Mâu thuẫn gia đình từ chuyện phòng dịch virus corona

07/02/2020 - 12:56

PNO - Mẹ chồng tôi rất ý thức việc phòng chống dịch bệnh nhưng bà lại tuyệt đối hoá tác dụng của khẩu trang...

Khi có thông báo học sinh nghỉ học để phòng dịch bệnh virus corona, chồng tôi tức tốc về quê trong đêm để đón bà nội lên trông con. Nhờ vậy, vợ chồng tôi yên tâm đi làm mà không phải sốt sắng tìm chỗ gửi con như nhiều gia đình khác.

Nhưng mới được vài ngày, bà đã nằng nặc đòi về. Nguyên nhân xuất phát từ việc bà và chồng tôi tranh cãi việc phòng tránh dịch như thế nào cho đúng, mỗi người mỗi ý thành ra bất đồng quan điểm.

Lúc lên nhà tôi, mẹ chồng đem theo mấy hộp khẩu trang y tế. Bà kể, phải chen lấn ở tiệm thuốc tây trên chợ huyện gần cả buổi sáng mới mua được. Nghe tình hình khẩu trang khan hiếm, sợ chúng tôi không mua được nên bà đem lên cho.

Mẹ chồng tôi cho rằng cách phòng dịch bệnh tốt nhất là đeo khẩu trang nên bắt cháu mang khẩu trang cả ngày dù ở trong nhà đóng kín cửa. Ảnh minh hoạ
Mẹ chồng tôi cho rằng cách phòng dịch bệnh tốt nhất là đeo khẩu trang nên bắt cháu mang khẩu trang cả ngày dù ở trong nhà đóng kín cửa. Ảnh minh hoạ

Tôi cũng bớt lo lắng khi thấy mẹ chồng cập nhật thông tin về dịch bệnh để phòng tránh kịp thời. Chỉ có điều bà tuyệt đối hoá tác dụng của khẩu trang, cứ nghĩ chỉ cần đeo liên tục sẽ phòng tránh được bệnh dịch. Bởi thế, ở nhà, bà nội đóng kín cửa, bắt hai cháu đeo khẩu trang cả ngày khiến chúng rất khó chịu.

Chồng tôi góp ý, chỉ khi nào đến nơi đông người mới cần đeo để ngăn ngừa giọt bắn của người xung quanh ho, khạc nhổ bám vào và mở cửa cho nhà cửa thông thoáng để ngăn ngừa dịch bệnh.

Bà bảo, nếu khẩu trang không ngừa được dịch bệnh thì việc gì người ta phải chen chúc mua như thế. Không cho con đi ra ngoài mà lại mở cửa cho virus bay vào nhà. Sợ bà giận, chúng tôi cũng không dám tranh luận thêm.

Nếu chuyện chỉ dừng lại ở đó thì không có gì để nói, đằng này do cháu quấy khóc vì không được ra ngoài chơi, bà cho cháu chơi trong thang máy. Bọn trẻ rất thích, mặt đeo khẩu trang nhưng tay cứ bấm số các tầng đi lên đi xuống.

Tôi phải giải thích rằng điều này rất nguy hiểm vì virus corona lây nhiễm qua bề mặt nhiễm bệnh. Virus tồn tại trên các bề mặt gỗ, thép, vải từ 6 tới 12 tiếng nên khi bọn trẻ sờ tay lên các bề mặt đó, đưa lên mũi, mắt sẽ dễ dàng bị lây bệnh.

Nút bấm trong thang máy cũng trở thành bề mặt lây nhiễm virus corona
Nút bấm trong thang máy cũng trở thành bề mặt lây nhiễm virus corona vì nó có thể tồn tại trên bề mặt gỗ, kim loại, vải khoảng 12 tiếng. Ảnh minh hoạ

Mà tay trẻ con có lúc nào yên, bấm nút thang máy xong đưa tay lên dụi mắt, ngoáy mũi. Đặc biệt, khu chung cư tôi ở, người nước ngoài thuê nhà khá nhiều và chúng tôi cũng thường xuyên gặp họ khi đi chung thang máy. Nếu có người mang mầm bệnh thì bọn trẻ dễ bị lây nhiễm khi chơi các nút bấm.  

Biết chuyện, chồng tôi nhắc bà đừng cho cháu chơi như thế nữa. Ngoài việc có nguy cơ lây nhiễm bệnh dịch thì nếu ban quản lý chung cư biết sẽ bị phạt. Nhưng bà khăng khăng bảo vệ ý kiến, rằng bệnh chỉ lây khi tiếp xúc với người  bị nhiễm mà không đeo khẩu trang chứ làm gì lây qua trung gian đồ vật. Sự bất đồng quan điểm đó khiến bà thấy khó chịu, nghĩ vợ chồng tôi quá khắt khe. Bà nói dỗi: “Anh chị hiểu biết khoa học thì tự đi mà trông con cho an toàn, chứ tôi ở quê chỉ biết đeo khẩu trang là được rồi”.

Nếu bà giận mà về quê thật thì vợ chồng tôi chẳng biết làm sao vì không ai trông con giùm trong khi thời gian nghỉ học của bọn trẻ chắc sẽ còn kéo dài. Nhưng để giải thích cho bà hiểu cơ chế lây nhiễm của bệnh dịch để có cách phòng tránh hiệu quả ngoài việc đeo khẩu trang lại quá khó.

                                                                                                         Thuỳ An

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI