Metro và những đổi thay từng ngày trong thành phố

Metro - công trình của sự quyết tâm bứt phá

09/10/2020 - 07:47

PNO - Sáng 8/10, ba toa tàu thuộc tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) đã về đến TPHCM. Gần 70% mặt bằng phục vụ tuyến metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương) cũng đã được người dân bàn giao.

Cùng với công trình metro sắp hoàn thành, TPHCM đã và đang có những đổi thay âm thầm từ trên không lẫn mặt đất, lòng đất khi mạng lưới điện chằng chịt được ngầm hóa, nhiều tuyến đường chật hẹp được mở rộng. 

Ngày 8/10, ba toa tàu metro về đến TP.HCM - ẢNH: ĐỖ MINH
Ngày 8/10, ba toa tàu metro về đến TPHCM - Ảnh: Đỗ Minh

Những tuyến metro còn lại đang hoàn thiện thủ tục. Mạng lưới đường sắt đô thị từng bước hình thành. Metro không chỉ giúp nới rộng diện tích phục vụ giao thông mà còn như một biểu trưng của sự quyết tâm bứt phá để đưa TPHCM thành đô thị hiện đại, văn minh.

Người dân đồng hành

Mấy ngày qua, ông Trần Văn Đức - 83 tuổi, ở tổ 46, khu phố 5, phường 4, quận Tân Bình - bận bù đầu. Nhóm thợ vừa giúp ông sửa xong căn nhà, còn ông lo lau dọn, sắm sửa nội thất cho căn nhà mới. “Hồi trước, nhà có diện tích sàn gần 60m2, giờ chỉ còn hơn 21m2. Bị lấy mất hơn nửa căn nhà, lẽ ra nên buồn, nhưng tui vẫn vui” - ông Đức nói.

Ông Đức là một trong số hàng trăm trường hợp có nhà chịu ảnh hưởng của dự án xây dựng tuyến metro số 2. Kể về niềm vui của mình, ông Đức cho biết, ông bàn giao cho Nhà nước 33m2 đất, nhận được 6 tỷ đồng tiền đền bù, đủ để mua ba căn hộ cho ba gia đình nhỏ của ba người con trai. Họ ra riêng, chấm dứt những năm tháng phải sống chung trong căn nhà chật chội cùng vợ chồng ông.

Nhận được 6 tỷ đồng tiền đền bù giải phóng mặt bằng, ông Đức mua được ba căn nhà cho gia đình của ba người con trai - Ảnh: T.D.
Nhận được 6 tỷ đồng tiền đền bù giải phóng mặt bằng, ông Đức mua được ba căn nhà cho gia đình của ba người con trai - Ảnh: T.D.

Nhiều năm trước, khi dự án metro số 2 vừa công bố, UBND TPHCM xác định, khâu bồi thường, giải phóng mặt bằng sẽ gặp nhiều vướng mắc. Dự án đi qua sáu quận với hơn 600 căn nhà bị ảnh hưởng. Nhưng, người dân đã đồng thuận, tự đập bỏ, tháo dỡ một phần hoặc toàn bộ căn nhà, kịp bàn giao mặt bằng cho dự án, bảo đảm tiến độ thi công cho dự án metro số 2, tạo đà cho toàn mạng lưới đường sắt đô thị sớm thành hình.

Gần 50 năm làm tổ trưởng tổ 44, ông Đức cho hay, ông nhận trọng trách vận động mấy chục hộ dân trong tổ bàn giao mặt bằng. Ban đầu, nhiều hộ không đồng ý. Khi đó, gặp ai, ông cũng thuyết phục rằng, tuyến đường Cộng Hòa và Trường Chinh luôn kẹt xe. Dự án metro số 2 không chỉ giải tỏa kẹt xe mà còn giúp thay đổi diện mạo của đô thị. “Chính quyền có làm gì cũng đều vì cái chung, vì người dân thôi” - ông Đức nói về công tác dân vận của mình.

Thực tế, những lý lẽ như ông Đức trình bày chưa đủ để một số người tin tưởng. Ngay cả đơn giá đền bù, dù thỏa đáng, vẫn không khiến họ vui lòng. Theo ông Đức, sự thành công của tuyến metro số 1 là một minh chứng để người dân tin tưởng, sớm bàn giao mặt bằng. Như bà T. - ở cách nhà ông Đức chưa đầy 2km - ban đầu nghi ngờ về dự án tuyến metro số 2 nhưng tháng Năm vừa qua, chính bà là người đầu tiên trong dãy nhà bị ảnh hưởng cầm búa đập lên tường nhà mình, tiên phong tháo dỡ và bàn giao mặt bằng khi thấy tuyến metro số 1 sắp hoàn thành.

Đi tàu điện một lần cho biết

Sáng 8/10, sau hơn một tuần rời cảng Kasado (Nhật Bản), ba toa tàu đầu tiên chạy tuyến metro số 1 đã về đến TPHCM. Dự kiến, ngày 10/10, các toa tàu này sẽ về đến cảng Long Bình (quận 9). 

Đoàn đại biểu Hội đồng nhân dân TP.HCM nhiều lần giám sát tiến độ của tuyến metro số 1 - Ảnh: T.D.
Đoàn đại biểu Hội đồng nhân dân TP.HCM nhiều lần giám sát tiến độ của tuyến metro số 1 - Ảnh: T.D.

Dành nguyên ngày 8/10 để theo dõi hành trình đưa ba toa tàu điện vào trung tâm thành phố, ông Phạm Văn Quang - 63 tuổi, ở quận 4 - tỏ ra thạo tin: “Lẽ ra, tàu về từ hai tháng trước, nhưng do dịch COVID-19 nên nay mới về tới”.
Hơn 10 năm làm bảo vệ cho một khách sạn ở quận 1, mỗi ngày, ông Quang đều đi ngang Công Trường Lam Sơn - nơi nhiều năm liền bị vây chắn để thi công ga ngầm dưới Nhà hát TPHCM, một phần của công trình tuyến metro số 1. Ông Quang kể, có thời gian, ông thường xuyên nghe lời ca thán của người dân vì các công trình cứ rào chắn, cản trở lưu thông, ảnh hưởng sinh hoạt. 

Cho đến cuối năm ngoái, qua báo chí, ông mới biết công trình đồ sộ dưới lòng đất đang hiện hình, toàn tuyến dần thông suốt, các đoạn đường ray trên cao cũng lần lượt hoàn thiện. Từ đó, tiếng phàn nàn của người dân cũng chấm dứt. Chỉ tay vào đường dẫn xuống ga ngầm Bến Thành, ông Quang nói: “Chắc mình sắp được xuống đó tham quan rồi. Khi nào tàu điện chạy, tui cũng đăng ký đi một lần cho biết”. Theo Ban Quản lý đường sắt đô thị TPHCM, dự kiến cuối năm 2021, người dân có thể đi tàu điện. 

Dự án xây dựng tuyến metro số 1 từng nhiều lần chậm tiến độ, gây bức xúc cho người dân. Dự án cũng từng thay đổi vốn, điều chỉnh thiết kế, hành lang pháp lý chưa rõ ràng, hàng loạt công trình bị chồng lấn, một số nhà thầu muốn bỏ cuộc… UBND TPHCM đã liên tục họp để tháo gỡ các vướng mắc trên. Trong gần hai năm qua, tiến độ thi công đã thông suốt, hơn 2.000 công nhân, kỹ sư, chuyên gia đã miệt mài làm việc để bảo đảm đưa tuyến metro đầu tiên cả nước đi vào hoạt động cuối năm tới. 

Tuyết Dân 

 

 

 

 


 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI