thế nhưng, từ đó đến nay mới chỉ có 177/597 hồ sơ được đền bù, còn lại thì “đi cũng dở, ở không xong”, cuộc sống bị ảnh hưởng nặng nề.

Ông Phan Văn Cảnh (tổ 1, thôn Giàn Bí, xã Hòa Bắc) cho biết, đất vườn nhà ông được đơn vị thi công lắp đặt bốn trụ điện cao thế từ năm 2012, nhưng đến nay ông vẫn chưa được nhận tiền đền bù. “Năm 2012, họ đưa phiếu cho gia đình tôi và hẹn xuống đường Hoàng Văn Thụ để nhận tiền đền bù. 373m2 bị lấy được áp giá 10.000 đồng/m2. Đền bù như vậy thì đồng bào dân tộc chúng tôi sống thế nào!” - ông Thành nói.

Bà Trương Thị Mụn (tổ 2, thôn Tà Lang, xã Hòa Bắc) cũng cùng cảnh ngộ: “Năm 2007, gia đình tôi bị thu hồi 2ha đất màu, được đền bù 26 triệu đồng, 5ha đất rừng cũng được áp giá quá thấp. Chúng tôi không đồng ý”.

Bà con còn cho biết, đơn vị thi công cho trồng hàng loạt trụ điện trên đất khiến mặt đất bị tàn phá, đất đá ngổn ngang, việc canh tác gặp nhiều khó khăn. “Cả chục năm trời, chúng tôi vẫn không biết dự án sẽ dừng hay tiếp tục. Cuộc sống của chúng tôi chủ yếu dựa vào việc canh tác đất đai. Bị lấy đất, đền bù thấp, thậm chí hơn chục năm rồi vẫn chưa đền bù nên bà con tiến thoái lưỡng nan” - bà Mụn nói.

Ở xã Hòa Nhơn, câu chuyện khốn khổ của gia đình cán bộ hưu trí Đoàn Tấn Thành cũng không xa lạ với lãnh đạo H.Hòa Vang và các ban ngành ở Đà Nẵng. Năm 2004, toàn bộ 4.640m2 đất của gia đình ông Thành nằm trọn trong một dự án và được thành phố sắp xếp tái định cư. Đến năm 2008, dự án bị hủy, nhưng đất lại được chuyển sang dự án xây dựng Trường cao đẳng Phương Đông (cơ sở II), được các cơ quan chức năng thẩm định, áp giá đền bù và phân lô tái định cư.

Nhưng đến nay, đã 11 năm trôi qua, dự án vẫn nằm trên giấy và gia đình ông cũng vẫn chưa nhận được tiền đền bù và đất tái định cư để ổn định cuộc sống. “17 năm qua, gia đình chúng tôi phải sống trong khu quy hoạch treo, nhà cửa không được sửa chữa, chỉnh trang, mở rộng sản xuất, phát triển chăn nuôi, cuộc sống hoàn toàn “giậm chân” theo dự án của họ. Chúng tôi đã phải gánh chịu rất nhiều hệ lụy. Chúng tôi chỉ muốn ổn định cuộc sống mà sao khó khăn đến vậy” - ông Thành phản ánh. Cũng vì thế mà hàng chục năm nay, ông Thành đã đội đơn đến khắp các cấp, các ngành, nhưng kết quả không đi đến đâu. 

Ông Thái Văn Hoài Nam - Chủ tịch UBND xã Hòa Bắc - nhìn nhận, dự án bao phủ trên diện tích rất lớn, chậm tiến độ nhiều năm nên người dân bị ảnh hưởng nặng nề. Trong lúc dự án chưa triển khai, thành phố có chủ trương cho người dân quay lại sản xuất trong khu vực lòng hồ, nhưng cũng chỉ cầm chừng vì vướng các quy định về sở hữu. “Thành phố mà tiến hành thu hồi dự án thì người dân sẽ yên tâm để làm ăn canh tác, vì các thủ tục về sở hữu đất sản xuất sẽ được suôn sẻ” - ông Hoài Nam nói.

100% người dân đồng ý hủy bỏ các đồ án

Đơn từ của gia đình ông Đoàn Tấn Thành đã được chính quyền Đà Nẵng họp bàn rất nhiều. Đến tháng 10/2020, Chủ tịch UBND thành phố lúc đó là ông Huỳnh Đức Thơ đã có kết luận chỉ đạo các cấp ngành rà soát để xem xét xử lý đối với đồ án Trường cao đẳng Phương Đông.

Quy hoạch treo khiến gia đình ông Đoàn Tấn Thành phải sống khốn khổ  ngay trên mảnh đất của mình suốt 15 năm qua
Quy hoạch treo khiến gia đình ông Đoàn Tấn Thành phải sống khốn khổ ngay trên mảnh đất của mình suốt 15 năm qua

Sau khi rà soát, UBND H.Hòa Vang đã đề xuất Sở Xây dựng sớm điều chỉnh quy hoạch tại khu vực này để giải quyết dứt điểm vụ việc. Nhưng Sở Xây dựng lại cho biết quy hoạch vẫn đang triển khai.

Không riêng gì hai dự án vừa nêu mà phần lớn các đồ án quy hoạch nằm trên địa bàn H.Hòa Vang (khoảng 174 đồ án và 28 sơ đồ ranh giới sử dụng đất được duyệt) vẫn đang trong trạng thái… treo! Trong 21 đồ án quy hoạch, 28 sơ đồ ranh giới sử dụng đất được Sở Xây dựng Đà Nẵng rà soát thì có 5 đồ án quy hoạch tỷ lệ 1/2.000 được phê duyệt trước năm 2014 và 16 đồ án quy hoạch tỷ lệ 1/500 được phê duyệt trước năm 2018 tại H.Hòa Vang, đến nay vẫn chưa triển khai các thủ tục liên quan, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của cộng đồng dân cư tại khu vực.

Theo Sở Xây dựng Đà Nẵng, qua rà soát quy hoạch, đánh giá tác động cũng như hiệu quả của các dự án, đơn vị này đã đề xuất bãi bỏ các đồ án quy hoạch không còn phù hợp, trong đó Q.Hải Châu có 4 đồ án, Q.Thanh Khê: 1 đồ án, Q.Ngũ Hành Sơn: 1 đồ án, Q.Liên Chiểu: 2 đồ án, H.Hòa Vang: 18 đồ án.

Mới đây, sở này đã có công văn gửi các quận, huyện đề nghị lấy ý kiến cộng đồng dân cư về việc bãi bỏ các đồ án quy hoạch nói trên. Tại H.Hòa Vang, UBND huyện cho biết, 100% người dân đã đồng ý hủy bỏ các đồ án bởi các quy hoạch đã kéo dài, ảnh hưởng đến quyền lợi của họ. 

Ông Phùng Phú Phong - Giám đốc Sở Xây dựng Đà Nẵng - cho hay: Sở Xây dựng sẽ báo cáo UBND thành phố xem xét thống nhất làm cơ sở triển khai các bước tiếp theo; đề nghị UBND thành phố có chủ trương cập nhật kết quả rà soát quy hoạch vào khớp nối tổng thể các đồ án quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 trên địa bàn H.Hòa Vang làm cơ sở quản lý theo quy hoạch chi tiết. 

Lê Đình Dũng

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI