Mẹ chồng cầu cứu con dâu cũ

11/10/2022 - 12:14

PNO - Quả thật, rồi cũng tới ngày Bảo khóc, đó là khi túi tiền phòng thân cạn kiệt, lương bị cắt giảm mà vẫn phải cung phụng đến 2 cô bồ…

 

Trên đỉnh cao thành công, anh không nghĩ có ngày phải quay về năn nỉ vợ cũ (Ảnh minh họa)
Trên đỉnh cao thành công, anh không nghĩ có ngày phải quay về năn nỉ vợ cũ (Ảnh minh họa)

Khi Vân và Bảo có với nhau một cậu con trai đáng yêu sau 10 năm kết hôn cũng là lúc Bảo hoàn thành luận án tiến sĩ.

Vân thủ thỉ: “Vậy thì năm nay mình sinh thêm một công chúa, cho đủ nếp đủ tẻ nghe anh!”. Bảo gật đầu cái rụp, nâng ly bia cụng vào ly nước ngọt của Vân trong tiệc liên hoan mừng Bảo từ vị trí trưởng phòng thăng chức phó giám đốc kinh doanh. Những tưởng từ đây cuộc sống gia đình của họ sẽ viên mãn.

Vậy mà chỉ 3 năm sau, Vân và Bảo hẹn nhau ở tòa để giải quyết đơn thuận tình ly hôn. Bởi từ ngày có chức, có quyền, cộng với có tiền, có xe hơi, Bảo đi sớm về muộn, cặp kè một lúc mấy cô. 

Vân đã làm đủ cách níu kéo, khơi lại ngọn lửa tình yêu, sưởi ấm gia đình. Nhưng người phụ nữ tuổi 40 với trách nhiệm làm vợ, làm mẹ và làm dâu, cộng với công việc kế toán ở công ty, khiến Vân không đủ thời gian chăm sóc cho bản thân tươi mát, luôn rực lửa yêu đương, để vừa mắt và phục vụ thỏa đáng ông chồng phong độ ngời ngời cộng sự hãnh diện tiền tài, địa vị. 

Vân mệt mỏi buông tay.

Ngày Vân rời căn nhà ra đi, má chồng khóc nức nở, ôm cháu nội quyến luyến không rời. Bảo gắt: “Má cứ để cho nó theo mẹ nó đi! Xem có sống nổi không!”.

Vân nghẹn đắng, nắm tay con bước ra khỏi cửa, thề với lòng không bao giờ quay lại, dù chỉ để thăm mẹ chồng cũ. "Ít nhiều gì cũng là mẹ con sống bên nhau mười mấy năm trời, đâu thể đi là đi luôn", Vân đã từng nghĩ vậy, nhưng câu nói của Bảo như nhát dao cắt đứt tất cả.

3 năm sau, thời điểm đại dịch COVID-19 bắt đầu ngay lúc má chồng cũ bị tai biến nằm một chỗ. Nghĩ ơn bà tử tế với mình ngày xưa, Vân qua chăm bà một thời gian rồi từ biệt khi có lệnh giãn cách xã hội. Bà nằm chảy nước mắt mà không dám xin Vân ở lại thêm ngày nào, vì nhớ những gì con trai đã nói, đã làm với Vân. Bảo phải thuê người đến chăm bà.

Đại dịch bùng lớn. Bảo may mắn vẫn giữ được chỗ làm, tuy thu nhập có sút giảm, nhưng trách nhiệm để nuôi cùng lúc 2 cô vợ hờ thì vẫn phải bảo đảm, của cải dần đội nón ra đi.

Chỉ còn căn nhà đang ở, Bảo cũng rao bán, hứa thuê một căn nhà khác để đưa mẹ về ở đó. Mẹ Bảo gọi điện thoại nhờ con dâu cũ giúp: “Nhà này phải giữ lại để mẹ cho thằng Quốc, con trai của con, cháu nội duy nhất của mẹ. Con đừng cho nó bán”.

Bà năn nỉ Vân, vì căn nhà là của Bảo cất trên nền nhà của bà, thời gian đó bà sang tên cho vợ chồng Bảo và Vân đứng sổ hồng, sau ly hôn cô ra đi tay trắng nên không chia tài sản. Bây giờ, nếu Vân không ký tên thì Bảo không bán được.

Kế hoạch bán nhà xem như phá sản, trong khi hai cô vợ hờ đòi chu cấp ngày một nhiều hơn. Chán nản, Bảo lên tiếng chia tay. Cô A. nói: “Anh mà bỏ tôi là tôi tạt a xít cho anh tàn đời”. Quá hiểu tính cách của A., Bảo biết A. luôn “nói được thì làm được”.

Bí quá, Bảo nói chia tay B., B. hiền ngoan hơn: “Em sẽ mua can xăng tự thiêu chết chung với anh. Em không thể sống thiếu anh được”.

Cô B. thuộc típ phụ nữ tuy hiền lành nhưng liều lĩnh, dám bỏ nhà để theo sống với Bảo từ lúc Bảo đang còn chưa ly hôn với Vân, thì chuyện dám chết với Bảo cũng có thể lắm chứ.

Nhưng điều Bảo sợ không phải là ai dám chết thật, chết riêng, hay cùng chết với Bảo, mà chính là sợ các bà vợ hờ đến nơi làm việc quậy, Bảo sẽ bị đuổi việc. Chuyện "ăn không được phá cho hôi" cũng thường, xảy ra như cơm bữa trong xã hội, không lo sao được!

Anh không nghĩ sẽ có ngày mình rơi vào cảnh này (Ảnh minh họa)
Anh rơi vào cảnh khổ sở này vì phải nuôi 2 cô bồ khi tài chính cạn kiệt (Ảnh minh họa)

Bảo qua tìm mẹ vợ cũ, ngồi khóc: “Má ơi! Má nói giúp con. Giờ chỉ có Vân là cứu được con thôi. Dù gì Vân cũng là vợ chính thức, có con chung với con, danh chính ngôn thuận. Vân mới đủ tư cách đứng ra giành con lại từ A. và B. Khi vợ của con lên tiếng, họ không dám làm gì, con mới thoát được tay họ, má à”.

Bà mẹ vợ ngồi nhìn thằng rể cũ như nhìn sinh vật lạ, tức nghẹn họng!

Vân nghe mẹ ruột kể lại, dòng nước mắt uất hận bỗng tuôn tràn. Bao năm nay, khi Vân một mình gồng gánh nuôi con, chăm sóc mẹ chồng vì nặng nghĩa, cũng là lúc hàng tháng Bảo chu cấp tiền cho 2 người phụ nữ sống an nhàn. Không phải vất vả lo toan, nên cả hai cứ đeo dính gã chồng hờ, không ai chịu buông. Bảo không hề phụ Vân lo cho con trai, ngoài 2 triệu đồng mỗi tháng theo phán quyết của tòa.

Khóc chán, Vân nhẹ nhàng nói với mẹ: “Con khóc hết nước mắt rồi đó má. Giờ má cứ để cho anh ta khóc. Con không quan tâm đâu!”.

 

Trúc Anh

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI