Miền Trung ngổn ngang mối lo trước mùa mưa bão

25/09/2023 - 06:32

PNO - Miền Trung có nhiều điểm sạt lở núi, bờ biển trong khi nhiều công trình chống sạt lở vẫn dở dang, một số khu tái định cư cho người dân sống ở vùng nguy hiểm vẫn chưa thể thành hình do vướng thủ tục. Lúc này, mùa mưa bão lại đang cận kề.

Từ tỉnh Nghệ An đến tỉnh Quảng Nam có gần 600 điểm sạt lở đồi, núi, sông, biển, ảnh hưởng tới gần 40.000 hộ dân.  

Lo mất nhà cửa, vườn tược, đất đai

Nhà ông Nguyễn Đức Sỹ nằm ở thôn Phú Nghĩa, xã Đại An, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam, cách sông Quảng Huế chừng 50m. Ông kể, trước đây, sông Quảng Huế rất ôn hòa nhưng sau khi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNN) làm đập tràn để ngăn nước từ sông Vu Gia chảy qua sông Thu Bồn thì nước sông này chảy xiết và ăn lở vào bờ. Ông Ngô Sung - hàng xóm ông Sỹ - nói: “3 năm nay, bờ sông Quảng Huế sạt lở mạnh, dân ở đây không làm ăn chi được, mất hết đất sản xuất mà cũng chẳng được hỗ trợ gì cả”.
 

Một căn nhà ở khối phố Thịnh Mỹ (phường Cẩm An, TP Hội An, Quảng Nam) bị hư hỏng hoàn toàn do sạt lở ẢNH: ĐÌNH DŨNG
Một căn nhà ở khối phố Thịnh Mỹ (phường Cẩm An, TP Hội An, Quảng Nam) bị hư hỏng hoàn toàn do sạt lở - Ảnh: Đình Dũng

Ông Lê Văn Quang - Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc - thông tin, UBND tỉnh đã nhất trí phương án khắc phục khẩn cấp tình trạng sạt lở bờ sông Quảng Huế với kinh phí 3,8 tỉ đồng, bao gồm di dân trước mùa mưa bão năm nay. Bộ NNPTNT cũng đã kiểm tra, kiến nghị bổ sung dự án sửa chữa kè sông Quảng Huế và đập điều chỉnh nước giữa sông Vu Gia, Thu Bồn vào kế hoạch đầu tư trung hạn. 
Cuối sông Thu Bồn, ông Lê Văn Biết - ở khối phố Thịnh Mỹ, phường Cẩm An, TP Hội An, tỉnh Quảng Nam - đang cùng người thân bơm cát để chống trôi đất vườn trước mùa mưa bão: “Mấy năm gần đây, biển ăn sát vô, làm nhà cửa sụp hết. Giờ chúng tôi phải tự làm kè để giữ đất của mình. Nhà tôi trước đây ở giữa xóm mà giờ lòi ra mặt tiền biển. Tôi ở đây 3 đời, chưa bao giờ thấy sạt lở kinh như vậy”. Ở khối phố Thịnh Mỹ, có 14/17 hộ bị nước biển “ăn” mất nhà, mất đất.

Anh Phan Văn Thanh - ở bản Minh Tiến, xã Châu Tiến, huyện Quỳ Châu, tỉnh Nghệ An - đã chi hơn 100 triệu đồng đổ đất đá để đắp bù lại lượng đất bị nước cuốn trôi xuống sông Hiếu, nhưng vẫn chưa hết nỗi lo bị nước cuốn trôi mất nhà mỗi mùa mưa bão. Anh nói: “Đổ đất đá thế này chỉ là biện pháp tạm thời thôi chứ không ăn thua gì. Mùa mưa, nước lụt lại cuốn trôi hết. Chưa lũ mà nước đã làm sạt lở sát vô móng nhà tôi rồi”. Năm ngoái, hộ bà Lục - hàng xóm của anh Thanh - đã bỏ ra 150 triệu đồng san lấp vùng đất bị lở nhưng hiện giờ cũng trong tình cảnh tương tự.
 

Ông Lê Đình Tính (xóm 5, xã Hưng Yên Nam, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An) lo lắng về tình trạng đất đá từ núi cao tràn xuống phía sau nhà mỗi khi mưa lớn - ẢNH: PHAN NGỌC
Ông Lê Đình Tính (xóm 5, xã Hưng Yên Nam, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An) lo lắng về tình trạng đất đá từ núi cao tràn xuống phía sau nhà mỗi khi mưa lớn - Ảnh: Phan Ngọc

Ông Sầm Thanh Hoài - Chủ tịch UBND xã Châu Tiến - cho biết, đã đề xuất xây dựng bờ kè dọc sông Hiếu nhưng chưa được duyệt. Mùa mưa lũ, UBND xã phải cắt cử người túc trực, sẵn sàng hỗ trợ người dân di dời khi nước lũ lên nhanh.

Mưa lớn là phải di dời dân

Nhiều năm qua, UBND xã Hưng Yên Nam, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An cũng phải cắt cử 20 cán bộ, dân quân tự vệ túc trực ngày đêm ở các xóm dưới chân núi khi có mưa lớn kéo dài. 
Ông Phan Anh Nam - Chủ tịch UBND xã Hưng Yên Nam - nói: “2 ngọn núi ở đây có vết nứt dài phía trên, mép núi bị sạt lở nặng, đe dọa gần 30 hộ sống dưới chân núi nên khi mưa lớn kéo dài đến ngày thứ hai là cán bộ phải trực ở chân núi 24/24 giờ để sẵn sàng di dời người dân ra khỏi khu vực nguy hiểm”.
Phía sau lưng nhà bà Nguyễn Thị Liễu (thôn Phú Thành, xã Phú Vinh, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên - Huế) là những ngọn đồi cao. Cách đây 2 năm, đồi bị sạt, đất đá đổ xuống, xuất hiện vết nứt đe dọa 30 hộ dân. “Khi mưa kéo dài, tụi tôi phải thu dọn đồ đạc đến nơi an toàn, đóng cửa nhà rồi đi ngủ chỗ khác cho an toàn” - bà Liễu nói.
C

Biển nuốt sâu vào bờ hàng trăm mét, cuốn trôi nhiều nhà cửa, cây cối ở khối phố Thịnh Mỹ, phường Cẩm An, TP Hội An - ẢNH: ĐÌNH DŨNG
Biển nuốt sâu vào bờ hàng trăm mét, cuốn trôi nhiều nhà cửa, cây cối ở khối phố Thịnh Mỹ, phường Cẩm An, TP Hội An - Ảnh: Đình Dũng

ũng ở huyện A Lưới, 170 hộ thuộc thôn Tru Phỉ, xã Hồng Thủy cũng đang sống dưới chân núi một quả núi có vết nứt kéo dài hàng trăm mét. Mỗi khi có mưa lớn, chính quyền phải tổ chức di dời dân đến nơi an toàn. Theo ông Hồ Văn Ngưm - Phó chủ tịch huyện A Lưới - huyện chưa có kinh phí lập khu tái định cư cho dân. 

Rú Rậm ở xã Hưng Yên Nam, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An bị sạt lở loang lổ, chực đổ sập đe dọa hàng chục hộ dân sống phía dưới chân núi - ẢNH: PHAN NGỌC
Rú Rậm ở xã Hưng Yên Nam, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An bị sạt lở loang lổ, chực đổ sập đe dọa hàng chục hộ dân sống phía dưới chân núi - Ảnh: Phan Ngọc

Cũng do chưa có kinh phí, 86 hộ dân ở xã Thượng Nhật, huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên - Huế vẫn phải sinh sống dưới chân đập thủy điện Thượng Nhật, ngay ngáy lo bị ngập nước và sập núi mỗi khi thủy điện xả lũ. 

Quảng Ngãi: Cần hơn 2.167 tỉ đồng phòng, chống sạt lở
Theo ông Hồ Trọng Phương - Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Quảng Ngãi - toàn tỉnh cần khoảng 2.167,3 tỉ đồng để đầu tư, xây dựng các công trình phòng, chống thiên tai, như xây kè chống sạt lở sông, suối, khu dân cư, hồ, đập, trạm bơm… UBND 5 huyện miền núi đã đề xuất đầu tư 150 tỉ đồng để tái định cư cho dân ở các vùng có nguy cơ cao về sạt lở đất, lũ ống, lũ quét. Sở đã tổng hợp nhu cầu, đề xuất kế hoạch vốn đầu tư trung hạn cho 5 huyện này, tập trung vào 2 huyện Sơn Hà và Sơn Tây.

Đình Dũng - Thuận Hóa - Phan Ngọc

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI